Nơi đây, tháng 9-2005 là “rốn bão”, sóng biển dâng cao đánh vỡ đê từng khiến xã Đa Lộc bị cô lập, san phẳng nhiều ngôi nhà của người dân. Khi đó, đang là học viên báo chí đi thực tập, tôi đã đi nhờ xe lội nước của bộ đội công binh vào với đồng bào vùng lũ, viết được phóng sự “Trắng đêm trong “rốn bão” Đa Lộc” được nhiều người khen ngợi.

Trở về Đa Lộc khảo sát sau 6 tháng cơn bão đi qua, tôi được người dân nơi đây cung cấp rất nhiều thông tin. Nổi lên là chuyện tiền hỗ trợ của Nhà nước cho các gia đình bị thiệt hại nặng do lũ lụt. Có chuyện chính quyền cơ sở “giữ lại một ít” làm quỹ phúc lợi chung cho xã, với mục đích thực ra cũng rất nhân văn là “điều chỉnh” cho những hộ khó khăn nhưng không thuộc diện được hỗ trợ. Bức xúc hơn là chuyện một doanh nghiệp có dự án quây kín bãi biển thành nơi nuôi hải sản khiến cho địa bàn sinh kế truyền thống bao đời của người dân không còn nữa... Tôi đã khai thác tư liệu khá tỉ mỉ, đến nhà trưởng thôn, nhà bí thư chi bộ, đến các gia đình chịu nhiều thiệt hại do bão lũ ghi lại ý kiến của họ rồi lên UBND xã làm việc nhưng không gặp được ai ngoài bác bảo vệ. Bác bảo vệ hồn nhiên nói: “Xã đi du lịch hết rồi!”. (Sau này tìm hiểu kỹ thì được biết, UBND xã hôm đó có nhiều người tham gia chuyến khảo sát mô hình phát triển kinh tế ở tỉnh khác).

Bài báo rất to với những số liệu sinh động về một “làng bão” đói quay quắt sau khi bị thiên tai, cộng những cái tít dẫn nho nhỏ nhưng rất ấn tượng như: “Dân chạy ăn từng bữa, cán bộ xã đi “du lịch”... đã khiến dư luận, bạn đọc rất quan tâm. UBND tỉnh Thanh Hóa cử cán bộ về kiểm tra và có thông tin ra tòa soạn rất gay gắt, cho rằng tôi “dựng chuyện”. Tôi chưa kịp vui vì  nhiều người gọi điện chúc mừng bài báo hay thì những tin “dữ” dồn dập kéo đến. Nào là tôi sẽ bị UBND tỉnh Thanh Hóa kiện, rồi lại có tin những nhân vật tôi đề cập trong bài báo đã đồng loạt “phản pháo”, nói với chính quyền địa phương rằng họ không hề cung cấp thông tin cho tôi như vậy... Đại tá Nguyễn Huy Thiêm nghe nhiều thông tin quá, gọi tôi vào phòng, bắt đem tài liệu, chứng cứ đưa ông xem. Hồi đó mới về tòa soạn, phương tiện tác nghiệp của tôi nào đã có gì ngoài cây bút, cuốn sổ. Tất nhiên, với sự cẩn trọng, tôi đến gặp dân, ghi chép xong đều cẩn thận đề nghị họ ký nháy vào từng góc trang. Thậm chí, có một cụ già không biết chữ, tôi còn tìm nhọ nồi, đọc lại thông tin cụ cung cấp rồi nhờ cụ điểm chỉ vào từng trang giấy... Xem tài liệu của tôi, Đại tá Nguyễn Huy Thiêm trầm tư: “Hải ghi chép cẩn thận nhưng giờ những nhân chứng này chỉ cần nói không phải chữ ký của họ là rầy rà to đấy”.

