Tiếng cồng chiêng quân - dân làng Nẻh
Được báo trước có bộ đội Tỏa và anh em trong đơn vị đang trên đường vào thăm nhà, như thường lệ, già làng Rơ Mah Peng, trú tại làng Nẻh, xã Ia Din, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cẩn thận trải bộ chiêng quý xuống nền nhà, miệng lẩm nhẩm giai điệu gì đó của dân tộc Gia Rai, đôi mắt lim dim, chờ đợi. Giọng nói và tiếng cười quen thuộc của Đại tá Hoàng Đức Tỏa, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty 75, Binh đoàn 15 đưa ông về thực tại.
- Bộ đội vào nhà đi, già đánh chiêng cho mà nghe. Bộ này đủ món rồi, âm thanh quyến rũ lắm!-già làng Rơ Mah Peng nheo nheo đôi mắt, vồn vã mời.
- Già sáng tác được mấy tiết mục mới, hôm nay muốn khoe với bộ đội và bà con chứ gì?-anh Tỏa tỏ vẻ tò mò, kéo tay tôi ngồi xuống chiếu.
- Nhờ bộ đội “bảy lăm” giúp đỡ, làng Nẻh mới đủ tiền mua bộ chiêng này. Quý lắm đấy. Dân làng giữ gìn nó như báu vật. Cảm ơn nhiều lắm-giọng già làng Rơ Mah Peng sang sảng như sấm.
|
|
Cán bộ, nhân viên Công ty 75, Binh đoàn 15 nghe già làng Nẻh Rơ Mah Peng, làng Nẻh, xã Ia Din (Đức Cơ, Gia Lai), giới thiệu ý nghĩa bộ cồng chiêng Tây Nguyên. |
Nhấp ngụm cà phê, già làng Rơ Mah Peng vươn mình đứng dậy, bắt đầu diễn tấu cho bộ đội và bà con nghe. Âm thanh phát ra từ các loại chiêng khác nhau càng nghe càng mê mải, tựa như có sức mạnh nào đó vượt qua không gian, bay vút lên chín tầng không, rung động cả trời đất: Bùng... cheng... bùng... cheng...
Sau một hồi biểu diễn, già làng Rơ Mah Peng ngồi xuống chiếu, nhấp ngụm cà phê, nhìn khắp lượt bộ đội, rồi quay sang tôi, khề khà kể: “Làng Nẻh vừa được trao giải nhất Hội thi biểu diễn cồng chiêng huyện Đức Cơ đấy. Thành tích này có phần đóng góp của bộ đội “bảy lăm”. Ngoài hướng dẫn bà con trong làng biết cạo mủ cao su, hái cà phê, biết cách chữa bệnh cho con dê, con bò, giúp địa phương làm đường, xây dựng nhà rông, bộ đội còn hỗ trợ một phần kinh phí để đồng bào mua cồng chiêng, phục vụ các lễ hội của làng”.
Là một trong những cán bộ gắn bó lâu năm với mảnh đất Tây Nguyên, Đại tá Hoàng Đức Tỏa khá am hiểu phong tục, tập quán, văn hóa của người dân nơi đây. Anh tâm sự, Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, cùng với đàn T'rưng, Klông Pút, Đinh Túk, thì cồng chiêng là nhạc cụ đặc trưng nhất của đồng bào. Ngoài vai trò là phương tiện diễn tấu dân gian, cồng chiêng còn thể hiện quyền uy, sự giàu sang của gia đình, dòng tộc, bản làng, là vật thiêng trong tín ngưỡng tâm linh của đồng bào nơi đây. Vì vậy, cùng với giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, Ban giám đốc công ty rất chú trọng đến phát triển văn hóa, hỗ trợ bà con bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào mình, không để bà con no cái bụng, nhưng lại “đói” văn hóa.
Người thân của đồng bào Rơ Măm
Mấy năm trở lại đây, chiếc máy thải độc ruột nhãn hiệu ENEMA của Bệnh xá Quân dân y kết hợp Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 78, Binh đoàn 15 nằm im lìm trong một góc phòng khám, chỉ được khởi động mỗi khi bảo dưỡng định kỳ. Việc nó không còn được sử dụng nữa khiến các thầy thuốc quân y nơi đây trút được gánh nặng tâm lý vốn đã ám ảnh họ suốt thời gian dài. Và cuộc trò chuyện thân mật giữa tôi với Thượng tá Nguyễn Chí Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 78 lý giải phần nào nguyên nhân chiếc máy khá đắt tiền ấy bị... “bỏ xó”.
