Chiều đầu tuần, trong thời tiết nắng nóng, oi ả của mùa hè, tôi có mặt tại trụ sở Nhà máy Z176 ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Đón tôi trong phòng khách, Đại tá, ThS Phạm Anh Tuấn thân thiện cho biết mới trở về từ triển lãm quân sự Eurosatory 2024 do Pháp tổ chức được hai ngày. Những khí tài ngụy trang, nghi trang từ các nước có nền CNQP tân tiến tại triển lãm đã khơi gợi cho anh nhiều ý tưởng trong nghiên cứu, sản xuất, thực hiện chủ trương xây dựng Quân đội hiện đại.

Rồi anh chuyển đề tài, bật mí với tôi một tin vui, Tập đoàn IKEA (Thụy Điển), đối tác lâu năm, đã chấp nhận mẫu sản phẩm cải tiến sản xuất trên dây chuyền tự động của Nhà máy. Dự kiến vào đầu tháng 9 tới, Nhà máy sẽ xuất lô hàng cải tiến đầu tiên cho đối tác khó tính, đòi hỏi cao bên trời Âu. Theo nhẩm tính của anh Tuấn, đối với kế hoạch năm 2025, chỉ riêng xuất hàng cho Tập đoàn IKEA và Tập đoàn Decathlon (Pháp) đã khiến doanh thu của Nhà máy vượt hơn 100 triệu USD. 

Tôi trộm nghĩ, đây là con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp ở bất cứ thời điểm nào. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng vì thiếu đơn hàng, phải tái cơ cấu, giãn nợ, loay hoay cắt giảm nhân sự. Nhưng Nhà máy Z176 đã phát huy hiệu quả lưỡng dụng từ dây chuyền sản xuất cho tốc độ tăng trưởng, doanh thu kinh tế, xuất khẩu bình quân đạt gần 20%/năm thì quá tốt. Hơn nữa, năm 2022, doanh thu xuất khẩu vượt 2.000 tỷ đồng, tăng 200% so với năm 2018 thì đúng là một kết quả rất đáng khích lệ.

leftcenterrightdel

Đại tá, ThS Phạm Anh Tuấn (ngoài cùng, bên phải) kiểm tra hệ thống hiển thị trực quan tại dây chuyền sản xuất của Nhà máy Z176. Ảnh: THU HƯƠNG 

Đương nhiên, kết quả trên đến từ sự nỗ lực của tập thể Nhà máy Z176 luôn đoàn kết, năng động vượt qua khó khăn. Và trong thành tích ấy, không thể không nhắc đến người “thuyền trưởng” với vóc dáng thấp đậm, nước da trắng, cách trò chuyện khúc chiết, có duyên cùng phong thái trẻ trung-Đại tá Phạm Anh Tuấn, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình-người đang ngồi trước mặt tôi.

Tôi nhớ lại, vào năm 2016, Đại tá Phạm Anh Tuấn được bổ nhiệm vị trí Giám đốc cũng là lúc Nhà máy Z176 có bước đi vững chắc, ký được hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài và lượng hàng quốc phòng khá ổn định. Thấy tôi nhắc chuyện cũ với niềm hứng khởi, anh Tuấn cười, rồi cho biết, đó cũng là thời gian anh rơi vào tình huống như “trứng để đầu gậy”.

- Ồ, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm vốn là niềm mơ ước của nhiều doanh nghiệp, sao có thể gặp biến cố, hay là anh nói cho vui? - Tôi hỏi anh Tuấn.

- Không, tớ chẳng đùa đâu!

Nhấp một ngụm trà, anh Tuấn thư thái nhớ lại.

Năm 2017, Nhà máy Z176 thuộc nhóm doanh nghiệp cổ phần hóa. Lúc ấy, trên mạng xã hội có rất nhiều tin đồn thất thiệt khiến tư tưởng của cán bộ, nhân viên Nhà máy bị dao động. Hơn 700 nhân lực gồm công nhân lành nghề và cán bộ quản lý có thâm niên, kinh nghiệm đã tìm bến đỗ mới, để lại Nhà máy ngổn ngang công việc. Trước tình huống bất ngờ này, để ổn định sản xuất, một mặt, Giám đốc Phạm Anh Tuấn và Ban lãnh đạo gặp gỡ, động viên mọi người vững chí bền gan vượt qua thử thách; sống, làm việc với tinh thần cống hiến.

Mặt khác, anh chỉ đạo lực lượng chuyên môn nắm bắt tư tưởng; tăng cường tổ chức thông tin trên website của Công ty; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook, Zalo để kịp thời cung cấp thông tin chính thống. Vì anh nhận định, nếu cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời sẽ định hướng giúp cán bộ, nhân viên và người lao động yên tâm công tác, tâm huyết với sản xuất.

Nhưng có lẽ những quyết định quyết liệt sau đó của anh Tuấn mới là mấu chốt để Nhà máy Z176 vượt qua thử thách. Anh chỉ đạo tăng cường tuyển dụng nhân lực bù đắp theo phương châm đào tạo tại chỗ, học đến đâu hành ngay đến đó. Đặc biệt, anh Tuấn đã thông qua Thường vụ Đảng ủy chủ trương đẩy mạnh đầu tư thiết bị mới hướng đến tự động hóa, áp dụng nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Anh ra nước ngoài tìm đối tác cung cấp nguyên phụ liệu giá thấp, bảo đảm chất lượng, từ đó hạ giá thành đầu vào của sản phẩm xuống đáng kể. Doanh thu hằng năm tăng dần theo thời gian; cán bộ, nhân viên, người lao động phấn khởi vì thu nhập tốt hơn trước.

Vừa chân ướt chân ráo vượt qua thử thách thì dịp may đến. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến các đối tác của Mỹ, châu Âu chuyển dịch nguồn cung ứng sang Việt Nam. Bằng nhiều kênh, anh Tuấn và các cán bộ đã kéo họ đến Nhà máy. Họ đánh giá rất khắt khe về tổ chức sản xuất hiện đại, gọn nhẹ, liên hoàn, rồi yêu cầu Nhà máy áp dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu tái chế nhằm giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu phát thải CO2 thì mới ký hợp đồng. Nhưng vấn đề làm anh Tuấn đau đầu hơn cả là giá sản phẩm phải mang tính cạnh tranh và đúng tiến độ giao hàng. Nhà máy phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, có biện pháp bảo đảm an toàn...

Để giải bài toán này, Đại tá Phạm Anh Tuấn đã quyết tâm làm một cuộc cách mạng triệt để tái cơ cấu lại Nhà máy. Thế là hàng loạt cuộc họp được tổ chức, với nhiều ý kiến trái chiều để phân tích, mổ xẻ. Thậm chí có cán bộ còn đưa ra những tình huống khó khăn để phản bác, nhưng vẫn không cản được quyết tâm của Giám đốc Phạm Anh Tuấn.

Một mặt, anh báo cáo lãnh đạo Tổng cục CNQP nội dung, tiến độ cải tiến Nhà máy. Mặt khác, anh cho triển khai ngay các công việc, như: Chuẩn hóa các quy trình quản lý nhân sự, chấm công, giao việc, quản lý văn bản; chuẩn hóa phân hệ quản lý kho, quản lý sản xuất; đẩy mạnh thực hiện dự án kho thông minh và hiển thị trực quan; dự án truy nguyên, dự án chuyển đổi tem GS1; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018. Thực hiện một số dự án nâng cao năng lực theo yêu cầu của Tập đoàn Decathlon, Tập đoàn IKEA; hoàn thành chương trình 5S; đề án sản xuất tinh gọn (Lean); thực hiện đánh giá hiệu quả công việc gắn với đổi mới cơ chế lương, thưởng (Quy chế trả lương 3P). Đặc biệt, Nhà máy đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp, thực hiện điều hành sản xuất thông qua phần mềm quản lý doanh nghiệp (ERP).

leftcenterrightdel

 Đại tá, ThS Phạm Anh Tuấn được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Với quyết tâm cao và nhờ những chính sách đãi ngộ mang tính kích cầu mà Đại tá Phạm Anh Tuấn áp dụng, trong thời gian không dài, Nhà máy Z176 đã thực hiện 9 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp và 252 sáng kiến, giá trị làm lợi hơn 50 tỷ đồng; nghiên cứu, thiết kế và phát triển thành công 280 mẫu sản phẩm mới, tiêu biểu như hộp đựng đồ, lều dã ngoại, cầu gôn, túi, balô, bộ sản phẩm gối... Tính riêng trong hai năm 2022, 2023, Nhà máy đã phát triển thành công 148 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm hàm lượng khoa học cao, đẹp, bền, rẻ, tiện dụng, thân thiện với môi trường.

Sau hàng loạt giải pháp đột phá, sản phẩm của Nhà máy được đối tác nước ngoài tiếp nhận. Đến nay, những mặt hàng xuất khẩu của Nhà máy đã có mặt và khẳng định vị trí vững chắc trên thị trường tại 31 quốc gia, kể cả các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ... Bên cạnh đó, các sản phẩm quốc phòng gồm khí tài ngụy trang, nghi trang, bộ quần áo chiến đấu K23, các loại trang cụ súng, pháo được cải tiến của Nhà máy cũng đạt kết quả tốt, đáp ứng yêu cầu trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, được các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng ghi nhận và các đơn vị đưa vào sử dụng đánh giá cao.

Khi đã chia tay anh Tuấn, tôi được Thượng tá Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Kế hoạch-Kinh doanh của Nhà máy kể cho nghe câu chuyện thú vị. Chị lớn lên, đi học, rồi nối gót bố mẹ vào Nhà máy công tác, nhưng đây là giai đoạn chị chứng kiến sự đột phá mạnh mẽ của Nhà máy thông qua những quyết định của đồng chí Giám đốc có tố chất thông minh, nhanh nhạy, không ngừng suy nghĩ, tìm tòi và luôn đòi hỏi cao trong công việc như Đại tá Phạm Anh Tuấn.

Chị Thanh kể, tháng 11-2023, tại Thụy Điển, khi thấy đối tác ngỏ ý muốn tăng đơn hàng nếu Nhà máy sản xuất tự động và xanh hóa. Lập tức tối đó, Giám đốc Phạm Anh Tuấn họp trực tuyến với cán bộ Nhà máy và kết luận xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư chuyển đổi theo yêu cầu của khách hàng.

Anh Tuấn vạch rõ tiến độ, mốc thời gian hoàn thành từng công việc và đặt ra mục tiêu một năm sau phải có sản phẩm mẫu đưa đến cho đối tác. Những ngày sau đó, đội ngũ cán bộ đã chạy hết công suất, nêu cao trách nhiệm hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Hệ thống pin năng lượng mặt trời được lắp đặt, các xe nâng chạy điện cũng được bổ sung, thay thế xe chạy dầu. Đặc biệt, các phần dây chuyền thủ công cũng được chuyển sang tự động hóa. Kết quả là Nhà máy nhận được những phản hồi, đánh giá rất tích cực từ đối tác. Sản phẩm mẫu được ra đời trước kế hoạch hơn hai tháng. Tiến độ chung của công việc sau quyết định của anh Tuấn từ trời Âu hồi cuối năm 2023 đã hoàn thành vượt 2 tháng so với mục tiêu.

Chỉ trong bài viết này, khó có thể nói hết những việc làm thầm lặng, những thành công của Đại tá Phạm Anh Tuấn trong suốt 8 năm qua. Anh đã tự tin lãnh đạo, quản lý, điều hành để vượt qua những thời điểm “bản lề”, khó khăn của Nhà máy. Anh xứng đáng là tấm gương tiêu biểu thời đổi mới, hội nhập và là người "thuyền trưởng" đưa Nhà máy Z176 vượt qua sóng gió để lớn mạnh, phát triển.

Năm 2024, Đại tá Phạm Anh Tuấn vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2019, anh được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. 4 năm liên tục (2020-2023), Đại tá Phạm Anh Tuấn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. 

Nhà máy Z167 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; 5 năm liên tục (2019-2023) được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua; được trao Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt và là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, tiêu biểu của Quân đội.

MẠNH THẮNG