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Khả Phiêu. Ảnh tư liệu

Trưa hôm đó, thực tình tôi rất lo lắng. Chẳng lẽ nghề báo “bạc bẽo” với mình đến thế sao? Nếu có chuyện các nhân vật trong bài “phản pháo” mình thì mình sẽ chứng minh bằng cách nào? Không khéo bị kỷ luật nặng. Trong đầu tôi cứ ong ong những câu hỏi...

Đầu giờ chiều, Thiếu tướng, Tổng biên tập Nguyễn Quang Thống sang làm việc với tôi và đồng chí trưởng phòng về bài báo. Sau khi nghe tôi trình bày, khuôn mặt ông nặng nỗi ưu tư. Ông bảo: “Rõ ràng đây là bài học đắt giá, không chỉ cho cậu mà cho cả Ban biên tập. Tôi tin là cậu có cái tâm sáng, muốn phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân đang lao đao vì bão lụt. Nhưng chứng cứ của cậu rất đuối, như chuyện nói cán bộ xã đi du lịch, tại sao vấn đề như thế mà không có tài liệu chứng minh?”. Trước lúc ra về, đồng chí Tổng biên tập vỗ vai an ủi, tòa soạn sẽ tìm cách bảo vệ, nhưng nghe nói vụ này các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thanh Hóa đã họp, nên sẽ phức tạp... Tổng biên tập dặn đồng chí trưởng phòng: “Thôi, ông gác các việc khác lại, làm kế hoạch công tác vào Thanh Hóa, liệu mà tìm cách giải quyết”.

Cuối giờ chiều, Đại tá Nguyễn Huy Thiêm gọi tôi ra ngoài thì thào: “Chỉ có cách này là thượng sách, đến chỗ cụ Phiêu một tí”.

Lúc đó, cuối tháng 3-2006, chỉ còn vài ba tuần nữa là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra. Văn phòng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nằm trên phố Phan Đình Phùng, cách tòa soạn không xa. Đại tá Nguyễn Huy Thiêm và tôi đến thì đã muộn, nhưng đồng chí nguyên Tổng Bí thư vẫn đang ngồi chờ chúng tôi. Lần đầu được gặp trực tiếp, lại được bố trí ngồi đối diện ông trong lúc tâm trạng đang rối bời, nhưng tôi lại cảm thấy yên tâm hẳn. Ông nhanh nhẹn, hoạt bát, giọng nói sang sảng, ánh mắt lấp lánh niềm vui... Đại tá Nguyễn Huy Thiêm vừa trình bày được một lúc, có lẽ là chưa xong đoạn mở đầu thì tôi thấy ông đứng dậy, đi vào phòng trong. Lúc quay ra, ông cầm trên tay tờ báo QĐND, đưa cho đồng chí trưởng phòng và tôi xem rồi nói: “Lúc sáng tớ đọc rồi. Đọc xong, tớ nói văn phòng fax ngay cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Trưa nay, ông bí thư có gọi ra bảo “báo viết sai anh ạ”. Tớ nói “tôi đọc bài này rất kỹ, thấy vấn đề trình bày mạch lạc, khúc chiết như vậy, người thật, việc thật, địa chỉ chính xác đến tận xóm mà bảo sai thì sai ở chỗ nào? Báo QĐND đâu phải là bình thường, một khi tờ báo này đã lên tiếng thì cần xem xét vấn đề cho thận trọng. Nhất là anh em ở cơ sở, họ sợ khuyết điểm, có thể báo cáo chưa đầy đủ, các ông trên tỉnh mà quan liêu là hớ ngay”.

Được lời như cởi tấm lòng, nghe đồng chí Lê Khả Phiêu nói như vậy, lòng tôi như trút được gánh nặng nghìn cân. Chẳng đợi Đại tá Huy Thiêm cho phép, tôi giở ngay cuốn sổ, trình bày với đồng chí Lê Khả Phiêu những điều mắt thấy tai nghe. Vì xúc động, tôi trình bày khá dài dòng. Nguyên Tổng Bí thư không ngắt lời, đôi mắt ông nheo lại, nhìn thẳng vào tôi. Cảm giác được ông tin tưởng, tôi khẳng định: “Trừ trường hợp bị mua chuộc, chứ cháu tin người dân, ông trưởng thôn và ông bí thư chi bộ ở đó sẽ không “phản” cháu”.

