70 tuổi, ông như “pho sử sống” của làng. Mặc dù từng đi bộ đội tại Đoàn Đắc Tô (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) từ năm 17 tuổi, nhưng mọi việc của người Rơ Măm, A Blong nhớ hết. “Là do Mỹ-ngụy bắn phá hoài, ở giữa rừng sâu mà vẫn phải dời làng miết. Tức nó, nên đi đánh nó thôi. Chứ ai muốn đánh nhau làm gì. Làng Le có hơn 20 cựu chiến binh (CCB), đều cùng cái bụng như mình hết ”, già làng A Blong nhớ lại. Vậy là hai anh em ông theo đoàn quân Đắc Tô, đánh địch ở cả Đắc Tô lẫn Sa Thầy, góp phần không nhỏ để mở rộng vùng giải phóng của Kon Tum, trong đó Mô Rai quê ông trở thành căn cứ cách mạng, nơi bộ đội Sư đoàn 10 đóng chân trong sự đùm bọc của người Rơ Măm và Jrai những năm tháng chống Mỹ. 

leftcenterrightdel
 Già làng ABLong đan gùi truyền thống của người Rơ Măm để bảo tồn nét văn hóa dân tộc mình.

Năm 1976 với cấp bậc trung sĩ, ông rời quân ngũ về đi học bổ túc văn hóa, rồi ra làm ở bưu điện huyện. Sau đó chuyển sang làm cán bộ giáo dục, chuyên về phong trào học tập, xây dựng trường lớp. Vừa làm vừa học, ông cũng tốt nghiệp được sơ cấp sư phạm, được huyện phân công dạy từ lớp 1 đến lớp 5 ở trường tiểu học của xã.

“Ui, cũng biết là trình độ mình còn thấp đấy. Nhưng dạy cho chính con em người Rơ Măm, người Jrai ở xã mình thì tại sao lại không làm được? Lúc đó mình là người có học cao nhất đấy nhé”, A Blong cười hà hà, sảng khoái.

Vẫn cái mạch chuyện vui như thế, ông kể: “Năm 1991, huyện gọi lên nói cử mình làm hiệu trưởng. Toát hết mồ hôi, nhưng sự phân công của cấp trên, biết từ chối thế nào?”, vậy là vừa làm vừa tìm kiếm, xin tài liệu đọc để học. Ông “ngồi ghế” Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Mô Rai tới 18 năm. Với sự vận động của ông, tất cả trẻ em làng Le và 6 làng Jrai trong xã từ chỗ chỉ theo cha mẹ đi rẫy, đều đến trường học hết. Mặc dù sau này vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều cháu chỉ học hết tiểu học, cố lắm cũng chỉ lên đến cấp 2 là nghỉ. Nhưng lớp trẻ không còn ai mù chữ. Thế là ông vui rồi. Chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng tự thấy mình không thể đảm đương trọng trách được, dành chỗ cho thế hệ trẻ có học thức bài bản hơn, năm 2009, A Blong làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.

Nhưng về làng rồi, ông cũng đâu có được nghỉ ngơi vui vầy vườn rẫy như cách ông nghĩ? Với sự hiểu biết và tấm lòng của ông, cả làng lại bầu làm già làng, tiếp đó là đại biểu hội đồng nhân dân xã. Không chỉ thế, ông còn là bí thư chi bộ, chi hội trưởng chi hội CCB, chi hội người cao tuổi của làng. Từ đó đến nay, ông vẫn là niềm tin, niềm tự hào của người làng Le với các trọng trách của mình. Theo tập quán của người Rơ Măm, mỗi khi làng có việc vui, việc buồn của chung hay của bất cứ gia đình nào, đến báo, già làng sẽ gióng lên những hồi trống. Nghe tiếng trống, biết việc gì xảy ra, người làng tụ tập ở nhà già làng để cùng chung tay giải quyết. Cái “trống già làng” đung đưa trước cửa nhà ông là thế.

