QĐND - Vào những ngày này cách đây 6 năm, miền Trung quê tôi cũng oằn mình với những đợt thiên tai “lũ chồng lũ”. Tôi là người địa phương nên được tháp tùng nhiều chuyến hàng cứu trợ đồng bào vùng lũ. Đầu tháng 11-2010, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với tổ chức “Hành trình xanh” vận chuyển gần 10 tấn hàng do sinh viên các trường đại học ở Hải Phòng quyên góp gửi tặng bà con huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Bộ tư lệnh Quân khu 3 hỗ trợ 2 xe ô tô chở hàng. Trên đường từ Hà Nội về Hải Phòng gia nhập đoàn cứu trợ, tôi ghé vào Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân thăm đơn vị và hỏi chuyện về mấy công trình đơn vị đang thi công ở vùng lũ miền Trung. Biết tôi sắp theo đoàn cứu trợ về Tuyên Hóa, Ban chỉ huy Lữ đoàn nhờ tôi chuyển 10 suất quà của đơn vị gửi tặng cô trò Trường Mầm non Thiết Sơn của xã Thạch Hóa. Chọn địa chỉ này là vì theo các anh, nhiều đoàn cứu trợ thường chỉ chú ý đến các trường phổ thông và gia đình chính sách nên hay “bỏ quên” các lớp mầm non. Các trường này do dân đóng góp nuôi các cháu và giáo viên. Nay dân làng bị lũ lụt tàn phá như thế thì lấy gì mà nuôi cô trò?

Câu chuyện hôm đó giúp tôi hiểu thêm một nét nhân văn của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân, Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Ngoài việc vượt lên sóng gió khắc nghiệt để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng những công trình kinh tế-quốc phòng và phục vụ dân sinh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc thì tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện chính sách hậu phương quân đội và công tác đền ơn đáp nghĩa cũng là một nét truyền thống của đơn vị từ nhiều năm qua. Tìm hiểu thêm, tôi được biết vào năm ấy, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, ngoài ngôi nhà xây tặng gia đình liệt sĩ Trần Như Đức ở Gia Vân-Gia Viễn trị giá 60 triệu đồng trích từ quỹ phúc lợi của đơn vị, lữ đoàn còn trực tiếp thi công và bàn giao 2 nhà tình nghĩa khác cho các đối tượng chính sách ở Gia Viễn và Nho Quan từ kinh phí hỗ trợ của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân. Ấy là kể những công trình lớn và chỉ tính ở một địa phương. Còn các khoản ủng hộ đột xuất đồng bào bị thiên tai, thăm hỏi đối tượng chính sách nhân các dịp lễ, Tết trên các địa bàn đơn vị đang làm nhiệm vụ thì mỗi năm có đến hàng trăm triệu đồng...

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 131 lao động, tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đóng quân.

Tuần trước, tôi về công tác ở Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân, cũng vào lúc quân và dân cả nước đang hướng về miền Trung thân yêu sau trận lũ lịch sử giữa tháng 10-2016. Những câu chuyện nghĩa tình của đơn vị mà tôi được mắt thấy tai nghe trước đây khiến tôi có ý định tìm hiểu sâu về đề tài này, nhất là việc đơn vị tham gia các hoạt động xã hội của quân và dân cả nước. Đại tá Trương Tuấn Chuyền-Chính ủy Lữ đoàn-nói rằng trong tháng 11, đơn vị sẽ khánh thành, bàn giao 2 công trình lớn, đó là Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa-Khánh Hòa) và Nhà phục hồi chức năng tặng Trung tâm Nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Cả hai công trình tình nghĩa trên đây đều do Tiểu đoàn 881 (thường gọi là Tiểu đoàn 1) của lữ đoàn đảm nhận. Ngoài ra, cùng thời gian này, Tiểu đoàn 881 còn một đội xây dựng công trình kinh tế-quốc phòng ở Hoành Bồ-Quảng Ninh…

Tôi gần như reo lên, bởi Tiểu đoàn 881 là “người quen” của tôi từ hơn chục năm trước. Ấy là mùa hè năm 2004, trong chuyến theo đoàn công tác của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ra thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa, tôi được “thâm nhập thực tế” ở một đội xây dựng của Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân đang thi công nhà ở cho bộ đội đảo Sơn Ca. Phụ trách bộ phận xây dựng này là Thiếu tá Phạm Huy Hồng, ở Sở chỉ huy trong đất liền là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 881, nhưng đi xây dựng ngoài này thì được phân công làm Khung trưởng. Phạm Huy Hồng quê ở Lương Tài-Bắc Ninh, thuộc lứa học sinh phổ thông đầu tiên thi vào các trường sĩ quan quân đội đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Với số điểm “đầu vào” khá cao, Phạm Huy Hồng được cử đi học Đại học Giao thông đường thủy ở Liên Xô (trước đây). Về nước, chàng Trung úy, kỹ sư trẻ Phạm Huy Hồng được điều về một đơn vị công binh hải quân đóng ở Cam Ranh, sau chuyển lên Ban Công binh Vùng 4 Hải quân, mãi đến năm 1994 anh mới chuyển ra miền Bắc, về Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân, tiếp tục phấn đấu trưởng thành từ một cán bộ đại đội đến nay là Lữ đoàn trưởng đương nhiệm.

Thế là tôi hăm hở xin phép được xuống “thâm nhập” Tiểu đoàn 881. Doanh trại vắng hoe. Tiểu đoàn trưởng đang chỉ huy đội xây dựng ở Hoành Bồ-Quảng Ninh. Tiểu đoàn phó đang chỉ huy xây dựng Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa. Chính trị viên đang chỉ huy đội xây dựng Nhà phục hồi chức năng tại Trung tâm Nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ban chỉ huy Tiểu đoàn chỉ còn mỗi Thiếu tá Trần Hải Âu, Chính trị viên phó, trực chỉ huy ở Tiểu đoàn bộ. Anh Âu vừa từ Trường Sa trở về đất liền hồi tháng 6-2016, lại được điều ra làm Chính trị viên Khung xây dựng ở Hoành Bồ-Quảng Ninh, đến cuối tháng 8 vừa rồi mới về trực chỉ huy tiểu đoàn, để Thiếu tá Dương Văn Thủy, Chính trị viên Tiểu đoàn lên “thay ca” ở đội xây dựng Nhà phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin…

Huấn luyện hạ thủy xuồng cứu hộ, cứu nạn.  Ảnh: Việt Anh

Không có điều kiện “lên rừng, xuống biển” để được tận mắt chứng kiến các công trình tình nghĩa do cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 881 đang trực tiếp thi công, tôi đành hình dung vóc dáng của các công trình và không khí lao động của anh em qua các bản vẽ kỹ thuật, bản phối cảnh và lời kể của Chính trị viên phó. Theo đó, Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa là một khối nhà hình chữ S, nóc “tum” tượng hình chiếc trống đồng. Tòa nhà gồm 1 tầng hầm kỹ thuật và 3 tầng nổi là các khoa chuyên môn; trong đó có các khoa chuyên sâu như: Sản, Nhi và Chẩn đoán hình ảnh. Kinh phí công trình do bạn đọc Báo Tuổi Trẻ ủng hộ. Trang thiết bị y tế do Bệnh viện Quân y 175 tài trợ. Thực hiện thi công là Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân, trực tiếp là những người lính thợ “thiện nghệ” thuộc Tiểu đoàn 881.

Thiếu tá Trần Hải Âu cũng là một lính thợ “thiện nghệ” từng nhiều năm lăn lộn theo các công trình kinh tế-quốc phòng và phục vụ dân sinh do lữ đoàn đảm nhận. Khi tôi hỏi về công việc xây dựng công trình biển, đảo ngày nay so với trước đây có gì giống và khác nhau, anh Âu nói rằng, nội dung xây dựng các công trình kinh tế-quốc phòng và phục vụ dân sinh trên biển, đảo... thì cơ bản không có gì khác. Nhưng cách thức, phương pháp thực hiện thì có nhiều cái khác. Chẳng hạn trước đây đi theo mùa, nay thì quanh năm, vì khối lượng công việc nhiều, phương tiện vận tải và thi công hiện đại hơn nên có thể làm việc trong mọi điều kiện thời tiết. Công tác hậu cần và cung cấp vật liệu xây dựng cũng bảo đảm hơn trước. Chẳng hạn trước đây rau xanh, nước ngọt khan hiếm; nhưng nay tàu to, có khoang lạnh dự trữ rau, thịt... dài ngày. Vả lại, nay nếu thiếu thực phẩm tươi xanh, nước ngọt... thì bộ đội và nhân dân trên đảo cũng sẵn sàng ủng hộ “cây nhà lá vườn”. Đặc biệt, trước đây đi đảo là... biền biệt xa vợ con, đơn vị, nhưng nay sóng điện thoại di động hầu như phủ khắp vùng chủ quyền biển, đảo; có việc gì là "a lô" trao đổi, chuyện trò với anh em trong đơn vị và người nhà như đang ở trong đất liền vậy...

