Vị Tư lệnh bảo vệ môi trường
Ngay từ những phút đầu gặp gỡ, Thiếu tướng Hà Văn Cử đã tạo nên bầu không khí cởi mở, thân tình. Ông kể, một sự trùng hợp ngẫu nhiên là ngày sinh nhật của ông cũng chính là Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin (10-8). Tròn 42 năm quân ngũ, kể từ ngày thi đỗ Trường Sĩ quan Phòng hóa khóa đầu tiên theo hình thức thi tuyển, đến nay trở thành Tư lệnh, người đứng đầu Binh chủng Hóa học, ông luôn trăn trở, cống hiến hết mình cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Trên các cương vị công tác, đến nhiều vùng đất trước đây từng là điểm nóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông luôn trăn trở, đau đáu và bị ám ảnh bởi nỗi bất hạnh của hàng nghìn trẻ em khi mới sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh, hàng vạn cảnh đời éo le do hậu quả chất độc da cam. Năm 2019, ông dẫn đầu đoàn công tác đến tỉnh Thừa Thiên Huế khảo sát xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới. Kết thúc buổi làm việc, một vị lãnh đạo tỉnh gặp riêng ông tâm tình, trước đây, đã có gần chục đoàn công tác, cả trong nước và nước ngoài đến khảo sát. Họ đến, gieo hy vọng cho người dân rồi lại đi... Vị lãnh đạo tỉnh bỏ lửng câu nói!
Mang nỗi lòng trĩu nặng đến xã Đông Sơn, huyện A Lưới, ông càng cảm thấy xót xa hơn. Làng xóm xác xơ, vắng bóng những vườn cây hoa màu ấm no mà chỉ toàn những cây bồ kết với chùm gai sắc nhọn tua tủa. Hỏi ra mới biết do hàm lượng tồn dư chất dioxin trong đất rất cao, người dân và chính quyền địa phương không có biện pháp khắc phục nên đành phải trồng loại cây này để làm rào chắn. Khuôn mặt người dân in hằn những nét khắc khổ, ánh mắt buồn u ám. Họ kể, địa phương đã có 3 lần di giãn dân để phòng tránh chất độc da cam/dioxin vào các năm 2001, 2003, 2007 nhưng đến nay, trong xã vẫn có hơn 80 hộ có người bị ảnh hưởng chất độc da cam. Môi trường bị nhiễm độc, sinh kế khó khăn nên hầu hết gia đình trong xã đều là hộ nghèo.
Có mặt trong chuyến công tác năm đó, Thượng tá, Tiến sĩ Trần Đức Hùng, Phó viện trưởng Viện Hóa học-Môi trường Quân sự, Binh chủng Hóa học nhớ lại, khi trở về, đồng chí Tư lệnh tập trung đoàn họp bàn, tìm giải pháp khắc phục. Ông xúc động nhắc mọi người, trong kháng chiến, đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu... nơi đây đã sát cánh cùng bộ đội đánh giặc. Thời bình, chúng ta là những chiến sĩ có trình độ khoa học-kỹ thuật, làm chủ công nghệ hiện đại, phải tìm mọi cách để giúp dân. Đây là nghĩa cử tri ân nhưng cũng là trách nhiệm của Bộ đội Hóa học.
Một năm sau, dự án Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, sử dụng công nghệ chôn lấp, cô lập kết hợp công nghệ xử lý bằng phương pháp phân hủy sinh học để xử lý đất nhiễm chất độc da cam/ dioxin do Binh chủng Hóa học đề xuất được Bộ Quốc phòng phê duyệt. Tuy nhiên, việc xử lý chất độc gặp vô vàn khó khăn, bởi điều kiện khí hậu lòng chảo ở Đông Sơn gần dãy Trường Sơn mưa nhiều, đất thường xuyên bị nhão ướt rất khó cô lập. Lường trước được điều này nên Thiếu tướng Hà Văn Cử chủ động sắp xếp thời gian, thường xuyên có những chuyến công tác vào động viên bộ đội và nắm tình hình.
Sau gần một năm thực hiện nhiệm vụ nhưng do mưa, đất bùn ướt nhão, công việc chậm tiến triển, Thiếu tướng Hà Văn Cử đã có một quyết định quan trọng. Ông chỉ đạo điều động một số phương tiện bánh xích, kết hợp sử dụng ván sắt chống lầy để tiến hành xử lý... Những chỉ đạo sâu sát, cùng tinh thần nhiệt huyết của ông đã “truyền lửa” cho Bộ đội Hóa học hoàn thành nhiệm vụ, trả lại mảnh đất sạch cho người dân.
