Đêm Hà Nội, phố xá chìm trong tĩnh lặng. Những con đường vốn tấp nập xe cộ là vậy, nhưng khi màn đêm buông, chúng càng thênh thang và thơ mộng hơn. Tiếng gió xào xạc, vài chiếc lá mỏng rơi xuống giỏ xe đạp điện. Trong ánh sáng yếu ớt, tiếng bút vẽ sột soạt phác thảo trên tấm toan vẽ, những mảng màu đậm nhạt dần hiện ra dáng hình phố đêm bình yên.

leftcenterrightdel

Họa sĩ Bùi Anh Hùng. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Vẽ trong bóng tối? Thoạt đầu cứ ngỡ nghe nhầm. Với chất giọng nhẹ nhàng, Bùi Anh Hùng tâm sự: “Khi đang là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, mình đọc báo biết nhà điêu khắc, họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng, trong lúc chiến đấu bị thương ở hai mắt, không nhìn thấy gì, xung quanh chỉ một bóng đen bao phủ. Trong lúc tuyệt vọng, họa sĩ Lê Duy Ứng nghĩ về Bác Hồ, vị Cha già kính yêu của dân tộc. Bất chợt như có thêm nguồn năng lượng, họa sĩ dùng ngón tay chấm máu đang rỉ ra từ hốc mắt của mình để vẽ chân dung Người. Đôi bàn tay tài hoa rờ rẫm vẽ những nét đầu tiên cho đến khi hoàn thành”. Từ câu chuyện cảm động đó, chàng sinh viên Bùi Anh Hùng quyết định vẽ trong bóng đêm để bày tỏ sự ngưỡng mộ về người anh hùng thương binh ấy.

Kể về tuổi thơ, Bùi Anh Hùng bộc bạch về miền quê thành Nam của mình với tấm lòng thơm thảo. Ngày cậu bé Hùng chào đời thì cha của anh khoác ba lô lên đường đi B. Khi tròn 3 tuổi, người cha thân yêu ấy đã anh dũng hy sinh ở chiến trường miền Nam. Mẹ là người phụ nữ tảo tần, vượt qua đau thương, mất mát, vừa đứng vững trụ cột làm cha, vừa mềm mại thiên chức làm mẹ để nuôi hai anh em Hùng khôn lớn. Vào phiên chợ cuối năm, mẹ dúi chút tiền lẻ vào tay con trai, bảo mua thứ gì con thích. Khác với bạn bè trang lứa, cậu bé Hùng không dùng tiền đó mua đồ chơi hay quần áo mới, mà lặng lẽ đến sạp bày bán tranh Tết.

Nhìn khắp lượt, Hùng không chọn bức tranh có con gà trống phổng phao, hay con cá chép béo múp đầu vờn bóng trăng vàng, mà chọn hình ảnh chú bộ đội với bộ quân phục chững chạc của họa sĩ Huy Toàn mang về nhà treo. Thấy lạ, người mẹ nhìn con “mắng yêu”, nhưng trong thâm tâm, bà luôn thương đứa con út bé bỏng và thiệt thòi này nhất.

Năng khiếu hội họa có sẵn, cùng với niềm đam mê vẽ từ nhỏ, Bùi Anh Hùng thi đỗ Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, học chuyên ngành Tạo dáng công nghiệp. Những tháng ngày học tập dưới mái trường nghệ thuật được các thầy giáo, cô giáo yêu thương, tận tình chỉ bảo, chàng sinh viên Bùi Anh Hùng tiến bộ rất nhanh và trở thành niềm tự hào của nhà trường. Càng yêu nghề càng có thêm động lực, chiếc xe đạp cũ như người bạn đường rong ruổi cùng anh khắp ngõ ngách phố phường Hà Nội để ký họa. Dù đi nhiều nơi nhưng kỷ niệm ấn tượng nhất đối với Bùi Anh Hùng vẫn là phố cổ, vào những đêm thanh vắng, bầu trời như màn nhung huyền ảo, mái nhà cổ kính in trên nền trời mang hào khí Thăng Long huyền thoại. Hà Nội linh thiêng và hào hoa thấm đẫm trong tâm khảm người nghệ sĩ từ đó.

leftcenterrightdel
Những người lính thợ. 

Trước khi đầu quân về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, họa sĩ Bùi Anh Hùng công tác tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm. Hồi ấy, khi biết tin anh sắp chuyển công tác, nhiều họa sĩ khuyên anh nên nghĩ kỹ vì trong môi trường Quân đội chủ yếu vẽ về người lính, nghệ thuật sẽ dần khô cứng, từ đó có thể hạn chế tư duy và cảm hứng sáng tạo. Nhưng đáp lại sự quan tâm ấy, Bùi Anh Hùng chỉ biết cười, bởi con đường nghệ thuật phía trước của anh hiện lên hình ảnh đẹp về Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới, trẻ trung, năng động và hiện đại. Trót yêu màu xanh quân phục, anh lắng nghe tiếng gọi biên cương như mệnh lệnh không lời thôi thúc trái tim nghệ sĩ. Tạm biệt nghề giáo, Anh Hùng khoác ba lô ngược miền nắng gió, đến với chiến sĩ nơi biên giới và hải đảo xa xôi để sáng tác về họ.

Tranh của họa sĩ Bùi Anh Hùng không chỉ phản ánh dáng vẻ bên ngoài sự vật, hiện tượng, mà còn quan tâm biểu đạt cả nội tâm. Đến đơn vị, việc đầu tiên anh tìm hiểu đặc thù công việc, trong quá trình sinh hoạt với cán bộ, chiến sĩ sẽ dần nắm bắt các hoạt động chung. Chính sự quan sát tỉ mỉ, hình họa vững vàng mà nét vẽ luôn sinh động, chân thực. Trong tác phẩm “Những người lính thợ” thể hiện công việc bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, họa sĩ quan sát thấy ai cũng có mái tóc cắt cao gọn gàng, áo quần rất chỉn chu, hỏi ra mới biết đó là những kỹ sư giỏi, được đào tạo bài bản. Với thiết bị máy móc hiện đại, yêu cầu độ chính xác tuyệt đối thì dù vật nhỏ như sợi tóc cũng không được phép lọt vào. Vì thế mỗi cá nhân phải thật gọn gàng, từ ăn mặc đến tác phong, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm việc, bảo đảm an toàn thiết bị và đạt hiệu quả cao nhất.

Đến với Trường Sa thân yêu, lăng kính nghệ sĩ hướng về chuyện tâm tư tình cảm của bộ đội. Chiến sĩ trên đảo mong mưa hơn mong mẹ về chợ. Những đám mây vần vũ trên đầu, hứa hẹn cơn mưa mát lành giải nhiệt cái nóng hầm hập, cây cối cũng đang cần mưa để gột rửa vị mặn mòi biển cả. Nhưng rồi những đụn mây ấy chỉ lướt qua, vài hạt mưa tinh nghịch rơi lộp bộp trên vòm lá như cố tình trêu đùa với nỗi niềm của những người giữ đảo. Mưa tầm tã như trút nước ngay phía trước, không phải trên đảo mà trên biển làm các chiến sĩ chỉ biết xuýt xoa tiếc ngẩn ngơ.

Từ cảm nhận đó, Bùi Anh Hùng có tác phẩm “Mưa Trường Sa” nói lên cảm xúc ấy. Với bút pháp ước lệ, tác giả muốn chuyển tải đến người xem câu chuyện về hiện tượng tự nhiên rất đỗi bình thường trong đất liền, nhưng lại là niềm mong đợi của chiến sĩ nơi đảo xa vì khao khát nước ngọt.

leftcenterrightdel
Hà Nội đón xuân. 

Lực lượng đặc công được mệnh danh với tài “xuất quỷ nhập thần” liệu có “làm khó” được họa sĩ? Nếu chỉ diễn tả người chiến sĩ đặc công như các lực lượng khác thì không toát lên được công việc đặc thù. Họa sĩ Bùi Anh Hùng xin được thâm nhập thực địa. Sau khoảng thời gian đằm mình vất vả, anh đã cảm nhận sự khác biệt cơ bản đó là ánh mắt và đôi bàn tay. Dù có hóa trang thế nào thì ánh mắt của người chiến sĩ đặc công vẫn sáng như ánh sao đêm, đôi tay không chỉ linh hoạt, dẻo dai mà còn rất săn chắc. Tác phẩm “Mắt đêm” thể hiện thành công đề tài này. Bằng gam màu trầm ấm, tác giả muốn chuyển tải tới người xem cảm nhận ánh mắt chiến sĩ đặc công như vì sao tinh túy lấp lánh trên bầu trời bao la.

Biết họa sĩ Bùi Anh Hùng nhiều năm, mỗi lần có công việc liên hệ, đầu dây bên kia là giọng nói đầy hào hứng: “Mình đang đi vẽ ở đơn vị..., vài ngày nữa gặp nhau sau nhé!”. Mỗi lần như thế, trong điện thoại lúc thì nghe rõ tiếng sóng biển ngoài đảo xa, lần khác lại là tiếng chim hót trên rẻo cao biên giới. Sau mỗi chuyến đi, Bùi Anh Hùng lại bổ sung vào “gia tài” của mình những bức ký họa, trực họa đầy ắp cảm xúc về mảnh đất, con người nơi anh vừa qua.

Là người tích cực tham gia các hoạt động mỹ thuật trong Quân đội, Bùi Anh Hùng có rất nhiều ý tưởng sáng tác về đề tài người lính. Với bố cục lạ và đẹp, đường nét hài hòa, màu sắc trong trẻo, tinh tế đã chạm đến cảm xúc và trái tim công chúng yêu hội họa. Dù đã gặt hái thành công, nhưng Bùi Anh Hùng vẫn khiêm nhường khi nói về mình. Mỗi bức tranh như một câu chuyện mang đậm bóng dáng quê hương, người thân yêu, tình đồng chí, đồng đội càng trân quý tinh thần lao động nghệ thuật cần mẫn, sáng tạo của anh.

Đang dở dang câu chuyện, chợt có chuông điện thoại, ai đó ở đầu dây xác nhận cuộc hẹn với họa sĩ Bùi Anh Hùng từ trước. Sớm mai Bùi Anh Hùng lại rời Hà Nội, chiếc ba lô lỉnh kỉnh chai lọ đựng màu vẽ đã sẵn sàng. Nhìn những vật phẩm quen thuộc, ánh mắt người nghệ sĩ lấp lánh niềm vui. Với anh, miền biên cương xa xôi của Tổ quốc luôn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận.

Họa sĩ Bùi Anh Hùng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, anh đã được trao các giải thưởng như: Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2020; Giải A Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật, Báo chí (2004-2009) về đề tài "Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng" của Bộ Quốc phòng; Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2017; Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1995; Tặng thưởng tác phẩm xuất sắc ngành trang trí của Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam năm 1991; Giải B Triển lãm mỹ thuật Thủ đô 2008...

PHÙNG MINH