Những con mắt xuyên đêm
Lần thứ hai đến với Vườn Quốc gia Tràm Chim, lòng tôi không khỏi phấn khích bởi lần này không phải tham quan mà là được trải nghiệm tuần tra đêm cùng với những cán bộ của Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tràm Chim.
8 giờ tối, Vườn Quốc gia Tràm Chim chìm trong màn đêm tĩnh lặng. Chỉ có ánh sáng từ đèn thắp ở chốt bảo vệ rừng hắt lên một khoảng lờ mờ. Tiếng nói trao đổi giữa mọi người vang lên nghe rõ mồn một. “Đêm nay có thể mưa và rất lạnh nên anh em nhớ chuẩn bị thêm áo mưa”-anh Nguyễn Văn Tháo, Tổ phó Tổ Kiểm lâm cơ động và Phòng, chống cháy rừng nói với cả đội trước giờ làm nhiệm vụ tuần tra rừng. Sau khi nhận xong nhiệm vụ, cả đội nhanh chóng vào cuộc.
Hai chiếc vỏ lãi rẽ nước tiến sâu vào lòng rừng ngập nước tối đen như mực. Những đôi mắt còn chưa quen với bóng đêm, mọi cảm nhận chỉ là sự tròng trành của sóng nước, bỗng đâu vang vọng tiếng chim bìm bịp nỉ non như nốt nhạc trầm buồn loang trên sóng nước mênh mông, báo hiệu con nước lớn đã về. Vậy là họ lại có một đêm vất vả!
|
|
Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Tuổi trẻ Online |
Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa nước nổi, cá, tôm theo con nước dồn về vườn quốc gia; chim muông lại tụ về chọn nơi trú ngụ tạo nên sự đa dạng sinh học cho khu vườn. Đây cũng là nơi trú ngụ của hơn 130 loài cá nước ngọt, gần 300 loài thực vật, chim nước, trong đó có 32 loài chim quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới. Chính nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào đã khiến khu rừng như miếng mồi hấp dẫn bao kẻ xâm nhập trái phép vào khai thác.
Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm còn khá mỏng (với 44 nhân viên kiểm lâm và bảo vệ) để bảo vệ tài nguyên của Vườn Quốc gia Tràm Chim. Mỗi đợt đi tuần, đội chỉ có 4-5 người. Dù được trang bị súng nhưng đa phần chỉ sử dụng khi thực sự nguy cấp, không ai được phép dùng súng tấn công người khác, kể cả đối tượng xâm nhập trái phép. Biết rõ điều này, các nhóm đánh bắt trộm thường lợi dụng đêm tối, tập trung thành nhóm lớn để gây áp lực với lực lượng giữ rừng. Vì thế, nhiều lúc đội kiểm lâm phải chịu thua bọn chúng hoặc không thể bắt hết cả nhóm.
Đêm lặng, chúng tôi băng qua những cánh đồng, len lỏi vào dãy rừng ngập nước, cảm giác rợn ngợp qua nhanh... là trải nghiệm thú vị đầu tiên của chúng tôi. Anh Tháo chốc chốc lại đứng lên quan sát xung quanh. Trong ánh sáng nhờ nhờ ấy, đôi mắt đã dạn dĩ với bóng đêm suốt 20 năm gắn bó với nghề đã chỉ cho anh biết đốm sáng nào là “bất thường” giữa vô vàn đốm sáng lập lòe từ những con đom đóm.
Là người trẻ nhất trong Tổ Tuần tra, anh Nguyễn Văn Lợi (sinh năm 1986) được giao nhiệm vụ cầm lái. “Nguyên tắc tuần tra ban đêm không được bật đèn, càng vào sâu trong rừng càng tối, cách thức duy nhất để lái chiếc vỏ lãi là... bằng kinh nghiệm, quan sát những làn sóng để đi. Một tuần 2-3 lần, thậm chí ngày nào cũng tuần tra nếu như có người vào rừng đánh bắt trộm. Những lần đầu lênh đênh trên nước, xung quanh tối đen, chẳng nhìn thấy đường mà lái, cũng thấy sợ”-anh Lợi tâm sự.
Hơn 2 giờ đồng hồ quanh co giữa những cánh rừng tràm dày đặc, chúng tôi cũng vào được chốt canh nằm sâu trong Phân khu A1. Trong lúc đồng đội tranh thủ ngả lưng trên võng, làm ngụm chè cho tỉnh táo, anh Lợi thoăn thoắt trèo lên chòi canh, căng mắt nhìn bốn phía. Cả khu rừng chìm trong giấc ngủ, giữa mênh mông bát ngát chỉ còn thấy những mảng tối, mảng sáng của nước và cây hòa quyện vào nhau, thi thoảng bị xé toang bởi ánh chớp phía chân trời.
