Cơn lũ đã đi qua, nhưng hành động dũng cảm cứu dân của anh Phạm Văn Tây, Phó chỉ huy trưởng, Ban CHQS xã Hòa Kiến và anh Mã Lê Trung, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Kiến (Tuy Hòa, Phú Yên) vẫn được bà con nhân dân ở đây nhắc mãi. Trong lúc tham gia giúp dân, các anh phát hiện một người đang đu bám lơ lửng trên ngọn cây giữa dòng nước chảy xiết. Nhìn thấy người bị nạn mà ca nô thì không thể tiếp cận. Không chút do dự, anh Phạm Văn Tây và anh Mã Lê Trung mang theo dây cùng lao ra giữa dòng nước để tiếp cận người gặp nạn. Nạn nhân là ông Trần Minh Long, 65 tuổi, nhân viên bảo vệ chợ Hòa Kiến (Tuy Hòa).
Xuất phát cùng lúc, nhưng bơi được nửa chặng đường thì anh Trung kiệt sức và phải quay lại, còn anh Tây tiếp tục tiếp cận và triển khai đưa dây, áo phao cho nạn nhân... Viết vài dòng vậy thôi nhưng cũng phải mất hơn 2 giờ anh Tây và lực lượng trợ giúp mới đưa được ông Long lên bờ an toàn. Ông Long nói: "Nếu không có sự dũng cảm của anh Tây và lực lượng cứu hộ thì cái chết đến với tôi là điều chắc chắn. Tôi biết ơn các anh nhiều lắm”.
|
|
Lực lượng vũ trang Phú Yên sơ tán dân trong đêm. Ảnh: ĐỨC NGHĨA
|
Đêm 30-11 và rạng sáng 1-12 vừa qua, TP Tuy Hòa chìm trong biển nước và trở thành địa phương chịu nặng nề nhất trong toàn tỉnh. Bộ CHQS tỉnh Phú Yên đã điều động 4 tổ cứu hộ, cứu nạn, với hơn 50 cán bộ, chiến sĩ và gần 10 phương tiện ca nô, ô tô các loại, cơ động giữa đêm khuya để cứu người dân. Các tổ cứu hộ cùng lực lượng công an, biên phòng đã sơ tán di dời gần 2.100 hộ với hơn 7.200 nhân khẩu ở khu vực bị ngập và nguy cơ sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn. Giữa đêm đen đỉnh lũ ấy, tại khu phố Mỹ Lệ Tây, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, chị Lê Thị Thanh Hóa, 35 tuổi, ôm đứa con mới 10 ngày tuổi trên tay. Chị hoàn toàn bất lực, hốt hoảng trước đồng nước mênh mông đang cô lập ngôi nhà mình. Chị bàng hoàng kể lại: “Tôi không nghĩ nước lũ lên nhanh khủng khiếp như vậy. Nếu không có lực lượng chức năng đến cứu kịp thời, thì giờ này mẹ con tôi và ba mẹ già đã bị lũ cuốn trôi theo dòng nước!”. Sau khi thoát khỏi dòng lũ, chị và gia đình được lực lượng cứu hộ đưa về trú tạm trên chính căn phòng làm việc của lực lượng dân quân thường trực, Ban CHQS thị trấn Phú Thứ.
Không chỉ cứu dân mà ngay trong đêm lũ ấy, Ban CHQS thị trấn Phú Thứ đã phối hợp với Hội Phụ nữ thị trấn tổ chức nấu cơm phục vụ người dân, quyết tâm không để người dân bị đói, bị lạnh. Chị Trần Trương Thị Ngọc Diệu, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Phú Thứ đã vận động một số cán bộ, hội viên tập trung trong đêm, đến nấu cơm phục vụ người dân và lực lượng cứu hộ. Nhiều chị em còn mang theo nước uống, các nhu yếu phẩm thiết yếu để tiếp tế cho bà con.
