Chuông điện thoại đổ dồn dập. Choàng tỉnh, tôi bật đèn, dụi mắt nhìn đồng hồ. Mới 2 giờ sáng. Ai gọi vào giờ này nhỉ? Với tay lấy điện thoại. Là Hòa, nhân viên quân y, Đội quy tập HCLS, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, ở Lào gọi về. Linh tính có chuyện chẳng lành. Tôi vội mở máy. Tiếng Hòa nói trong nấc nghẹn:
- Anh Bua La... mất... rồi... Hùng ơi!
- “Trời...!”.
Anh Bua La đi thật rồi sao? Dù biết ngày này sớm muộn cũng đến và cũng đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng nghe tin anh mất, tôi như người mất hồn. Chiếc đồng hồ treo trên tường nặng nề đánh từng tiếng một. 3 giờ... 4 giờ... 5 giờ... Bao kỷ niệm về anh Bua La cứ ùa về.
|
|
Cán bộ, nhân viên Đội quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh hành quân thực hiện nhiệm vụ tại huyện Porikhanh, tỉnh Bolikhamsai (Lào). |
Lần đầu tiên tôi gặp anh Bua La-Pheng Bun Hương (chúng tôi quen gọi anh là Bua La) khi sang Lào thực hiện nhiệm vụ quy tập HCLS mùa khô năm 2009-2010. Xe vừa qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, một sĩ quan quân đội Lào, da ngăm đen, khuôn mặt hiền từ, vồn vã đón chúng tôi như đón người thân lâu ngày trở về, khiến những cảm giác lo lắng, bỡ ngỡ trong tôi khi lần đầu sang nước bạn nhanh chóng tan biến. Suốt chặng đường từ biên giới về nơi đóng quân của đội ở tỉnh Bolikhamsai, anh thân mật hỏi thăm từng người, rồi hào hứng kể những thông tin về mộ liệt sĩ là bộ đội, chuyên gia Việt Nam ở chỗ này, chỗ kia mà anh đã dò hỏi, nắm được qua bà con dân bản trong suốt mùa mưa năm trước.
Xe chúng tôi vượt những đoạn đường đèo ngoằn ngoèo, rồi đi vào thị xã Pakxan, tỉnh Bolikhamsai, nơi đóng quân của đội. Doanh trại đơn vị tuy không lớn nhưng ngăn nắp, gọn gàng. Đặc biệt, căn phòng nơi có bàn thờ lưu giữ HCLS trước khi đưa các anh hồi hương về đất Mẹ, sạch sẽ, linh thiêng, thoang thoảng mùi hương trầm.
- Anh Bua La chu đáo quá! Chỉ có một mình mà ngăn nắp, sạch sẽ thế này!-Thượng tá Dương Văn Nga, Đội trưởng Đội quy tập HCLS Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh vừa thắp hương lên bàn thờ liệt sĩ, vừa quay sang nói với mọi người.
|
|
Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh và cán bộ, nhân dân bản Xomxun, huyện Porikhanh, tỉnh Bolikhamsai xác định vị trí mộ liệt sĩ. |
Anh Nga thân mật giới thiệu với chúng tôi: “Anh Bua La là Trưởng ban Tài chính, Bộ CHQS tỉnh Bolikhamsai. Anh nặng tình, tâm huyết với công tác tìm kiếm HCLS là bộ đội, Quân tình nguyện Việt Nam chúng ta lắm! Khi anh em trong đội sang Lào thực hiện nhiệm vụ, anh luôn xung phong vào Đội công tác đặc biệt của tỉnh Bolikhamsai để có thêm thời gian tìm hiểu thông tin, cung cấp cho đội. Tính đến nay, anh Bua La đã cung cấp hàng trăm thông tin liên quan đến mộ liệt sĩ. Anh không chỉ là “bản đồ sống” của đội mà còn chu toàn việc ăn, ở, sinh hoạt để anh em yên tâm thực hiện nhiệm vụ”.
