Quân đội nhân dân Việt Nam bách chiến bách thắng là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng: Quân đội ta được nhân dân chăm lo xây dựng và bảo vệ. Điều này đã được đúc kết trong thành ngữ: “Đi dân nhớ, ở dân thương”-nét đặc sắc của Bộ đội Cụ Hồ.

Lúc quân đội mới ra đời, “mũ nan, ống túm”, ăn một bữa cơm nhạt làm kỷ niệm, thề khó khăn gian khổ không chùn bước; đánh hai trận mở đầu Phai Khắt-Nà Ngần, mở truyền thống bách chiến bách thắng… đều do dân tạo điều kiện về vũ khí, quân dụng, cơm ăn, áo mặc. Thời kỳ đánh Mỹ, những đoàn tân binh huấn luyện xong, trước khi đi B còn đóng quân tại các thôn xóm để Hội mẹ chiến sĩ chăm chút, để nhân dân nuôi cho tăng cân, tăng sức. Và, sau buổi lễ “Tiễn anh lên đường”, lại trông theo từng ngày, chờ đón anh về… Tại chiến trường ác liệt, dân là chỗ dựa của bộ đội. Địch lập vùng trắng, vẫn có những người dân bám trụ lại, hợp pháp hóa một xóm, một làng, để Quân Giải phóng dễ bề hoạt động…

Trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bộ đội chống thiên tai, cứu dân; giúp dân xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa… Khi rút đi rồi, lòng dân vẫn in sâu những kỷ niệm. Ở tỉnh Hải Dương, con đường Quốc lộ 391 mới nâng cấp, với nhiều đơn vị thi công, nhưng dân chỉ nhớ bộ đội Binh đoàn Trường Sơn-đơn vị quân đội duy nhất tham gia công trình - đảm nhiệm đoạn từ xã Hải Tân (TP Hải Dương) đến xã Quang Phục (huyện Tứ Kỳ), vì đoạn đường ấy chắc chắn, đúng tiến độ và trong khi xây dựng, bộ đội luôn luôn có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Bà con gọi họ là: “Những người lính làm đường của dân”. Giữa cơn bão số 7 (2005), tiểu đoàn vận tải 752 (Binh đoàn Quyết Thắng) thâu đêm cứu dân ở xã Kim Chung, Cồn Thoi (huyện Kim Sơn, Ninh Bình). Khi chia tay, các bà, các chị bịn rịn gửi quà, “Mong khi không có bão, các chú vẫn về”…

Vang mãi khúc quân hành. Ảnh: Quang Thái

 “Đi dân nhớ, ở dân thương” đã trở thành nếp sống của quân với dân, đi vào đời sống văn hóa dân tộc: “Các anh về mái ấm nhà vui!”. “Anh về cối lại vang rừng/Chim reo trên mái, gà mừng dưới sân/Anh về sáo lại ái ân/Đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca”. Chỉ có Bộ đội Cụ Hồ mới tạo lập được niềm tin yêu ấy. Bởi vì Quân đội ta từ nhân dân mà ra. Cần thấy một điều đặc biệt là: Bất cứ người lính nào trên trái đất cũng là con đẻ của dân cả. Song, không phải Quân đội nào cũng từ nhân dân mà ra như Quân đội của chúng ta. Sự khác biệt là ở chỗ: Quân đội ta, trong quan hệ với nhân dân, không dừng lại ở chỗ là con em ruột thịt của dân, mà cao hơn thế, ở chỗ văn hóa dân tộc nuôi dưỡng tâm hồn chiến sĩ, tạo nên hồn cốt của Quân đội. Truyền thống Quân đội hun đúc bản lĩnh quân nhân. Quân đội là một lực lượng chính trị của dân, do dân, vì dân. Ngay từ khi thành lập, đã rèn luyện 12 điều kỷ luật và 10 lời thề danh dự; trong đó Lời thề thứ 9 : “Khi tiếp xúc với dân làm đúng 3 điều nên: Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân và 3 điều răn: Không lấy của dân, không dọa nạt  dân, không quấy nhiễu dân, để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân dân nhất trí”.

Suốt gần bảy chục năm qua, bản chất cách mạng của Quân đội ta không hề phai nhạt. Truyền thống Quân đội anh hùng “Đi dân nhớ, ở dân thương” ngày càng được phát huy trong những điều kiện và hoàn cảnh mới. Tiêu biểu như những chiến sĩ dầm mình trong thiên tai, thảm họa để cứu người và bảo vệ tài sản của dân, mà tiết liệt rạng danh sông núi (như các liệt sĩ Phạm Hữu Huyên, Lê Văn Phượng, Đoàn Trọng Giáp…). Ở các đội công tác vùng biên, bộ đội “3 cùng” với dân, như Thượng tá, Đội trưởng Hoàng Văn Chỉ ở đội 123 (Quân khu 2), công tác ở Xuân Nha, Mộc Châu, Sơn La, giữa đêm mưa, vượt núi, băng đèo cứu người dân bản Nà Hiềng được “mẹ tròn, con vuông”; mỗi khi dùng cây thuốc chữa bệnh, đều mời trưởng-phó thôn, bản đến để giải thích, hướng dẫn. Đoàn Kinh tế-Quốc phòng B14 (Quân khu 2) ở cực Bắc-Hà Giang đã mang đến cho dân ở Xín Mần ba cái lạ: Quây đất màu, trồng ngô trên đá; Kè đá, lót ni lông giữ nước ngang sườn đồi và gạt phấn hoa ngô vào phễu giấy rồi thổi vào râu ngô, tạo ra vụ ngô được mùa lớn, chưa bao giờ thấy. Phương châm là: “Làm để cho đồng bào biết và tự làm lấy!”…

Chúng ta đang xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng vũ trang nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân. “Đi dân nhớ, ở dân thương” phải được phát huy thường xuyên với chất lượng mới, vì nó là thuộc tính, là truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ. Vậy làm thế nào để khi ta đi rồi, dân vẫn nhớ ta. Và ta đi như thế nào để khi gặp lại, dân càng thương ta? Có thể nói, biện pháp thiết thực mà hiệu quả nhất vẫn là thực hiện 10 lời thề danh dự và 12 điều kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cần nhớ rằng, việc giáo dục và tổ chức thực hiện 10 lời thề danh dự và 12 điều kỷ luật của quân đội ta là do Bác Hồ chỉ đạo. Vì vậy, nên đưa vào chương trình giám sát, kiểm tra ngay trong thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Trong thực hiện, cán bộ phải gương mẫu làm trước để chiến sĩ học tập, noi theo, đồng thời phát huy tính năng động, chủ quan của mỗi người.

 “Đi dân nhớ, ở dân thương” là nét văn hóa truyền thống của quân đội ta, là đặc trưng của Bộ đội Cụ Hồ. Nó là yếu tố góp phần rất quan trọng tạo nên sức mạnh của quân đội. Giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy là vấn đề cơ bản, đồng hành cùng sự phát triển không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mỗi quân nhân góp phần mình vào giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống “Đi dân nhớ, ở dân thương” là thiết thực làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Bùi Phan Lộc Bích