Giả định mà như thật

Đêm mùa hè, bãi biển X trở nên vắng lặng, yên tĩnh, khác hẳn vẻ náo nhiệt, sôi động ban ngày. Mới đó còn là màu xanh hiền hòa, mát mẻ, mặt biển dần được phủ lên một màu đen sẫm, lấp lánh ánh bạc của những ngàn sao theo nhịp từng con sóng.

Chẳng ai ngờ trong không gian tĩnh mịch ấy, theo tình huống giả định, một mũi đặc công nước do Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, giảng viên Tổ Kỹ thuật, Khoa Đặc công nước, Trường SQĐC chỉ huy, đang bí mật di chuyển, tập kích “địch” phòng ngự trên hòn đảo cách bờ gần 20 hải lý. Quá trình bơi thả trôi áp sát hòn đảo, mũi đặc công bất ngờ gặp “tàu địch” tuần tra, chặn đường hành tiến, ánh đèn pha trên tàu sáng như ban ngày quét lần lượt khắp mặt biển. Ngay lập tức, các chiến sĩ dùng kỹ thuật bơi thả lặn để phòng tránh, chờ “địch” đi qua, tiếp tục áp sát hòn đảo. Ngay khi tiếp cận mục tiêu, các chiến sĩ lập tức mở cửa, bí mật luồn sâu lót sát các vị trí trọng yếu như sở chỉ huy, khu vực tập trung sinh lực, binh khí kỹ thuật, kho tàng của "địch". Đến giờ hiệp đồng, bộ đội sử dụng các loại vũ khí chuyên dụng và cách đánh sở trường, bất ngờ, đồng loạt nổ súng tiêu diệt chính xác mục tiêu, thực hiện “đánh từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, đánh từ trên xuống, đánh từ dưới lên, đánh nở hoa trong lòng địch”. Chưa đầy 10 phút nổ súng, toàn bộ “địch” cùng phần lớn phương tiện chiến tranh của chúng đã bị tiêu diệt, phá hủy. Lực lượng của ta rút khỏi trận địa nhanh chóng, bí mật, an toàn...

leftcenterrightdel
 Lớp đào tạo Tổ trưởng Đặc công nước, lớp K52, Hệ Hạ sĩ quan-chuyên môn kỹ thuật (Trường Sĩ quan Đặc công) thực hành huấn luyện. 

Sau “trận đánh” mau lẹ, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Thượng tá, Thạc sĩ Phạm Trọng Hoàn, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật, Khoa Đặc công nước, qua đó thêm thấu hiểu, cảm phục sức chịu đựng dẻo dai, nghị lực phi thường cùng những thử thách đặc biệt mà các chiến sĩ đặc công (CSĐC) nước phải vượt qua trong quá trình khổ luyện. Vừa kể chuyện, đôi mắt người CSĐC dạn dày kinh nghiệm vừa nhìn xa xăm vùng nước mênh mông trước mặt, nơi bất kể mùa đông cũng như mùa hè, sáng sớm hay đêm khuya, anh và các học trò thường xuyên phải dầm mình nhiều giờ trong nước để tôi rèn cho mình thân hình chắc nịch như gỗ lim, mau lẹ như rái cá, thích nghi với mọi điều kiện nhiệt độ, thời tiết, địa hình phức tạp. Thượng tá Phạm Trọng Hoàn cho hay, trong nội dung huấn luyện bơi của đặc công nước, không thể thiếu bài “bơi ngửa ngầm, miệng thở kiểu cá chép”. Thực hiện bài tập này, các chiến đấu viên phải bảo đảm chìm hoàn toàn trong nước, việc duy trì hô hấp được thực hiện qua ống thở. Chỉ bằng những ống thở đơn sơ như thế, các thế hệ cha anh chúng ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ đã đánh chìm, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch trên khắp các chiến trường. “Huấn luyện trong môi trường nước khắc nghiệt vô cùng, nhất là mùa đông, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ, chiến đấu viên phải có nền tảng thể lực cực kỳ sung mãn, có sức bền, độ dẻo dai và bản lĩnh phi thường. Có như thế mới đáp ứng được yêu cầu tác chiến khi hoạt động sâu trong lòng địch”, Thượng tá Phạm Trọng Hoàn chia sẻ.

leftcenterrightdel
Học viên Lớp K38, Hệ Đại học, Trường Sĩ quan Đặc công huấn luyện chiến đấu. 

