Thêm lực cho hãng “tàu đỏ”

Đầu giờ chiều ngày đầu tuần, thời tiết khu vực cảng Đình Vũ, TP Hải Phòng hửng nắng sau trận mưa rào tầm tã và dai dẳng buổi sáng. Tại cảng của Nhà máy Z189 ở Đình Vũ, những xe đầu kéo container hối hả ra vào. Tiếng máy hòa với những âm thanh sôi động phát ra từ các phân xưởng không ngừng nghỉ. Cũng tại đây, chiếc tàu chở khách du lịch sơn màu đỏ có tên “Thăng Long” và “Côn Đảo Express” nằm nổi bật, lộng lẫy tại mép cầu cảng. Trung tá Nguyễn Văn Đắc, Phó giám đốc nhà máy cùng các cán bộ kỹ thuật bước lên tàu, kiểm tra tiến độ và chất lượng công việc hoàn thiện nội thất. Anh Đắc cho biết, từ năm 2015, doanh nhân Vũ Văn Khương, Giám đốc Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc, người Hải Phòng, về gặp Giám đốc nhà máy Đào Đức Hạnh để thương thảo hợp đồng, đặt đóng tàu chở khách du lịch vỏ nhôm. Năm 2015, 3 chiếc tàu vỏ hợp nhôm chở 300 khách du lịch đầu tiên ra đời. Ở thời điểm đó, hãng tàu du lịch của doanh nhân người Malaysia đang "làm mưa làm gió" trên thị trường vận tải hành khách ở Vũng Tàu và phía Nam.

Từ khi những chiếc tàu chở khách tuyến Vũng Tàu-Côn Đảo của doanh nhân Vũ Văn Khương đi vào hoạt động, khách du lịch có thêm quyền lựa chọn các sản phẩm vận chuyển tốt nhất. Những năm tiếp theo, lượng tàu du lịch của Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc được bổ sung nhiều hơn, trong đó có cả tàu chở 600 khách. Từ đây, nhân dân địa phương, khách du lịch đặt tên cho Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc là hãng “tàu đỏ”. Đến nay, hãng “tàu đỏ” của doanh nhân Vũ Văn Khương đã chiếm đa số thị phần chở khách du lịch. Sắp tới, khi hoạt động du lịch trong nước và quốc tế sôi động trở lại sau hơn hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đặc biệt là với sự hiện diện của siêu tàu “thiên nga đỏ” hiện đại thì uy tín của hãng “tàu đỏ” sẽ còn tăng nhanh nữa.

- Thiên nga chỉ có hai màu đen và trắng. Chiếc tàu này có bề ngoài chẳng giống thiên nga. Sao các anh lại đặt tên như vậy?-tôi thắc mắc.

- Chúng tôi có cơ sở để khẳng định điều đó. Gọi như thế là vì tính năng của tàu rất gần với những tố chất của loài thiên nga.

Dừng một lúc, Phó giám đốc Nguyễn Văn Đắc giải thích:

- Thiên nga có khả năng nổi và sống trên nước rất tốt. Con tàu này cũng vậy. Sự đặc biệt của nó là ở thân vỏ. Có thể nói, đây là chiếc tàu vỏ hợp kim nhôm lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài 77,6m; có 3 máy chính cho công suất 11.580 mã lực, đạt vận tốc gần 30 hải lý/giờ. Với thiết kế đặc biệt này, tàu có thể hành trình trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt: Gió cấp 8, chiều cao sóng tới 6m nhưng tàu vẫn có tính ổn định cao và giảm được tối đa lắc dọc, tạo tâm lý thoải mái, an nhàn trên hải hành. Thủy thủ đoàn cùng hành khách sẽ không bị sóng biển hành hạ. Bên cạnh đó, tàu được trang bị hệ thống chân vịt mũi làm tăng tính cơ động và xoay trở trong khi đi biển, cho phép thủy thủ đoàn điều khiển tàu cập mạn theo phương ngang thay vì theo phương dọc như những tàu khác.

Kỹ sư Vũ Văn Diễn, Trưởng phòng Kỹ thuật-Công nghệ của nhà máy cho biết thêm, con tàu này được thiết kế thỏa mãn cấp hạn chế I của đăng kiểm Việt Nam. Nó có thể đi đến khắp các vùng biển, đảo của Việt Nam. Đặc biệt, tàu có tính chống chìm, chống cháy ở mức cao nhất. Tất cả hệ thống cửa kín thời tiết, kín nước, cửa phân khoang, cửa chống cháy đều do công nhân nhà máy chủ động gia công.

