Hạn, mặn bủa vây
Mùa khô ở ĐBSCL đã đi được nửa chặng đường, đang trong thời kỳ gay gắt nhất, khắp các tỉnh từ Bến Tre, Long An, Trà Vinh đến vùng ven biển Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, đâu đâu người dân cũng đang phải đối phó với hạn, mặn. Nước biển xâm nhập các cửa sông, len lỏi vào ruộng đồng gây mặn đắng, hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu, cây trái bị ảnh hưởng nên khô khát, chết dần; nhân dân vùng sông nước Nam Bộ thiếu nước ngọt phải đi mua với giá cao, cuộc sống của một bộ phận người dân vốn khó khăn nay gay gắt thêm vì nước mặn ngày càng xâm lấn sâu hơn khiến các con sông nhiễm mặn.
Chúng tôi đã về các vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất để tìm hiểu đời sống của bà con. Bến Tre, xứ dừa cây trái xum xuê là thế, nay nhiều nơi thiệt hại vì hạn, mặn; nhân dân vùng Chợ Lách vốn thiếu nước ngọt khi mùa khô về, nay trầm trọng hơn. Một vùng trồng lúa của huyện Giồng Trôm vốn trù phú, nay vài nơi mất trắng vì hạn mặn. Dừng xe bên đường, chúng tôi thấy vài người nông dân đang gom lúa chết khô thành từng bó để cho bò ăn. Chị Kim Thoa, ngụ tại ấp 3, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, than thở:
- Năm nay vừa hạn hán, nước mặn xâm nhập nội đồng sớm nên lúa chết khô, không cách nào cứu vãn nổi. Hơn một công lúa (1.000m2) đã khô rang, đành cắt bỏ mang về cho bò ăn. Cứ kiểu này, sang năm gia đình tôi không dám trồng lúa nữa mà chuyển sang trồng các loại cây trái khác cho phù hợp.
Cùng cảnh ngộ với xã Bình Thành, những cánh đồng lúa của xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri cũng đang khô khát, héo mòn, đồng ruộng nứt nẻ, bỏ hoang. Gặp ông Nguyễn Tấn Tài, ngụ tại xã Mỹ Chánh đang đứng nhìn ruộng lúa hơn 3.000m2 trơ đáy vì không có nước tưới và nước khu vực này cũng đang bị nhiễm mặn trầm trọng, lúa đang làm đòng nhưng không thể trổ bông, ông Tài than thở nói:
- Mọi năm trồng lúa vẫn được mùa do có nước tưới, không bị xâm nhập mặn, được đà năm nay tui xuống giống, ai ngờ lúa đang làm đòng thì hết nước và nước nhiễm mặn nên chết khô, không ra bông được. Vậy là mất hết tiền mua lúa giống, phân bón và công chăm sóc.
Trao đổi với chúng tôi về thiệt hại trong mùa hạn, mặn, ông Dương Văn Chương, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 4.400ha lúa chết vì hạn, mặn xâm nhập, cây lúa không phát triển được.
Để tìm hiểu về tình hình thiếu nước ngọt, chúng tôi xuôi về Sóc Trăng, một tỉnh ven biển, nơi có nhiều hộ dân đang thiếu nước ngọt trầm trọng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 20.000 hộ dân nằm trong diện thiếu nước ngọt sinh hoạt cục bộ do ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Các huyện bị ảnh hưởng nặng là: Trần Đề, Cù Lao Dung và Long Phú. Ghé thăm gia đình ông Bùi Bé Năm, ngụ tại ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, ông Năm cho biết:
- Cả tháng nay gia đình tôi phải sử dụng nguồn nước mưa được tích trữ từ nhiều tháng trước để sinh hoạt. Tuy nhiên đã hơn 3 ngày nay, hết sạch nước dự trữ nên gia đình phải chạy hơn 20km sang địa phương khác để mua từng can nước về phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, cả gia đình không dám xài nhiều vì tốn tiền quá, tắm giặt mỗi người cũng chỉ được vài lít nước, rửa chén thì rửa nước mặn.
Chung cảnh ngộ với gia đình ông Bé Năm, ông Nguyễn Văn Lớn, cùng ngụ tại ấp Mỏ Ó than:
- Chưa thấy năm nào khó khăn như năm nay, cả tháng nay nắng gắt, mấy con kênh đều trơ đáy, người dân muốn xài nước phải đi xa cả chục ki-lô-mét mới mua được. Không hiểu tình trạng nắng nóng và xâm nhập mặn còn kéo dài đến bao giờ nữa, người dân chúng tôi chỉ mong trời mưa, giải cơn khát kéo dài như hiện nay!
