Bởi trót yêu văn hóa dân tộc

Nhớ đợt nghe tin tác giả Bùi Huy Vọng nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho cụm công trình: Phong tục làm Chay-Tập I: Tục làm Chay 7 cờ của người Mường (phần do Mỡi làm chủ tế); Tang lễ cổ truyền của người Mường-3 tập, tôi mừng rỡ chia vui và không quên “khoe” với bạn bè người Hòa Bình về một người con đặc biệt của quê hương mình. Có người còn hỏi, tác giả hẳn là nhà nghiên cứu, phó giáo sư, tiến sĩ? Nhưng, chỉ những người biết và hiểu Bùi Huy Vọng mới rõ, anh chỉ là một cựu quân nhân, nông dân, bởi lỡ say mê với việc bảo tồn văn hóa dân tộc mà dấn thân vào con đường nghiên cứu.

Sinh năm 1967 tại vùng đất cổ Mường Vang (nay thuộc xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), cũng như bao thanh niên khác của dân tộc Mường, năm 1985, Bùi Huy Vọng lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự và công tác tại Sư đoàn 355, Quân đoàn 29, Quân khu 2. Anh là nhân viên Đồ bản thuộc Phòng Tác chiến Sư đoàn 355; sau đó, chuyển sang Đại đội 39 Hóa học, trực thuộc Sư đoàn 355, đóng quân tại biên giới Lào Cai.

Có lần anh tâm sự với tôi, ngay từ những năm tháng trong quân ngũ anh đã đam mê đọc sách, báo, đặc biệt là các phóng sự, ghi chép, nghiên cứu có tính chuyên sâu về vùng đất, con người, bản sắc của mỗi vùng miền. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1989, anh về địa phương và trở thành một nông dân thực thụ, rồi sau đó bắt đầu công việc của một nhân viên tại điểm Bưu điện văn hóa xã. Lúc này, dù đồng lương eo hẹp (hệ số lương 1,0), nhưng bù lại, anh được thỏa mong ước bấy lâu là đi khắp các xã trên địa bàn, gặp gỡ nhiều người dân, nhất là các bậc cao niên và được tiếp thu những giá trị văn hóa của quê hương, dân tộc mình. Nghĩ lại, anh bảo: “Đó là thời gian mình tích lũy như ong tìm mật, như người đãi cát tìm vàng để chuẩn bị cho một hành trình đầy thử thách”.

Đầu những năm 2000, cái tên Bùi Huy Vọng bắt đầu xuất hiện trên các trang của Báo Văn nghệ Hòa Bình (nay là Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình) với các sáng tác văn xuôi, như: Truyện ngắn, ký, ghi chép... Nhưng rồi, sức hút của văn hóa bản địa và nỗi lo về nguy cơ mai một các giá trị truyền thống thôi thúc anh chọn con đường khác làm lẽ sống của mình, đó là sưu tầm, khảo cứu văn hóa, như trong một lần trả lời phỏng vấn trên báo, anh từng chia sẻ: “Sẽ rất uổng phí nếu những liên kết văn hóa của người Mường ở các vùng miền bị đứt gãy, việc của mình là ghép lại, ghi chép và lưu giữ”.

Cứ lặng lẽ dấn thân, tích lũy, vừa sưu tầm, vừa tư duy, học hỏi, anh đã thành một nhà nghiên cứu từ lúc nào. Dần dà, với những nghiên cứu đóng góp về văn hóa dân gian, Bùi Huy Vọng được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình; rồi Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trước khi chấm dứt công việc của một nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã, anh từng tâm sự với tôi và thể hiện khát vọng muốn dành toàn tâm, toàn ý cho đam mê nghiên cứu văn hóa của mình. Tôi chỉ biết nói với anh rằng: “Anh hãy buông bỏ mọi lo âu mà dũng cảm cháy lên như ngọn lửa với những khát vọng, đam mê của mình, chỉ có như thế mới không phải nuối tiếc”.

leftcenterrightdel

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng. Ảnh: Phương Việt 

Miệt mài trên con đường chông gai

Công việc nghiên cứu với một người làm nghiên cứu trong môi trường chuyên nghiệp vốn đã đầy chông gai; với một quân nhân trở về làm nông dân như anh lại càng khó khăn gấp nhiều lần. Khi bước vào nghiên cứu, chính anh đã nhận ra cần có cái nhìn vĩ mô, tổng thể để nhìn nhận toàn diện, sâu sắc về văn hóa Mường. Thế là, thêm một lần nữa, người cựu quân nhân lại dũng cảm vượt qua một thách thức mới với những chuyến đi đến các vùng đất khác, nơi có đồng bào Mường sinh sống. Hình ảnh anh khoác ba lô hào hứng với những chuyến đi, khiến tôi cảm nhận được trong anh luôn tràn đầy nhiệt huyết, niềm say mê với những giá trị văn hóa của chính con người, quê hương mình.

