Trận phá hủy chấn động nước Mỹ
Dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1, Binh chủng Đặc công (BCĐC) mới đây, tôi có dịp chứng kiến hai cựu chiến binh mái tóc bạc trắng, vừa bước xuống xe vội ôm chầm lấy nhau, đôi mắt mờ đục nhòe đi vì xúc động. Sau mấy lời hỏi thăm tình hình sức khỏe, gia đình, con cháu, hai người lính già khoác vai nhau dạo một vòng quanh doanh trại. Họ là Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Văn Phương, nguyên Đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Đoàn Đặc công Biệt động 1 và Đại tá Nguyễn Đức Hòa, nguyên Chính ủy Sư đoàn 968 (Quân khu 4), từng có 13 năm công tác, chiến đấu ở Đoàn Đặc công Biệt động 1. Lần nào cũng vậy, mỗi khi gặp lại, ký ức của hai người về trận đột kích phá hủy 8 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 (máy bay B-52) của Mỹ trên đất Thái Lan lại ùa về như vừa mới hôm qua.
Người anh hùng đặc công chậm rãi kể, tháng 2-1967, Tổng thống Mỹ Johnson cho phép Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ mở rộng phạm vi đánh phá trong khu vực Hà Nội, Hải Phòng, dùng không quân khống chế khu vực ven biển từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20. Để thực hiện kế hoạch này, Mỹ tiến hành xây dựng một số căn cứ không quân tại Thái Lan như sân bay Utapao, Ubon, Udon. Do vị trí rất gần Việt Nam, từ các sân bay này, máy bay B-52 của Mỹ có thể đánh phá miền Bắc Việt Nam mà không cần tiếp nhiên liệu trên không, cường độ xuất kích cao hơn, khả năng tiếp vận cũng nhanh và nhiều hơn.
Trước tình hình đó, ta xác định chủ trương phải đánh thẳng vào sào huyệt của chúng. Bộ tư lệnh Đặc công giao nhiệm vụ cho Thượng tá Nguyễn Đức Trúng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng binh chủng, nghiên cứu chuẩn bị phương án đánh thẳng vào các căn cứ chứa máy bay B-52 của Mỹ tại Thái Lan, trước khi chúng tăng cường ném bom Thủ đô Hà Nội.
Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Văn Phương, người vừa bước qua tuổi 82 nhớ lại, Utapao là một sân bay quân sự của Thái Lan, được xây dựng từ năm 1952, cách thủ đô Bangkok khoảng 190km. Người Mỹ cho rằng, đây là căn cứ quân sự bất khả xâm phạm và thường xuyên để trong căn cứ khoảng 20 chiếc máy bay B-52. Mỗi đêm, Mỹ sử dụng 3-5 chiếc máy bay B-52 đi rải bom ở Việt Nam. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Đặc công xác định, không thể đánh sân bay Utapao bằng lực lượng lớn từ xa, mà phải dùng một lực lượng nhỏ, đang hoạt động trên đất Thái Lan mới có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu và tấn công mục tiêu.
Tháng 5-1971, đồng chí Lê Toàn, Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công Biệt động 1A (sau này là Thiếu tướng, Phó tư lệnh về Chính trị BCĐC) cùng một tổ công tác vượt biên giới sang Campuchia, sau đó lên sát biên giới Thái Lan, trực tiếp bắt liên lạc và thành lập một tổ đặc công gồm các chiến sĩ: Trần Thế Lại, Bùi Văn Phương, Vũ Công Đài đang hoạt động trên đất Thái Lan và giao nhiệm vụ cho tổ đánh sân bay Utapao. Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Trần Thế Lại giao nhiệm vụ cho Bùi Văn Phương chuẩn bị vị trí cất giấu vũ khí, cải trang thành dân thường đến khu vực sân bay Utapao nghiên cứu mục tiêu, nắm tình hình sơ bộ và kiểm tra nơi cất giấu vũ khí. Tháng 10-1971, hai chiến sĩ đặc công biệt động Vũ Công Đài, Bùi Văn Phương được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện trận đánh, họ đã gặp nhau, bàn bạc kế hoạch trinh sát sân bay Utapao nhằm nắm rõ quy luật hoạt động của địch. Các anh dự kiến một phương án tấn công sân bay là phá hủy bí mật bằng thủ pháo nổ chậm, nếu bị lộ thì chuyển sang đánh nổ ngay.