Chưa thỏa mãn với những gì mắt thấy tai nghe về các CSĐC, chúng tôi tìm đến lớp đào tạo Tổ trưởng Đặc công nước lớp K52, Hệ Hạ sĩ quan-chuyên môn kỹ thuật, đang thực hành bài huấn luyện bơi lặn trên mặt hồ, giữa cái nắng nóng như đổ lửa, thực sự là một trải nghiệm khắc nghiệt nhưng cũng rất thú vị với cánh phóng viên chúng tôi. Mải ngắm các CSĐC nước đang tập trung cao độ cho các bài bơi chiến đấu với kỹ thuật điêu luyện, tôi thoáng giật mình khi xuất hiện ngay trước mắt từ lúc nào một người độ tuổi trung niên cởi trần, thân hình rắn chắc, nước da đen như gỗ mun. Hỏi chuyện, được biết, anh là Trung tá Đỗ Quang Tượng, Lớp trưởng lớp K52, một trong những chuyên gia lão luyện chuyên ngành đặc công nước của nhà trường. Sau cái bắt tay thân mật, anh hồ hởi: “Mới bước vào huấn luyện được 10 ngày nhưng 100% học viên của lớp đã biết bơi, nhiều đồng chí có thể bơi được 150-200m”.

Trò chuyện với Trung tá Đỗ Quang Tượng, tôi biết rằng, việc học viên biết bơi và thực hiện đúng thao tác kỹ thuật trong thời gian ngắn như vậy đòi hỏi rất nhiều công sức và cả tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Học viên của nhà trường đến từ nhiều vùng, miền khác nhau, hoàn cảnh gia đình, tâm sinh lý cũng đa dạng, phức tạp, phần lớn chưa biết bơi. Những ngày đầu bước vào huấn luyện, một số chiến sĩ có tâm lý sợ nước, ngại học. Để động viên bộ đội, trong tất cả buổi học, giảng viên trực tiếp bơi cùng bộ đội, nhằm tạo động lực, niềm tin cho học viên. Binh nhì Vũ Đình Hưng, quê ở khu phố Khang Phú, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, một trong những học viên “nhát” nước nhất lớp nhưng được sự kèm cặp, hướng dẫn trực tiếp của đồng chí lớp trưởng, chưa đầy một tuần, cậu chiến sĩ trẻ đã có thể bơi độc lập được hàng trăm mét.

“Truyền thống hào hùng, chiến công hiển hách và bản lĩnh đặc biệt của bộ đội đặc công đã thôi thúc tôi phấn đấu, rèn luyện. Nhất định tôi sẽ theo kịp đồng đội trong tất cả các bài huấn luyện, cho dù có khó khăn, phức tạp đến mấy”, Binh nhì Vũ Đình Hưng bộc bạch.

Thao trường gắn với chiến trường

Rời khu vực huấn luyện của các CSĐC nước, chúng tôi có dịp cùng Đại tá Vũ Hồng Thám, Phó hiệu trưởng Trường SQĐC thâm nhập các lớp đặc công bộ, đặc công biệt động đang thực hành huấn luyện sôi nổi trên khắp các bãi tập. Quả thật, nơi nào tôi cũng cảm nhận yếu tố bí mật, bất ngờ, luồn sâu lót sát, đánh trúng vào nơi hiểm yếu, sơ hở của địch cùng tinh thần đánh nhanh, diệt gọn, đánh chắc thắng, đạt hiệu suất cao được đội ngũ cán bộ, giảng viên truyền thụ tới học viên như vắt ra từ trong gan ruột.

