Đàn đá Tây Nguyên được các nhà khoa học xác định là nhạc cụ gõ cổ xưa nhất của loài người với niên đại khoảng 3.000 năm. Việt Nam tự hào là cái nôi của nhạc cụ độc đáo này. Nổi tiếng nhất trong đó phải kể đến đàn đá Khánh Sơn.
“Vũ khí” xua đuổi tà ma
Từ thành phố Cam Ranh, theo tỉnh lộ 9, chúng tôi ngược lên huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Những vạt rừng sau cơn mưa buổi sáng thêm xanh ngăn ngắt. Cây cỏ xanh tươi, căng đầy nhựa sống như cô sơn nữ đang độ xuân thì. Màu vàng ruộm của chuối, sầu riêng nổi bật trong màu xanh bạt ngàn của cây rừng làm cảnh vật thêm phần duyên dáng.
Khánh Sơn nằm trên nếp gãy cuối của cao nguyên tây bắc dãy núi Trường Sơn, địa hình thấp dần về phía đông nam, cao dần về phía tây bắc, hình thành bởi hai dãy núi chính là Đá Bia (YaBi) và Shuong Khong. Ở giữa hai dãy núi Đá Bia và Shuong Khong là con sông Tô Hạp, dòng sông duy nhất của tỉnh Khánh Hòa chảy về hướng tây, tạo ra thung lũng Tô Hạp có chiều dài khoảng 30km, chiều ngang 10km nhấp nhô hình bát úp xen kẽ những vùng đất bằng phì nhiêu, màu mỡ.
Hơn 75% dân số của huyện Khánh Sơn là người Raglai. Với không gian sinh sống là núi rừng, địa bàn cư trú hiểm trở, nhiều thú dữ nên người Raglai nghĩ ra nhiều cách để sinh tồn như xây nhà sàn, dùng đá kêu để xua đuổi thú rừng. Truyền thuyết kể lại rằng, từ thuở xa xưa, có một chàng trai dũng cảm người Raglai dám chiến đấu, xua đuổi tà ma, giúp cho nơi đây mưa thuận gió hòa. Vũ khí của chàng trai là những viên đá phát ra tiếng kêu kỳ bí. Đó là thứ âm thanh như gió thổi, như suối chảy, chuông ngân xa. Sau này, người dân Raglai sử dụng những viên đá đó tạo thành đàn đá nước để xua đuổi thú dữ. Họ nghĩ loại đá này là do ông trời ban cho và tôn vinh đá kêu như “Mã la ông bà”, như là một loại nhạc cụ linh thiêng. Khi đàn đá ngân lên những âm thanh trầm bổng giữa đại ngàn, nó như sợi dây kết nối con người với thiên nhiên hùng vĩ.
Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới khẳng định đàn đá là một trong những loại nhạc cụ thuộc loại cổ sơ nhất của loài người. Theo tư liệu lịch sử ghi lại, bộ đàn đá tiền sử đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam từ tháng 2-1949 tại Tây Nguyên do một người Pháp tên G.Condominas phát hiện, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Con người (Pháp). Cũng theo các nhà nghiên cứu, trên thế giới, ở một số tộc người Phi, Ấn Độ, Trung Hoa cổ,… đã phát hiện những tảng đá phát ra âm thanh nhưng đó chỉ là những chiếc “khánh” có âm vực đơn, không đủ khả năng diễn tấu như đàn đá ở Việt Nam. Bộ đàn đá Khánh Sơn đầu tiên được công bố phát hiện là vào năm 1979, do một già làng người Raglai tên Bo Bo Ren gìn giữ.
Bia đá tại di tích Dốc Gạo (thuộc thôn Tà Lương, trị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn ngày nay) ghi lại rõ, năm 1977, ông Bo Bo Ren, người dân tộc Raglai đã phát hiện 12 thanh đá kêu có kích thước, hình khối và âm thanh khác nhau. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu về dân tộc học, địa chất học, khảo cổ học và âm nhạc truyền thống, các nhà khảo cổ học kết luận: Đây là bộ đàn đá của tộc người Raglai, có niên đại cách nay 2.000-5.000 năm. Năm 1979, Việt Nam chính thức công bố với thế giới về việc phát hiện bộ đàn đá Khánh Sơn, loại nhạc cụ cổ có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ học của ta và cả một số nhạc sĩ khi đến núi Dốc Gạo nghiên cứu còn phát hiện ra rất nhiều mảnh đá khác cùng các công cụ chế tác đàn đá như rìu đá, búa đá,… và họ xác định đây là nơi chế tác đàn đá Khánh Sơn thời cổ xưa. Việc phát hiện ra bộ đàn đá Khánh Sơn là một sự kiện quan trọng trong lĩnh vực âm nhạc nước nhà, đồng thời làm cho mọi người trong và ngoài nước chú ý nhiều hơn về vùng đất Khánh Sơn và tộc người Raglai-chủ nhân của bộ đàn đá. Sinh thời, GS, TS Trần Văn Khê từng ca ngợi thanh âm của đàn đá là “biểu hiện tâm tư hệt như con người”.
