Bài 1: Tinh hoa của nghệ thuật giữ nước
Nhắc đến những trận đánh nổi tiếng của bộ đội đặc công trong kháng chiến chống Pháp, không thể không nói đến trận tập kích bí mật, xóa sổ tháp canh cầu Bà Kiên đêm 18, rạng sáng 19-3-1948, gắn liền với tên tuổi Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Công An (tức Trần Văn Kìa, Hai Cà), nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Biên Hòa giai đoạn 1965-1971 và trận phá hủy gần như toàn bộ sân bay Cát Bi (Hải Phòng), góp phần “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ đúng thời điểm cam go, ác liệt nhất.
Hình thành lối đánh đặc công
Những ngày đầu hè 2022, do thời tiết thay đổi, lại bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng khi nghe có nhà báo muốn tìm hiểu về trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên do cha mình-Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Công An trực tiếp chỉ huy, ông Trần Văn Kĩa, 82 tuổi, trú tại ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương thấy người như khỏe ra. Được nghe người cha anh hùng của mình kể nhiều về trận đánh đặc biệt này, ông thuộc nằm lòng đến từng chi tiết.
- 74 năm đã trôi qua, sách báo của ta cũng như của Tây viết nhiều về trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên, nhưng cháu có biết điều đặc biệt nhất ở trận đánh này là gì không?-Ông Kĩa vui vẻ hỏi tôi.
- Dạ, cháu được biết, từ sau trận đánh này, lối đánh đặc công bắt đầu hình thành trong LLVT của ta ạ!
- Đúng là như vậy, nhưng chưa đủ cháu ạ. Cái hay của trận đánh này thể hiện ở chỗ, chỉ có 3 chiến sĩ du kích, xuất thân từ nông dân, chưa từng được đào tạo qua trường lớp quân sự nào mà đánh tan cả một đơn vị chính quy, tinh nhuệ của quân đội Pháp với hệ thống doanh trại kiên cố, vũ khí trang bị hiện đại.
|
|
Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Mai Năng với chiến sĩ trẻ Lữ đoàn Đặc công Hải quân. Ảnh: QUÂN HẢI |
Sau lời giải thích ngắn gọn, diễn biến về trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên được ông Kĩa thuật lại một cách rõ ràng, rành rọt. Theo đó, đầu năm 1948, quân Pháp triển khai xây dựng hàng trăm đồn bốt, tháp canh trên các trục lộ dọc đường 16, từ Tân Ba lên thị trấn Tân Uyên (nay là thị xã Tân Uyên), đến sở cao su Phước Hòa và dọc lộ 24, từ ấp Cây Đào đến Rạch Đông để đàn áp phong trào cách mạng. Tại đây, chúng cho xây dựng các tháp canh kiên cố, hình vuông, mỗi cạnh 4-5m, tường dày 0,5-0,8m, cao 8-10m. Xung quanh tháp canh được bao bọc bởi lũy đất dày, có nhiều lỗ châu mai, hàng rào kẽm gai, gài mìn dày đặc... Đan xen hệ thống tháp canh nhỏ có tháp canh lớn, còn gọi là tháp canh mẹ, cao 10-12m, được bố trí hỏa lực rất mạnh cùng các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc liên lạc, chỉ huy. Hệ thống tháp canh của quân Pháp ở miền Đông Nam Bộ gây cho ta nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác giao liên, tiếp tế lương thực, vũ khí...
"Ba tôi năm ấy 28 tuổi, đang phụ trách Đội du kích Tân Uyên, được giao nhiệm vụ phá hủy hệ thống tháp canh này. Ông hăng hái lắm, nhưng rồi không khỏi lo lắng, bởi vũ khí của ta thời điểm đó còn quá thô sơ, khó có thể công phá các bờ tường dày của hệ thống tháp canh. Sau nhiều đêm trăn trở, ba tôi cùng đồng đội tập trung nghiên cứu cách đánh. Mục tiêu đầu tiên ông chọn là tháp canh ở đầu cầu Bà Kiên, nằm trên lộ 24 nối liền Biên Hòa-Vĩnh Cửu với Chiến khu Đ. Một ý nghĩ lóe lên trong óc, ông reo lên: “Chỉ có cách bí mật áp sát, khéo léo bò qua các lớp hàng rào kẽm gai xung quanh tháp canh, rồi dùng thang trèo lên tường, ném thủ pháo vào bên trong...”. Nói thì dễ thế, nhưng làm thì khó vô cùng", ông Kĩa kể.