Buổi hôm đó ra về, ông bắt tay tôi rất chặt, nói: “Thanh Hóa là quê tôi, cũng là quê cậu, nhưng làm ăn bậy bạ là phải góp ý đến nơi đến chốn chứ không dung túng cho những cái đó. Tôi sẽ nói với lãnh đạo tỉnh, đừng có dọa dẫm kiện tụng gì nữa. Tốt nhất là ngồi lại với nhau, góp ý cho nhau, anh đúng chỗ nào, tôi đúng chỗ nào. Ai sai thì sửa, sai cái gì sửa cái đó”.

Quả đúng như lời ông nói. Hôm sau, chính quyền địa phương gọi điện mời tôi về cùng xuống cơ sở, mong rằng tôi sẽ viết bài phản ánh việc khắc phục hậu quả bão lũ chứ không đả động chuyện kiện tụng. Đại tá Huy Thiêm bảo: “Thôi thế chỉ cần mình Hải về là đủ”.

Vì bận đột xuất công việc khác nên hôm đó tôi cũng chưa về Thanh Hóa ngay. Vài ngày sau thì tôi nhận được cùng lúc 4-5 lá thư từ Đa Lộc. Thư của một người dân thông báo: “Mấy ngày vừa qua có người gợi ý tôi, khi thực hiện đối thoại giữa nhà báo, chính quyền địa phương và người dân thì phản lại anh. Tôi ậm ừ nhưng anh yên tâm, anh đã nói hộ nỗi lòng của dân làng tôi, chúng tôi không bao giờ phản anh cả”. Thư của ông trưởng thôn thì bảo: “Trước đây thời chiến, tôi đọc Báo QĐND và rất khâm phục các nhà báo đã lăn lộn nơi chiến trường lửa đạn để viết bài ca ngợi bộ đội ta; còn hôm nay, tuy thời bình nhưng tôi cũng khâm phục anh như nhà báo chiến trường, vì anh dám đến thẳng với dân, dám viết sự thật, chúng tôi sẽ bảo vệ anh”. Thư của ông bí thư chi bộ viết: “Mấy ngày nay dân làng kéo đến nhà tôi, yêu cầu tôi gọi điện cho anh, mời anh về làng viết tiếp, vì còn rất nhiều vấn đề bà con muốn phản ánh với Báo QĐND...”. Những lá thư tay mộc mạc ấy, bây giờ tôi vẫn giữ như là “bảo bối” của mình.

Nhà báo hành nghề trung thực thì dân sẽ tin, sẽ yêu quý, bảo vệ. Nhưng trong sự việc này, tôi biết, cuộc điện thoại của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mới là điều quyết định, “cứu” tôi một “bàn thua” trong những bước đi chập chững đầu tiên của nghề báo. Sau này, tôi có nhiều dịp được gặp ông ở nhà riêng hoặc các hội nghị, hội thảo, khi thì phỏng vấn, khi thì trò chuyện, chưa bao giờ ông giữ khoảng cách. Lần nào cũng là những câu chuyện, những tâm sự tràn đầy nhiệt huyết của ông với nhân dân, với Tổ quốc, với Đảng, với quân đội. Có lần, đồng chí thư ký thấy tôi ghi âm, sợ rằng những chuyện “nhạy cảm” mà ông nói sẽ bất lợi cho ông. Ông cười hiền và bảo: “Đừng lo, đây là nhà báo quân đội, cậu ấy biết cái gì có lợi cho dân, cho nước”.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là như thế, niềm tin của ông vào con người, niềm tin chính sẽ thắng tà, thiện sẽ thắng ác, tốt sẽ thắng xấu, từ ông lan tỏa sang tôi và sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời.

HỒNG HẢI