Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, điều gì được coi là bản sắc văn hóa, nét đặc trưng, riêng có của bộ đội đặc công?

Thiếu tướng Vũ Hồng Quang: BCĐC là một binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của QĐND Việt Nam, ra đời từ sự kế thừa, phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc: “Lấy ít đánh nhiều, lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Vũ Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Đặc công. Ảnh: PHAN VĂN PHÚ 

Trong buổi lễ thành lập BCĐC, Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt... Mưu trí phải đặc biệt linh hoạt. Kỹ thuật phải đặc biệt huấn luyện thuần thục. Lập trường chính trị phải đặc biệt vững chắc... Kỷ luật phải đặc biệt nghiêm minh... Bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt...”. Bằng một loạt chữ “đặc biệt”, Bác Hồ đã khái quát một cách toàn diện, sâu sắc về phẩm chất, văn hóa riêng có của bộ đội đặc công, đồng thời chỉ ra nguồn gốc, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cách đánh cùng những yêu cầu về xây dựng, chiến đấu của bộ đội đặc công.

leftcenterrightdel

Nữ chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 429, Binh chủng Đặc công trên thao trường. Ảnh: LÊ PHAN 

Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ bộ đội đặc công bằng trí thông minh, tinh thần quả cảm, đoàn kết, sáng tạo, không quản ngại gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, khẳng định được vị trí, vai trò là lực lượng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của QĐND Việt Nam. BCĐC vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và 16 chữ vàng truyền thống: “Đặc biệt tinh nhuệ-Anh dũng tuyệt vời-Mưu trí táo bạo- Đánh hiểm thắng lớn”.

Tôi nghĩ đó là bản sắc của đặc công Việt Nam.

 PV: Theo đồng chí, trước và trong các trận đánh của bộ đội đặc công, yếu tố nào quyết định đến thắng lợi?

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công thực hành huấn luyện vượt bãi chông. Ảnh: NHẬT BẮC 

Thiếu tướng Vũ Hồng Quang: Như đã nói ở trên, BCĐC là binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ. Sức mạnh của bộ đội đặc công là sức mạnh tổng hợp từ bản lĩnh, ý chí, quyết tâm; từ cách đánh đặc công-nghệ thuật tác chiến “bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm”, “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, tổ chức lực lượng, vũ khí trang bị... Do đó, để tạo ra sức mạnh, làm nên chiến thắng của bộ đội đặc công, một trong những yếu tố rất quan trọng để tạo nên sức mạnh chính trị tinh thần. Để xây dựng sức mạnh chính trị tinh thần trước, trong và sau trận đánh, cần thực hiện tốt các nội dung, biện pháp. Đó là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm cho CB, CS. Phát huy vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, chỉ huy, các tổ chức quần chúng trong đơn vị. Tăng cường tổ chức các phong trào thi đua nhằm xây dựng sức mạnh chính trị tinh thần cho CB, CS, sẵn sàng đánh thắng kẻ địch trong mọi tình huống. Thường xuyên bồi dưỡng tư tưởng, củng cố niềm tin, rèn luyện ý chí chiến đấu cho bộ đội.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công Bộ Tham mưu Quân khu 9 trên bãi tập. Ảnh: QUANG ĐỨC 

PV: Trong điều kiện hiện nay, có ý kiến cho rằng bản lĩnh của bộ đội đặc công đang phần nào bị mai một, do ít được cọ xát thực tế. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Vũ Hồng Quang: Có thể khẳng định, ý kiến trên là không đúng. Vì bản lĩnh của bộ đội đặc công thời chiến cũng như thời bình đều phải trải qua huấn luyện, rèn luyện, có thể nói là khổ luyện, công tác và chiến đấu trong môi trường mang tính đặc thù. Xuất phát từ cách đánh-nghệ thuật tác chiến, tổ chức xây dựng lực lượng, vũ khí trang bị, địa bàn hoạt động, đối tượng tác chiến, nên trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) luôn mang tính đặc thù, đòi hỏi phải có sự khổ luyện đặc biệt để bảo đảm cho mỗi CB, CS đặc công phải đạt được yêu cầu: Lập trường chính trị phải đặc biệt vững chắc, mưu trí phải đặc biệt linh hoạt, kỹ-chiến thuật phải huấn luyện đặc biệt thuần thục, kỷ luật phải đặc biệt nghiêm minh... Theo đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BCĐC thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng SSCĐ cho CB, CS; bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, theo hướng đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế, sát đối tượng tác chiến, phù hợp cách đánh đặc công và vũ khí có trong biên chế. Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật với diễn tập hiệp đồng chiến đấu, xử lý các tình huống nhằm nâng cao khả năng cơ động SSCĐ trên các địa hình, trong mọi điều kiện thời tiết.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công Bộ Tham mưu Quân khu 9 trên bãi tập.  Ảnh: QUANG ĐỨC 

Chúng tôi xác định, trọng tâm của công tác huấn luyện, SSCĐ là nâng cao chất lượng huấn luyện võ thuật, bắn súng, nhảy dù. Nhất là lực lượng chống khủng bố, bảo đảm phải đặc biệt thuần thục mọi kỹ năng. Trong huấn luyện, Đảng ủy, Bộ tư lệnh binh chủng hết sức coi trọng việc nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến đặc công, phát huy trí tuệ của mọi CB, CS trong nghiên cứu, cải tiến, sáng chế mô hình học cụ, vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ cho huấn luyện, SSCĐ. Đồng thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mua sắm một số vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, đặc chủng, phù hợp cách đánh, đáp ứng yêu cầu tác chiến của bộ đội đặc công trong tình hình mới. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trong huấn luyện, đến nay, cán bộ, chiến đấu viên, chiến sĩ của binh chủng đều có bản lĩnh vững vàng, có trình độ kỹ thuật, chiến thuật điêu luyện, tinh nhuệ, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, bảo đảm luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu “đặc biệt tinh nhuệ” của Đảng, Nhà nước và nhân dân.    

leftcenterrightdel

Chiến đấu viên Đội chống khủng bố, Lữ đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công huấn luyện vận khí công. Ảnh: THANH PHONG

PV: Thưa đồng chí, việc trao truyền tinh thần cũng như các chiến lệ được những đơn vị trong binh chủng tiến hành như thế nào?

