Giữ trọn lời thề

Sáng 13-7, từ TP Đà Nẵng, chúng tôi vào thăm mẹ Tú trong cái nắng và gió bỏng rát của vùng đất xứ Quảng. Con đường quê cát bụi cuốn mù trời, chỉ có dòng sông Trường Giang là xanh thẳm.

Người dân Bình Giang đã quen với mùi hương trầm, lúc nào cũng tỏa ra thơm ngát từ ngôi nhà nhỏ của mẹ Tú. Chiều nào cũng vậy, cứ dịu nắng, mẹ Tú lại chống gậy đi ra ngõ, hướng mắt về xa xăm như ngóng đợi chồng và đứa con gái yêu quý trở về. Hễ có người đến là mẹ lại hỏi: “Ông Học về đấy hả? Thu đấy hả con? Sao đi lâu quá vậy?”.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn An Phong (bên phải) và tác giả trò chuyện cùng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tú. Ảnh: LÊ HIẾU

Tuổi già hay lẫn-cũng là lẽ thường ở đời-nhưng với mẹ Tú thì hình ảnh về những người thân yêu, mẹ vẫn nhớ rành rành. Từ giọng nói sang sảng của chồng, đến cái tính hay lam hay làm của cô con gái tên Thu...

Anh Lương Tấn Tài, con trai của mẹ, kể:

- Thời kỳ chống Mỹ, mẹ tôi nhiều lần bị địch bắt giam. Chúng đánh đập dã man, tra tấn đủ trò nhưng mẹ không hề khai báo gì. Ra tù, mẹ lại hăng hái tham gia công việc đoàn thể. Đêm về, trong ì oàng tiếng pháo giặc cầm canh, mẹ lo nuôi giấu cán bộ dưới hầm bí mật. Đêm 28-3-1968, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho cán bộ, mẹ bị địch bắn. Lần ấy, may nhờ mưu trí nên mẹ thoát khỏi vòng vây của giặc.

Dạo đó, ba tôi là Phó trưởng ban an ninh huyện Thăng Bình hoạt động bí mật, mẹ tôi tần tảo nuôi các con khôn lớn và tham gia hoạt động trong lòng địch. Hằng ngày, mẹ lo lắng công việc gia đình, đêm đến lại lo tiếp tế, nuôi giấu cán bộ. Thời kỳ ấy, nhiều đồng chí cán bộ được mẹ tôi nuôi giấu, sau này đều phát triển thành cán bộ cốt cán như: Ông Nguyễn Đức Bốn, nguyên Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, sau giải phóng giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng; ông Phạm Ngọc Tám, nguyên Trưởng Công an huyện Thăng Bình, sau làm Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam. 

Những tưởng niềm vui cùng các con và đồng đội chiến đấu đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, nhưng đâu ngờ, một ngày giữa tháng 8-1968, mẹ tôi chết lặng khi hay tin ba tôi hy sinh. Đêm ấy, ba tôi đi công tác từ vùng cánh Tây (gồm các xã Bình Phú, Bình Định...) về tới cánh Đông (gồm các xã vùng Đông huyện Thăng Bình) thì bị địch phục kích. Tuy bị địch bao vây, nhưng ba tôi cùng đồng đội vẫn dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt 13 tên lính ngụy. Bọn giặc điên cuồng bắn xối xả, khiến ba tôi cùng 8 đồng chí anh dũng hy sinh.

Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì 4 năm sau, chị Lương Thị Thu lại bị giặc giết. Chị Thu hy sinh trong trường hợp về cơ sở lấy lương thực, thực phẩm và thuốc men tiếp tế cho đồng đội, bị địch bao vây hậu cứ. Chị ngã xuống trong tư thế của người chiến thắng, hai tay vẫn ôm khẩu súng trước ngực, phía sau lưng là chiếc ba lô đựng đầy gạo, muối, đôi mắt mở trừng trừng nhìn quân giặc với nỗi căm hờn.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn An Phong cùng các đại biểu và Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tú. Ảnh: LÊ HIẾU 

Độ ấy, mẹ tôi đau đớn như đứt từng khúc ruột, cứ tưởng mẹ không thể nào vượt qua sự mất mát lớn lao này. Nhưng rồi bằng ý chí, nghị lực phi thường và niềm tin vào cuộc sống, mẹ đã đứng vững trước cuộc đời. Biến đau thương thành hành động, giữa sự vây ráp, lùng sục của quân thù, mẹ lại bí mật đào hầm nuôi giấu, che chở những người con cách mạng. Mẹ trực tiếp vận chuyển vũ khí và vận động bà con tiếp tế cho bộ đội giết giặc, trừ gian... 

Niềm tin cuộc sống

Ngày Quảng Nam hoàn toàn giải phóng, biết bao gia đình đoàn tụ, còn mẹ Tú đợi chờ trong nỗi cô đơn khắc khoải. Chồng và người con gái thảo hiền của mẹ mãi mãi không về. Quê hương thời kỳ khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh với bao thử thách, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Với cương vị là cán bộ nữ, mẹ tích cực vận động bà con vào hợp tác xã, hăng hái tham gia sản xuất, khuyên bảo những người lầm đường, lạc lối ra đầu thú để hưởng khoan hồng của cách mạng.

Mẹ gần gũi chị em một thời lầm lỡ, chỉ bảo họ cách làm ăn sinh sống, nhờ vậy tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi. Trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ Tú trực tiếp giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Bằng tấm lòng nhân hậu, bao dung, mẹ đã giảng giải điều hay lẽ phải, thuyết phục nhiều thanh niên hư hỏng trở thành người tiến bộ.

Từ năm 2020, vết thương cũ tái phát, mẹ Tú thường xuyên đau ốm. Trong khoảng thời gian hơn hai năm dịch Covid-19 bùng phát, sức khỏe mẹ càng yếu thêm, may có anh Tài thường xuyên chăm sóc, phụng dưỡng.

leftcenterrightdel
Tác giả trò chuyện cùng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tú. Ảnh: LÊ HIẾU 

Anh Tài tâm sự, mấy năm gần đây, sức khỏe của mẹ giảm sút, nhưng đôi tai mẹ vẫn còn nghe rõ, trí nhớ của mẹ vẫn rành rọt.

Khi Thiếu tướng Nguyễn An Phong, Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đến bên cạnh, mẹ nói: “Tụi bây bận việc quân như rứa mà vẫn lặn lội vô thăm mẹ à? Các con vô thăm là quý rồi, quà cáp làm chi nữa! Mẹ rất mừng vì thấy đứa mô cũng khỏe mạnh, rắn rỏi!”. Thượng tá Ngô Thái Học, Trợ lý Phòng Chính sách, Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tiếp lời: “Xin mẹ đừng bận tâm, chúng con là Bộ đội Cụ Hồ. Hôm nay chúng con vào tổ chức lễ khánh thành nhà tình nghĩa và trao quà của cơ quan Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tặng mẹ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ ạ!”.

Nghe vậy, đôi vai gầy của mẹ rung lên. Đất nước thống nhất, nhưng lòng mẹ quặn đau. Hình ảnh chồng và con gái mẹ như còn lẩn khuất đâu đây...

Bao nhiêu năm qua, mẹ vẫn thường ngồi lặng im hàng giờ bên ô cửa, mắt dõi nhìn về phía xa... Chồng và con gái mẹ đi mãi không về, nhưng mẹ đã có thêm các con là cán bộ, nhân viên cơ quan Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm nhà tình nghĩa, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà. Giờ đây, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng mẹ vẫn động viên con cháu và những cộng sự nhiệt tình làm từ thiện. Cứ có đợt thanh niên lên đường nhập ngũ, mẹ lại tới động viên, tặng quà, căn dặn đủ điều... Những việc làm ấy cứ lặng thầm như tình mẹ bao la...

Những tia nắng cuối ngày trải dài trên núi Đồng Linh. Những cánh chim chấp chới tìm về tổ ấm. Mẹ Tú lại thẫn thờ đi ra cửa, dáng hao gầy đổ bóng xuống chiều nghiêng. Tôi thấy trong ánh mắt nhân từ của mẹ chan chứa niềm tin...

PHAN TIẾN DŨNG