Kỳ Sơn là huyện biên giới xa xôi nhất của tỉnh Nghệ An.
Con suối Huồi Giảng chảy qua xã Tà Cạ thường ngày chỉ là một khe nước nhỏ.
Thế mà, đợt lũ này về, suối Huồi Giảng nhanh chóng biến thành "con thuồng luồng", nhấn chìm, cuốn trôi mọi thứ. Lũ quét làm chết một cháu bé 4 tháng tuổi, trôi và sập hoàn toàn 14 ngôi nhà, hàng trăm ngôi nhà hư hỏng nặng. Tài sản cũng theo dòng nước lũ cuốn đi. Bà con chỉ kịp chạy lên rừng thoát thân, rồi từ trên cao nhìn về ngôi nhà cả đời người chắt chiu, gom góp bị cuốn trôi mà chẳng thể làm được gì.
Bên căn nhà xiêu vẹo, trơ trọi lại mấy chiếc cột nhà, chị Lô Thị Xay, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ và mẹ chồng đang lót dạ bằng nắm xôi do người dân trong bản mang đến cứu trợ. Chị Xay là mẹ của chiến sĩ Vi Huy Hùng, đang làm nhiệm vụ tại Trung đoàn 3, Sư đoàn 324. Chồng mất sớm, một mình chị và mẹ chồng sống trong căn nhà sàn nhỏ. Mỗi ngày, chị đi bốc vác, phụ hồ, ai thuê gì làm nấy. Gia đình chị Xay thuộc diện khó khăn nhất trong bản.
Lũ về, cuốn đi mọi đồ dùng, vật dụng chẳng còn một thứ gì, chỉ để lại một đống đất đá ngổn ngang trong căn nhà. Mấy hôm nay, chị và mẹ chồng phải đi ở nhờ nhà hàng xóm. Thấy bộ đội đến giúp gia đình mình dọn nhà, chị Xay vội đặt nắm xôi xuống, chạy ra đón, rơm rớm nước mắt nói: “Nhà toàn đàn bà con gái, dọn được đống đất đá này không biết bao giờ mới xong. Mong các chú giúp để gia đình có nơi đặt chiếc giường nghỉ ngơi, chứ hai mẹ con dắt nhau đi ở nhờ nhà hàng xóm mãi cũng không được!”.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 764 giúp gia đình chị Lô Thị Xay, bản Hòa Sơn sửa sang nhà cửa. |
Thấy chị Xay xúc động, Thiếu tá Võ Văn Hiệp, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 764 (Bộ CHQS tỉnh Nghệ An) đang chỉ huy lực lượng giúp đỡ các gia đình xã Tà Cạ, an ủi: “Chúng tôi đưa 10 đồng chí đến giúp chị dọn lũ và tu sửa lại căn nhà để gia đình ở tạm. Mong rằng chiến sĩ Vi Huy Hùng đang xa nhà sẽ an tâm làm nhiệm vụ”. Đôi mắt chị Xay rưng rưng cảm động. Giọt nước mắt lăn dài trên gò má chai sạn của người phụ nữ miền núi. Nhìn các cán bộ, chiến sĩ đang giúp mình dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, chị cứ ngỡ con trai mình đang ở đây, trên môi chị thoáng nở một nụ cười.
Tác nghiệp tại Kỳ Sơn những ngày sau cơn lũ quét, chúng tôi được dịp rèn luyện đôi chân của mình. Muốn vào bản Hòa Sơn và Sơn Hà thuộc xã Tà Cạ, phải đi bộ nhích từng bước một qua quãng đường ngập ngụa bùn đất, lội trong dòng nước chảy xiết đến tận đầu gối. Những hòn đá to nhỏ đủ các kích thước nằm la liệt giữa lối đi. Cây cối, nhà cửa ngã đổ giăng bẫy như mạng nhện. Con suối Huồi Giảng nước vẫn chảy cuồn cuộn, bộ đội Quân khu 4 đã làm 3 chiếc cầu tạm ở các khúc suối cạn để người dân đi lại. Lương thực, nhu yếu phẩm cứ thế được “tăng bo” qua những chiếc “cầu khỉ”, trên đôi vai của bộ đội và dân quân đến với bà con.
|
|
Đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đến thăm hỏi, trao quà tặng gia đình chị Vờ Y Dờ, bản Sơn Hà. |
Sau trận lũ quét, khó khăn nhất của bà con Kỳ Sơn là mất điện, mất nước. Trạm thu nước nằm trên đỉnh núi Pù Nghiêng của bản Hòa Sơn cũng là đầu nguồn của dòng thác Tạc Ảng. Đường lên đó khoảng 3 cây số nhưng phải đi bộ vì sạt lở nặng. Nhiệm vụ này nặng nề, khó khăn nhất nên chính quyền địa phương chỉ trông cậy vào bộ đội. Hơn 80 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 764 và Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 do Thượng tá Đinh Xuân Lâm, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 764 (Bộ CHQS Nghệ An) chỉ huy đội mưa, vượt lầy, lên đỉnh Pù Nghiêng sửa trạm thu nước. Cùng bộ đội bám làng bản những ngày đó, đôi mắt thâm trũng vì mất ngủ của Đại tá Dương Minh Hiền, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Nghệ An nhiều lúc ngấn nước.