Sau khi làm việc với Ban công tác đặc biệt tỉnh Bolikhamsai, theo thông tin từ anh Bua La cung cấp, chúng tôi hành quân ngược lên Cánh đồng Chum, tỉnh Xiengkhuang vào thăm gia đình anh Bua La, ở bản Na Di, huyện Muang Pek, tỉnh Xiengkhuang. Trong cái lạnh buôn buốt đêm Xiengkhuang, từ ban công, đăm chiêu nhìn ra Cánh đồng Chum, anh chậm rãi kể:
|
|
Tình quân dân trên đất bạn Lào. |
- Thả hán (bộ đội) Việt Nam biết không, Cánh đồng Chum là địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng nên chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Dân chúng đói khổ cùng cực. Mọi thứ đổi thay khi Pathet (quân giải phóng) Lào cùng thả hán Việt Nam về đánh giặc. Chiến đấu ở Cánh đồng Chum, Pathet Lào và thả hán Việt Nam cũng thiếu thốn nhiều lắm, nhưng các anh sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, giúp đỡ dân bản. Có thời điểm nhiều người trong bản bị sốt cao, thầy mo về cúng đuổi ma không khỏi. Thả hán quân y Việt Nam không quản khó khăn, vất vả, băng rừng trong đêm tối, mang đầy đủ dụng cụ y tế, thuốc men cứu chữa kịp thời hàng trăm người dân khỏi bệnh sốt xuất huyết. Các thả hán Việt Nam không chỉ là ân nhân của bà con dân bản mà còn thành thần tượng trong tâm trí lũ trẻ chúng tôi ngày ấy, nuôi dưỡng, thôi thúc cho chúng tôi trở thành chiến sĩ Quân đội nhân dân Lào sau này.
Theo đuổi ước mơ của mình, lớn lên, anh Bua La tình nguyện nhập ngũ. Sau 3 năm phấn đấu rèn luyện, anh được cử sang Việt Nam học tập tại Học viện Hậu cần. Những năm tháng học tập ở Việt Nam, Bua La càng thấu hiểu tình cảm con người Việt Nam, đặc biệt là nỗi đau của các gia đình chưa tìm được thân nhân của mình đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Triệu Voi. Anh thầm nghĩ, mình cần làm điều gì đó cho Việt Nam, cho những gia đình bộ đội Việt Nam, những con người anh hết lòng yêu quý. Trở về nước, nhiều lần anh viết đơn xin vào Đội công tác đặc biệt của tỉnh Bolikhamsai để có cơ hội tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ là bộ đội, chuyên gia Việt Nam đã hy sinh tính mạng của mình cho quê hương anh được tự do, độc lập.
Gần sáng, tiết trời se lạnh. Tôi miên man nhớ lần anh Bua La lên huyện Borikhanh, tỉnh Bolikhamsai mua than về cho vợ bán. Trong lúc chờ chủ cửa hàng đóng vào bao, anh tranh thủ hỏi thăm người dân xung quanh thông tin mộ liệt sĩ, vì đây từng là địa bàn diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Được dân bản cho biết phò (bố) Bun Mi ở bản Phonxi biết thông tin, anh liền đi ngay để hỏi. Bố Bun Mi kể, có lần bộ đội Việt Nam ra bản họp thì bị địch phục kích. Sau đó, các chiến sĩ hy sinh được chôn ở gần suối để tránh địch phát hiện. Theo thời gian, suối bị sạt lở, đổi dòng, việc tìm kiếm khó khăn hơn. Nghe bố Bun Mi kể chi tiết trận phục kích, số bộ đội hy sinh, địa điểm chôn cất, anh Bua La cẩn thận lấy sổ ghi chép tỉ mỉ, vẽ sơ đồ cẩn thận rồi vội đến thông báo ngay với đội quy tập HCLS, quên cả việc mình đang đi mua than.
Trước năm 2009, anh Bua La bị một cơn tai biến khiến việc đi lại khó khăn. Nhưng hễ nghe có thông tin về mộ liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, dù đường sá xa xôi cách trở đến mấy, anh cũng tìm đến bằng được. Công việc bận rộn, nhưng anh luôn sắp xếp thời gian để cùng anh em đội quy tập đến từng bản, vào từng nhà, hỏi từng người dân rồi liên hệ với chính quyền địa phương phối hợp giúp đỡ tìm kiếm thông tin, cất bốc, quy tập HCLS. Nếu bận không đi được, qua các mối quan hệ của mình, anh nhờ cơ quan quân sự, chính quyền địa phương giúp đỡ...
Có lần anh Bua La nắm được thông tin có mộ liệt sĩ từ người dân bản Nacun-Pakpuoc, huyện Borikhanh, cả đội liền tức tốc lên đường. Gần đến nơi, chúng tôi buộc phải để xe ngoài bìa rừng, hành quân bộ theo đường gần 4 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Biết Bua La sức yếu, chúng tôi phải thuyết phục mãi, anh mới chịu ngồi chờ ngoài bìa rừng. Khi phát hiện mộ liệt sĩ, đang chuẩn bị gọi điện thông báo cho anh, chúng tôi đã thấy Bua La đứng bên cạnh từ lúc nào. Anh bước thấp, bước cao chạy lại ôm chầm từng người trong đội quy tập, nghẹn ngào: Phà (trời) ơi! Vậy là có thêm liệt sĩ thả hán được trở về quê hương Việt Nam rồi!
Nhiều năm qua rồi, hình ảnh anh Bua La mang chiếc ba lô, chống gậy cặm cụi đi trước chúng tôi, cùng chúng tôi trèo đèo, lội suối quy tập HCLS đã thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập HCLS Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh. Bua La sức yếu, hay vấp ngã. Mỗi lần như vậy, sợ chúng tôi lo lắng cho mình, anh cố mỉm cười, lúc đó, trông anh cứ như đứa trẻ bị bố mẹ trách phạt. Đã thế, anh còn động viên chúng tôi câu mà trong đội quy tập ai cũng nhớ: “Ái noọng ơi! Ốc thôn nừng nọi, ái noọng nơ!” (người anh em ơi, cố gắng một chút nhé!) làm chúng tôi xúc động vô cùng. Biết bao giờ tôi có thể quên được những giọt mồ hôi túa ra trên gương mặt sạm màu nắng gió, chảy thành dòng, ướt sũng bộ quân phục đã bạc phếch của Bua La. Cả những khi đêm khuya, hễ nghe ai thông báo thông tin có mộ liệt sĩ, anh chạy vội đến đội, thúc giục anh em phải đi ngay. Bởi như anh nói với chúng tôi, mỗi thông tin về mộ liệt sĩ đều quý như vàng.
Cuối năm 2016, bệnh tình anh Bua La càng nặng. Anh được đưa sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Việt Nam) để chữa trị, nhưng tình hình chuyển biến không khả quan. Nhiều anh em kể lại rằng, trước lúc lâm chung, anh thều thào nói cùng mọi người: “Tôi đã học tập nhiều năm ở Việt Nam, gặp gỡ biết bao người mẹ, người vợ liệt sĩ, thấm thía vô cùng nỗi đau của họ. Phải ra đi, tôi chỉ đau đáu một điều là chưa tìm kiếm, quy tập được nhiều mộ liệt sĩ là thả hán, chuyên gia của Việt Nam để đáp đền nghĩa tình “xamakhi-ải noọng” (đoàn kết-anh em) đặc biệt và sự hy sinh cao cả của “ải noọng-thả hán Việt Nam với Tổ quốc Lào, nhân dân các bộ tộc Lào!”.
NGUYỄN ĐỨC CƯƠNG (Ghi theo lời kể của Thiếu tá QNCN Trần Y Hùng, nhân viên quân lực, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh)