Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở đầu bài phát biểu chỉ đạo đã cuốn hút người nghe bằng giọng văn đậm “chất văn hóa”: “Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội-nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”; “nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của dân tộc”; “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; “Thành phố vì hòa bình”; “hào hoa và thanh lịch”; “văn hiến và anh hùng”... chúng ta long trọng tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa về nhiều phương diện; tôi rất vui mừng và hào hứng được đến dự hội nghị này. Sở dĩ tôi nói như vậy là vì 3 lý do:
- Vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...
- 75 năm nay (từ ngày 24-11-1946), hôm nay mới lại có hội nghị toàn quốc về văn hóa với quy mô lớn thế này.
- Họp sau Đại hội Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, Khối Nội chính; và sắp tới sẽ còn có Hội nghị về đối ngoại và về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần tôi vẫn nói: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt”.
Có thể coi bài phát biểu này là công trình nghiên cứu tổng kết về văn hóa với tầm cao tư duy chiến lược về lý luận và chiều sâu trí tuệ về nhìn nhận đúng bản chất thực tiễn của văn hóa nước ta. Nói cách khác, toàn bộ những vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất về văn hóa đã được Tổng Bí thư đề cập, phân tích với cách nhìn biện chứng, mà điểm tựa là tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Bám sát những luận điểm quan trọng đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần lượt phân tích, lý giải có sức thuyết phục cao khi đánh giá thực trạng tình hình, những ưu điểm nổi bật cùng những hạn chế, bất cập; đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà toàn Đảng và hệ thống chính trị cùng toàn dân cần đồng tâm hiệp lực tham gia công cuộc chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ mục tiêu cần đạt tới là: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học, làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.
|
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: PHẠM THẮNG
|
Là người có may mắn được tham gia thảo luận Nghị quyết Trung ương V khóa VIII vào cuối năm 1998 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” cũng như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới” vào năm 2008, tôi hiểu rõ sự đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng lúc đó với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị vào những vấn đề lý luận-thực tiễn của hai nghị quyết này; và tiếp sau trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” vào năm 2014. Thiết nghĩ, không có tầm tư duy chiến lược và bám sát bản chất thực tiễn hoạt động văn hóa của Việt Nam thì Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phú Trọng khó có thể cho ra đời Nghị quyết 33 nêu trên.
Tôi còn nhớ, một trong những chi tiết được Hội nghị Trung ương thảo luận, tranh luận sôi nổi-đó là nói văn hóa là nói đến con người, thì không nên thêm chữ CON NGƯỜI vào tiêu đề nghị quyết. Nhưng rồi với giải trình có lý, có tình của Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương đã biểu quyết nhất trí cao về việc để từ CON NGƯỜI vào trong tiêu đề nghị quyết.
Khi đề cập các biểu hiện tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, đại ý rằng, trong mỗi con người đều có mặt tốt và mặt chưa tốt; trong cơ chế thị trường thì mặt chưa tốt, mặt tiêu cực đang có biểu hiện lấn át mặt tốt, cái ác đang lấn lướt cái thiện, làm cho nhân cách con người và đạo đức xã hội bị xuống cấp nghiêm trọng.
Những biểu hiện ấy sẽ là trở ngại lớn trong bước đường tiến lên của đất nước ta, đi ngược lại luận điểm căn cốt của Đảng ta đặt con người là nhân vật trung tâm của xã hội; xây dựng con người kế thừa những phẩm chất tốt đẹp của văn hóa Việt Nam, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển xã hội.
Chính vì vậy, khi chỉ ra nhân tố quyết định làm nên thắng lợi của các cuộc kháng chiến trước đây cũng như trong xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, các văn kiện của Đảng cũng như ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhấn mạnh nhân tố sức mạnh nhân dân, bao gồm những tập thể con người đã làm ra sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần lớn lao trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể.
Đã không ít lần khi phân tích những hạn chế, yếu kém của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn lưu ý vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở nhiều cơ sở chưa được đề cao, nhất là vai trò người đứng đầu, trong đó, truyền thống “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” đang bị mờ nhạt.
Nhìn tổng thể, số cán bộ, đảng viên có chức quyền bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua có chiều hướng tăng lên. Tôi thấm thía câu nói mà Tổng Bí thư thường nhắc: Là cán bộ, đảng viên, nhất là người đang giữ chức quyền cần phải biết liêm sỉ, cần thấm thía danh dự con người là điều thiêng liêng, cao quý nhất.
Trước thực trạng có không ít cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là ở một số cán bộ cấp cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc lại một vài câu trong tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nikolai Alekseyevich Ostrovsky: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời-sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân!”. Đây là lời cảnh tỉnh sâu sắc mà thấm thía của một nhà văn hóa uyên thâm.
Trở lại Hội nghị văn hóa toàn quốc với bài phát biểu ngày 24-11-2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau khi phân tích thực trạng, khẳng định thành tựu, chỉ ra hạn chế, bất cập và nguyên nhân, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh một quan điểm xuyên suốt trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và gợi mở 4 giải pháp cấp bách để nhanh chóng chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Suy cho cùng, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, điều quan trọng hàng đầu vẫn là cần chăm lo đào tạo, bồi dưỡng con người với những phẩm chất yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, cần cù, dũng cảm, sáng tạo... đặc biệt là đội ngũ những người làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi văn hóa phải thật sự là người có tri thức và phong cách văn hóa, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Những ngày qua, sau khi nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, qua các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài, chúng ta xúc động khi đọc và nghe những lời khẳng định công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quá trình cùng toàn Đảng, toàn dân hợp sức xây nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam như hôm nay. Đi liền đó, nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân, bạn bè quốc tế ca ngợi Tổng Bí thư là người tài đức vẹn toàn, mang phẩm chất bình dị, liêm khiết, khiêm tốn, gần gũi, hòa đồng...
Bỗng nhiên, tôi nhớ lại câu phỏng vấn của một phóng viên quốc tế khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử trọng trách Tổng Bí thư: “Thưa ngài, dấu ấn của ngài sẽ để lại cho Việt Nam là điều gì?”. Tổng Bí thư trả lời ngắn gọn: Tôi không có tham vọng tạo dấu ấn cá nhân, mà chỉ có tâm nguyện là cùng với toàn Đảng, toàn dân chung sức xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cường thịnh, phồn vinh và hạnh phúc.
Nhiều chính khách, học giả quốc tế đánh giá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận, nhà văn hóa... xuất sắc. Lúc đương thời cũng có người đề cập những cụm từ này, nhưng với đức tính khiêm tốn từ đáy lòng, Tổng Bí thư nói rằng, ông luôn tâm niệm một phương thức sống và hành động: Hãy để trái tim mình đập nhịp đập của cuộc sống, đập nhịp đập của nhân dân thì mới có những việc làm thiết thực, cụ thể cho nước, cho dân. Tôi cũng như nhiều người luôn tự nhắc mình thường xuyên học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư nhắc lại câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết lúc Bác Hồ về với “thế giới người hiền”: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
Xin vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-một nhân cách lớn, người đã để lại những tình cảm nồng ấm, niềm tự hào lớn lao của Đảng ta, nhân dân ta!
PGS, TS NGUYỄN HỒNG VINH
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương