Ký ức ấy trào dâng với bao ánh mắt, nụ cười, cùng quyết tâm giữ vững vùng biển đảo quê hương của các chiến sĩ và nhân dân nơi đây, càng làm cho nỗi nhớ của tôi thêm bổi hổi, da diết...
Những ngày giáp Tết vừa qua, đoàn công tác của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (TCCT QĐNDVN) dẫn đầu đã ra Trường Sa công tác trên hai chiếc máy bay trực thăng EC 225 của Công ty Trực thăng miền Nam, thuộc Tổng Công ty trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18). Cái cảm giác hạ cánh xuống đảo nhẹ tênh, hệt như hai chú chim bay về tổ, thật xốn xang biết bao. Được chứng kiến những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay thật chặt, những cái vỗ vai chân thành mà thấy ngất ngây giữa trùng dương bao la.
Niềm vui, niềm xúc động càng dâng cao khi buổi chào cờ bắt đầu. Đây không phải là lần đầu tôi được dự một buổi lễ chào cờ ở Trường Sa, nhưng nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong nắng và gió xuân, nhìn gương mặt đầy tự hào, đầy niềm tin của các vị tướng, của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo khi hát Quốc ca, mới thấy Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió sao mà thiêng liêng và hiên ngang đến thế. Vẫn cột mốc chủ quyền ấy, vẫn người lính ôm súng đứng gác, mà cảm nhận Trường Sa ngày càng lồng lộng, thênh thang trước biển lớn. Trong cái nắng rát rạt cùng hương vị mặn mòi của biển, trong sự mênh mông của đại dương, như thấy non sông đất nước đang gọi tên chính mình.
Tôi tắm mình trong sắc nắng Trường Sa. Chao ôi, khung cảnh ở đây thật rạo rực, lâng lâng, thấy như mình được bay lên trong không gian lấp lánh ánh hào quang của biển trời. Người ta nói, nắng ở Trường Sa mạnh lắm. Điều này quả không sai. Những tia nắng như những mũi kim cắm vào da thịt con người, bỏng rát. Dù ai có làn da ngăm đen, hay trắng hồng, chỉ cần ra Trường Sa ít ngày là gần giống nhau hết. Đó là màu da của nắng. Màu của sự từng trải, màu của cứng rắn, kiên trung, bất khuất và tạo nên bức thành đồng nơi biên đảo quê hương.
|
|
Thượng tướng Lương Cường, các thành viên trong đoàn và mẹ con chị Nguyễn Bình Phương Ái. |
Chúng tôi sải bước chân trên nền bê tông, trên mặt cát nóng đi thăm đảo. Khi bước qua những gốc cây phong ba, cây bàng quả vuông, ai cũng đi chậm lại. Nhìn những tán cây bị gãy đổ, nhiều cành cây lá rụng gần hết mà thấy xót xa trong lòng. Đó là hậu quả của thiên tai những ngày cuối năm trước. Đúng ngày Noel năm 2017, cơn bão số 16 (tên quốc tế là Tembin) có gió mạnh cấp 11, giật cấp 15 đã quét qua Trường Sa. Gió bão khiến nước biển dâng cao đến 10m, tràn vào khắp mặt đảo. Những cây bàng quả vuông, cây phong ba cong mình trong mưa gió. Cây nào được chiến sĩ ta đã cắt tỉa cành trước thì đứng vững, còn những cây chưa kịp cắt tỉa cành hầu như bị ngã đổ. Con số cây bị gãy đổ trên đảo lên tới 80%. Nhiều trang thiết bị, vật dụng trên đảo cũng bay tứ tung hoặc bị hư hỏng. Nhưng vẫn luôn vững vàng trước mưa bão, đó là những chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Chị Phan Thị Như Trinh, Chủ tịch Hội Phụ nữ của đảo nhớ lại: “Bữa đó mưa to, gió lớn vô cùng. Nhưng các hộ dân rất yên tâm vì có các anh bộ đội đến giúp. Nhìn thấy các anh đội mưa, vượt gió để chằng nhà cửa, đến hỏi thăm từng gia đình, ai cũng cảm động và vững tâm. Các anh còn thông báo cho tàu, thuyền vào đảo trú bão an toàn, lo ăn nghỉ cho ngư dân chu đáo nữa”.
