Tôi có may mắn từng vài lần được gặp Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Ngô Văn Lủi, nguyên Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công, nhưng quả thực chưa lần nào tôi được nghe chính ông kể về các trận đánh "xuất quỷ nhập thần" của mình. Mặc dù những chiến công đã trở thành huyền thoại của ông và các đồng đội từ lâu đã tràn ngập trong sách, báo, phim tư liệu. Mới đây, trong ngôi nhà nhỏ của ông ở số 45, đường Quách Đình Bảo, thuộc tổ 6, phường Tiền Phong, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” năm xưa của người anh hùng biệt động và các đồng đội được tái hiện một cách sinh động qua lời kể của ông, khiến tôi có lúc cảm thấy như ngộp thở bởi các tình tiết ly kỳ như chỉ có trong phim trinh thám.

leftcenterrightdel
 Đại tá Anh hùng LLVT nhân dân Ngô Văn Lủi. Ảnh: MAI PHƯƠNG

Vừa bước qua tuổi 72, tác phong của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Ngô Văn Lủi vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, thân hình rắn chắc như gỗ lim. Ông có vầng trán cao, gương mặt vuông vức, giọng nói to và rung. Tôi chợt nghĩ, âm lượng và giọng nói này mà hét trước trận tiền chắc ghê gớm phải biết. Ngoài ra, ông có cách kể chuyện khá cuốn hút.

- Thế cậu tìm hiểu được những câu chuyện gì về tớ rồi?-Sau cái bắt tay đau điếng, Đại tá Ngô Văn Lủi vỗ vai tôi, thân mật.

- Dạ, cháu mới biết đến các trận đánh của bác qua báo chí, phim tư liệu.

- Sao lại là những trận đánh “của tôi”? Trong chiến tranh, chẳng có ai làm nên chiến công một mình đâu, nhất là “cánh” đặc công. Mà để kể chi tiết các trận tớ từng tham gia, có kể cả ngày cũng không hết chuyện. Thôi thế này, tớ sẽ kể cho cậu nghe trận đánh sân bay Pochentong, mà đến bây giờ tớ vẫn nhớ từng chi tiết, như thể mới diễn ra hôm qua. Cậu đến thủ đô Phnom Penh (Campuchia) bao giờ chưa? Sân bay quốc tế Phnom Penh bây giờ chính là “cái anh” Pochentong năm xưa, bị đặc công bọn mình “làm cỏ” chỉ trong một đêm.

Cứ như vậy, giọng kể của người chiến sĩ đặc công anh hùng đanh gọn, rành rọt về trận đánh sân bay Pochentong, khiến tôi cảm thấy như có mùi thuốc súng khét lẹt quanh mình.

- Cậu biết vì sao đặc công mình phải sang Campuchia, kiên quyết phá hủy một trong những sân bay quân sự kiên cố, hiện đại nhất Đông Nam Á thời bấy giờ không?

- Cháu cũng đang thắc mắc, chưa hiểu tại sao đặc công của ta phải hành quân sang tận Campuchia để tập kích địch?

leftcenterrightdel
 Sân bay Pochentong những năm chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Người chiến sĩ đặc công gan góc nhấp ngụm chè tươi vườn nhà nóng hổi rồi thong thả kể: Tháng 3-1970, được Mỹ hậu thuẫn, bè lũ phản động do Lon Non, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm cuộc đảo chính quân sự, lật đổ chính quyền của Hoàng thân Norodom Sihanouk, đồng thời từ bỏ lập trường một quốc gia trung lập, trở thành tay sai đắc lực cho Mỹ. Chúng nhanh chóng biến Campuchia thành tiền đồn của Mỹ, là căn cứ hậu cần lớn phục vụ cỗ máy chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương. Đặc biệt, sân bay Pochentong đã trở thành căn cứ không quân hỗn hợp được chúng xây dựng rất hiện đại. Từ đây, hàng trăm máy bay Mỹ, ngụy liên tục cất cánh đi đánh phá các căn cứ của ta ở Tây Nguyên và Nam Bộ.

Trước tình hình đó, thực hiện tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao 3 nước Đông Dương tháng 4-1970, một số đơn vị của Việt Nam được cử sang làm nghĩa vụ quốc tế, phối hợp với bạn chiến đấu chống bè lũ phản động Lon Non và quân Mỹ đồn trú tại đây. Cấp trên yêu cầu Đoàn Đặc công Biệt động 367 và Đoàn 429 lên phương án trừng trị tội ác của kẻ thù ngay tại hang ổ của chúng trên đất Campuchia. Bấy giờ, Tiểu đoàn Đặc công 25, Đoàn Đặc công Biệt động 367 do Đại úy Tống Viết Dương (Năm Vân) làm tiểu đoàn trưởng đã đánh nhiều trận lừng lẫy ở chiến trường miền Nam, được lệnh chuẩn bị cho trận đánh này. Dưới sự chỉ huy của anh Năm Vân, cán bộ, chiến sĩ đơn vị nhanh chóng hoàn thành trinh sát mục tiêu.

 - Được biết, hệ thống bố phòng của địch ở sân bay Pochentong vô cùng kiên cố, vậy các chiến sĩ làm thế nào để điều tra, trinh sát nhanh chóng như vậy?

- Pochentong được xây dựng kiên cố, với hệ thống tháp canh, hàng rào kẽm gai, hàng rào chống tăng dày đặc. Các vị trí trọng yếu địch đều bố trí hỏa lực rất mạnh. Để xâm nhập vào được bên trong, thực hiện trinh sát thực địa, các chiến sĩ đặc công phải cởi trần, mặc quần lót, trát nhựa lá khoai lang lên khắp cơ thể, sao cho phù hợp đặc điểm thổ nhưỡng ở khu vực sân bay. Ôi chao, sau mỗi lần đi trinh sát về, cậu biết không, có lẽ phải mất cả cân xà phòng mới có thể tẩy được cái “anh” nhựa lá khoai lang ấy. Rất may, lần trinh sát cuối cùng, Thiếu úy Phạm Như Ý, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn Đặc công 25 bất ngờ tìm ra được một cống ngầm dẫn vào sâu bên trong. Đây là phát hiện rất quan trọng, giúp rút ngắn cả tiếng đồng hồ cho việc khắc phục chướng ngại vật để có thể luồn sâu vào gần sào huyệt của địch. Hoàn thành công tác trinh sát, đêm 21, rạng sáng 22-1-1971 là thời gian được cấp trên chuẩn y tấn công vào Pochentong.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ Đội chống khủng bố, Lữ đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công huấn luyện vượt tường lửa. Ảnh: NGỌC THÀNH 

Nhằm giúp tôi dễ hình dung, Đại tá Ngô Văn Lủi giật phăng tờ lịch trên tường, lấy bút phác họa sơ đồ mục tiêu, những diễn biến chính của trận đánh. Thật khâm phục trí nhớ của người anh hùng quê lúa. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua mà ông vẫn nhớ chi tiết từng mục tiêu trong sân bay cũng như vai trò, nhiệm vụ của từng chiến đấu viên.

- Tiểu đoàn bọn mình được chia làm 3 mũi. Mũi 1 đánh các kho: Bom đạn, xăng dầu, quân trang. Mũi 2 đánh trận địa pháo và khu sửa chữa. Còn mũi 3 của chúng tôi do Thiếu úy, Đại đội trưởng Phạm Như Ý chỉ huy, đánh khu sân đỗ chính và nhà ở giặc lái. Cậu tính, cả sân bay rộng hàng trăm héc-ta mà chỉ có 15 tay súng, đâu phải chuyện đơn giản. Nhưng “cánh” đặc công bọn mình cũng hiểu rằng, khu vực đóng quân của địch rộng đến mấy cũng bộc lộ những điểm yếu. Đó chính là kho bom đạn, kho xăng dầu cùng hàng trăm máy bay của địch trên sân đỗ. Chỉ cần đánh trúng các điểm đó thì căn cứ của địch sẽ tan thành mây khói.

Đang đến đoạn cao trào, ông bỗng dừng lại, hồi tưởng:

- Không hiểu sao, đêm ấy trời tối đen như mực. Khi chúng tôi tiếp cận được mục tiêu thì đã 24 giờ đêm. Do trời tối nên ánh đèn ở căn cứ của địch như càng sáng hơn. Bọn lính cần mẫn đi tuần tra giữa các tháp canh. Thỉnh thoảng, chúng rọi đèn pha khắp lượt. Nó sáng tới mức các chiến sĩ có thể cảm nhận thấy hơi thở của nhau, phập phồng, phập phồng. Đôi lúc, chúng lại quét đèn soi từng bụi cây. Có lần, ánh đèn của chúng lướt trên lưng chúng tôi, nhưng không thể phát hiện được gì. Nghệ thuật ngụy trang giúp chúng tôi hòa vào cỏ cây, đất đá trong khu mục tiêu.

leftcenterrightdel
 

Nữ chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1, Binh chủng Đặc công huấn luyện vượt nhà cao tầng. Ảnh: THÁI HÀ

Có chi tiết này khá thú vị, khi chúng tôi bò qua hết các lớp rào, chuẩn bị vượt qua con hào lớn thì có một con chim bồ câu từ đâu đậu xuống lưng Đại đội trưởng Phạm Như Ý. Người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm vòng tay ra sau, tóm gọn con chim trong chớp mắt. Có lẽ, con chim tưởng mình vừa đậu xuống một gò đất. Cuộc hội ý chớp nhoáng: “Cho vào túi bộc phá để mai nấu cháo? Hay thả nó ra?”. Cuối cùng mọi người thống nhất thả con chim. Cũng may nó bay ra phía sau căn cứ, nếu không có lẽ sẽ khó mà sống sót bởi trận bão lửa sắp diễn ra.

Hơn 1 giờ sáng. Không gian bên trong căn cứ địch hoàn toàn yên tĩnh. Chúng tôi đã bò sát vào từng vị trí mục tiêu. Khi chuẩn bị chiến đấu, Đại đội trưởng Phạm Như Ý nhận được lệnh rút về tăng cường cho sở chỉ huy để theo dõi các hướng, các mũi, phối hợp chiến đấu. Quyền chỉ huy tổ giao cho Hạ sĩ Nguyễn Văn Hải. 2 giờ 10 phút, tổ trưởng ra hiệu cho tôi chuẩn bị chiến đấu. Hải nâng súng lên, một loạt AK đanh gọn, xé toang không gian yên tĩnh. Tôi nhìn sang đã thấy hai tên địch đổ gục. “Cái thằng bắn khá thật!”. Cũng chỉ kịp nghĩ như vậy, tôi vọt qua con hào, lao vào khu nhà giặc lái, giật nụ xòe, bộc phá nổ... Cùng lúc, các loại hỏa lực của đồng đội găm chan chát về phía các mục tiêu.

- Kết quả trận đánh thế nào hả bác, mình rút ra an toàn cả chứ ạ?

- Thực ra kể thì lâu vậy chứ trận đánh chỉ diễn ra trong vài phút. Khi các mục tiêu của địch đều bị trúng bộc phá, hỏa lực của ta thì cả căn cứ Pochentong giống như núi lửa. Tiếng bom nổ dữ dội khiến đất dưới chân rung lên bần bật. Cả sân bay chẳng khác cái chảo lửa. Có lẽ chẳng sinh vật nào có thể sống nổi trong cái địa ngục ấy.

- Như vậy là các chiến sĩ đặc công đều rút ra ngoài an toàn?

- Với người lính đặc công, quá trình rút ra mới thực sự bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, chịu nhiều thương vong nhất. Cậu biết không, khi đánh ở trong căn cứ, nguy hiểm phải đối mặt là các kho bom đạn, kho xăng dầu của địch phát nổ, còn bọn địch cơ bản bị tiêu diệt hoặc chết trong các vụ nổ. Nhưng khi ra đến vòng ngoài, chúng tôi sẽ phải chiến đấu với lực lượng địch đông hơn gấp cả trăm lần, đặc biệt là những trận đánh luồn sâu vào hậu phương của địch như thế này. Do đó, nhiều trận anh em đặc công an toàn tuyệt đối khi tiêu diệt được mục tiêu, nhưng khi lui quân lại chịu nhiều tổn thất.

Trận đánh sân bay Pochentong kết thúc lúc 5 giờ ngày 22-1-1971, gây tiếng vang lớn khi chỉ sau 3 giờ chiến đấu, các chiến sĩ đặc công đã tiêu diệt gần 1.000 tên địch, trong đó có 300 giặc lái và nhân viên kỹ thuật, hơn 100 máy bay, 9 kho bom đạn, xăng dầu hậu cần. Toàn bộ sở chỉ huy sân bay Pochentong của địch bị phá hủy hoàn toàn. Riêng tổ chiến đấu của Ngô Văn Lủi tiêu diệt 300 giặc lái, 16 máy bay, trong đó Ngô Văn Lủi phá hủy được 8 máy bay.

(còn nữa)

NGUYỄN HỒNG SÁNG