Chiếc máy cứu trẻ sinh non

Trước năm 1982, 90% trẻ sinh non tại Nhật Bản tử vong. Từ năm 1982, khi chiếc máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird (HFO) của nhà phát minh Trần Ngọc Phúc ra đời thì tỷ lệ tử vong ở trẻ sinh non giảm nhanh chóng. Kết quả thống kê tại Nhật Bản cho thấy, đối với trẻ sinh non cân nặng 900g, số tử vong năm 1990 là 150 cháu thì đến năm 2005 giảm còn dưới 50 cháu. Đối với trẻ nặng 600g thì tử suất năm 1990 là 400 cháu và năm 2005 còn 200 cháu. Đặc biệt, đối với trẻ nhẹ hơn 400g thì số tử vong từ 1.000 cháu năm 1990 giảm còn dưới 500 cháu vào năm 2005. Có thể nói, phát minh năm 1982 của người Việt Nam Trần Ngọc Phúc đã tạo ra bước ngoặt. Chiếc máy hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh này được đánh giá là tốt nhất thời điểm đó.

leftcenterrightdel
Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc. 

Theo nghiên cứu của ông Trần Ngọc Phúc, những máy thở thông dụng trước khi máy thở HFO ra đời gây tác hại lớn đối với trẻ sinh non vì phổi của trẻ chưa hoàn thiện, chưa nở ra, khi dùng áp lực bên ngoài đẩy vào, không khí không vào được các phế nang của phổi nhưng lại làm khí quản phình ra, gây nguy hại đến tính mạng. Để giải quyết vấn đề này, ông Trần Ngọc Phúc đã sáng tạo ra nguyên lý rung cao tần. Nguyên tắc của máy thở HFO không phải là bơm không khí vào mà là rung từ từ cho oxy thấm và tan nhẹ vào buồng phổi yếu ớt của trẻ sinh non. Nếu như máy thở thông thường trong một phút bơm 15-20 lần thì máy thở HFO rung nhẹ 900-1.500 lần để đưa rất êm ái không khí thấm dần vào các phế nang của phổi.

Máy thở HFO của ông Trần Ngọc Phúc đã chứng minh tác dụng kỳ diệu. Vì thế, hiện thiết bị này được trang bị tại 90% trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh toàn nước Nhật với hơn 1.400 máy đang vận hành. Ngoài ra, có hơn 200 máy đã được xuất khẩu đến 12 quốc gia trên thế giới. Chưa dừng lại ở đó, máy thở HFO đang tiếp tục được hoàn thiện và hứa hẹn nhiều tiềm năng mới. Đại học Oxford của Anh đang tiến hành thử nghiệm thiết bị của ông Trần Ngọc Phúc cho 800 bệnh nhân mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS). Nếu thành công, phương pháp này sẽ được công nhận rộng rãi toàn cầu.

Chuyến thăm đặc biệt của Nhật hoàng

Theo thông lệ, hằng năm, Nhật hoàng thường có chuyến thăm một doanh nghiệp hạng nhỏ và vừa. Đây là một nghi lễ rất quan trọng được chuẩn bị hết sức chu đáo. Doanh nghiệp mà Nhật hoàng đến thăm được lên danh sách trước hai năm. Tháng 7-2012, vượt qua vô số ứng cử viên nặng ký, Metran, doanh nghiệp sản xuất những thiết bị trợ thở chỉ có 35 nhân viên của ông Trần Ngọc Phúc được lựa chọn.

leftcenterrightdel
Ông Trần Ngọc Phúc (bên phải) bàn giao máy thở MV20 dành riêng cho Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, ngày 20-4-2020. Ảnh: Metran

Trước chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito cả tháng, nhân viên an ninh hoàng gia và những thị thần cung đình đã lên sơ đồ lộ trình di chuyển của nhà vua đến từng chi tiết, thị sát toàn bộ doanh nghiệp, thậm chí cả tách trà mà Metran chuẩn bị riêng cho nhà vua.

Ngày 5-7, Nhật hoàng Akihito đến thăm Metran. Người duy nhất được phép đón và đi gần nhà vua suốt cuộc thăm viếng là ông Trần Ngọc Phúc. Sau khi được ông Trần Ngọc Phúc giới thiệu về công nghệ và sự ưu việt của máy thở do Metran sản xuất, nhà vua gật đầu ngợi khen: “Nhiều người sẽ được cứu, phục vụ được quốc dân”. Nhật hoàng Akihito cũng rất quan tâm đến việc máy thở có thể áp dụng cho những người lớn tuổi bị hội chứng ARDS. Nhà vua dự định dùng máy thở HFO làm quà tặng đặc biệt cho các hoàng tộc khác trên thế giới.