leftcenterrightdel
  Hạ thủy tàu Thăng Long ngày 6-5-2022. Ảnh: PHAN HÙNG

Anh Diễn dẫn chúng tôi đến xem một chiếc cửa kín nước. Anh chỉ, trên cánh cửa này, mỗi chi tiết như khóa, gioăng, kính... đều có số đánh dấu đạt chất lượng kiểm định của cơ quan chức năng. Hay như hệ thống điện trên tàu cũng được thiết kế rất tốt. Các dây điện đều nhập ngoại, có đầy đủ lớp bọc chống cháy, chống chuột, chống nước và được sắp xếp nằm trên máng rất ngăn nắp, chắc chắn. Trên tàu có hai hệ thống điện song song. Khi hệ thống điện máy phát ngừng hoạt động vì sự cố thì lập tức có hệ thống điện dự phòng cấp điện cho các bóng đèn chiếu sáng và các trang thiết bị hàng hải trên tàu, giúp cho hoạt động của tàu và sinh hoạt của hành khách trên khoang không bị gián đoạn. Các vách của tàu đều có lớp cách âm, cách nhiệt. Hệ thống điều hòa với công suất làm lạnh tới hơn 1 triệu BTU đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch trên biển. Đặc biệt, trên boong tàu được thiết kế một sân chơi rất rộng để du khách có thể ngắm cảnh biển trong suốt hành trình hoặc tổ chức các buổi tiệc đứng, hòa nhạc ngoài trời rất tiện lợi.

Nghiên cứu quá trình thi công con tàu, tôi ấn tượng với khả năng chống chìm của nó. Theo đó, nhà thiết kế đưa ra kịch bản với hai khoang của tàu bị thủng liên tiếp cùng thời điểm thì con tàu cũng vẫn an toàn, không bị chìm. Khi có tình huống này, các thủy thủ chỉ cần đóng những cửa kín nước lại, khởi động các bơm hút đã được trang bị sẵn trên tàu để đưa nước ra ngoài và tập trung lực lượng, sử dụng các thiết bị chống chìm nhằm xử lý tình huống; đồng thời cũng giúp có thêm thời gian để lực lượng sơ tán hành khách hoặc chờ lực lượng, phương tiện đến ứng cứu.

Nơi sinh những con tàu đặc biệt

Phó giám đốc Nguyễn Văn Đắc sinh năm 1976 và là người con của thành phố hoa phượng đỏ. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, anh về công tác tại Nhà máy Z189 đến nay đã 23 năm. Anh nắm khá chắc quá trình trưởng thành và phát triển của nhà máy. Nguyễn Văn Đắc tâm sự đầy tự hào, từ một xưởng chỉ sửa chữa tàu, thuyền của Quân khu 3 thành lập vào năm 1989, nay đã phát triển thành nhà máy lớn, có đội ngũ kỹ sư, thợ tay nghề cao là sự nỗ lực vượt bậc không ngừng nghỉ trong suốt hơn 30 năm. Hiện nay, với thiết bị, công nghệ hiện đại, nhà máy có thể đóng được nhiều loại tàu mặt nước phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, kinh tế. Trong lĩnh vực đóng tàu quân sự, dấu mốc đầu tiên là vào năm 2012, nhà máy hạ thủy và bàn giao tàu Trường Sa (HQ-571) cho Quân chủng Hải quân.

Tiếp đó, nhà máy cũng đóng thành công tàu quân y HQ-561. Trong lĩnh vực đóng tàu tuần tra công suất lớn, nhà máy đã cho ra đời hai chiếc tàu CSB-8001 và CSB-8004 được đóng theo công nghệ chuyển giao từ tập đoàn Damen (Hà Lan), được trang bị nhiều thiết bị hiện đại đạt chuẩn châu Âu. Điều đáng nói là mọi hoạt động của hai con tàu này đều được điều khiển bằng hệ thống máy tính. Ngoài chức năng tuần tra xa bờ, tàu CSB-8001 còn thực hiện nhiệm vụ cứu hộ-cứu nạn và ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Năm 2021, nhà máy cho trình làng sản phẩm tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng 9316 mang tên Yết Kiêu số hiệu 927 và bàn giao cho Quân chủng Hải quân. Tàu hoạt động liên tục trên biển 30 ngày đêm, chịu sóng cấp 9, gió cấp 12 và có hệ thống DP giúp tàu có thể đứng yên trên mặt biển mà không cần neo trong điều kiện thời tiết phức tạp. Tàu có các thiết bị đặc biệt, có thể phát hiện tọa độ tàu ngầm bị sự cố để liên lạc bằng điện thoại, có tàu lặn và robot lặn kết nối với tàu ngầm.

Chia tay cán bộ, công nhân Nhà máy Z189 trong ánh lửa hàn rực sáng, Phó giám đốc Nguyễn Văn Đắc trầm ngâm: “Đóng tàu là công việc rất đam mê. Chỉ mỗi việc sơn tàu thôi cũng rất công phu và có phần mang tính nghệ thuật”. Anh Đắc hứa, khi có điều kiện thuận lợi sẽ cho phép tôi được “thực mục sở thị” công việc ấy. Tôi mong chờ có dịp được quay trở lại cảng Đình Vũ, được xem, cảm nhận quá trình cho ra đời những con tàu đặc biệt.

MẠNH THẮNG