Hình ảnh gần gũi, thường xuyên có mặt kịp thời tại các điểm nóng sự cố môi trường của Thiếu tướng Hà Văn Cử trở thành điểm tựa tinh thần giúp Bộ đội Hóa học yên tâm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Trong các sự cố như: Vụ hỏa hoạn xảy ra ở Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Hà Nội); sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung; ô nhiễm môi trường nước tại Hồ Tây; tác nhân hóa chất độc gây ra sự cố môi trường tại Nghĩa Hưng (Nam Định) và Lập Thạch (Vĩnh Phúc), đặc biệt là khi bùng phát đại dịch Covid-19... Bộ đội Hóa học đã vượt qua nhiều khó khăn, khắc phục sự cố môi trường, tạo niềm tin tưởng và yêu quý của nhân dân. Thành quả đó có phần quan trọng từ sự bám nắm sâu sát, chỉ đạo kịp thời của Thiếu tướng Hà Văn Cử.
|
|
Thiếu tướng Hà Văn Cử kiểm tra công tác chuẩn bị trực bảo vệ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của Bộ đội Hóa học. Ảnh: VƯƠNG HƯNG
|
Sẻ chia nỗi đau da cam
Theo Thượng tá, Tiến sĩ Trần Đức Hùng, Thiếu tướng Hà Văn Cử không chỉ là vị Tư lệnh có tác phong làm việc sâu sát mà ông còn là một lãnh đạo có tâm, có tầm; là người đặt dấu ấn quan trọng góp phần thành lập Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (tên tiếng Anh: National Action Centre for Toxic Chemicals and Environmental Treatment, viết tắt là NACCET).
Từ năm 2017, Binh chủng Hóa học mà trực tiếp là đồng chí Tư lệnh đã tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Chính phủ thành lập NACCET. Ban đầu ý tưởng này gặp rất nhiều khó khăn, bởi ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn phòng hóa, NACCET phải thực hiện thêm một số nhiệm vụ phức tạp hơn như: Hoạt động hợp tác quốc tế, chủ trì tổ chức quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ quốc tế và kinh phí khác liên quan đến khắc phục hậu quả chất độc tồn lưu sau chiến tranh... Bấy giờ, có ý kiến cho rằng, Bộ đội Hóa học quen với thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ môi trường, còn đối với các hoạt động hợp tác quốc tế, quản lý sử dụng nguồn kinh phí tài trợ quốc tế e rằng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu.
Đứng trước những thách thức, Thiếu tướng Hà Văn Cử vẫn kiên định, quyết tâm. Anh Hùng kể: “Tư lệnh gọi tôi lên ân cần nói, kêu gọi được nguồn kinh phí hỗ trợ quốc tế, nạn nhân chất độc da cam là đối tượng trực tiếp được thụ hưởng. Mình không làm được thì người dân chịu thiệt. Chúng ta có đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học chuyên sâu về lĩnh vực này, về lâu dài nhất định phải kiên trì thực hiện. Đây là hành động thiết thực giúp nhân dân và cũng thể hiện bản chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ”.
Sau gần hai năm chuẩn bị, tháng 6-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập NACCET, giao Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo, Bộ tư lệnh Hóa học quản lý Trung tâm, Thiếu tướng Hà Văn Cử là Tổng giám đốc Trung tâm, các phó tổng giám đốc có đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Văn phòng Chính phủ. Đây là nỗ lực, thành công rất lớn của Binh chủng Hóa học, đặc biệt là dấu ấn của Thiếu tướng Hà Văn Cử. Nói tới đây, anh Hùng cười vui vẻ: “Sau một hành trình dài nỗ lực, giờ nhìn lại, tôi càng thêm khâm phục tầm nhìn chiến lược của đồng chí Tư lệnh”.
Năm 2021, NACCET ký kết với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam (gọi tắt là dự án Hòa nhập) tại 8 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Bình Định, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai giai đoạn 2021-2026, với nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại 65 triệu USD.
Khi dự án mới thực hiện được một nửa chặng đường, cơ quan USAID tổ chức khảo sát đánh giá, nhận thấy trong vai trò điều phối, sử dụng kinh phí, NACCET đã hỗ trợ rất tốt cho hàng chục nghìn nạn nhân nhiễm chất độc da cam nên quyết định xúc tiến dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam địa bàn 3 tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Quảng Ngãi giai đoạn 2025-2030 trị giá 30 triệu USD.
Tuy nhiên, điều khiến ông cảm thấy rất vui và tự hào hơn cả là khi làm việc, các đối tác bày tỏ rất ngưỡng mộ Quân đội nhân dân Việt Nam. Một đội quân từ nhân dân mà ra, luôn sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc; vì hạnh phúc của nhân dân.
Nhận nhiệm vụ Tư lệnh Binh chủng Hóa học từ năm 2016, đến nay, Thiếu tướng Hà Văn Cử đặc biệt quan tâm nghiên cứu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, những giải pháp phòng, chống cũng như thực thi các công ước, điều ước quốc tế về kiểm soát và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, ông còn góp phần đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Chính phủ thành lập Trung tâm Dự toán Phóng xạ-Hóa học và phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Trung tâm 81), Binh chủng Hóa học và ông đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng Cơ quan đầu mối quốc gia-Trưởng Cơ quan Thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Xây dựng thành công và ban hành các giải pháp tăng cường tiềm lực phòng, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt trong chiến lược phòng thủ quốc gia; các chủ trương, giải pháp chuẩn bị, ngăn ngừa, đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, không để bị động, bất ngờ cả trong thời bình và thời chiến.
Có đóng góp quan trọng vào việc phát huy vai trò của Bộ đội Hóa học trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay, nhưng khi được hỏi đánh giá về dấu ấn đó, Thiếu tướng Hà Văn Cử cho rằng việc mình làm được là rất khiêm tốn. Và ông chỉ có một mục tiêu duy nhất xuất phát từ lợi ích của nhân dân, trách nhiệm của bản thân với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Đó là mệnh lệnh từ trái tim!
Trung tá QNCN VƯƠNG MINH HƯNG, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Binh chủng Hóa học