Báu vật của người Raglai cổ
Nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa với hơn 30 năm tâm huyết tìm hiểu về đàn đá Khánh Sơn, kể: Đàn đá Khánh Sơn có nguồn gốc xuất phát từ đàn đá nước của người dân tộc Raglai. Người Raglai ở Khánh Sơn, Khánh Hòa có truyền thống canh tác nương rẫy. Không như dưới xuôi, nương rẫy của họ thường cách nhau cả vạt rừng nên để thông báo cho nhau biết về sự có mặt của mình, khi lên nương, người Raglai thường lấy từ một đến ba thanh đá kêu đặt lên các tảng đá lớn rồi dùng các viên đá nhỏ gõ vào theo giai điệu khác nhau.
Những thanh đàn đá từ thời tiền sử được người Raglai dựng thành dàn trên rẫy, thông qua một hệ thống truyền lực tự động bằng mây tre gỗ sẵn có trong rừng, sử dụng sức nước điều khiển, tạo nên bản hòa tấu với âm thanh độc đáo vang động cả núi rừng. Lạ là khi tiếng đá kêu vang lên, thú dữ bỏ chạy hết nhưng chim chóc lại kéo về cùng hòa ca rộn ràng. Từ đó rẫy luôn được mùa. Cứ như thế, bộ đá nước tồn tại hết năm này qua năm khác, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác trong đời sống người Raglai cổ.
Đến thời kỳ đồ đồng, cồng chiêng ra đời. Người Raglai lấy các thanh đá kêu treo ven suối bấy lâu về đánh thay cồng chiêng. Để có âm tương đồng với cồng chiêng, họ dùng các viên đá tròn và cứng ghè đẽo các thanh đá, sau đó dùng dây rừng treo lên rồi dùng đá nhỏ gõ vào các thanh đá trong mùa lễ hội, những ngày tâm linh.
Vì lý do trên, những thanh đá này đều có dấu hiệu riêng của nó, đó là các vết láng mòn tạo thành khi còn là đàn đá nước. Khi tác động vào nhau một thời gian rất lâu, viên đá bị gõ mờ đi, láng đi tại điểm tiếp xúc. Chỉ cho chúng tôi điểm đặc biệt này trên thanh đá, nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông nói: “Đá Khánh Sơn xù xì, không có thớ và chỉ mòn ở một vị trí là phần góc của viên đá. Tại vị trí này khi buộc ngang thanh đá lên làm đàn đá nước, viên đá có quán tính, lắc đi lắc lại và vang xa hơn, nhiều lần hơn so với các vị trí khác trên viên đá. Người Raglai thích như thế”.
Đàn đá Khánh Sơn hiện có rất nhiều nguồn nhưng theo nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông, những thanh đá nào có vết láng mờ mới chính là đàn đá Khánh Sơn nguyên thủy, xuất phát từ đàn đá nước. Những dấu hiệu này rất khó làm giả.
Ngày nay, khi nói về đàn đá Việt Nam không chỉ có đàn đá Khánh Sơn mà có rất nhiều nguồn khác như đàn đá Bác Ái của Ninh Thuận, Bình Đa của Đồng Nai, Bảo Lộc của Lâm Đồng..., hay như đàn đá Lộc Hòa của Bình Phước mới được công nhận là bảo vật quốc gia.
Cũng có ý kiến cho rằng, đàn đá Khánh Sơn nguyên thủy có thể hòa tấu như các loại nhạc cụ hiện đại, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông bác bỏ quan điểm này. Ông lập luận: Mọi công cụ lao động, nhạc cụ đều phải xuất phát từ lao động, phục vụ đời sống lao động mà thành, những gì đóng góp cho đời sống xã hội, đời sống tinh thần trong một giai đoạn lịch sử nhất định mới tồn tại được. Cũng vì lẽ đó, thường các bộ đàn đá Khánh Sơn không theo âm vực, không biểu diễn được thành một bài, bởi người Raglai chỉ lấy đá rồi đẽo tương tự giống âm cồng chiêng, đánh theo kiểu của cồng chiêng. Mà bộ cồng chiêng thường có 5-7 cái nên người Raglai chỉ làm số lượng đàn đá tương tự với mục đích đánh thay cho cồng chiêng. Bởi thế, đàn đá Khánh Sơn nguyên thủy thường không đáp ứng được nhu cầu về nghệ thuật hiện đại, chỉ đánh được một số giai điệu ngắn của người Raglai.
Các bộ đàn đá chế tác giai đoạn sau này ngày càng đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn của âm nhạc và nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông là một trong những người có đóng góp to lớn trong việc đưa đàn đá Khánh Sơn vào cuộc sống hiện đại...
Bài và ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT (còn nữa)