leftcenterrightdel
 Già làng ABLong

Là người đã từng công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, già làng A Blong hiểu rõ việc học hành có lợi cho đời sống con người như thế nào, nên ông luôn động viên những gia đình có điều kiện cho con em tiếp tục học lên cao. Bản thân trong gia đình ông có 5-6 người con đã học các trường trung cấp, cao đẳng, ra trường làm ở huyện, ở tỉnh. Ông tự hào: “Làng Le bây giờ có người làm tới cấp tỉnh nhé: Cô Y Ly Trang, Giám đốc Sở Ngoại vụ; anh Rơ Chăm Mon, Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP Kon Tum; Y Hương, A Kết đã học Trường Đại học Tây Nguyên... Ít còn hơn không có như hồi trước giải phóng. Còn người Rơ Măm như mình cũng nhờ được đi đây đi đó mà biết đất nước Việt Nam rộng dài tới đâu. Ồ, mình tới Hà Nội, Phú Quốc, Côn Đảo rồi đó nhé. Khi thì đi với hội CCB, khi thì đi với hội đồng nhân dân, khi là đoàn người cao tuổi có uy tín. 7 lần đi xa khỏi làng cho lớn con mắt nhìn rồi đó chớ”.

Con cái đều đã trưởng thành, có đứa ra ở riêng, ông bà chia đất, dựng nhà. Vợ chồng già cặm cụi với 4ha cao su, 2ha trồng mì (sắn), 2 sào lúa nước, thay nhau chăn dắt 3 con trâu, làm đủ ăn, hỗ trợ con cháu. Vợ ông, bà Y Nuôi, một người phụ nữ Rơ Măm chắc hồi xưa từng rất đẹp gái, hiền lành, nhẫn nại lo hết việc nhà cho chồng yên tâm lo việc nước. Nhớ làng xưa, vợ chồng A Blong còn làm căn nhà sàn gỗ kiểu truyền thống, trị giá 70 triệu đồng. Ông trầm ngâm: “Năm 2001, tỉnh dựng nhà sàn cho 50 hộ, xuống cấp rồi nên bà con hạ xuống thành nhà cấp bốn hết. Nhà mình cũng vậy đó. Nhưng bụng mình nhớ cái nhà xưa quá nên quyết tâm làm. Cho con cháu nhìn thấy mà biết hồi trước ông bà mình ở thế nào thôi. Chớ thực ra nhà có hai ông bà già ở đâu hết. Nhà sàn để họp làng, họp các hội, chi bộ, để nhậu chơi vui bạn bè cũng được mà... Bây giờ làng cũng có mấy người làm lại nhà sàn theo mình đó”.

Già làng A Blong kể chuyện làng Le vì bom đạn chiến tranh mà 3 lần phải rời lên núi Chư Yang Sin. Cuối năm 1975, tỉnh vận động xuống núi, nhưng mọi người không muốn đi. Đến cuối năm 1976, 3 hộ CCB A Blong, A Dói , A Reng quyết chuyển xuống núi lập làng mới. Họ bàn nhau: “Mình từng đi bộ đội, được học tập lời Bác Hồ là người đảng viên phải gương mẫu, đi trước dân, làm trước cho dân noi theo. Sao lại không chứ?

Công việc đầu tiên là khai hoang trồng lúa nước. Đất mới, giống mới, chưa biết cách làm, vụ đầu tiên 3 sào lúa chỉ được vài bao. Cả 3 hộ không nản, quyết tâm làm tiếp. Thấy được việc làm thiết thực của họ trong việc vận động quần chúng, bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78, Binh đoàn 15 đã vào cuộc giúp họ khai hoang trồng lúa nước, trồng củ mì, còn hỗ trợ vốn mua gà, heo, trâu giống về nuôi. Đất rộng, cỏ tốt, heo, gà, trâu lớn nhanh, béo mập và phát triển rất nhanh. Nhờ bộ đội 78, các ông còn biết cách làm chuồng nuôi, cả trâu cũng có người chăn dắt, không thả rông như tập quán xưa nữa. Lần đầu tiên 3 gia đình thu về  được vài trăm bao lúa vàng rực. Người trên núi xuống xem không tin ở mắt mình. A Blong, A Dói, A Reng cùng bộ đội mang lúa gạo giúp bà con cứu đói, lại tiếp tục khuyên giải. Nhưng cái chính là từ lao động có tính toán, kết hợp cả chăn nuôi và trồng trọt, chỉ sau vài năm cả 3 hộ đều khá lên trông thấy. Con cái đi học trường gần trong xã, trường xa tận Kon Tum ríu rít những nụ cười sáng láng.

Nghe lời khuyên của A Blong và bộ đội, cả tộc người Rơ Măm cùng kéo xuống núi dựng nhà, trồng lúa nước, bắp, mì... Mô hình “làng mới” của các CCB thành công. Làng Le thuộc xã Mô Rai được thành lập từ đó. Hàng chục năm nay, nhờ nhận thêm khoán chăm sóc cao su của bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78, gia đình các CCB như: A Blong, Rchăm H’Loan, A Dói trở thành những hộ có đời sống kinh tế bền vững nhất làng. Thậm chí có gia đình thu nhập hằng năm lên tới 400 triệu đồng. Có của ăn của để, các CCB luôn sẵn lòng giúp đỡ bà con, không chỉ hỗ trợ những lúc giáp hạt, thất mùa mà cả giống cây trồng, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi mà mình học được từ bộ đội.

Xã Mô Rai, thuộc huyện Sa Thầy, có 6 làng toàn người Jrai, chỉ có làng Le là của người Rơ Măm. Mặc dù tiếng nói, tập quán có ảnh hưởng ít nhiều từ người Jrai, nhưng nhiều nét văn hóa đặc trưng xưa vẫn còn được gìn giữ, như trang phục, diễn tấu ching guông, một vài lễ hội như: “cơm mới”, “cúng xả xui”, “thờ Yang Pluk”...

A Blong chỉ những chiếc gùi đan dở treo ngoài chái nhà: “Thấy người Jrai mang gùi sắt tới bán. Buồn cái bụng quá, mình chẻ tre đan cho bà con thấy gùi của người mình đẹp thế nào. Ơ, nhiều người đặt mua rồi nhé”. Chi bộ làng ra nghị quyết lãnh đạo, một mặt vẫn tuân thủ tập quán xưa trong việc cưới hỏi, tang ma, cúng tế... của làng, một mặt A Blong cùng bộ đội động viên, khuyến khích bà con theo sự kêu gọi của chính quyền, đổi thay nếp sống nhưng gìn giữ lại những tinh hoa trong vốn văn hóa truyền thống của người Rơ Măm. Gia đình CCB nào cũng còn lưu giữ từ 1 đến 2 bộ ching guông và những chiếc ché cổ ủ rượu. Các lễ thức truyền thống vẫn theo tập quán cũ. Thấy vậy, bà con trong làng cũng làm theo. Làng Le là nơi còn bảo lưu tới gần 100 bộ ching guông cổ. Năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh Đắc Lắc còn hỗ trợ một lớp truyền dạy ching guông cho lớp trẻ. Mỗi khi có lễ hội, tiếng guông và vũ điệu suang rộn rã khắp làng. Khiến tình quân dân ở Mô Rai càng gần gũi, thân thiết nhau hơn. Tập tục chôn chung một mộ cũng được dần dần từ bỏ.

Với cái tâm của già làng A Blong và những đảng viên, CCB-Bộ đội Cụ Hồ như A Dói, A Reng, cùng bộ đội Binh đoàn 15... luôn ý thức được trách nhiệm dẫn dắt, đi đầu làm gương trước nhân dân, thì không chỉ truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào Rơ Măm đang dần hồi sinh, mà đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, làng Le nói riêng sẽ ngày một đổi khác với nhiều hy vọng tốt đẹp trong tương lai không xa nữa!

Bài và ảnh: H'LINH NIÊ