Trường "4 không" bây giờ...
Đêm trước chuyến đi, cô Triệu Thị Đẹp, Hiệu trưởng nhà trường gọi điện thoại dặn chúng tôi rất cẩn thận: “Dù mới được cải tạo nhưng nếu trời mưa thì hai ngầm nước trên cả hai con đường vào trường sẽ dâng lên rất cao, không thể đi được. Cứ trời mưa là trường bị cô lập nên các nhà báo theo dõi thời tiết nhé!”. Lời của cô hiệu trưởng khiến tôi thêm phần hồi hộp. Suốt mấy tiếng đồng hồ trên xe ô tô, trong đầu tôi liên tục hiện lên hình ảnh nào là những đoạn đèo, dốc khúc khuỷu, thậm chí sẵn sàng cho cả việc đi bộ, nhất định phải tới được Nà Lốc. Từ huyện Văn Quan, càng đi, đường càng nhỏ lại, nhà dân cũng thưa dần, có đoạn đường mấy ki-lô-mét không thấy bóng người. Nà Lốc chỉ cách trung tâm xã Tú Xuyên chưa đầy 10km nhưng đây vẫn là địa bàn khó khăn về mọi mặt…
Chuyện ở Nà Lốc có lẽ cũng giống như nhiều câu chuyện ở các trường học vùng cao khác trên mảnh đất hình chữ S này. Vẫn là những người thầy yêu nghề, thương học sinh. Vẫn là những đứa trẻ nhút nhát, thiếu thốn nhưng ham biết chữ mà lặn lội đến trường. Vậy mà những chuyện tưởng quen ấy vẫn khiến người được nghe, được thấy chùng lòng nghĩ ngợi. Một tay ôm chặt chiếc cặp sách mới vừa được tặng, tay kia cầm hộp sữa tươi, cậu học sinh chừng lớp 1, da đen nhẻm háo hức đưa lên miệng. Vài hơi, hộp sữa đã xẹp lép, móp méo. Cậu vẫn cố mong hút thêm được những giọt sữa cuối cùng mà chẳng để tâm mình đang đứng giữa sân trường trưa nắng. Nhìn theo ánh mắt tôi, cô giáo Thúy nén tiếng thở dài, nói nhỏ: “Đó là em Hoàng Minh Quân, học sinh lớp 2. Nhà Quân bị "bà hỏa" ghé thăm, thiêu rụi hoàn toàn hồi năm ngoái”. Chính quyền, làng xóm và nhà trường có động viên, hỗ trợ nhưng bố mẹ em cũng chẳng thể cất lại được ngôi nhà mới. Khó khăn chồng chất khó khăn bởi thu nhập chính của bố mẹ Quân cũng như hầu hết người dân ở đây chỉ là từ mấy mảnh ruộng nhỏ giữa khe núi và mấy con gà, con lợn. Thế nhưng, Quân vẫn đến trường đều đặn, chăm chỉ học tập. Ở gần đó, cô bé Kim Thoa có đôi mắt đen láy dường như mạnh dạn hơn các bạn luôn miệng nói “Con cảm ơn”, “Con xin” khi được tặng quà. Tôi hỏi: “Nhà con cách đây xa không?”. Thoa nhanh nhảu trả lời: “Nhà con cách đây 6 cây số. Bố mẹ con đi làm công nhân ở xa. Con đi học cùng với chị. Chị con học lớp 5”...