Trưa 9-1-1972, hai chiến sĩ áp sát khu vực sân bay. 19 giờ cùng ngày, các anh chuẩn bị xong vũ khí trang bị, ngụy trang kín đáo, bắt đầu áp sát khắc phục vật cản. Hàng rào bao quanh sân bay là loại dây thép gai 0,3cm, cao 2m, không thể cắt được bằng kìm, các chiến sĩ phải ngụy trang khéo léo chui qua từng lớp hàng rào. Quá trình đột nhập mục tiêu, các chiến sĩ đặc công 3 lần gặp địch, hai lần họ khéo léo vượt qua tầm mắt của chúng. Lần thứ ba, trong một tình thế đặc biệt, buộc tổ chiến đấu phải nổ súng tiêu diệt nhóm tuần tra gồm 2 lính Mỹ, một con chó béc-giê. Khi xâm nhập cách nơi máy bay B-52 đỗ 300m, bất ngờ các anh gặp 3 xe ô tô và 2 lính Mỹ, hai anh phải vòng tránh theo hướng khác.
Khi khoảng cách còn 50m, một tổ tuần tra khác của địch phát hiện nổ súng bắn chặn, trong tích tắc, đồng chí Phương tung lựu đạn về phía địch. Lợi dụng thời cơ địch dạt ra tránh, hai chiến sĩ lao nhanh đến mục tiêu, dùng thủ pháo đánh vào từng chiếc máy bay. Số thủ pháo vừa hết, đồng chí Phương ra lệnh rút lui. Đồng chí Đài rút về hướng cửa mở, đồng chí Phương chạy tắt qua khu bom, vượt rào ra ngoài. Khi Bùi Văn Phương vừa thoát ra ngoài khu vực sân bay, tiếng súng bỗng rộ lên từ phía cửa mở, đồng chí Vũ Công Đài anh dũng hy sinh. Sau đó là những tiếng nổ lớn và những đám cháy bùng lên phía trong khu vực sân bay, 8 chiếc máy bay B-52 của Mỹ đã bị phá hủy trong chốc lát.
|
|
Máy bay của quân đội Mỹ bị phá hủy tại sân bay Atapao (Thái Lan). Ảnh tư liệu |
Đánh căn cứ Ubon
Theo cuốn Lịch sử Bộ đội Đặc công Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (1945-2007), Nhà xuất bản QĐND, trước năm 1972, sân bay Ubon trên đất Thái Lan 6 lần bị đặc công Việt Nam gài mìn phá hủy nên địch tăng cường bảo vệ an ninh. Thời gian này, để đột nhập vào sân bay như những trận đánh trước, đặc công của ta gặp nhiều khó khăn. Đại úy Lê Toàn, Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công Biệt động 1A, cùng chiến sĩ Nguyễn Bá Do bí mật sang Campuchia gặp Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam đề nghị chi viện vũ khí. Đồng chí Đồng Văn Cống, Tư lệnh mặt trận, người rất tâm huyết với bộ đội đặc công cùng cách đánh tinh nhuệ trên khắp các chiến trường, quyết định cấp ngay vũ khí theo đề nghị của tiểu đoàn.
Ngày 2-10-1972, một đội hình chiến đấu gồm 27 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1A được thành lập, tổ chức thành 2 bộ phận, trong đó bộ phận trực tiếp chiến đấu gồm 13 người, trang bị 1 súng cối 82mm, 40 quả đạn, do đồng chí Nguyễn Công Mùi chỉ huy. Đang là mùa mưa, hành quân mang vác nặng qua mọi địa hình phức tạp vốn đã vất vả, do yếu tố bí mật, đội phải luồn lách qua các tuyến bố trí của địch, nhiều đoạn đường ngập sâu trong nước, các chiến sĩ chỉ lo sao cho đạn dược không bị ẩm ướt, bảo quản được vũ khí, không ai còn tâm trí lo đến miếng ăn là gạo rang đã thiu mốc, quần áo ẩm ướt cả ngày không được thay, nước uống cặn đục, nằm bờ ngủ bụi...