Chỉ ít ngày sau bão, các công trình hư hỏng đã được quân - dân trên đảo khắc phục được gần 70%; 100% cây xanh bị gãy đổ được cắt dựng, trồng lại; nguồn điện năng lượng sạch cũng hoạt động bình thường. Trong cái nóng như rang của đảo, những cây phong ba, cây bàng quả vuông bị bật gốc sau bão vẫn bám chặt vào đất, vững vàng trước gió biển. Ở trên những chiếc cành khẳng khiu, trơ trụi, bao mầm lá đã bắt đầu nhú ra. Những mầm lá là những mầm xuân, vươn nhựa sống mãnh liệt, bất chấp nắng gió, mưa sa khắc nghiệt của đại dương, để cùng người chiến sĩ chuẩn bị đón Xuân Mậu Tuất. Nó như biểu tượng cho sức mạnh của Trường Sa trong mùa xuân này.
Trong báo cáo của Trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng của đảo với đoàn công tác, điều mà mọi người tâm đắc nhất đó là lập trường tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo luôn vững vàng. Những người lính sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bao năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã làm tất cả những gì có thể cho Trường Sa, cho những người giữ biển đảo. Từ những sĩ quan từng trải, những sĩ quan, chiến sĩ trẻ măng, đến những người dân hiền hòa, kiên trung, họ đã bám biển, bám đảo, họ đã chung tay để tạo thành những cột mốc sống về chủ quyền của đất nước giữa trùng khơi. Và họ cũng là những người đã, đang và sẽ góp sức để xây dựng Trường Sa ngày càng giàu đẹp.
|
|
Thượng tướng Lương Cường và đoàn công tác thăm đảo Trường Sa |
Gặp gỡ quân và dân Trường Sa, Thượng tướng Lương Cường; Trung tướng Phạm Hồng Hương, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và các thành viên trong đoàn rất vui mừng, xúc động. Đồng chí Chủ nhiệm TCCT mong mỗi cán bộ, chiến sĩ, mỗi người dân trên đảo mãi xứng đáng là những cột mốc sống vững chắc của Tổ quốc ở Trường Sa thân yêu; mong các chiến sĩ tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, là những người trực tiếp bảo vệ đảo và là “con mắt” của Tổ quốc từ hướng biển. Thượng tướng Lương Cường cũng hy vọng quân và dân trên đảo luôn phát huy tốt tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đứng bên cây mai mang tặng quân và dân đảo Trường Sa lớn, đồng chí Chủ nhiệm TCCT nói rằng: “Mùa xuân đã thực sự về với Trường Sa, về với những người giữ biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Chúc các đồng chí và nhân dân nơi đây sức khỏe, hạnh phúc. Năm mới thắng lợi mới”. Lời chúc ấy càng có ý nghĩa khi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo vây quanh cành mai đang chúm chím nụ vàng để chụp ảnh lưu niệm. Nhìn những nụ mai, tôi lại cảm thấy như mầm xuân đang mọc ra ở khắp nơi trên quần đảo xa xôi này. Mầm xuân trên cây lá. Mầm xuân trên đại dương và mầm xuân trong lòng người. Mầm xuân ấy mang biết bao tình cảm, sự chia sẻ và quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và quân đội, của đất liền đối với Trường Sa thương yêu. Ấn tượng hơn cả là chị Nguyễn Bình Phương Ái và con gái Thái Bình Hải Thùy đến chào các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Hải Thùy chính là bé gái thứ hai được sinh ra trên đảo bằng phương pháp đẻ mổ vào ngày 1-12-2015. Có vẻ còn e dè khi gặp đông người, nhưng bé Hải Thùy vẫn bẽn lẽn cười khi được Thượng tướng Lương Cường, Trung tướng Phạm Hồng Hương, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện 175 (đơn vị đã thực hiện ca mổ đẻ thành công cho chị Phương Ái) và mọi người đến hỏi thăm, tặng quà.
Bữa cơm trưa trên đảo thật đầy đặn, vui tươi chẳng khác gì bữa tất niên ngày Tết trên đất liền. Bên cạnh những món truyền thống như: Thịt gà, thịt heo, bánh chưng, dưa hành... còn có một món “đặc sản” là rau muống luộc. Sau cơn bão số 16, các vườn rau trên đảo hầu hết bị hư hại nặng, nhưng các chiến sĩ đã khôi phục được vườn rau muống để đãi khách quý. Trung tá Đỗ Hải Đăng-Chính trị viên của đảo nói rằng: “Rau muống luộc bây giờ là "món độc" của đảo đấy ạ!”. Đúng là "món độc" thật, vì rau muống luộc là thứ được ăn hết đầu tiên. Với tôi, đây có lẽ là một trong những bữa ăn ấn tượng nhất đời, bởi vì nó có đầy đủ hương vị ngày Tết, ấm áp tình người và đầy sự quyết tâm giữ biển đảo của quân và dân Trường Sa.