Câu chuyện “a lô” của Thiếu tá Trần Hải Âu khiến tôi chợt nảy ra ý định làm một cuộc “phỏng vấn từ xa” với Thiếu tá, Tiểu đoàn phó Vũ Hoài Nam. Từ công trường xây dựng Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, Vũ Hoài Nam hào hứng khoe: "Công trình đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn vài chi tiết “vôi ve” không đáng kể. Theo kế hoạch thì khoảng tuần đầu tháng 11 là cắt băng khánh thành và bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng. To đẹp lắm, ngon lành lắm! Nếu từ trên máy bay nhìn xuống, toàn bộ công trình là một khối nhà hình chữ S, là dáng hình của Tổ quốc Việt Nam. Chỉ tiếc là do yêu cầu kỹ thuật và điều kiện địa hình nên nóc tum tượng hình trống đồng không nằm đúng vị trí tương ứng với vị trí của thủ đô Hà Nội trên bản đồ Tổ quốc…".

Tôi lại bấm số điện thoại của Thiếu tá, Chính trị viên Dương Văn Thủy đang chỉ huy đội xây dựng Nhà phục hồi chức năng tại Trung tâm Nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất-Hà Nội. Nhận ra “người nhà”, anh Thủy chân tình: Lực lượng thi công trên này chủ yếu là Đại đội 1 của tiểu đoàn. Đây là đại đội vừa kết thúc đợt huấn luyện hơn 400 chiến sĩ mới bổ sung cho các đơn vị trong Quân chủng Hải quân, nên toàn bộ khung huấn luyện từ tiểu đội trưởng trở lên hầu như chưa ai được nghỉ ngơi “hồi sức”, nhiều người có việc nhà cần đi phép, đi tranh thủ… cũng chưa thực hiện được. Vừa kết thúc khóa huấn luyện chiến sĩ mới là phải lên đường ngay, bao việc riêng tư đành hoãn lại. Lính công binh hải quân đã quen như thế! Như trường hợp Đại úy Đinh Văn Nguyên của đơn vị hiện nay, vừa về chịu tang mẹ ở xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình được mấy hôm đã trở lại đơn vị để ra xây dựng Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, hơn tháng sau lại được tin bố mất nhưng không thể nào về được. Thay anh là lãnh đạo, chỉ huy và đồng đội trong đất liền về cùng gia đình lo hậu sự cho cụ…

Nhà phục hồi chức năng là công trình tình nghĩa của Quân chủng Hải quân tặng Trung tâm Nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/dioxin, do Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân trực tiếp thi công. Toàn bộ các khâu khảo sát, thiết kế, dự toán, giám sát, thi công… đều do chủ đầu tư lo trọn gói nên tiết kiệm tối đa chi phí và bảo đảm tối đa các yêu cầu về xây dựng, kiến trúc. Công trình chỉ một tầng với hơn 300m2 mặt sàn bê tông, nhưng vì đây là cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho những bệnh nhân đặc biệt, do di hại của chất độc da cam/dioxin, nên nhiều hạng mục xây dựng đòi hỏi phải đáp ứng những công năng đặc biệt. Tuy lần đầu tiên thực hiện một công trình loại này, nhưng đơn vị đã nỗ lực khắc phục khó khăn, chạy đua với thời gian để tránh mùa mưa bão, tránh trượt giá và nhất là kịp hoàn thành bàn giao công trình vào đầu tháng 11-2016 theo kế hoạch đề ra. Và lễ khánh thành, bàn giao công trình đã được ấn định vào ngày 4-11-2016.

Vậy là vào những ngày đầu tháng 11 này, lại thêm 2 công trình tình nghĩa-phúc lợi xã hội được hoàn thành bởi tấm lòng và công sức của những người lính thợ công binh-Lữ đoàn 131. Thật ý nghĩa khi 2 công trình được hoàn thành ở 2 địa danh thiêng liêng của Tổ quốc: Thủ đô Hà Nội và huyện đảo Trường Sa. Đây thực sự là những bông hoa tươi đẹp nhất trong ngày vui, kỷ niệm 41 năm Ngày truyền thống của đơn vị: 6-11-1975/6-11-2016!

Ghi chép của MAI NAM THẮNG