Hướng về huyện Sông Hinh, cũng trong đêm 30-11 và rạng sáng 1-12, khi nước lũ dâng cao, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên đã huy động 11 cán bộ, QNCN cùng gần 20 cán bộ, QNCN của Ban CHQS huyện Sông Hinh, lực lượng dân quân đem theo hai chiếc ca nô tiến hành sơ tán hơn 800 hộ dân đến nơi an toàn. Đại úy Ngô Thành Lâm, trợ lý tác chiến, Ban CHQS huyện Sông Hinh dù đã rất mệt vì chân tay ngâm nước nhiều giờ liền, người run rẩy nhưng vẫn cố gắng ôm bế người già lên xuống ca nô. Còn Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Cảnh, nhân viên lái ca nô Ban CHQS huyện Sông Hinh thì dường như quên hết cả mệt mỏi vì liên tục phải tập trung cao độ, căng mắt đón từng ngọn sóng lũ để vượt qua an toàn. Với anh, cái khó lúc này là phải bảo đảm an toàn cho người và phương tiện trong quá trình vượt lũ dữ. Anh Cảnh cho biết: “Anh em tôi cùng chiếc ca nô này đã sơ tán hàng chục hộ dân từ sáng đến đêm mà chẳng ai nề hà vất vả, ướt lạnh... Nỗi lo nhất của tôi là ca nô gặp sự cố thì không biết lấy gì để cứu bà con” .
Thượng tá Trần Trung Thủy, Phó tham mưu trưởng, kiêm Đội trưởng, Đội Cứu hộ, cứu nạn, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên là người lên ca nô trực tiếp cứu 6 hộ dân bị mắc kẹt giữa dòng sông Ba (đoạn thị xã Đông Hòa). Ngay sau khi nhận được tin có 6 người đang mắc kẹt giữa bãi bồi trên sông Ba, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên đã huy động hai xuồng công suất lớn cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ vượt lũ, sau nhiều giờ nỗ lực, các anh đã đưa được tất cả bà con vào bờ an toàn. Khi được bộ đội cứu thoát khỏi dòng nước lũ, bà Phan Thị Hương, 57 tuổi, ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa xúc động: “Tôi ra bãi bồi trồng cỏ, nuôi được hai con bò. Nghe tin lũ về mà bỏ đi không đành. Nhờ các chú bộ đội đến, vừa cứu được người, vừa giúp tôi cột được bò lên cao. Hai con bò là tất cả tài sản của vợ chồng tôi”.
Thượng tá Trần Trung Thủy cho biết thêm: “Trên dòng sông Ba này, đến mùa khô nhiều người dân ở các xã ven sông của huyện Tây Hòa, Phú Hòa và thị xã Đông Hòa, thường tận dụng các bãi bồi giữa sông để trồng cỏ, nuôi bò và mưu sinh tại đây. Bởi vậy, mỗi khi lũ về, tính mạng và tài sản của đồng bào bị đe dọa nghiêm trọng”.
Thêm câu chuyện trong đêm khuya, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Phú Hòa khiến người dân vô cùng xúc động, cảm phục và được chia sẻ rộng rãi trên cộng đồng mạng trong những ngày vừa qua. Đó là hình ảnh bộ đội cứu 3 mẹ con một phụ nữ, trong đó có hình ảnh cháu bé đỏ hỏn nằm trong chậu lênh đênh giữa dòng nước. Đưa mẹ con vào bờ an toàn, các anh mới được biết, đó là vợ con của anh Trần Văn Thanh (xã Hòa An, huyện Phú Hòa). Anh Thanh là bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên. Dù biết vợ con sẽ gặp nguy hiểm khi lũ dâng cao, nhưng anh Thanh không thể về được vì đang công tác xa.
|
|
Lực lượng vũ trang Phú Yên sơ tán dân trong đêm. Ảnh: ĐỨC NGHĨA |
“Trận lũ đi qua đã để lại cho cấp ủy, chính quyền và người dân thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Đặc biệt, các đơn vị đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, thường xuyên kiện toàn đầy đủ quân số, kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão lũ, cả về lực lượng và phương tiện, trang bị... Cùng với đó là thực hiện theo tinh thần cứu người trước, tài sản, gia súc sau. Nhờ đó, LLVT tỉnh Phú Yên đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn”, Đại tá Đỗ Quốc Đạt, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên đã khẳng định như vậy khi trò chuyện với chúng tôi.
Tính đến nay, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân; sử dụng hơn 40 ca nô và ô tô các loại. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng di dời gần 8.500 hộ, với gần 30.000 nhân khẩu... Sau khi nước rút, những ngày qua, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục huy động hàng nghìn ngày công của bộ đội và dân quân, tổ chức giúp dân thu dọn bùn đất, vệ sinh đường giao thông, trường học, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
NGUYỄN VĂN HẠNH