Cơ động đến vị trí sân bay, bí mật triển khai trận địa, đội hình chiến đấu bất ngờ nổ súng theo đúng kế hoạch đã định. 35 quả đạn B40 nã trúng mục tiêu phá hủy đài chỉ huy sân bay, xưởng sửa chữa và một số thiết bị sân bay. Hoàn thành trận đánh bí mật, nhanh gọn, bất ngờ, đội hình chiến đấu nhanh chóng rời trận địa. Hàng chục máy bay B-52 vừa bị phá hủy tại sân bay Utapao, Udon, tiếp đến sân bay Ubon lại bị đánh phá chỉ trong vài tháng khiến đế quốc Mỹ hoang mang về cách đánh đặc công của ta. Những trận đánh này diễn ra đúng thời điểm, đúng ý định của Bộ tư lệnh Đặc công là đánh trúng các mục tiêu quan trọng có ý nghĩa chiến lược. Phương pháp đánh địch ngay tại sào huyệt của địch thêm một lần nữa được thực hiện và hoàn thành bởi lực lượng đặc công tinh nhuệ, anh dũng.
Trận “ra mắt” của đặc công hải quân
Ngày 10-3-1967, Bộ tư lệnh Mặt trận B5 (Mặt trận Trị-Thiên) giao nhiệm vụ cho Đoàn 126 đặc công hải quân tiêu diệt tàu địch ở cảng và sông từ Cửa Việt tới Đông Hà (Quảng Trị). Mục tiêu được chọn đánh là tàu cuốc Nam Triều Tiên đang tiến hành nạo vét cửa sông và tàu vận tải LST Mỹ neo đậu ở cảng Cửa Việt.
Trận đầu “ra mắt”, khí thế chuẩn bị của các chiến sĩ Đội 1, Đoàn 126 đặc công hải quân hừng hực. Trời vừa chập tối, Đội trưởng Mai Năng (sau này là Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, Tư lệnh BCĐC) trực tiếp chỉ huy hai tổ đánh tàu và lực lượng cảnh giới dẫn đường bí mật vượt sông Bến Hải vào mai phục ở bờ bắc Cửa Việt. Thời cơ đến, các chiến sĩ đặc công hải quân áp sát nhanh chóng gắn mìn vào mạn tàu địch và rút êm... Hơn 2 giờ sau, tàu cuốc 70 tấn của Nam Triều Tiên nổ tung, chìm nghỉm. Đây là chiếc tàu đầu tiên của Mỹ và chư hầu bị bộ đội đặc công hải quân đánh chìm tại Cửa Việt.
|
|
Đặc công Hải quân trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu |
Sau chiến thắng trận đầu, Đoàn 126 hải quân tiếp tục cử đồng chí Mai Năng chỉ huy phân đội 1 tìm tàu địch đánh hướng Đông Hà và Hồ Đắc Tư chỉ huy phân đội 2 đánh hướng Cửa Việt. Khuya 15-5-1967, tốp lính gác tàu đi lại trên boong không hề hay biết ngay dưới chân có hai chiến sĩ đặc công men theo mạn tàu. Sau khi tìm được vị trí áp mìn, các chiến sĩ nhanh chóng rút êm. Không lâu sau, mìn phát nổ, chiếc tàu LCU bị xé toang, chìm tại chỗ.
Ở phía Cửa Việt, tổ chiến đấu gồm Nguyễn Văn Kiểm, Tống Duy Kiên nhiều lần tìm cách tiếp cận với dự định đánh tàu vận tải LST đang đậu ở cảng nhưng không thành. Tùy cơ ứng biến, hai chiến sĩ chuyển sang kế hoạch 2, đánh tàu cuốc Hayda. Đợi lúc tàu cuốc quay ra biển xả đất trở vào, hai chiến sĩ dũng cảm bơi đón đầu mục tiêu, áp sát gắn mìn vào thành tàu địch rồi rút về bờ bắc an toàn. Tàu cuốc Hayda phát nổ, một giờ sau tiếp tục phát nổ lần hai, con tàu dài 71m, rộng 12m bị phá thủng nhanh chóng chìm xuống Cửa Việt.
Trong lúc địch hoang mang, rối loạn, phân đội 3 đặc công do đồng chí Nguyễn Hùng Lễ chỉ huy tiếp tục bí mật đột nhập qua hàng rào ngăn cách của địch, áp được 2 khối thuốc nổ vào dưới khoang máy và khoang hàng của tàu vận tải LST rồi rút ra an toàn. Tàu LST trọng tải lớn 5.000 tấn chở xe thiết giáp và vũ khí hạng nặng bị áp mìn cũng phát nổ mạnh 2 tiếng sau đó. Đây cũng là trận đầu tiên đặc công nước của ta đánh chìm tàu vận tải cỡ lớn của địch bằng vũ khí kỹ thuật, gây tiếng vang lớn, mở đầu các trận tham chiến “huyền thoại” của đặc công hải quân Việt Nam.
NGUYỄN HỒNG SÁNG