Chuyện tuần tra cột mốc, đường biên
Trên tuyến biên phòng hai huyện Nậm Pồ và Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, Đồn Biên phòng Leng Su Sìn bảo vệ đường biên giới dài nhất, hơn 27km với 16 cột mốc biên giới. Thiếu tá Chu Ngọc Lệ, Đồn trưởng cho biết, 100% cột mốc đồn bảo vệ đều nằm trong rừng già, thuộc khu rừng bảo tồn thiên nhiên huyện Mường Nhé. Tuần tra được một cột mốc phải đi mất ba đến bốn ngày. Vì vậy, không thể tuần tra liên tục liên tuyến mà mỗi chuyến công tác chỉ có thể tuần tra được một vài cột mốc. Làm như vậy vất vả, tốn công nhưng là cách duy nhất. Trưởng thành từ cán bộ cấp đội ở Đồn Biên phòng Leng Su Sìn nên anh Lệ có nhiều kỷ niệm khi đi tuần tra cột mốc. Trước mỗi chuyến đi, anh em phải chuẩn bị soong nồi và thực phẩm để mang theo nấu nướng dọc đường. Mỗi thành viên phải chuẩn bị thêm vài đôi tất, ít vải để quấn vào tay vạch dây gai dọc đường đi. Vào mùa khô, nước khan hiếm, mọi người phải tiết kiệm từng giọt nước mang theo. Tối đào hố trải áo mưa hứng sương lấy nước uống. Cố gắng đến vậy nhưng việc khát khô cổ họng trong tuần tra vẫn xảy ra như cơm bữa. Những đêm đông lạnh giá, cheo leo trên núi cao, rừng già sương trắng phủ kín, mọi người phải đào hố đất thoai thoải, trải lớp lá khô lót, trải áo mưa để nằm, bên cạnh đốt thêm đống lửa giữ ấm. Đường tuần tra biên giới thì dài mà nhiệm vụ phải thực hiện thường xuyên, một thay đổi nhỏ hiện trạng cột mốc, hay thậm chí một gốc cây nơi biên giới bị xâm phạm cũng không được phép xảy ra. Với nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, nhiều năm nay, từng tấc đất, ngọn cây nơi Đồn Biên phòng Leng Su Sìn đảm nhiệm luôn được bảo vệ vững chắc.
    |
 |
Cán bộ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn xuống thăm bà con bản Nậm Bắc, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. |
Khi nói về khó khăn, anh Lệ giãi bày, khu vực biên giới Đồn Biên phòng Leng Su Sìn bảo vệ toàn là rừng già, dân bản ở cách rất xa nên khó khăn gấp bội phần. Để giảm tải khó khăn, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ biên giới, anh Lệ đề xuất: “Chúng tôi đã đề nghị với chính quyền địa phương hằng tháng tổ chức tuần tra đường biên cột mốc cần có đại diện chính quyền, lực lượng an ninh, dân quân xã và đại diện trường học đồng hành với các chiến sĩ biên phòng”. Khi các lực lượng trực tiếp tham gia sẽ có những trải nghiệm thực tế, ý thức bảo vệ biên giới, tinh thần yêu nước của người dân sẽ được nâng lên. Bên cạnh đó, rừng bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm tiếp giáp giữa ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc được đánh giá là nơi có đa dạng sinh học cao vào loại nhất, nhì vùng Tây Bắc. Việc bảo vệ khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng cả về hệ sinh thái lẫn rừng phòng hộ sông Đà. Bảo vệ đường biên cột mốc không phải là một nhiệm vụ riêng lẻ, đơn thuần mà đặt trong một tổng thể chung là bảo vệ rừng, núi, nhân dân, tạo một thế trận lòng dân cố kết, gắn bó vững chắc. Trong năm 2017, Đồn Biên phòng Leng Su Sìn đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; vận động nhiều hộ dân trồng mới hơn 100ha, trồng bổ sung 81ha, trồng dặm được 10ha rừng.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Sừng Sừng Khai, Bí thư Đảng ủy xã Leng Su Sìn cởi mở: “Xã Leng Su Sìn được thành lập năm 2009, trên một phần diện tích của xã Chung Chải. Đồng bào chủ yếu là người dân tộc Mông và Hà Nhì, có đến hơn 80% hộ nghèo. Những năm trước, tình trạng di cư tự do diễn biến rất phức tạp. Ý thức bảo vệ đường biên cột mốc, lãnh thổ quốc gia của người dân còn hạn chế. Tuy nhiên, đến nay, chính quyền địa phương và BĐBP đã có sự phối hợp chặt chẽ. Trong các đợt tuần tra của các chiến sĩ biên phòng, chúng tôi đều cử cán bộ đi theo. Theo tôi, đây là một cách làm hiệu quả, vừa nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời củng cố khối đoàn kết giữa các lực lượng nơi biên giới”. Với kinh nghiệm gần 10 năm làm cán bộ xã, ông Khai chia sẻ, điều cốt lõi bảo vệ nơi biên giới nằm ở việc giữ vững thế trận lòng dân.