Hơn 20 năm trước, Đoàn KT-QP 78 được thành lập, thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum. Đây là vùng căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chịu nhiều hậu quả chiến tranh, kinh tế-xã hội chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, dân cư thưa thớt. Qua hàng chục năm đứng chân trên địa bàn, mặc dù các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã cố gắng hết mình, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở... Nhưng do trình độ dân trí hạn chế, tập quán canh tác của đồng bào lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám cuộc sống của người dân hết năm này qua năm khác. Nhất là dân tộc Rơ Măm, một trong 16 dân tộc thiểu số (dưới 1.000 người) ở Việt Nam, đang được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ phát triển.
|
|
Cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78, Binh đoàn 15 tặng quà già làng Le, xã Mô Rai (Sa Thầy, Kon Tum). |
Theo Trung tá Nguyễn Xuân Chung, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 78, người Rơ Măm trước kia có tập quán du canh du cư, sống len lỏi nơi rừng sâu, núi thẳm. Để tồn tại nơi đèo heo hút gió này, họ chỉ biết phát nương làm rẫy, săn bắt, hái lượm, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, nhà ở cũng tạm bợ, dột nát. Cùng với đó, việc kết hôn cận huyết thống khá phổ biến, khiến trẻ em Rơ Măm sinh ra không ít trường hợp bị dị tật, dị dạng, còi cọc, chậm phát triển. Nhưng ám ảnh hơn cả là tình trạng tự tử, tự sát của người Rơ Măm diễn ra thường xuyên với những lý do giản đơn như chính suy nghĩ của họ. Vợ chồng cãi nhau dẫn đến tự tử, hàng xóm bất hòa cũng tự tử, anh em mâu thuẫn, cuộc sống bế tắc cũng tự tử... Họ tìm đến cái chết bằng nhiều cách khác nhau, khi thì ăn lá độc, uống thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, lúc thì thắt cổ, tẩm xăng tự thiêu... Mỗi khi xảy ra vụ việc đau lòng như vậy, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 78 luôn có mặt sớm nhất để tìm cách cấp cứu cho người dân, xử lý hậu quả. Nhưng phần lớn các trường hợp tự tử đều tử vong. Đó cũng là một trong những lý do ra đời chiếc máy thải độc ruột tại đơn vị.
Trước thực trạng này, làm sao để giúp người dân trên địa bàn từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu; làm gì để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào, nhất là các dân tộc ít người như Rơ Măm, đang bị cái đói, cái rét, cái nghèo, cái lạc hậu làm cho suy kiệt giống nòi? Đó là câu hỏi khiến nhiều thế hệ lãnh đạo, chỉ huy Đoàn KT-QP 78 hết sức trăn trở.
|
|
Bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78, Binh đoàn 15 xem già làng A Dói, làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên. |
Để giải quyết bài toán này, năm 2002, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 78 thực hiện chủ trương: Đoàn KT-QP gắn với huyện, xã; các đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân kết nghĩa với hộ đồng bào địa phương, vừa hỗ trợ các hộ dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vừa tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, thực hiện nếp sống khoa học, văn minh. Vào dịp lễ, tết hằng năm, cùng với hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động của đơn vị cùng hòa vào hoạt động văn hóa, lễ hội với đồng bào, cùng chế biến món ăn truyền thống.
Thấy được sự gần gũi, giúp đỡ chân thành của bộ đội, nghe được những điều hay, lẽ phải từ những buổi tuyên truyền, vận động của bộ đội, không ai bảo ai, người dân Mô Rai dần từ bỏ các hủ tục lạc hậu, chẳng còn ai nghĩ đến việc đốt nương, phá rừng, du canh du cư. Những năm gần đây, được sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của bộ đội Đoàn KT-QP 78, gia đình nào cũng biết trồng, chăm sóc các loại cây cao su, cà phê, điều, mỳ (sắn), ngô; biết nuôi con bò, con dê, con gà, thành thạo trong trồng lúa nước. Đặc biệt, thường xuyên có gần 1.000 lao động là người dân tộc thiểu số, trong đó có 27 công nhân là người Rơ Măm được làm việc ổn định tại Đoàn KT-QP 78, thu nhập trung bình hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Đời sống của đồng bào được không ngừng cải thiện, các hủ tục, tập quán lạc hậu, nhất là tình trạng tự tử, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào Rơ Măm cũng không còn.
Bên cạnh việc giúp đỡ người dân Rơ Măm từng bước thay đổi cuộc sống, bộ đội Đoàn KT-QP 78 còn góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào, như phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành sưu tầm, phục dựng, lưu giữ các lễ hội, văn hóa truyền thống của đồng bào Rơ Măm. Trung tá Nguyễn Xuân Chung phấn khởi chia sẻ, hiện đồng bào Rơ Măm duy trì thường xuyên các hoạt động hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể thao tại nhà rông. Bà con Rơ Măm còn lưu giữ được 34 bộ chiêng quý; duy trì thường xuyên một số lễ hội đặc sắc, như: “Thổi tai”, “ma chay”, bỏ mả”, “phát rẫy”, “trỉa lúa”, “mở kho lúa”; khôi phục phần nào được nghề dệt thổ cẩm trang phục truyền thống của đồng bào. Các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như múa cồng chiêng, múa xoang, hát ru, hát giao duyên, sử thi cũng được đồng bào các dân tộc huyện Sa Thầy, Ia H'Drai khôi phục, trình diễn trong các lễ hội.
Chia tay miền đất đỏ ba-zan khi những tia nắng cuối ngày đang khuất dần sau cánh rừng cao su ngút ngàn tầm mắt, tôi như vẫn nghe văng vẳng tiếng cười sảng khoái của ông A Dói, dân tộc Rơ Măm, nguyên Trưởng làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy: “Nhờ có bộ đội và chính quyền địa phương, người Rơ Măm mình giờ có cơm ăn, áo mặc, có nhà kiên cố để ở, giờ chỉ lo giữ đất, giữ làng, giữ truyền thống văn hóa của dân tộc, để truyền lại cho con cháu mai sau”.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG