"Đôi mắt" của quân đội

Trên bàn làm việc của Đại tá Trần Ngọc Diễn, Phó cục trưởng Cục Bản đồ đầy ắp văn bản, tài liệu. Vừa thấy chúng tôi, anh Diễn hồ hởi cho biết: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã khẩn trương rà soát toàn bộ hệ thống văn bản, đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ quốc phòng bảo đảm phù hợp với Luật Đo đạc và bản đồ. Cục cũng tham mưu với thủ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, định mức thuộc lĩnh vực đo đạc, bản đồ quốc phòng và địa hình quân sự (ĐHQS)”.

Những con số khô cứng và hóc búa được các chiến sĩ bản đồ cụ thể hóa từ thực tế địa hình khắp các vùng, miền từ biên giới đến hải đảo xa xôi. Để rồi từ những con số đó lại chính là tư liệu quan trọng về địa hình, thổ nhưỡng, thảm thực vật, kết cấu sự bố trí của thiên nhiên, giúp các bộ, ban, ngành có liên quan hoạch định biên giới lãnh thổ, lãnh hải quốc gia, quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ trên cơ sở yêu cầu của sự nghiệp QPAN.

Anh Diễn nói: Giáo sư Trebaratariop người Nga cho rằng, bản đồ là "đôi mắt" của quân đội. Ở Việt Nam, chưa đầy một tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 25-9-1945, Phòng Bản đồ trực thuộc BTTM, tiền thân của Cục Bản đồ ngày nay được thành lập. Điều đó chứng tỏ Đảng, Bác Hồ rất quan tâm đến xây dựng và phát triển ngành ĐHQS. Cuối tháng 11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết loạt bài về ĐHQS đăng trên Báo Cứu quốc. Người chỉ rõ: “Không nghiên cứu địa hình một cách tường tận không thể xuất trận thành công được. Trên mặt trận, biết lợi dụng địa hình, đánh trận không hao tổn công sức mà được thắng lợi dễ dàng...”.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, những cán bộ đầu tiên của ngành bản đồ quân sự đã hăng hái đi vào sản xuất, cho ra đời hệ thống tư liệu bản đồ để nghiên cứu đánh giá địa hình. Đầu năm 1954, từ mảnh bản đồ tỷ lệ 1/25.000 thu được của địch, chỉ trong 3 ngày đêm, bản đồ Điện Biên Phủ tỷ lệ 1/25.000 đã được cán bộ Cục Bản đồ biên tập, chế bản và in xong. Đây là thành tích đặc biệt xuất sắc mà đến nay vẫn làm các nhà khoa học ĐHQS ngỡ ngàng. Từ năm 1962, ứng dụng công nghệ bay chụp ảnh hàng không để nâng cao tốc độ và chất lượng sản xuất bản đồ, mở ra thời kỳ mới cho ngành ĐHQS Việt Nam.

leftcenterrightdel
Đoàn cán bộ Công ty TNHH MTV Trắc địa Bản đồ, Cục Bản đồ đi đo đạc ngoại nghiệp. 

Mặc dù thời kỳ chiến tranh ác liệt, ngành ĐHQS đã có công nghệ tiệm cận trình độ các nước trong khu vực và thế giới. Ngoài việc sản xuất bản đồ giấy thông thường, Cục Bản đồ còn hoàn thành các đề tài nghiên cứu về thành lập bản đồ nổi thay cho đắp sa bàn; chế tạo máy in gỗ siêu nhẹ để có thể mang vác vào chiến trường; in bản đồ trên lụa; xuất bản cuốn “Quân sự địa hình học” có nội dung kiến thức hiện đại, phù hợp với địa hình, khí hậu Việt Nam...

Gian nan trên từng mi-li-mét

Mỗi mi-li-mét dáng hình đất nước dựng trên bản đồ được đánh đổi bằng biết bao nhọc nhằn, mồ hôi của cán bộ, nhân viên ngành ĐHQS. Chúng tôi tìm gặp Thượng tá, Tiến sĩ Bùi Yên Tĩnh, Phó cục trưởng Cục Bản đồ. Anh Tĩnh là thế hệ cán bộ đầu tiên của cục triển khai Dự án “Xây dựng Hệ quy chiếu-Hệ tọa độ quân sự”. Dự án có tầm chiến lược của Cục Bản đồ và ngành ĐHQS. Thượng tá Bùi Yên Tĩnh kể: Để dự án được thực hiện thành công cũng mất khoảng gần một thập kỷ. Sau thời gian dài chuẩn bị, đến năm 2006, hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án mới được phê duyệt. Nhưng ở thời điểm đó giải pháp công nghệ và trang bị chuẩn bị từ nhiều năm trước không còn phù hợp. Với tầm nhìn của Ban quản lý dự án, một quyết định táo bạo, quyết đoán được đưa ra là thay thế toàn bộ giải pháp công nghệ mới.

Sau hai năm tiếp tục chuẩn bị, đến năm 2009, anh Tĩnh và các đồng nghiệp bắt đầu khoác ba lô đến khắp các vùng, miền thuộc lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc xây dựng các trạm định vị vệ tinh DGPS, còn gọi là trạm cơ sở thường trực (CSTT). Lần lượt các trạm CSTT tại Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Móng Cái (Quảng Ninh)... được lắp đặt đưa vào khai thác sử dụng. Chuyến công tác lắp đặt trang thiết bị, máy móc, xây dựng hạ tầng kỹ thuật Trạm CSTT Trường Sa trên đảo Trường Sa lớn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) để lại nhiều ấn tượng mà anh Tĩnh và các đồng đội gọi là “những chuyến đi bão táp”. Trạm CSTT được vận hành và đi vào khai thác sử dụng, đảo Trường Sa lớn chính thức được ghi lên bản đồ hàng hải quốc tế với Trạm thu phát tín hiệu định vị vệ tinh phục vụ dẫn đường cho toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi càng thêm sôi nổi khi có sự góp mặt của Thượng tá Đặng Anh Linh, trợ lý Phòng Trắc địa-Địa hình, Cục Bản đồ. Đã có thâm niên gần 30 năm gắn bó với nhiệm vụ vẽ dáng hình đất nước, anh Linh không nhớ hết mình đã phải nếm trải biết bao gian lao vất vả. Trong đó kỷ niệm đáng nhớ nhất năm 2004, khi anh cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ xây dựng lưới khống chế ảnh phục vụ thành lập bản đồ thuộc Dự án “Thành lập bản đồ trực ảnh địa hình tỷ lệ 1/50.000 phủ trùm toàn quốc” tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Khi thực hiện nhiệm vụ dọc theo sông Đăk Huyt (biên giới Việt Nam-Campuchia), vì giữa mùa mưa, nên trong lúc anh và đồng đội đang đo điểm khống chế ảnh giữa rừng thì mưa lớn ập xuống. Không có sóng điện thoại, đoàn công tác bị cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài. Trong vòng mưa lũ hiểm nguy, đoàn phải cắt rừng để đi. 7 ngày vượt rừng đo đạc không khi nào người được khô. Lương thực mang theo không đủ, ai nấy đều gầy rộc đi. Anh Linh còn bị sốt rét. Gian khổ là vậy nhưng cuối cùng đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tiệm cận công nghệ tự động hóa điều hành chỉ huy

Với các nước tiên tiến trên thế giới, phát triển công nghệ tự động hóa trong điều hành chỉ huy không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên ở Việt Nam, khái niệm này còn khá mới. Theo Thượng tá, TS Nguyễn Đình Minh, Trưởng phòng Bản đồ viễn thám, Cục Bản đồ, huấn luyện, diễn tập chiến đấu là nhiệm vụ trung tâm trong thời bình, có ý nghĩa quyết định đến khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), sức mạnh chiến đấu của quân đội.

leftcenterrightdel
Lớp tập huấn chuyên sâu ngành địa hình quân sự năm 2022 do Cục Bản đồ tổ chức. 

Để phục vụ công tác huấn luyện, diễn tập, hằng năm các đơn vị trong toàn quân vẫn phải đắp sa bàn. Tuy nhiên, việc xây dựng các sa bàn truyền thống mất rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí; không thể tái sử dụng và độ chính xác mô phỏng không cao. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tiến lên hiện đại, những năm qua, Cục Bản đồ chú trọng phát triển công nghệ tự động hóa điều hành chỉ huy trong huấn luyện, diễn tập, phục vụ SSCĐ. Với các tính năng hiển thị dữ liệu địa hình số 3D trên màn hình hiển thị, giúp người chỉ huy có thể quan sát trực quan, toàn diện cách bố trí lực lượng, địa hình khu vực. Đồng thời, cùng lúc người chỉ huy có thể xem nhiều loại dữ liệu bản đồ, sa bàn như bản đồ địa hình, ảnh vệ tinh, mô hình số độ cao, cả hệ thống văn kiện, qua đó dễ dàng theo dõi được các khung tập, vai tập theo đúng kế hoạch đã xác định và thiết kế từ trước. Đặc biệt, với sa bàn khắc CNC 3D có thể tái sử dụng nhiều lần, tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng sa bàn truyền thống.

Những người lính “vẽ hình đất nước” thời 4.0 đã đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vũ trụ, tin học viễn thông vào lĩnh vực tham mưu địa hình hiệu quả trong các hoạt động quân sự, quốc phòng. Mỗi bước tiến của các anh đều góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, tiềm lực quốc phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc.

Bài và ảnh: PHẠM TUẤN - HỒNG SÁNG