Miền biên giới trong lòng dân
Trò chuyện với nhiều cán bộ, người dân nơi biên giới, chúng tôi hiểu thế trận lòng dân chính là “biên giới mềm”, song song với biên giới hành chính. Trong tâm trí của nhiều đồng bào Mông hai huyện Mường Nhé, Nậm Pồ vẫn còn nhớ như in vụ việc lôi kéo đồng bào Mông từ các nơi về tụ tập tại bản Huổi Khon (Nậm Kè, Mường Nhé) để “xưng vua-lập vương quốc Mông” những năm trước đây. Vụ việc xảy ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chính trị trên địa bàn, tạo nên một vết hằn trong khối đoàn kết dân tộc. Gần chục năm qua, BĐBP cùng với các cấp chính quyền đã nỗ lực rất nhiều nhưng khó khăn vẫn còn hiện hữu. Các đối tượng vẫn len lỏi vào địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa truyền đạo trái phép. Theo ông Tráng A Sủ, Bí thư Đảng ủy xã Na Cô Sa, toàn xã có 20 điểm nhóm hoạt động tôn giáo. Trong đó có một điểm nhóm được cấp giấy phép, việc cầu nguyện vẫn diễn ra vào thứ năm, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Tuy nhiên, trong năm 2017, trên địa bàn nảy sinh 3 nhóm tà đạo Giê Sùa, hoạt động có nội dung tuyên truyền phản động.
Cùng với Trung úy QNCN Hồ A Dế, cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa, chúng tôi gặp Vàng A Sùng, Trưởng bản Na Cô Sa 3. Theo anh Sùng, hiện tại ở bản có hơn chục hộ theo đạo Giê Sùa. Đây là một đạo được du nhập vào địa bàn thông qua mạng xã hội. Đạo Giê Sùa không có tông hội, không nhập hệ phái, bỏ hết ngày lễ, chỉ cầu nguyện vào thứ bảy. Những người theo hội này có xu hướng tự tách riêng ra khỏi các hoạt động của chính quyền, đoàn thể địa phương. Họ không tham gia các công việc của tập thể như làm đường, giữ gìn vệ sinh. Họ không cho con cái đi học vì được tuyên truyền “bỏ học theo đạo sẽ có việc làm”. Những lý lẽ viển vông được tuyên truyền qua mạng xã hội nhưng vẫn lừa mị được rất nhiều người dân tộc thiểu số. Theo anh Sùng: “Chỉ có mấy hộ tham gia đạo Giê Sùa nhưng gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương. Chúng tôi đã kết hợp với BĐBP để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ bản chất lừa bịp của đạo Giê Sùa. Với phương châm nói cho dân hiểu, BĐBP vẫn là lực lượng chủ yếu kiên trì bám dân. Chúng tôi quyết tâm gần dân, không tạo điểm nóng để kẻ địch lôi kéo, kích động”. Sau một thời gian dài, sự kiên trì vận động của BĐBP và chính quyền địa phương đã lan tỏa rộng rãi đến đồng bào. Từng người dân, dòng họ, bản làng đã có những ý kiến mạnh dạn tác động lên những người đã từng lầm đường để họ trở lại cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Song song với việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo pháp luật, các đồn biên phòng còn triển khai nhiều hoạt động giúp dân phát triển kinh tế, đời sống văn hóa. Thượng úy QNCN Giàng A Ngọc, cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa xuống cắm xã, là Phó bí thư Đảng ủy xã Na Cô Sa, cho biết: “Là cán bộ cắm xã từ hơn chục năm trước nên tôi hiểu rất rõ sự tiến bộ, gắn bó đoàn kết giữa chính quyền, người dân và BĐBP nơi biên giới. Từ khi dân cư còn thưa thớt, đường vào xã chưa có, BĐBP đã có mặt. Theo năm tháng, bộ đội giúp đỡ bà con dựng nhà, canh tác, bám đất, dựng bản. Xã mới thành lập, đời sống còn khó khăn, chúng tôi đang từng ngày giúp chính quyền xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tiến bộ giúp cho người dân”. Với sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Na Cô Sa, hai năm trở lại đây, đời sống của người dân ở xã đã có nhiều đổi mới như: Có đường bê tông liên xã, nhiều hộ dân người Mông mở được các quán bán hàng tạp hóa, sửa xe máy, ti vi. Vẫn biết, số lượng hộ khá còn rất ít, mới đếm trên đầu ngón tay, nhưng dẫu sao đó cũng là một tín hiệu đáng mừng.
    |
 |
Ông Sừng Sừng Khai, Bí thư Đảng ủy xã Leng Su Sìn (ngoài cùng, bên phải) kể chuyện bảo vệ biên giới. |
Trên khắp nẻo đường hai huyện Nậm Pồ và Mường Nhé chúng tôi đã đi qua, đời sống của bà con vẫn còn rất nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương cùng BĐBP đang ngày đêm cố gắng để từng bước đẩy lùi, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, hủ tục trên địa bàn. So sánh với thời điểm vài năm về trước ở chính những địa phương đó thì nay đời sống của người dân đã có nhiều khởi sắc. Bằng chứng từ cơ sở đã giúp chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết giữa chính quyền, nhân dân và BĐBP, trong tương lai không xa, cuộc sống miền biên giới tỉnh Điện Biên sẽ ngày càng thay da đổi thịt, ấm no, đủ đầy hơn, trở thành bức thành đồng nơi tuyến đầu của Tổ quốc.
Bài và ảnh: VĂN TUẤN - HÀ BÁCH