Mãi sau này, khi nước ngọt đã về bản, đứng bên dòng Huồi Giảng ngầu đục, tôi gợi chuyện: “Anh cũng hay xúc động nhỉ, chẳng cứng như em nghĩ”. Anh Hiền cười nhẹ mà rằng: “Lúc ấy tôi lo lắm. Trời mưa, nguy cơ sạt lở cao, quá trình làm nhiệm vụ dễ mất an toàn, rất nguy hiểm đến tính mạng bộ đội. Thú thực, khi anh em về đủ người, tôi mới trút được gánh nặng”.
Quá trình giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả lũ quét tại bản Hòa Sơn, các chiến sĩ Trung đoàn 764 phát hiện một chiếc két sắt dưới lớp đất dày. Để xác định danh tính chủ nhân chiếc két sắt, Trung đoàn 764 đã phá chiếc két trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và bà con nhân dân. Trong chiếc két có 60,8 triệu đồng tiền mặt, 3 sợi dây chuyền vàng, 2 nhẫn vàng, 4 vòng bạc cùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ xe và sổ bảo hiểm xã hội. Dù bị ngâm trong bùn đất mấy ngày nhưng các giấy tờ vẫn rõ tên chủ nhân. Toàn bộ tài sản trong két được xác định là của gia đình chị Lương Thị Ỏn.
Được địa phương thông báo tìm thấy một chiếc két sắt, chị Ỏn chạy đến xem và vỡ òa vì vui mừng. Khi lũ về bất ngờ và dữ dội, chị Ỏn chị kịp “bỏ của chạy lấy người”, không mang theo được thứ gì kể cả tài sản chắt chiu, dành dụm trong két. Sau lũ, chị trở về thì đồ vật trong nhà trôi hết, chẳng còn một thứ gì. Xót của, nhiều đêm chị Ỏn không ngủ được. Ban ngày, chị Ỏn cứ tha thẩn đi dọc dòng suối để mong tìm lại được chiếc két sắt, tài sản tích góp cả một đời lao động vất vả.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 764 trao lại tài sản trong chiếc két sắt cho gia đình chị Lương Thị Ỏn. |
Tìm thấy két, chị Ỏn vô cùng xúc động. Chị cười trong nước mắt, nói: “Mình cứ ngỡ trắng tay, mất hết rồi. May sao két sắt không bị trôi theo suối ra sông Nậm Mộ. Cảm ơn các chú bộ đội nhiều lắm!”. Cán bộ, chiến sĩ và bà con trong bản Hòa Sơn ai cũng mừng cho chị Ỏn, bởi không phải người nào cũng may mắn tìm lại được tài sản sau lũ. Tại xã Tà Cạ, 14 gia đình có nhà bị trôi, đổ sập hoàn toàn. Họ trắng tay sau lũ.
Lũ dữ đi qua, đồng bào dân tộc Thái, Mông lại càng đùm bọc, thương nhau hơn. Những người dân trong bản không bị thiệt hại đã tổ chức bếp ăn, sắp xếp chỗ ngủ cho các gia đình có nhà bị cuốn trôi, đổ sập. Chị Vi Thị Hiển và Hoàng Thị Xuân, ở bản Hòa Sơn đều đặn ngày ba bận nấu ăn cho mấy gia đình trong bản không còn nhà cửa. Người góp nhau quả trứng, con cá khô làm bữa cơm đạm bạc. Bếp ăn nghĩa tình của các chị được nhiều người dân, nhà hảo tâm góp sức.
|
|
Bộ đội làm cầu tạm để người dân đi lại. |
Tối đến, mười mấy gia đình trải chiếu ngủ giữa sàn nhà của gia đình chị Xuân. Thấy nhiều bà con trong bản trôi hết tài sản, thậm chí quần áo cũng chẳng còn để mặc, anh Nguyễn Văn Sáu, ở bản Hòa Sơn đã kêu gọi quyên góp quần áo cũ, rồi tập kết đến một điểm, thông báo cho bà con đến lựa chọn mặc tạm. Giữa hoang tàn, đổ nát sau lũ, Kỳ Sơn thật ấm áp tình người.
Cuộc sống sau trận lũ quét còn rất nhiều khó khăn và phải mất một thời gian dài nữa mới có thể hồi phục. Nhưng chúng tôi tin, sự giúp sức của lực lượng vũ trang và các nhà hảo tâm sẽ là động lực to lớn để người dân Kỳ Sơn vượt qua hậu quả thiên tai. Rồi đây, cuộc sống mới sẽ hồi sinh trên mảnh đất này và người ta cũng sẽ không quên nhắc nhau về những câu chuyện ấm áp tình người khi lũ dữ đi qua.
Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