Sau khi thống nhất phương án tác chiến với anh em trong đội du kích, đồng thời xác định quyết tâm phải đánh thắng trận đầu, mở đường cho phong trào diệt tháp canh của địch về sau, Trần Văn Kìa cùng các chiến sĩ ngày đêm khổ luyện. Ông đưa tổ “đặc nhiệm” của mình vào sâu trong rừng, dựng tháp canh giả định bằng đúng kích thước tháp canh thật, rồi tập luyện cách đánh. Cụ thể, một du kích giả làm lính Pháp ngồi trên “tháp canh”, dùng đèn pin rọi xung quanh nhằm bảo vệ tháp. Bên dưới, “quân ta” cởi trần, dùng bùn non bôi khắp người, chỉ hở đôi mắt, bí mật trườn vào chân tháp, dùng thang tre leo lên, ném thủ pháo vào bên trong. Họ tập luyện kiên trì đến khi người ngồi trên “tháp canh” rọi đèn kỹ lưỡng đến mấy cũng không phát hiện được người bên dưới mới thôi. Để trận đánh chắc thắng, ông Kìa nhiều lần trực tiếp đi điều nghiên việc bố phòng ở tháp canh cầu Bà Kiên để chỉnh sửa phương án tác chiến và cho đội du kích luyện cách đánh đến khi thật nhuần nhuyễn.
Giọng kể của ông Kĩa lúc trầm, lúc bổng, khi dồn dập, chậm rãi, khiến người nghe không khỏi hồi hộp: "Đêm 18, rạng sáng 19-3-1948, ba tôi chỉ huy tổ du kích gồm các chiến sĩ: Trần Văn Nguyên, Hồ Văn Lung bí mật xâm nhập trận địa. Bên ngoài bố trí hai du kích làm nhiệm vụ cảnh giới. Nhờ ngụy trang tốt và giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, các du kích xâm nhập thành công vào chân tháp canh, dùng thang leo lên tường. Từng người nhanh chóng ném vào mỗi lỗ châu mai 3 quả thủ pháo. Nghi bọn địch chưa chết hết, tổ trưởng Trần Văn Kìa “tặng” thêm cho chúng một khối thuốc nổ. Sức công phá quá mạnh khiến ông bị thương, nhưng trận đánh đã giành thắng lợi, 11 tên địch bị tiêu diệt; ta thu 8 súng, 20 lựu đạn".
|
|
Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Mai Năng. Ảnh do gia đình cung cấp |
Sau chiến công này, cấp trên đánh giá: Trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên mở ra một hình thức tác chiến mới là dựa vào dân, nắm chắc địch tình, mục tiêu và cách bố phòng của chúng, chỉ dùng lực lượng rất ít, đánh lực lượng địch đông, với ý chí chiến đấu và tinh thần dũng cảm, gan dạ, mưu trí, tấn công bất ngờ là địch trở tay không kịp.
"Mặc dù nhiều người cho rằng đây là chiến công đặc biệt, trận đánh “khai sinh” lối đánh đặc công, nhưng ba tôi chỉ khiêm tốn bảo: “Cái khó ló cái khôn”. Hơn nữa, lối đánh này kế thừa mưu mẹo, tài trí đánh giặc của cha ông. Chẳng hạn, ông Yết Kiêu sử dụng cách "lặn sâu, áp sát" trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược cách đây hơn 700 năm để bí mật phá hủy nhiều chiến thuyền của giặc. Ba tôi cũng chỉ là người nông dân, biết kế thừa kinh nghiệm đánh giặc của cha ông ta mà thôi"-ông Kĩa nhớ lại lời kể của cha mình.
“Chia lửa” cùng chiến trường Điện Biên Phủ
Trận đánh sân bay Cát Bi ngày 7-3-1954 góp phần “chia lửa” với Mặt trận Điện Biên Phủ, có một người được vinh danh là “dũng sĩ số 1”. Đó là tổ trưởng trinh sát Mai Năng (tức Tạ Văn Thiều), sau này là Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công.