Thiệt hại kép
Tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL xuất hiện sớm hơn so với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Trong đó, vụ Đông Xuân đã xuống giống hơn 1,5 triệu héc-ta, diện tích cần tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi để bảo đảm cung cấp đủ nước tưới trong trường hợp xâm nhập mặn kéo dài là khoảng 332.000ha; vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả bị ảnh hưởng hạn, mặn khoảng 136.000ha. Riêng đối với nước sinh hoạt, vùng ĐBSCL có khoảng 15 triệu dân thì hiện khoảng 82.000 hộ thiếu nước sinh hoạt. Dự báo trong thời gian tiếp theo của mùa khô, có 158.000 hộ thiếu nước sinh hoạt. Đến ngày 6-3, có 5 tỉnh gồm: Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An công bố tình huống khẩn cấp về hạn hán, xâm nhập mặn…
Trao đổi với chúng tôi về đặc điểm của hạn, mặn năm nay, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ cho biết:
- Xâm nhập mặn năm 2020 có 3 đặc điểm lưu ý so với hạn, mặn năm 2016. Thứ nhất, mặn đến sớm hơn (gần một tháng). Thứ hai, mặn đi vào nội địa sâu hơn (từ 2 đến 11km, tính đến thời điểm hiện nay). Thứ ba, nồng độ mặn cao hơn ở các điểm đo vùng ven biển. TP Cần Thơ là địa phương gần như không bị nhiễm mặn trong quá khứ, gần 300 năm nay. Tuy nhiên năm 2016, nước mặn có nồng độ 2‰ chạm đến quận Cái Răng, thì ngày 10-2-2020 vừa qua, nước mặn đo được tại cảng Cái Cui (quận Cái Răng) là 3,5‰. Nguy cơ xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng vào cuối tháng 3 và tháng 4 tới.
Thử tìm nguyên nhân và giải pháp
Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, khả năng khô hạn như năm nay đã được ghi nhận và cảnh báo từ mùa mưa năm 2019. Trong hai tháng đầu mùa mưa, vũ lượng rất thấp, chỉ bằng 60% so với trung bình nhiều năm. Nguyên nhân chính là năm 2019, hiện tượng El Nino xuất hiện với mức độ cao trên toàn khu vực Đông Nam Á. Thực tế, ngay trong những tháng mùa mưa năm 2019, khi mà mưa đến trễ, lượng mưa quá ít, giới chuyên gia đã cảnh báo nhiều khả năng mùa khô hạn sẽ gay gắt. Thêm nữa, vào tháng 7, 8-2019, các nước hạ nguồn sông Mê Công chứng kiến thực trạng chưa từng thấy là mực nước của con sông có lưu lượng đứng thứ 10 thế giới này đã xuống thấp nhất trong lịch sử hàng trăm năm qua. Nhiều đoạn sông Mê Công ở nơi giáp biên giới Thái Lan, Lào cạn trơ cả đáy. Tương tự, ở Biển Hồ (Campuchia), hồ nước ngọt điều hòa vô cùng quan trọng đối với ĐBSCL, nguồn nước cũng suy giảm nghiêm trọng ngay trong mùa mưa. Về dài hạn, cần vận dụng các biện pháp ngoại giao, luật pháp và kinh tế để yêu cầu các quốc gia thượng nguồn phải xem Mê Công là dòng sông chung của khu vực, các nước phải có trách nhiệm chia sẻ nguồn tài nguyên chung này...
Để ĐBSCL phát triển bền vững, PGS, TS Lê Anh Tuấn cho rằng các địa phương không nên tính đến chuyện ồ ạt “giải cứu” cây trồng do hạn, mặn vì việc này chỉ tốn thêm nguồn nước, kinh phí, năng lượng, công sức mà hiệu quả và sản lượng sẽ không đáng kể, thậm chí mất trắng. Nguồn nước còn lại nên ưu tiên dành cho việc cấp nước sinh hoạt, nếu còn thừa thì dùng cho chăn nuôi (trâu, bò, heo, gà). Không cần kêu gọi người dân tiết kiệm nước vì thực sự họ đã chắt chiu từng khối nước ngọt. Cái chính là làm cho người dân ý thức trong việc bảo vệ chất lượng nước (không sử dụng, lạm dụng nông dược bừa bãi; không vứt rác, xả rác thải, chất thải người và gia súc, gia cầm xuống nguồn nước…), hạn chế việc khoan rút nước ngầm. Bên cạnh đó, nên tập trung kinh phí hoặc vốn dự phòng phòng, chống thiên tai để làm vùng trữ nước trong nội đồng, mương vườn, các bồn trữ nước cho cộng đồng. Không nên vì những khó khăn hiện nay mà đầu tư xây dựng những công trình quá lớn như cống, đập chặn sông, vừa lãng phí, kém hiệu quả và gây tác hại lớn cho môi trường, tính đa dạng sinh học. Việc tiếp tục đầu tư hệ thống cảnh báo sớm và mạng lưới thông tin đến cộng đồng là cần thiết… Thực tế, lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy, người dân nơi đây đã chủ động thích ứng tự nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên theo điều kiện thực tế. Người dân ven biển dùng lu, khạp, ao, đìa… để trữ nước ngọt mùa mưa dùng cho mùa khô. Trong một số tiểu vùng bị hạn, mặn nghiêm trọng vẫn có nhiều nông dân “né” hạn nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động nước tưới, tránh được thiệt hại.
Để chung tay giúp sức cùng nhân dân ĐBSCL phòng, chống hạn, mặn, Bộ tư lệnh Quân khu 9, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân đã về các vùng bị thiệt hại cung cấp hàng nghìn mét khối nước ngọt, tặng hàng nghìn lu đựng nước; các ca sĩ trong cả nước cũng đóng góp hàng tỷ đồng để chung tay góp sức với người dân vượt qua thời kỳ hạn, mặn năm nay. |
Bài và ảnh: TUỆ NGUYỄN