Hình ảnh lớp học của Trường Mầm non-Tiểu học Nà Lốc năm 2012. Ảnh: QUÁCH DƯƠNG
Đi học cùng anh chị, cùng bạn, thậm chí là một mình cuốc bộ dăm ki-lô-mét đường đất đến trường đã là chuyện thường ngày của các em học sinh ở Nà Lốc. Em Lý Thu Hoài, bố mất, mẹ bỏ đi biệt xứ, hằng ngày vẫn một mình đi bộ hơn 2km đến lớp hay như hai chị em Nông Văn Hoàng, ở với ông nội, hằng ngày vẫn chăm chỉ đi bộ đến lớp và luôn đạt thành tích học tập rất tốt…
Thời tiết mùa thu nhưng Nà Lốc vẫn còn khá nóng. Trong phòng làm việc của giáo viên, cô trò và khách ngồi nói chuyện rôm rả hồi lâu, mồ hôi mướt mải. Bất chợt, một thành viên trong đoàn hỏi: “Nóng vậy sao các cô không bật quạt nhỉ?”. Lúc bấy giờ các cô giáo mới ồ lên vì quên bật quạt. Cô Đẹp cười nói: “Các nhà báo thông cảm nhé! Đã quá lâu cô trò sinh hoạt không có điện nên bây giờ vẫn chưa quen là công trình điện từ năng lượng mặt trời do một doanh nghiệp tài trợ đã đi vào hoạt động được một thời gian”. Nói đến đây, câu chuyện của những tháng năm trước lại hiện về với các thầy cô. 5 năm trước, Nà Lốc vẫn là trường học “4 không”: Không đủ lớp học, không có phòng làm việc cho cán bộ, giáo viên, không có nước sinh hoạt, không có điện. Lớp học khi đó vẫn là dãy nhà tạm bợ, vách đất nứt vỡ bung bét, khung vách tiều tụy được làm từ năm 1990. Mỗi khi mưa to gió lớn, thầy và trò lại lo tránh dột trong bốn bức tường xiêu vẹo, chực đổ bất cứ lúc nào. Các thầy cô ở đây kể lại rằng, những cô cậu học trò trong bộ quần áo cũ kỹ ngả màu có đôi mắt trong veo vẫn thường tưởng tượng lớp học của mình giống như một con thú đang há mồm để khoe những chiếc nanh sắc nhọn. Và cái tên“lớp học há mồm” đã ra đời từ đó.
Trường Mầm non-Tiểu học Nà Lốc đã không còn nhà tranh vách đất nhờ những công trình xã hội hóa.
Nà Lốc đã đổi thay nhiều và một điều đáng tự hào là nhiều năm nay không có học sinh bỏ học. Đằng sau kết quả tưởng chừng đơn giản đó là câu chuyện dài về sự tâm huyết, tận tâm của các thầy cô và sự quan tâm của chính quyền, các tổ chức, cá nhân. Nhiều công trình được mọc lên ở Nà Lốc nhờ xã hội hóa giáo dục. "Lớp học há mồm" đã được thay thế bằng những dãy nhà xây kiên cố, có sân bê tông. Nước được dẫn từ nguồn về trường...
Bản Mù không còn mù
Phân trường Bản Mù, Trường Mầm non-Tiểu học Nà Lốc cách trường khoảng 6km đường núi. Đoạn đường vào Bản Mù, chiếc xe gắn máy của thầy giáo Phúc chở tôi hầu như chỉ chạy ở số 1 và số 2. Tiếng máy gầm gừ, cố bò lên con dốc dựng đứng dài hút mắt nhìn. Tôi rùng mình, nếu không quen, chỉ lỡ tay ga thì thật khó lường. Chưa lên hết dốc, tai tôi ù đi thì lát sau đã lại thấy xe chuẩn bị xuống dốc. Con dốc dài, bánh xe lao vù vù, ngoằn ngoèo tránh những hòn đá to, những sườn rãnh do xe đi qua khi mưa đất lầy để lại. Thấy tôi có vẻ lo lắng, thầy Phúc trấn an: “Đi đường như này nhiều, phanh xe cũng chẳng chịu nổi nhiệt lâu đâu. Cô đừng lo, xuống hết con dốc này sẽ lại lên dốc khác, xe sẽ tự đi chậm lại thôi”.
4 thôn trên địa bàn Trường Mầm non-Tiểu học Nà Lốc phụ trách đều chưa có điện lưới quốc gia. Phân trường Bản Mù không có cả sóng điện thoại. Năm 2016, Bản Mù mới được tài trợ đường ống nước dẫn từ nguồn về lớp. Trong cái nóng oi ả của thời tiết sắp có bão, giấc ngủ trưa của các cháu lớp mẫu giáo đẫm mồ hôi. Ấy thế mà ở đây, có cháu mới hơn 2 tuổi hằng ngày vẫn đi bộ 2 cây số đường núi để đến lớp. Có cháu nhà ở riêng một quả đồi, hằng ngày bố mẹ đi làm, cháu ở nhà với bà. Bà của cháu chỉ nói được tiếng Nùng nên cháu ra lớp vẫn chưa nói được tiếng phổ thông. Vậy là, các cô lại kiêm thêm việc dạy tiếng phổ thông cho các cháu. Trời nắng còn đỡ, trời mưa đường lầy lội, các em đến trường được là cả một nỗ lực lớn khi chính bản thân các thầy cô nhiều khi còn phải bỏ xe giữa đường, đi bộ đường đất đến nỗi tê cứng hai chân.
Cây “chủ quyền”
Mỗi câu chuyện ở Nà Lốc đều thật đặc biệt, như câu chuyện về cây bàng quả vuông từ quần đảo Trường Sa đang vươn lên xanh tốt trên sân trường, giữa núi rừng Đông Bắc Tổ quốc!
Cây bàng quả vuông đã bén rễ, xanh cây ở sân trường Mầm non-Tiểu học Nà Lốc.
Cô Triệu Thị Đẹp kể, cây bàng quả vuông được một nhà báo mang đến trồng tặng trường vào dịp bế giảng năm học 2015-2016. Dịp nghỉ hè, trường học không thường xuyên có các thầy, cô giáo đến nên trách nhiệm chăm sóc cây bàng quả vuông được giao cho chú bảo vệ Dương Sao. Vậy là 3 tháng hè, hằng ngày chú Sao đều xách nước từ lưng dốc về tưới, chăm sóc cho cây bàng quả vuông. Nhờ vậy mà ngày khai giảng năm học mới, ai cũng ngỡ ngàng, vui mừng khi thấy cây bàng quả vuông xanh tốt. Cây bàng quả vuông không chỉ được chăm sóc bằng trách nhiệm của một người bảo vệ mà hơn thế, nó còn được chăm sóc bằng tình yêu, sự gắn bó đặc biệt. Bởi chú Sao vốn là giáo viên của trường, trong một lần bị tai nạn lao động, chú bị mất một bàn tay, sức khỏe cũng giảm sút. Nghỉ chế độ, chú ở lại trường làm bảo vệ như một cách để bớt đi nỗi nhớ trường, nhớ lớp.
Hành trình của cây bàng quả vuông được mang từ Trường Sa về trồng ở sân trường Mầm non-Tiểu học Nà Lốc là cả một câu chuyện dài, bắt đầu từ mối lương duyên giữa một nhà báo với một thợ lặn ở cụm đảo Đá Tây, quần đảo Trường Sa-anh Phan Đức Phượng (quê ở Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An) và tình nghĩa của nhà báo ấy với thầy, trò Nà Lốc. Cây bàng này được anh Phượng ươm từ hạt bàng trôi dạt vào bờ đảo Đá Tây rồi gửi tàu vận tải vượt hàng trăm hải lý về đất liền tặng anh phóng viên. Và rồi hôm nay, cây bàng quả vuông từ nơi quần đảo bão tố ấy đã bén rễ, xanh cây tại sân trường Nà Lốc.
Sự xuất hiện của cây bàng quả vuông-một loài cây quý của Trường Sa tại vùng đất heo hút, địa đầu Tổ quốc như bản Nà Lốc đã trở thành một kỷ vật rất đỗi thiêng liêng đối với nhà trường. “Chắc chắn không lâu nữa, cây bàng quả vuông sẽ xòe tán rộng lớn trên sân trường Nà Lốc, tỏa bóng che mát cho những lớp học sinh nơi đây. Chúng tôi sẽ kể cho các em nghe câu chuyện về cây bàng quả vuông, về những người chiến sĩ ngày đêm vất vả canh giữ biển, đảo quê hương”-cô Đẹp xúc động nói.
Bài và ảnh: THU HÒA