Giữa trưa, chúng tôi rời Trường Sa lớn để về thăm các Nhà giàn DK1. Từ mặt đảo bay lên, cảm giác hẫng hụt, luyến lưu dường như làm hai chiếc EC225 hơi chao nghiêng. Sau này khi hạ cánh xuống sân bay Vũng Tàu, Thượng tá Lê Đức Long-Phó giám đốc Công ty Trực thăng miền Nam và Đại tá Vũ Văn Khánh -Phi công trưởng, là hai phi công lái chính đã cảm xúc nói: "Chúng tôi bay ra Trường Sa nhiều lần, nhưng chia tay Trường Sa những ngày giáp Tết vẫn cứ thấy vấn vương, thương nhớ vô cùng".
Nhà giàn DK1.12 như một đài hoa nơi cuối biển. Đài hoa ấy đang hiên ngang giữa những con sóng cấp 7, cấp 8. Chả thế mà con tàu chở đoàn kiểm tra, chúc Tết của Vùng II Hải quân vẫn phải neo đậu cách đó chừng hơn 100m mà không thể nào tiếp cận được với chân giàn. Tất cả các loại hàng hóa phục vụ Tết được đưa lên nhà giàn bằng dây, còn người dưới tàu, người trên giàn chỉ liên lạc thăm hỏi, chúc tụng nhau bằng... sóng vô tuyến.
Tôi đã hạ cánh nhiều lần ở Nhà giàn DK1.10, nhưng cảm giác hạ cánh xuống Nhà giàn DK1.12 vẫn thấy lạ và cảm xúc. Vui nhất là những chiến sĩ ở đây luôn rạng rỡ, tự tin bên cạnh cây mai rực rỡ sắc vàng do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tặng. Đây Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Chỉ huy trưởng, Trung úy Nguyễn Duy Khánh, Chính trị viên, kia Thiếu tá QNCN Võ Văn Lộc nhân viên ra-đa, Thiếu tá QNCN Nguyễn Duy Hương nhân viên cơ yếu... Chiến sĩ ta tươi rói như những lộc xuân trước biển. Nói như Trung tướng Phạm Hồng Hương, thì đó là những "cây phong ba" của nhà giàn DK1. Mọi người lại háo hức đi tham quan “nụ hoa nơi cuối biển”. Thấy phòng ốc ngăn nắp, gọn gàng, thấy những chậu rau xanh đang nõn nã vươn lên trong sắc biển long lanh, có người còn tưởng tượng đây còn đẹp hơn cả những quán cà phê hay những biệt thự đẳng cấp ở TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội.
Không thể nói hết được những cảm xúc, những ấn tượng đẹp với Trường Sa và Nhà giàn DK1. Chỉ biết rằng, những ánh mắt, nụ cười, những lời nói quyết tâm và những cánh tay vẫy của đồng đội đã đi vào tâm trí chúng tôi khi trở về đất liền. Nó còn vấn vương, da diết trong suốt những ngày Tết Nguyên đán Mậu Tuất và còn bổi hổi dài lâu. Qua sóng điện thoại, tôi biết quân, dân Trường Sa và Nhà giàn DK1 đón xuân vui lắm. Tổ quốc giữa trùng khơi không chỉ có tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, mà còn có đầy hương vị của cái Tết cổ truyền dân tộc. Những mầm xuân Trường Sa đang vươn dài vào nắng gió, những bông hoa trên đảo, trên Nhà giàn DK1 đang rực rỡ ngát hương. Ở cách xa đảo và nhà giàn gần 1.000km, mà tôi vẫn nghe được tiếng hát, tiếng cười của những người giữ biển đảo. Mùa xuân chiến sĩ nơi biển đảo càng làm cho ta thêm tự hào, thêm yêu quê hương, đất nước của mình bội phần. Và ở nơi đô thị phồn hoa, hay một vùng quê yên bình, Trường Sa sẽ mãi chảy vào tâm hồn chúng ta bản anh hùng ca hiên ngang, bất khuất, để trái tim và khối óc luôn lắng đọng với Trường Sa.
TP Hồ Chí Minh, Tết Mậu Tuất
Bút ký của LÊ PHI HÙNG