Nhưng, nếu như “khoác ba lô lên và đi” với nhiều người như là một trào lưu, thật ngẫu hứng, dễ dàng, thì với Bùi Huy Vọng, đi là cả một kế hoạch công phu và mạo hiểm bằng những đồng tiền khiêm tốn từ nhuận bút các bài báo, dịch thuật... Rồi để trang bị được chiếc điện thoại thông minh, máy ghi âm, máy ảnh, máy tính... phục vụ việc nghiên cứu, không biết anh đã phải xoay xở, tiết kiệm thế nào cho niềm say mê cháy bỏng ấy. Có lẽ điều may mắn nhất là anh luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của gia đình, bạn bè, đặc biệt là các nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài tỉnh, trong đó có cả những giáo sư đầu ngành. Đó có khi là nhiều đêm trời rét, về đến nhà đã 23 giờ, nhìn mâm cơm nóng vợ dọn ra vừa thấy ấm lòng vừa thương người bạn đời, hậu phương vững chắc. Hay đôi khi chỉ là những cái nắm tay nhau động viên của bạn bè văn nhân, đã tiếp thêm sức mạnh khích lệ anh bước tiếp.

Thế là, suốt hai thập kỷ, khi người ta mải lo sắm sửa đất cát, xe cộ thì Bùi Huy Vọng đã đi khắp các vùng Mường Bi, Vang, Thàng, Động và các vùng có người Mường di cư, sinh sống trên cả nước. Tài sản đồ sộ mà anh có được chính là một kho vốn liếng tri thức, tư liệu vô giá về văn hóa Mường.

Đến nay, nhà nghiên cứu Bùi Huy Vọng đã có hơn 20 đầu sách được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng. Từ một người nghiên cứu độc lập, năng lực và uy tín của anh đã được giới khoa học thừa nhận khi được mời tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ “Nghệ thuật diễn xướng Mo Mường” do Viện nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) chủ trì, năm 2012; Đề tài khoa học xây dựng bộ chữ Mường tại tỉnh Hòa Bình cùng Viện Ngôn ngữ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), năm 2015-2016.

Như người gieo hạt cần mẫn và đã gặt hái được những “trái ngọt” trên cánh đồng tri thức, tháng 11-2015, Bùi Huy Vọng được phong tặng Danh hiệu NNƯT đợt 1, thuộc loại hình Tri thức dân gian. Năm 2016, Bùi Huy Vọng được nhận Giải A của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho công trình “Nghệ thuật diễn xướng Mo Mường”, Giải B cho công trình “Tục thờ cây si của người Mường”; Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tặng giải C cho công trình “Nghề dệt cổ truyền của người Mường”. Năm 2017, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải B cho công trình “Khảo sát tục thờ cúng tổ tiên và các vị thần bảo trợ tại nhà của người Mường”.

Gắn bó và đi sâu nghiên cứu văn hóa Mường, nghệ nhân Bùi Huy Vọng cho rằng, bản chất và ý nghĩa của Mo trong đời sống tinh thần của người Mường không hề thay đổi. Mo vẫn giữ vị trí trung tâm trong đời sống tinh thần người Mường ở Hòa Bình. Mo nuôi dưỡng tâm hồn người Mường khi sống và dẫn dắt linh hồn họ về với tổ tiên khi chết. Bởi vậy, trước những thay đổi của đời sống xã hội, anh vẫn không ngừng trăn trở: “Sự giản lược mo, một mặt đem lại những thay đổi tích cực trong đời sống tinh thần người Mường, mặt khác cũng làm phai nhạt nhiều yếu tố được bảo lưu trong quá trình hành lễ mo... Số lượng người làm mo đang giảm dần và già hóa. Một số ông mo đã dùng chữ quốc ngữ để ghi nhớ nội dung lời mo. Hiện tượng “văn bản hóa” lời mo một mặt góp phần bảo lưu vốn lời mo, mặt khác cũng làm giảm tính thiêng của nghi lễ”.

Trước những trăn trở ấy, tôi hiểu rằng, với anh những thành quả lao động, nghiên cứu đạt được mấy chục năm qua vẫn chưa đủ để thỏa mãn say mê, trách nhiệm và khát vọng cống hiến trong anh. Với anh, tất cả mới chỉ là sự khởi đầu cho con đường nghiên cứu mà càng đi càng khó, càng thử thách bản lĩnh con người. Thế nên, ở tuổi 56, anh vẫn rất ham học, chịu khó học hỏi, đặc biệt là nhạy bén với công nghệ thông tin khi đang sở hữu hai kênh Youtube, với hàng chục video về âm nhạc của người Mường, thu hút hàng nghìn lượt người xem.

Ngoài công việc sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa dân gian, NNƯT Bùi Huy Vọng còn là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình; Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Hòa Bình; đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Lạc Sơn nhiệm kỳ 2021-2026. Tôi chẳng rõ anh đã sắp xếp thời gian thế nào trước “núi” công việc như thế, mà việc nào việc ấy luôn chu toàn, được mọi người tin tưởng. Anh bảo, tôi từng là Bộ đội Cụ Hồ nên không ngại gì vất vả, chỉ cần mình có ý chí quyết tâm thì thử thách nào cũng sẽ vượt qua. 

BÙI VIỆT PHƯƠNG