Cuộc viếng thăm của Nhật hoàng Akihito đến doanh nghiệp của một Việt kiều đã được truyền thông Nhật đăng tải liên tục suốt tháng 7. Chưa dừng lại ở đó, truyền hình Nhật Bản đã cùng ông Trần Ngọc Phúc về Việt Nam thực hiện một phim tài liệu về hành trình cuộc đời ông.

Người con nặng lòng với đất mẹ

Ông Trần Ngọc Phúc sinh năm 1947, trong một gia đình thương nhân khá giả ở Huế. Năm 1968, ông sang Nhật du học rồi quyết định ở lại đất nước mặt trời mọc. Vốn chưa từng phải quan tâm đến vấn đề kinh tế nhưng ở thời kỳ đó, ông phải làm đủ mọi việc chân tay như: Cuốc đường, dọn dẹp ở ga tàu điện, phục vụ ở quán mì hay đi giao hàng... để tự trang trải cuộc sống. Tốt nghiệp Đại học Tokai ở Kanagawa, Trần Ngọc Phúc vào thực tập rồi thành nhân viên chính thức tại Công ty Senko Medical Instrument. Tại đây, Trần Ngọc Phúc đã hết sức chịu khó học hỏi những vấn đề liên quan tới công nghiệp y khoa. Chính ý tưởng làm những chiếc máy thở dành cho trẻ sinh non đã nảy sinh trong đầu chàng nhân viên trẻ Trần Ngọc Phúc qua các khóa học y khoa và các chuyến đi thực tế bệnh viện.

Năm 1984, ông Trần Ngọc Phúc quyết định rời Công ty Senko Medical Instrument và cùng một số người bạn lập Công ty Metran để có thể tiếp tục những nghiên cứu mình yêu thích. Làm việc trong ngành sản xuất thiết bị y tế, mỗi lần công ty đưa máy mới ra thị trường, Trần Ngọc Phúc luôn là người thử thiết bị đầu tiên. Ông cho rằng chỉ nên chia sẻ với mọi người những gì mình thực sự tâm đắc. Tận tâm với công việc, ông Trần Ngọc Phúc và Công ty Metran đã nhận được một số giải thưởng trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất. Năm 2018, ông được nhận Huân chương “Mặt Trời mọc tia sáng bạc”-một phần thưởng cao quý từ Chính phủ Nhật Bản.

Dù gặt hái được nhiều thành công tại Nhật Bản nhưng tấm lòng ông Trần Ngọc Phúc vẫn luôn hướng về quê hương. Năm 1986, lần đầu tiên sau 18 năm, ông được trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình. Cũng bắt đầu từ đây, những cuộc trở về của ông trở nên đều đặn hơn và ông cũng hiểu hơn những khó khăn, thiếu thốn mà đội ngũ y sĩ, bác sĩ trong nước đang phải đối mặt. Khi quay lại Nhật Bản, bằng uy tín của mình, ông Trần Ngọc Phúc đã làm cầu nối để xin hỗ trợ những thiết bị y tế cho Việt Nam từ các bệnh viện của Nhật Bản. Năm 1986, Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng máy thở HFO do Công ty Metran tài trợ. Từ khi trang bị máy thở HFO, bệnh viện đã cứu sống được rất nhiều trẻ sơ sinh non tháng và cực non (cân nặng chỉ 600-650g). Sau này, Công ty Metran tiếp tục tài trợ máy thở cho nhiều bệnh viện ở Việt Nam.

Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, cuối tháng 3 vừa qua, thông tin GS Trần Văn Thọ tại Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản) và ông Trần Ngọc Phúc sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất máy trợ thở cho Việt Nam khiến nhiều người quan tâm. Và rồi, những chiếc máy trợ thở đầu tiên do Metran sản xuất với giá thành thấp nhất có thể dành cho riêng Việt Nam đã được chuyển giao. Trong vòng 3 tháng, Metran sẽ chuyển giao công nghệ để sản xuất 2.000 chiếc máy trợ thở, bảo đảm cho toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đã sống ở Nhật Bản hơn nửa thế kỷ nhưng ông Trần Ngọc Phúc vẫn luôn tâm niệm quê hương Việt Nam là nền tảng căn bản, ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời của ông. Những món ăn, cách ứng xử của người Việt, những nụ cười và ánh mắt, tất cả đều thấm sâu vào cốt tủy và ảnh hưởng sâu đậm đến lối sống của ông. Ông vẫn giữ được cho mình chất giọng Huế trầm ấm…

DƯƠNG NGỌC MỸ