Rót chén trà mời chúng tôi, ông Lê Công Định, người giữ chốt này đã mấy tháng nay chia sẻ: “Ban đầu một mình vò võ ở đây cũng buồn lắm, lúc nào cũng ngóng tiếng máy nổ văng vẳng ở xa. Rồi ở riết cũng thành quen”.
Ngày nào ông cũng làm một công việc quen thuộc là leo lên chòi canh, quan sát xem chừng hỏa hoạn và những người xâm nhập trái phép vào rừng đốn cây, bắt cá, phá hoại môi sinh. Ông bảo những người nhận nhiệm vụ gác ở đây ở ròng rã mấy tháng mới trở về nhà. Họ thường tự hái rau, câu cá cải thiện bữa ăn cho mình, bởi có khi cả tháng trời mới có người mang gạo, muối, nhu yếu phẩm tiếp tế.
Thả mình trên võng, tiếng anh Tháo lúc to lúc nhỏ theo nhịp võng đưa. Anh kể, thường thì đối tượng bắt trộm thả lưới từ chiều, ban đêm sẽ mò vào gỡ. Để bắt được, đội tuần tra chỉ có thể đi đêm tiếp cận mới không bị đối tượng phát hiện. Mùa này, kẻ đánh bắt trộm chủ yếu là người dân nghèo vào kiếm con cá, con tôm mưu sinh hoặc được thuê vào bắt trộm trứng chim. Còn mùa khô thì “nguy hiểm” bởi những kẻ đánh bắt bằng điện. Khi gặp lực lượng chức năng thì chúng chống trả quyết liệt, thậm chí dùng cây xiệc với dòng điện cả nghìn Watt chích xuống nước khiến lực lượng bảo vệ bị điện giật, không tiếp cận được.
“Có người bị họ tấn công, điện giật phải nằm bệnh viện cả tuần. Mùa khô hằng năm anh em bị hoài, không người này thì người kia”-giọng anh Tháo đều đều, hòa trong tiếng côn trùng rả rích.
Tôi thắc mắc, với mức lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng mà anh em vẫn bám trụ, hết lòng với nghề. Anh Tháo bảo: “Ngày cứ đủ cơm hai bữa là vui rồi”. Nơi góc chòi, ông Huỳnh Văn Phượng và anh Hồ Minh Nhựt trả lời gọn lỏn: “Nghề nào chả vất vả, có gì để nói đâu”.
Để tiếp cận đối tượng mà không bị phát hiện, các anh phải tắt máy, chống sào băng qua những cánh đồng. Giữa cánh đồng nước mênh mông, chúng tôi như lạc vào một dải thiên hà.
Đêm không yên tĩnh
Đêm nay sẽ là một đêm yên bình và thơ mộng, nếu không bất ngờ có một ánh đèn lóe lên từ góc cánh rừng tràm!
Cả đội bỗng im bặt, tất cả mọi cặp mắt dồn vào đốm sáng lấp lóe đằng xa. Nhanh như cắt, chiếc vỏ lãi của ông Phượng tách ra khỏi đoàn, chỉ trong nháy mắt đã hòa lẫn vào đám cỏ năng. Càng đến gần đốm sáng, tim tôi đập thình thịch, hồi hộp nép mình trên chiếc thuyền chờ đợi giây phút áp sát đối tượng. Bỗng đốm sáng đó bừng lên rồi nháy đèn ra hiệu. Hóa ra ông Phượng đã áp sát và bắt quả tang đối tượng. Còn chúng tôi có nhiệm vụ đón lõng bên ngoài.
Cảm giác hồi hộp rình bắt đối tượng nhanh chóng bị thay thế bằng lòng thương cảm khi ánh đèn bật sáng. Trước mắt chúng tôi là hai thanh niên tuổi tầm đôi mươi đang co ro, sợ sệt với một mớ cá trên thuyền. Vẫn bằng giọng nói nhỏ nhẹ, anh Tháo hỏi thăm, rồi giải thích việc đánh bắt muông thú, thủy sản như vậy là vi phạm pháp luật.
|
|
Ông Huỳnh Văn Phượng phát hiện ra lưới đánh bắt trái phép. Ảnh: ĐẶNG HÀ |
Thả họ đi rồi, giọng anh buồn rầu: “Ngoài một số đối tượng hung hãn, đa phần là người dân vào vườn quốc gia săn bắt có hoàn cảnh rất nghèo. Họ vì miếng cơm manh áo, mình vì nhiệm vụ, cả hai cùng lọ mọ đêm hôm. Hồi đầu tiên chúng tôi tuần tra và bắt giữ được cũng muốn tha cho những đối tượng vi phạm, nhưng nếu làm như vậy thì rất khó cho việc xử lý, răn đe. Vì khi họ được tha, những người khác cũng sẽ vào săn bắt thì còn gì là bảo vệ vườn quốc gia. Bởi lẽ đó, khi tìm hiểu hoàn cảnh của họ, tùy vào mỗi trường hợp để xử lý cho phù hợp, cốt yếu là giúp họ thay đổi nhận thức, không vào rừng săn bắt nữa.
Đang thì thầm chuyện trò, bỗng anh Tháo dõi mắt và ra hiệu thuyền đi nép đám cây. Chúng tôi cũng cố căng mắt nhìn mà chỉ thấy một màu tối đen. Đến khi anh bật đèn chĩa thẳng vào đối tượng, chúng tôi mới thấy một chiếc thuyền khác. Đối tượng có vẻ chuyên nghiệp, khép nép xin xỏ và có ý hối lộ để xin lại gần 100 cái đó tôm mà hắn đã giăng đầy trên mặt nước.
Vẫn với giọng nói trầm nhẹ nhưng quyết liệt, anh Tháo yêu cầu đối tượng rời khỏi khu vực vườn ngay và tịch thu toàn bộ tang vật. Cứ thế, hai chiếc thuyền lại lướt đi trên mặt nước, những đôi mắt tinh tường nhanh chóng phát hiện ngư cụ đánh bắt nhưng đối tượng chưa xuất hiện, thế là cả đội lại núp vào tán rừng chờ đợi. Khi đó có rất nhiều loài rắn độc trong bụi rậm rình bắt mồi xuất hiện. Nhưng với họ, rắn không có gì là đáng sợ, bởi họ đã quen với cảnh rừng đêm, quen với những ảo ảnh thỉnh thoảng lập lòe trước mắt, quen với những cái vẫy tay ra hiệu “dừng lại, quan sát phía trước” hay “chia ra hai hướng để áp sát đối tượng” …
Gần 3 giờ sáng, thấy chúng tôi đã thấm mệt vì sương lạnh, bị ướt do nước hắt lên trong suốt nhiều giờ ngồi bó gối trên chiếc vỏ lãi nhỏ hẹp nên các anh có ý quay về. Anh Tháo kể: Vất vả như vậy, nhưng anh em ở hạt đi riết rồi quen em à! Có lần đi tuần 5 giờ sáng mới về tới trạm bởi có những cuộc đuổi bắt kéo dài 3-4 giờ đồng hồ. Trời mưa thì đi tuần tra vất vả hơn, nhưng bù lại dễ tiếp cận các đối tượng. Khi phát hiện đối tượng ở chỗ đồng không mông quạnh thì việc truy bắt rất khó vì không lợi dụng được địa hình anh em có lúc phải trầm mình dưới dòng kênh, bơi bò như lính đặc công để tiếp cận từ từ và vây bắt. Có những đối tượng rất tinh vi, hung hãn nên đôi khi chúng tôi phải đi theo các đối tượng và chờ chúng hết bình điện thì ập vào bắt.
Hai chiếc thuyền quay ra hướng bìa rừng, chạy băng băng trên dòng kênh. Nhìn dáng vẻ thảnh thơi, những tưởng họ đã kết thúc buổi đi tuần, bỗng anh Tháo khoát tay. Chiếc thuyền im bặt. Anh Nhựt đang tranh thủ ngả lưng phía trước mũi thuyền ngồi bật dậy, nhanh chóng sang thuyền cùng ông Phượng tách tốp. Loanh quanh tìm kiếm gần nửa tiếng, các anh đành đi tiếp. Đối tượng đã kịp lẩn trốn.
Chúng tôi lại tiếp tục xuôi dòng về phía trạm, cứ ngỡ chỉ chạy 5-10 phút nữa là tới khi thấy ánh đèn từ trạm, vậy mà hết chèo, rồi chống để đẩy con thuyền qua những bãi cạn xâm xấp nước cũng mất cả nửa tiếng sau mới tới. Trời đã dần về sáng, vậy là họ chỉ kịp ngả lưng vài tiếng đồng hồ để rồi tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ rừng khi ngày mới đến.
Nhìn khu rừng vẫn chìm trong giấc ngủ thanh bình, ít ai có thể ngờ trong nó chứa đựng một cuộc sống về đêm với nhiều sôi động, hiểm nguy, thách thức và cả những cung bậc cảm xúc trong công tác bảo vệ. Quản lý một vùng đất ngập nước mênh mông, với tổng diện tích tự nhiên 7.313ha, dấu chân của những cán bộ bảo vệ rừng tại Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tràm Chim dường như đã in khắp vùng đất “sáu tháng đồng khô cỏ cháy, sáu tháng nước ngập trắng đồng” này. Trong hoàn cảnh gian khó, nhiều hiểm nguy ấy, họ vẫn ngày đêm tận tụy, thầm lặng với nhiệm vụ giữ khu Ramsar (khu đất ngập nước quan trọng trong bản đồ đa dạng sinh học thế giới) của thế giới, như bảo vệ chính ngôi nhà mình.
Ghi chép của THU HÀ - THÚY AN