Thiếu tướng Vũ Hồng Quang: Tuyên truyền giáo dục lịch sử, truyền thống, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu là nội dung, biện pháp cơ bản nhất để xây dựng niềm tin, ý chí, hành động, tạo sự vững chắc thường xuyên về tư tưởng cho bộ đội. Với hơn 2.000 trận đánh lớn, nhỏ trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lịch sử bộ đội đặc công để lại nhiều kinh nghiệm quý báu trong chiến đấu. Những bài học kinh nghiệm trong các trận đánh, đặc biệt là vận dụng các hình thức chiến thuật với cách đánh bí mật tập kích, phá hủy bí mật cùng với những thủ đoạn luồn sâu, thọc sâu được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo thực sự là những kinh nghiệm quý báu để các thế hệ đặc công sau này nghiên cứu, học tập.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ đặc công Lữ đoàn 113, Binh chủng Đặc công luyện tập trên thao trường. Ảnh: TRƯỜNG MINH 

Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong binh chủng có nhiều đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục truyền thống, bảo đảm linh hoạt, sáng tạo, sát đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị, phù hợp từng đối tượng. Các đơn vị cũng chủ động lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống trong các buổi sinh hoạt, học tập, trong từng bài giảng chính trị, gắn công tác giáo dục truyền thống với các cuộc vận động của đất nước, quân đội, các phong trào thi đua, thi tìm hiểu và các hoạt động của đơn vị với nhiều mô hình, cách làm linh hoạt, sáng tạo như: “Mỗi tối một câu hỏi, một đáp án chính trị bổ ích”; “Mỗi tuần kể một câu chuyện lịch sử”; “Chiến lệ đặc công-nỗi ám ảnh của giặc thù”... Qua đó góp phần hình thành, bồi đắp lý tưởng, niềm tin, nâng cao bản lĩnh chính trị cho bộ đội.

Chúng tôi cũng vận dụng nhiều hình thức giáo dục truyền thống phong phú, đa dạng, tạo sự hấp dẫn như: Tọa đàm, tham quan nhà truyền thống, khu di tích lịch sử, nghe nhân chứng lịch sử kể chuyện chiến đấu... Kết hợp lồng ghép nội dung giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào về các thế hệ CB, CS đặc công trong chiến đấu cho bộ đội; thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ với đơn vị kết nghĩa, kết hợp tuyên truyền lịch sử bằng hình thức sân khấu hóa, tạo nhịp cầu nối liền quá khứ và hiện tại, giúp bộ đội dễ tiếp nhận, ghi nhớ.

PV: Để giữ vững nét truyền thống “đặc biệt tinh nhuệ”, “xuất quỷ nhập thần”, người chiến sĩ đặc công hiện nay phải rèn luyện những phẩm chất gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Vũ Hồng Quang: Hiện nay, BCĐC là một trong những đơn vị được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tiên phong thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cứu hộ-cứu nạn... xây dựng BCĐC “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại”, huấn luyện giỏi, SSCĐ cao và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.

Để phát huy truyền thống của binh chủng, yêu cầu đặt ra cho mỗi CB, CS đặc công phải không ngừng ra sức phấn đấu rèn luyện về mọi mặt. Trước hết, phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và ý thức tổ chức kỷ luật của mỗi CB, CS đặc công phải thật “tinh nhuệ về chính trị”, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, bất luận trong mọi điều kiện, hoàn cảnh không để bị động, bất ngờ, mất cảnh giác, sa ngã, nắm vững âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, “phi chính trị hóa” quân đội và đấu tranh ngăn chặn nhận thức sai trái, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi tổ chức, con người, nâng cao năng lực, phương pháp tác phong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm nêu gương; có dũng khí đấu tranh tự phê bình và phê bình... Qua đó bảo đảm cho các tổ chức đảng không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu trong mọi tình huống.

leftcenterrightdel
Nữ chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công huấn luyện đánh đối kháng. Ảnh: THIỆN HÙNG 

Bên cạnh đó, từng CB, CS phải chủ động rèn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật bảo đảm thật thuần thục, điêu luyện, tinh nhuệ, đúng như lời huấn thị của Bác Hồ lúc sinh thời: “Mưu trí phải đặc biệt linh hoạt. Kỹ thuật phải đặc biệt huấn luyện thuần thục”. Tăng cường rèn luyện huấn luyện đêm, dã ngoại dài ngày trong điều kiện khắc nghiệt, nâng cao khả năng cơ động, sinh tồn, sức chịu đựng (cả về trình độ kỹ thuật, chiến thuật, võ thuật, bắn súng, nhảy dù của chiến đấu viên); làm chủ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; tích cực nghiên cứu, cải tiến mô hình học cụ, phát triển những vũ khí, trang bị mới bảo đảm đủ, đồng bộ, kịp thời cho các nhiệm vụ.

Cùng với đó, rèn luyện tính kỷ luật và tác phong chính quy, nhất là kỷ luật trong huấn luyện, chiến đấu, kỷ luật dân vận; thường xuyên xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, đoàn kết quân dân trong tất cả các hoạt động và trên mọi địa bàn công tác.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN HỒNG SÁNG