Đại tá Vũ Hồng Thám tâm sự, nhà trường đảm nhiệm đào tạo đa dạng các đối tượng học viên, từ sơ cấp đến đại học, nòng cốt là đào tạo sĩ quan đặc công cấp phân đội, sau này sẽ trở thành lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đặc công trong binh chủng và toàn quân. Do đó, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường xác định qua từng giai đoạn, phải không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện đối với tất cả đối tượng học viên, nhất là bồi dưỡng phẩm chất chính trị, tác phong chỉ huy, bảo đảm mỗi đồng chí ra trường phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, sâu sát, có tính quyết đoán và tinh thần dũng cảm táo bạo, mưu trí sáng tạo, độc lập tác chiến. Anh cũng cho hay, cùng một thầy, một môn học, nhưng giảng dạy cho đối tượng trình độ đại học, nhà trường phải định hướng nghiên cứu, phát triển tư duy và đặt ra những yêu cầu rất cao với người học, như việc nghiên cứu tình hình địch, ta; tổ chức, sử dụng lực lượng, đến cách đánh... Học viên trung cấp, chuyên môn kỹ thuật, nhà trường giảng cụ thể, chi tiết, dễ hiểu, tăng cường thị phạm cho học viên quan sát, nắm chắc nội dung bài học. Căn cứ vào từng đối tượng đào tạo, trước mỗi nội dung lên lớp, các khoa giáo viên đều tổ chức chặt chẽ việc thông qua giáo án, bài giảng của giảng viên, không để tình trạng sử dụng một giáo án cho nhiều đối tượng.

leftcenterrightdel
Học viên Lớp K38, Hệ Đại học, Trường Sĩ quan Đặc công huấn luyện kỹ thuật chiến đấu. 

Hằng năm, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường SQĐC cũng chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều đợt khảo sát, đánh giá chất lượng cán bộ là học viên của trường sau khi tốt nghiệp về công tác ở đơn vị, đồng thời đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế, giữ chức vụ ở đơn vị, qua đó giúp mỗi cán bộ, giảng viên có cơ hội nắm bắt được thực tế ở cơ sở và những yêu cầu đặt ra từ đơn vị cơ sở. Những nội dung, kỹ năng cần đạt được trong quá trình công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của người cán bộ ở đơn vị, nhà trường kịp thời bổ sung, đưa vào giáo trình tài liệu giảng dạy, huấn luyện sát từng đối tượng đào tạo. Đặc biệt, việc trao truyền kinh nghiệm chiến đấu, những chiến lệ đặc công tiêu biểu được nhà trường hết sức coi trọng. Quá trình truyền thụ kiến thức cho học viên, nhà trường vừa lồng ghép vào bài giảng, vừa tổ chức huấn luyện riêng các chiến lệ đặc công, kể cả những trận thắng và trận thất bại, nhằm phân tích nguyên nhân, bài học xương máu, từ đó tìm ra giải pháp, cách đánh phù hợp.

Làm sao để “cỗ máy cái” nơi đào tạo ra những chiến sĩ “đặc biệt tinh nhuệ, xuất quỷ nhập thần” không ngừng phát huy truyền thống, cũng như từng bước nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay?

Đây là câu hỏi khiến Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường SQĐC hết sức trăn trở. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, TS Trần Trọng Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy nhà trường cho biết, những năm gần đây, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên quán triệt sâu sắc nghị quyết của cấp trên, tập trung lãnh đạo nhà trường hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Hằng tháng, quý, học kỳ, năm học, Thường vụ Đảng ủy nhà trường đều có nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, GD-ĐT. Những nội dung khó, phức tạp, nguy hiểm như diễn tập, luyện tập chiến thuật tổng hợp cuối khóa, thi tốt nghiệp, đều được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Với phương châm: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp với các đơn vị đặc công trong binh chủng và toàn quân, tập trung đổi mới nội dung, chương trình đào tạo cho các học viên bảo đảm sát thực tế, gắn công tác GD-ĐT của nhà trường với nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu của đơn vị.

Qua những gì được “thực mục sở thị” ở Trường SQĐC, cái nôi đào tạo ra những chiến sĩ “đặc biệt tinh nhuệ”, cho đến những câu chuyện, hình ảnh sinh động về quá trình khổ luyện đầy khắc nghiệt của các CSĐC ở đơn vị cơ sở, chúng tôi càng hiểu vì sao bộ đội đặc công Việt Nam đã làm nên những chiến thắng vang dội, chấn động cả thế giới, khiến kẻ thù khiếp sợ, đồng thời làm cho bạn bè quốc tế tin yêu, cảm phục, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG