Thiếu úy-liệt sĩ Hoàng Kim Giao là một nhà khoa học trẻ tuổi đầy hứa hẹn, đã anh dũng hy sinh cuối năm 1968 trong khi làm nhiệm vụ. Thành tích của anh đã được Nhà nước tặng thưởng huân chương Chiến công hạng nhì, huân chương Chiến công giải phóng hạng ba. Gần 40 năm sau ngày anh hy sinh, công trình nghiên cứu phá bom từ trường của anh và đồng đội đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 2006). Năm 2005, báo Quân đội nhân dân đã đăng loạt bài viết về anh. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã xuất bản tập sách Sống để yêu thương và dâng hiến, tập hợp một số bức thư của anh gửi cho cha mẹ, anh em, bè bạn và người vợ trẻ. Cùng với Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc, Sống để yêu thương và dâng hiến đã khiến hàng triệu độc giả xúc động trước lý tưởng sống cao đẹp, tâm hồn trong sáng và tình nhân ái nồng nàn của Hoàng Kim Giao-một trong những tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ Việt Nam những năm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Để các thế hệ bạn đọc hiểu thêm cuộc đời và tình huống hy sinh anh dũng của Hoàng Kim Giao, vừa qua Nhà xuất bản Nghệ An đã xuất bản cuốn Hoàng Kim Giao-Chân dung cuộc đời của tác giả Hoàng Liên Thái, em gái ruột của liệt sĩ. Cuốn sách là những cảm xúc trước những bức thư của anh trai viết về cho gia đình, bè bạn và những lời kể của đồng đội về những tháng ngày học tập, nghiên cứu, chiến đấu và hy sinh của người anh trai yêu quý. Chắt lọc từ những chi tiết qua từng câu chuyện, từng trang viết, Hoàng Liên Thái đã khắc họa khá trọn vẹn chân dung-cuộc đời của liệt sĩ Hoàng Kim Giao từ thuở học trò đến lúc hy sinh. Theo đó, ta biết được anh sinh năm 1941 ở Hải Phòng, là con cả của một cán bộ quân đội. Thuở nhỏ anh học trường thiếu sinh quân Việt Nam ở Quế Lâm-Trung Quốc. Năm 1965, tốt nghiệp Khoa vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội anh tiếp tục theo học chương trình vô tuyến điện Bách khoa và tự học để sử dụng thành thạo tiếng Nga, tiếng Anh, cùng với vốn tiếng Trung đã khá vững từ trước. Tháng 3-1967, anh về công tác ở Phòng nghiên cứu điện tử của Tổng cục Hậu cần, tiền thân của Viện điện tử viễn thông thuộc Bộ Quốc phòng hiện nay. Từ đây, anh đã tham gia nghiên cứu và chủ trì nhiều đề tài quan trọng để đối phó với các loại vũ khí nguy hiểm của kẻ thù. Tháng 9-1968, anh là trưởng đoàn công tác vào Khu Bốn để huấn luyện và trực tiếp tháo gỡ bom mìn, giải tỏa ách tắc giao thông ở một số trọng điểm. Chiều 29-12-1968, trong khi anh đang xử lý một quả bom từ trường ở xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn, Nghệ An) thì quả bom phát nổ…
Nội dung chính của cuốn sách gồm 7 phần. Phần một (Đối mặt với MK36) gồm những bức thư của Hoàng Kim Giao và bài viết của một số đồng nghiệp về công việc phá bom từ trường ở tuyến lửa. Phần hai (Những trang viết cuộc đời) là những lá thư gửi cho gia đình và những trang nhật ký của Hoàng Kim Giao. Phần ba (Tuổi thơ và sự trưởng thành) là tiểu sử và những hồi ức, kỷ niệm của người thân, bạn bè và đồng đội về Hoàng Kim Giao. Phần bốn (Anh không về nữa) là tình cảm thương tiếc, mến phục, tự hào của mọi người đối với liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Phần năm (Anh đang ở đâu) là hành trình tìm lại những di vật và địa chỉ hy sinh của liệt sĩ. Phần sáu (Tình sử bằng thư) là những bức thư nồng nàn tình yêu thương của Hoàng Kim Giao gửi cho người vợ trẻ. Phần cuối cùng là những bài viết bày tỏ tình cảm của bạn đọc đối với Hoàng Kim Giao và tác phẩm Sống để yêu thương và dâng hiến viết về anh, xuất bản năm 2005…
Liệt sĩ Hoàng Kim Giao là một trong những gương mặt tiêu biểu cho tầng lớp trí thức trẻ trực tiếp chiến đấu với kẻ thù trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Họ chiến đấu không chỉ bằng trái tim yêu thương, tinh thần dũng cảm mà còn bằng cả tài năng và trí tuệ. Viết bao nhiêu và viết thế nào cho rõ chân dung một người chiến sĩ, một trí thức trẻ “vừa hồng, vừa chuyên”, say mê lý tưởng cách mạng và tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, bè bạn? Chị Hoàng Liên Thái-em ruột liệt sĩ, tác giả tập sách này-tâm sự: “Tôi thật sự lúng túng khi đặt tên cho cuốn sách. Sau những đắn đo suy nghĩ, tôi dừng lại ở Bản nhạc không lời hoặc là Hoàng Kim Giao-Chân dung cuộc đời. Vâng, với một con người “Sống để yêu thương và dâng hiến” như Hoàng Kim Giao, “Chân dung cuộc đời” của anh chính là một “Bản nhạc không lời” muôn đời vang vọng…
Thiết Sơn