Vì nhiều lý do, rất có thể ông Lợi sẽ là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất vượt Thái Bình Dương trên một chiếc bè thuần Việt, nghĩa là nó được đóng thủ công, bằng những vật liệu hoàn toàn tự nhiên, trên bờ biển Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Đó là câu chuyện diễn ra cách đây 27 năm.
Tim Severin-một nhà khảo cổ, nhà thám hiểm người Ireland đã đến Sầm Sơn, Thanh Hóa tìm hiểu và muốn thực hiện một ý tưởng dường như phi thực tế: Dùng bè luồng của ngư dân Thanh Hóa để vượt Thái Bình Dương, cập bến California, Hoa Kỳ. Ý tưởng của Tim được hình thành trên cơ sở nghiên cứu của chính ông là từ năm 1020 đã có người từng dùng bè luồng này đi từ Trung Quốc sang đến Mỹ để lấy thuốc. Bạn Tim là một nhà khoa học làm việc trong bảo tàng đã nói với Tim rằng, ở Trung Quốc người ta không dùng luồng mà dùng ống nhựa để làm bè. Nhưng ở Việt Nam có một nơi cách Hà Nội khoảng 70-80 hải lý có một vùng mà ngư dân vẫn đang dùng bè luồng. Tim đã bay đến Việt Nam, tìm về Sầm Sơn. Và quả thực, thời điểm ấy, Tim thấy 100% bè đang được sử dụng ở Sầm Sơn đều là bè luồng.
Năm 1992, Tim lần đầu gặp ông Lợi. Và để chuẩn bị cho ý tưởng vượt biển, Tim đặt hàng ông đóng thử nghiệm một chiếc bè. Đóng xong, Tim yêu cầu ông Lợi vận hành thử. Việc thử nghiệm thành công, Tim hỏi ông Lợi: “Nếu như tôi quyết định vượt Thái Bình Dương, ông có tham gia không?”. Ông Lợi trả lời: “Tim đi được thì Lợi đi được”. Ông Lợi nói: “Tôi cũng trả lời vui như vậy nhưng trong lòng nghĩ chắc khó mà thực hiện. Nhưng không ngờ, tháng 9 năm đó Tim Severin trở lại thật”.
    |
 |
Cảnh sinh hoạt trên bè. Ảnh tư liệu |
Ông Lợi được giao nhiệm vụ phụ trách toàn bộ phần mộc và phần kỹ thuật buộc bè. Ông Lợi còn nhớ như in: Trong lúc làm bè, ngày đông nhất là mấy mươi người, ít nhất cũng 20 người, làm trong 4 tháng mới xong. Riêng dây mây buộc bè dài 100 cây số. 500 cây luồng. 4 lớp. Cao gần 1 mét, dài 18 mét. Và theo như ông Lợi thì “bão cấp 13-14 chả nhằm nhò gì”.
Chiếc bè đóng xong thì được kéo sang Quảng Ninh. Trong một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên khác với một nhà khảo cổ, chúng tôi được biết rằng, Quảng Ninh là nơi xuất phát của một loại buồm gọi là buồm cánh dơi-loại buồm đặc trưng và duy nhất chỉ có ở Bắc Bộ Việt Nam. Cái hay của buồm cánh dơi là nó có thể gập gọn lại được khi cần thiết. Và buồm cánh dơi đã được Tim Severin chọn lắp cho chiếc bè Sầm Sơn để vượt biển. Buồm được lắp xong, chạy thử, vận chuyển sang Hồng Công, và ngày 17-5-1993, chiếc bè tre cắm hai quốc kỳ của Việt Nam và Ireland bắt đầu giong buồm khởi hành từ Hồng Công vượt Thái Bình Dương với đích đến là nước Mỹ.
Chuyến đi này, ông Lương Viết Lợi được mời với tư cách là thuyền trưởng, người trực tiếp cầm lái. Suốt 6 tháng, từ tháng 5 tới tháng 11-1993, chiếc bè đã vượt qua khoảng 11 nghìn ki-lô-mét trên biển. Những câu chuyện ngoạn mục, những hình ảnh kỳ thú, những sự kiện đáng nhớ đã được Tim Severin ghi lại trong cuốn sách “Bè tre Việt Nam du ký”, được dịch ra tiếng Việt và in ở Việt Nam. Tuy nhiên, với ông Lợi thì không thể nói là kỷ niệm nào đáng nhớ nhất. Vì ông bảo: “Gi gỉ gì gi cái gì cũng nhớ. Chưa bao giờ tôi có một chuyến đi đặc biệt như vậy. Và chắc chắn là phần đời còn lại cũng khó có chuyến đi thứ hai”.
Có hai lần họ gặp cướp biển. Nhưng thú vị nhất, một cách khôi hài, ông Lợi kể: “Bọn cướp biển đến hai lần, thì tôi đang ngủ trưa”. Tim quy định rất nghiêm ngặt, cả ê kíp không ai được ngủ trưa, trừ duy nhất ông Lợi. Mình ông Lợi có một chế độ đặc biệt. Ăn trưa xong, ông được ngủ trưa khoảng hai tiếng. Và khi ông đã ngủ trưa thì cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa cũng không ai được đánh thức. Chúng tôi đùa vui, tất cả mọi người đều có quyền ốm, riêng ông Lợi thì không. Trong buổi trưa hôm ấy, khi ông Lợi đang ngủ thì bọn cướp biển trờ đến. Chúng leo lên bè, lục lọi khắp nơi, không thấy có gì đáng giá ngoài chiếc máy tính của Tim. Chúng bỏ đi. Tàu cướp biển thứ hai đến ngay sau đó, cũng lại bỏ đi.
Chiếc bè lênh đênh trên biển với một nguồn lương thực dự trữ dồi dào. Ông Lợi kể, có một người được giao nhiệm vụ chuyên lo lương thực, thực phẩm. Chiếc bè có tải trọng 5 tấn, thì ngoài 7 người, một số trang thiết bị, phần lớn dành để chứa lương thực, thực phẩm, nước ngọt. Trên bè cũng có pin năng lượng mặt trời, có cả máy phát điện gió. Tất cả mọi diễn biến trong từng ngày đều được cập nhật, báo cáo về đất liền với Việt Nam, Hồng Công, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức. Có lẽ thời điểm đó, cả thế giới nín thở dõi theo 7 con người bé nhỏ, trên một chiếc bè mà ở trên mặt đại dương nó chẳng hơn gì một chiếc lá tre.
Đôi khi, họ câu được cá. Những con cá ngừ đại dương vài chục cân để đổi món trong thực đơn. Đôi khi câu cả cá mập. Và đôi khi lại gặp một người bạn đồng hành là một chú cá voi mà ông Lợi tả là nó có chiều dài ngang ngửa chiếc bè. Tim Severin là người duy nhất bị tai nạn, sau một cú ngã, ông bị gãy hai chiếc xương sườn, rạn một chiếc. Vị bác sĩ trên bè đã chỉ cho Tim uống và xoa thuốc bên ngoài, không hề bó bột. Nhưng chỉ một tuần là Tim đã có thể nhúc nhắc ngồi dậy, đi lại được.
Họ gặp 4 trận bão trong suốt chuyến đi. Cơn bão đầu tiên ập đến khi họ mới rời Hồng Công. Vừa lái, ông Lợi vừa sập 3 cánh buồm xuống. Nhưng chỉ sập được 2 cái, cái thứ ba phía trước bị gió đánh gãy. Ông Lợi kể, Tim rất lạc quan. Ông ấy bảo cứ chạy tiếp bằng hai buồm, chả sao cả. Thậm chí ông còn lấy ra chai rượu bảo uống mừng thất bại.
Đến trận bão thứ tư thì có mấy cây luồng rơi ra. Lúc đó, Tim tỏ ra lo lắng. Hỏi ông Lợi, còn khoảng 1.000 hải lý thì có đi được không? Ông Lợi đáp, 2.000 hải lý cũng đi tốt. 500 cây luồng thì rơi vài cây ăn thua gì. Nhưng họ chạy tiếp được một tuần thì dự báo có siêu bão. Theo như ông Lợi thì ở thời điểm ấy, bão phải cấp 20 trở lên mới gọi là siêu bão. Tim cảm thấy không an toàn nên quyết định dừng chuyến đi.
Một chiếc tàu vận tải của Nhật Bản trên đường từ Mỹ trở về Nhật Bản đã được liên hệ để đón ông Lợi quay về.
27 năm đã trôi qua, ký ức của ông Lợi về những ngày lênh đênh trên biển ngoạn mục như trong một bộ phim vẫn sống động như vừa diễn ra hôm qua. Có điều, sau chuyến đi có một không hai ấy, người Việt Nam duy nhất với câu chuyện đặc biệt này đã quay về cuộc sống thường nhật và phải đối diện với vô vàn khó khăn. Thù lao cho suốt chuyến đi của ông Lợi là 1.200USD. Về đến sân bay, ông tặng người ra đón 200USD, và số còn lại để làm vốn. Nhưng cái vốn ấy cũng sớm tiêu tan. Ông ra Hà Nội, học tiếng Anh, và có khoảng 10 năm làm bảo vệ, lễ tân, phiên dịch cho các khách sạn. Nhưng cũng chỉ đủ sống. Áp lực về việc phải nuôi dạy 4 cậu con trai đè nặng lên vai ông. Suốt gần 30 năm qua, ông Lợi đeo đuổi một ước mơ là mở một quán cà phê kiếm sống, đồng thời phục dựng một chiếc bè giống hệt chiếc bè ông đã cùng Tim Severin vượt Thái Bình Dương, tất nhiên với kích thước nhỏ hơn, và trở thành người kể chuyện. Thật là một ước mơ trong sáng và lãng mạn. Có điều, nó không dễ gì thực hiện. Câu chuyện vượt Thái Bình Dương bằng bè tre duy nhất trên thế giới, xuất phát từ một vùng biển nghèo của Việt Nam cũng từ từ trôi vào quên lãng.
THANH AM