Dịp kỷ niệm 68 năm Chiến thắng sân bay Cát Bi, chúng tôi gặp Thượng tá Tạ Thị Minh Sinh, nguyên Trưởng phòng Tài chính Hải đoàn 128, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân, con gái Thiếu tướng Mai Năng. Chị chia sẻ với chúng tôi nhiều chi tiết chưa từng được công bố về diễn biến trận đánh mà vị tướng anh hùng kể lại khi còn sống.
Theo đó, sân bay Cát Bi là sân bay lớn nhất của thực dân Pháp ở Bắc Đông Dương, với hơn 200 máy bay các loại. Sân bay nằm sâu trong vùng hậu phương của địch, được xây dựng vô cùng kiên cố. Lực lượng của địch lúc cao điểm có tới 7 tiểu đoàn, chủ yếu là lính Âu-Phi, lê dương, thám báo người Việt. Xung quanh sân bay bố trí 78 đồn bốt, tháp canh, chia làm 3 tuyến vành ngoài, vành đai và trung tâm, 13 vị trí đề phòng tập kích phòng không, có 6 hàng rào dây thép gai, bãi mìn, hàng nghìn đèn điện, đèn pha chiếu quét, khiến sân bay đêm cũng như ngày... Đó là tất cả những khó khăn, thử thách đối với tổ trinh sát gồm 4 người, do đồng chí Mai Năng làm tổ trưởng.
"Khi còn sống, bố tôi kể rằng, trước trận đánh, việc điều tra, trinh sát để tiến hành tập kích sân bay Cát Bi gặp rất nhiều khó khăn, bởi chưa có một cơ sở nào của ta tại khu vực xung quanh sân bay. Cả tháng trời, các chiến sĩ phải nằm ngoài bờ bụi, bãi sú, sình lầy, muỗi vắt nhiều vô kể. Đột nhiên một buổi tối, có bà cụ mở cửa, che đèn gọi bộ đội vào cho cơm ăn. Bà thì thào: “Mẹ biết các con về lâu rồi”. Rồi bà khuyên, địch đang khủng bố ghê gớm lắm, các con nên tạm lánh ra vùng tự do một thời gian. Bố tôi cảm động, thưa: “Chúng con là con cháu Bác Hồ, con của nhân dân. Nhiệm vụ của chúng con là xây dựng phong trào để giải phóng quê hương. Dù khó khăn, gian khổ thế nào, chúng con cũng không thể bỏ dân mà đi được. Chúng con sẽ bám dân, bám đất cho đến ngày giải phóng”. Nghe cậu chiến sĩ trẻ bày tỏ quyết tâm, bà cụ khóc: “Từ nay các con vào, cứ dùng ngón tay gõ nhẹ là mẹ biết”-chị Minh Sinh kể.
Gây dựng được cơ sở tin cậy, tổ trinh sát có nhiều thuận lợi trong việc nắm tình hình địch và sẵn sàng phương án trinh sát đột nhập, tập kích địch. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là thời điểm này, vào buổi tối có nhiều đom đóm, quá trình cơ động, áp sát doanh trại của địch không khéo sẽ bị lộ. Các chiến sĩ phải luyện tập bơi đứng, ngậm cành đu đủ để thở.
Ngày 3-3-1954, tổ trinh sát xuất quân ra bờ sông Văn Úc, sáng 6-3 tới xã Hòa Nghĩa (nay là phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng). Đêm 6-3, trinh sát mở cửa, cắt dây thép, gỡ mìn, đưa lực lượng vào. Đội hình chiến đấu chia làm hai mũi, mũi chủ yếu gồm 13 chiến đấu viên, 3 trinh sát, đánh vào khu máy bay B-26; mũi thứ hai đánh vào khu máy bay trinh sát vận tải. Đúng 0 giờ ngày 7-3, cả sân bay Cát Bi chìm trong bão lửa, tiếng bộc phá, lựu đạn cùng các loại hỏa lực nổ hỗn loạn, máy bay địch cháy đỏ cả một góc trời. Ta đã phá hủy, đốt cháy 59 máy bay các loại, phần lớn là máy bay chiến đấu và máy bay vận tải của địch, phá hủy nhiều vũ khí và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm tê liệt hoạt động tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ của quân Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tài trí của bộ đội đặc công Việt Nam tiếp tục được phát huy cao độ, trong đó phải kể đến các trận phá hủy bí mật ngay tại sào huyệt của địch trên đất Thái Lan. Kỳ tích này sẽ được phản ánh trong số tới.
(còn nữa)
NGUYỄN HỒNG SÁNG