|
|
Gương mặt Ca trù trên chiếu trẻ |
Kế nghiệp người xưa
Cho tới bây giờ, tôi vẫn không quên được hình ảnh buổi chiều xuân ấy ở làng Ca trù Cổ Đạm (Nghi Xuân). Trên nền sân gạch cũ, bốn chiếc chiếu in hình hoa văn được ghép khuôn thành hình chữ nhật, đấy là sân khấu "tự tạo" của Nghệ nhân ca trù Phan Thị Mơn. Ngày ấy bà Mơn đã ngoài 70 tuổi, nhưng ngọn lửa đam mê về hát ca trù của bà vẫn không già đi theo tuổi tác. Bà Mơn tâm sự với tôi rằng, bà có ba điều may mắn: Thứ nhất là sinh ra và lớn lên trên đất tổ ca trù, thứ hai, thuở nhỏ được theo bạn bè đi học hát tại nhà cụ Phan Đình Hưng, một nghệ nhân nổi danh cả nước. Cụ Hưng đã từng nhiều lần tham gia biễu diễn tại cung đình Huế, được vua Bảo Đại và các triều thần khen hay. Thứ ba, bản thân bà có giọng hát đúng âm, đúng điệu, nên sớm bền bỉ khổ luyện và thủy chung với nghề.
Chính nghệ nhân Phan Thị Mơn, người đã kế nghiệp được sản phẩm văn hóa quý báu của người xưa và truyền lại nghiệp ca nương cho hậu thế ở đây. Bà không nhớ mình đã tới bao nhiêu ngôi đình làng, trụ sở, sân chiếu giữa ngày xuân, khi đám đình lễ hội, phục vụ cho các khán giả yêu thích ca trù. Giữa một chiều xuân, bà tập cho đôi vợ chồng trẻ trong làng mình. Đó là chị Dương Thị Xanh và chồng chị là anh Trần Văn Đài, cả đôi vợ chồng thời ấy còn rất trẻ (chị Xanh mới ngoài 20, còn anh Đài khoảng 25 tuổi). Cả hai đều là nông dân nghèo, nhưng sức truyền cảm ca trù của bà Mơn, cùng ba nghệ nhân khác trong làng, đã thôi miên vợ chồng chị Xanh lúc nào không hay. Anh Đài "bật mí": "Vợ chồng tôi cùng sinh ra và lớn lên ở làng Cổ Đạm này. Thú thật ngày xưa, mới thoạt nghe ca trù tôi cũng dửng dưng lắm. Bởi người hát ca trù phảng phất buồn, như muốn giải thoát về tâm trạng. Người hát ca trù khác hẳn với hát các làn điệu dân ca khác, khi công diễn cũng phải có nhiều hình thức diễn xuất như đoạn nào hát, đoạn nào ngâm thơ, đoạn nào diễn trò... Kép đàn làm sao đưa nhịp phách đi cùng với âm điệu là điều thật không dễ”.
|
|
Nghệ nhân Ca trù Cô Đạm biểu diễn phục vụ khán giả |
Buổi đầu, biết chị Xanh khao khát được mẹ Mơn tập cho một vài làn điệu ca trù, anh Đài đã khuyến khích vợ cố gắng, để mẹ Mơn truyền nghề. Tranh thủ khi mẹ đang còn khỏe, càng gần gũi mẹ Mơn, cả hai vợ chồng anh Đài đều thán phục mẹ. Bởi mẹ Mơn không chỉ là nghệ nhân hát hay mà mẹ còn giữ "cả kho tư liệu lịch sử ca trù" ở làng Cổ Đạm. Mẹ Mơn đã thuộc gần 30 làn điệu ca trù hay nhất của nước ta, từ bài "Hồng hồng tuyết tuyết" của Dương Khuê hay bài "Nợ tang bồng", "Kiếp nhân sinh", "Chơi xuân kẻo hết xuân đi" của cụ Nguyễn Công Trứ. Khi đã ngồi vào chiếu để truyền nghề cho trò, nghệ nhân Phan Thị Mơn đều dốc hết cả sự đam mê của mình cho giới ca nương trẻ. Buổi đầu chị Xanh rất lúng túng trong xướng âm, khiến mẹ Mơn phải "dằn lòng" từng âm tiết. Có những bài ca trù, khi chuyển từ phần "nói" sang phần "mưỡu", mẹ Mơn phải tập đi tập lại cho chị Xanh tới hàng chục lần. Còn anh Đài, để thành kép đàn song đôi với chị Xanh, cũng phải dày công khổ luyện, với một nghệ nhân cao tuổi trong làng hướng dẫn. Từ sự động viên khích lệ của mẹ Mơn, làng Cổ Đạm có thêm cặp vợ chồng trẻ kế nghiệp ca trù.
Khi tôi hỏi về những ca nương trẻ của vùng đất Nghi Xuân, chị Trần Thị Cảnh, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghi Xuân, trả lời ngay: "Người biết hát thì nhiều, nhưng để đưa ca trù trưng diễn giữa công chúng và được khán giả yêu thích thì chỉ có em Nguyễn Thị Thu Hà (ở xóm 4, xã Xuân Hồng). Thu Hà năm nay mới 15 tuổi, hiện là học sinh Lớp 11, Trường THPT Nguyễn Công Trứ".
Tôi gặp cô ca nương "nhí" này sau một buổi tan trường. Nguyễn Thị Thu Hà nói cười hồn nhiên và vô tư như bạn bè cùng trang lứa. Là cô bé dịu dàng và dễ mến của lớp, Thu Hà có dáng người cao mảnh, đôi lông mày lá liễu, nước da trắng nên khi ngồi vào chiếu hát, Thu Hà đã chiếm được cảm tình của khán giả về hình thức. Thu Hà thành thật tâm sự: “Hồi cháu mới tập ca trù, không ít bạn chế giễu rằng "chưa đủ răng khôn" mà đã muốn thành "bà cụ non". Ca trù-"loại đồ cổ" này chỉ dành cho người trước, sao Hà lại thích hát ca trù?
Vượt qua mọi sự gièm pha, Hà đã đến với ca trù bằng trái tim mãnh liệt của mình. Bố mẹ em khi biết Hà thích hát ca trù thì không ngăn cản mà chiều theo sở thích của con. Mẹ Hà bảo: "Mẹ không bắt con làm lụng ngoài đồng nữa, miễn sao con sắp xếp lịch cho thật hợp lý, vừa tập ca trù, vừa phải tập trung học tốt". Quả thực, Thu Hà đã không phụ lòng tin của bố mẹ mình, vì em thuộc diện học sinh chăm ngoan của trường. Mặc dù gia đình Thu Hà ở cách làng Cổ Đạm gần 15 cây số, nhưng cứ đều đặn chiều thứ ba và chiều thứ năm hằng tuần, bố Hà vẫn lầm lũi chở xe gắn máy đưa Hà tới câu lạc bộ để tập ca trù. Câu lạc bộ thời điểm Hà học có hơn 10 người, nhưng em là người nhỏ tuổi nhất. Những cán bộ Trung tâm Văn hóa Nghi Xuân khi phát hiện được Thu Hà có một số ưu điểm: Đam mê, có năng khiếu và lại xinh xắn thì cả trung tâm đều dốc tâm bồi dưỡng Thu Hà. Chị Cảnh đã tìm tới nhà động viên bố mẹ Hà cho em theo hát ca trù. Em còn được các nghệ nhân cao tuổi nhiệt tình hướng dẫn cách ngồi, cách đứng, đến cách gõ phách, cách luyến âm thế nào cho đúng điệu. Em tiếp thu khá nhanh khiến người dạy cũng hào hứng. Nhờ dày công khổ luyện, năm 2011, trong cuộc thi ca trù toàn quốc lần thứ hai do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội, ca nương "nhí " Nguyễn Thị Thu Hà đã giành được giải nhất khi thể hiện rất thành công hai bài hát là "Đào hồng, đào tuyết" và "Tứ quý yên lưng".
Thổi hồn Ca trù vào hậu thế
Làng Cổ Đạm có Giáo phường Cổ Đạm hát ca trù ra đời cách đây hàng trăm năm. Trên diễn đàn văn hóa-nghệ thuật hiện nay đang còn nhiều ý kiến tranh cãi và không ít quan điểm nhận định rằng: Cổ Đạm (Nghi Xuân) là "đất tổ" ca trù của nước ta. Từ nhiều thế kỷ trước, làng Cổ Đạm đã nổi danh nhiều ca nương, kép đàn đi biểu diễn từ Nam chí Bắc. Đây chính là tiềm năng "phi vật thể" hiếm có trên đất Nghi Xuân, nhưng đã có một thời gian bị quên lãng, mai một dần do hoàn cảnh lịch sử biến cố tác động.
|
|
Xem Ca trù ngày xuân ở làng Cổ Đạm (Nghi Xuân). |
Nhận thức sâu sắc việc khôi phục lại ca trù là khôi phục lại di sản văn hóa đậm đà bàn sắc dân tộc nên các thế hệ lãnh đạo Nghi Xuân, từ cựu Chủ tịch UBND huyện Bùi Tùng Phong đến Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hải Nam đều chủ động xây dựng chiến lược "Đưa ca trù đến với công chúng" dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn như giao nhiệm vụ cho các cán bộ Trung tâm Văn hóa Nghi Xuân đi sâu vào thực tế làng ca trù Cổ Đạm. Một mặt tìm hiểu các nghệ nhân nổi tiếng để vận động họ giúp đỡ, truyền nghiệp ca trù cho hậu thế. Mặt khác, muốn thu hút quần chúng phải tạo ngay được "hạt nhân nòng cốt", biết hát ca trù ngay từ cán bộ trung tâm. Tạo mối quan hệ sâu rộng từ Nam chí Bắc, vừa giao lưu học hỏi, vừa mời thầy, mượn thợ để bày vẽ thêm những món nghệ thuật "độc chiêu" mà nghệ nhân bạn "vượt trội" hơn nghệ nhân làng… Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho hay: "Làm sống lại thể loại ca trù mang tính bác học này đã khó, duy trì và phát triển bền vững lại càng khó hơn nhiều". Bởi một thực tế hiện nay, Nghi Xuân đang gặp nhiều vấn đề nan giải, như qua hoạt động câu lạc bộ ca trù, phát hiện được tài năng của họ khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng huyện không "giữ chân được". Lý do vì không có "định biên" chuyên nghiệp dành cho ca trù, thành thử họ phải kiếm một nghề khác để mưu sinh. Thế là, năm này sang tháng khác, ca nương và kép đàn dần dần vắng bóng ở quê".
Tuy còn nhiều trở ngại, nhưng vị Chủ tịch huyện Nghi Xuân vẫn khá lạc quan rằng: Khi đời sống kinh tế dân sinh phát triển, khi Nghi Xuân tạo được thế mạnh về văn hóa du lịch, nhất định thể loại ca trù sẽ được lên ngôi. Lúc ấy, chắc sẽ có một nhóm ca trù, hay một đội ca trù chuyên nghiệp phục vụ theo nhu cầu của du khách (giống như Đội hát dân ca quan họ Bắc Ninh, hay Đội nhã nhạc cung đình Huế) ...
Ước mơ ấy chắc không xa mà sẽ rất gần. Tôi nghĩ và cũng mong như vậy, bởi nhẽ cuộc sống thực tại, không ít những người đang muốn "tìm về bến cũ", tìm lại những nét đẹp trung trinh, đằm thắm thời xưa. Phong trào nghe ca trù và tập hát ca trù trên đất Nghi Xuân hiện nay đang lan rộng trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh phổ thông. Thời gian qua, Trung tâm Văn hóa huyện đã tổ chức được hai lớp bồi dưỡng (một lớp 8 người, nhằm nâng cao nghiệp vụ cho những người đã đam mê nghiệp ca trù và một lớp 33 người, gồm giáo viên và học sinh các trường phổ thông). Con số này chưa phải lớn, nhưng dẫu sao nó cũng là tín hiệu vui, khi những kép đàn, ca nương và quan viên trẻ cùng ngồi chung trên chiếu đỏ, luyến láy ca trù bay bổng hồn xuân...
Bài và ảnh: PHAN THẾ CẢ