Đó là hình ảnh thường thấy của những người bán vé số nghèo trong thời buổi, một hộp cơm bình dân giá từ 15 đến 18 ngàn đồng nhưng phần thức ăn bên trong chẳng được bao nhiêu. Thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ điều đó, bếp ăn từ thiện hỗ trợ người nghèo bán vé số ở khóm 4, phường 1, TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) chính thức ra đời.
Quên mình vì việc thiện
Tìm đến TP Sa Đéc vào một ngày đầu mùa khô, ngăn nắp, sạch sẽ và đầy đủ là những gì tôi thấy khi bước vào bếp ăn. Mùa khô trong tiết Xuân, thời tiết thất thường, bên ngoài trời lất phất hạt mưa nhưng bếp ăn từ thiện vẫn bập bùng ánh lửa, rôm rả tiếng nói cười của các thành viên trong tổ. Tôi cảm nhận được hơi ấm tràn ngập tại đây. Nó toát lên từ tấm lòng thiện nguyện của những cựu giáo chức như cô Cẩm Em, cô Bé... hay những người dành thời gian và tâm huyết để làm công tác từ thiện như chú Bánh, cô Đặng...
Đồng Tháp vốn nổi danh là vùng đất hiền hòa, xứ sở của ngàn hoa, người dân nơi đây nhiệt tình, mến khách nên trưa hôm đó tôi được giữ lại ăn cơm cùng mọi người và cũng là dịp để hòa mình, để cảm nhận hơi ấm tình thương, sự sẻ chia đối với những phận đời kém may mắn.
Bếp ăn dành tặng người bán vé số tại Đồng Tháp.
8 giờ sáng, khi các nguyên vật liệu đã đầy đủ, mọi người nhanh chóng bắt tay vào chế biến món ăn. Ai cũng tất bật để kịp đến giờ phát cơm. Dù vất vả nhưng trên gương mặt của mỗi người vẫn toát lên niềm vui mà tôi cảm nhận được điều đó qua ánh mắt và cả nụ cười.
Cô Lâm Thị Đặng, Bếp trưởng của bếp ăn này vốn buôn bán gạo tại TP Sa Đéc, nhưng hàng ngày cô đều dành thời gian nửa buổi để làm từ thiện. 12 năm gắn bó với công việc không lương, hầu hết bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện thuộc TP Sa Đéc đều có cô tham gia. “Trời cho tôi có được chút tài nấu ăn nên cũng có một vài nơi mướn đi nấu phục vụ cho các đám tiệc nhưng tôi đều từ chối. Với tôi, việc nấu ăn cho những người thiếu may mắn là một niềm hạnh phúc vì tôi cảm thấy mình thật sự đã làm được điều có ích cho xã hội”, cô Đặng tâm sự.
Công việc bếp trưởng vốn vất vả vì hàng ngày phải lên kế hoạch đi chợ, chế biến món ăn sao cho không trùng lặp, hợp khẩu vị và bảo đảm dinh dưỡng. Mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần cô nấu ăn cho những người bán vé số, riêng chủ nhật cô lại nấu cho bếp tại bệnh viện. Cô Đặng chia sẻ: “Nhiều khi gia đình khuyên dành ngày chủ nhật để nghỉ ngơi nhưng ở nhà không quen, vào bệnh viện nấu ăn trò chuyện với mọi người vậy mà vui”.
Tất cả các món ăn vừa chế biến xong thì cơm cũng được mang đến. Như hiểu sự thắc mắc trong tôi, chú Võ Văn Bánh, thành viên tổ từ thiện vui vẻ nói: “Nếu mọi người làm hết công việc rồi lấy gì tôi làm, vì vậy phải dành cho mình một công việc để góp sức”. Tôi chợt hiểu ra công việc mà chú làm đó là nấu cơm và mang cơm từ tổ từ thiện Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đến tổ từ thiện dành cho người bán vé số. Chú Bánh cho biết: “Ban đầu tổ cũng dự định nấu cơm tại chỗ nhưng do chật hẹp nên tôi đề nghị nấu cơm từ Bệnh viện Đa khoa TP Sa Đéc mang qua. Gần 25 năm nấu cơm từ thiện, đảm nhiệm thêm nhiệm vụ mang cơm tôi không thấy mệt mà càng thấy vui và ý nghĩa hơn”.
Ấm áp nghĩa tình
Nằm nép mình bên bờ hồ Xáng Thổi, bếp ăn từ thiện có tên đầy đủ là “Bếp ăn hỗ trợ người nghèo bán vé số” hoạt động từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Mỗi ngày từ 10 giờ đến 12 giờ 30 phút, người bán vé số tới đây để nhận cơm. Họ chỉ cần đăng ký trực tiếp với đại lý vé số nơi mình nhận bán, sau đó, mỗi người sẽ được phát một thẻ ăn cơm trưa mà họ gọi vui đó là “thẻ A-T-Ăn” và dặn dò nhau nhớ giữ gìn cẩn thận.
Tuy là suất cơm từ thiện nhưng các món ăn lại vô cùng phong phú. Thực đơn cho ngày hôm nay bao gồm canh bầu nấu với thịt; sườn nấu sa tế, cánh gà chiên nước mắm và cả trái cây tráng miệng. Cô Đặng Thị Bé, Trưởng ban điều hành bếp ăn, cho biết: “Chúng tôi quan niệm bữa ăn dù cho mình hay cho người khác đều phải đủ no và bảo đảm dinh dưỡng. Vì thế mỗi ngày đều có 3 món gồm: Canh, món xào, món mặn và trái cây tráng miệng. Các món ăn phải thường xuyên thay đổi và đặc biệt là phải hợp vệ sinh. Trái cây chủ yếu là chuối, do gia đình các thành viên trong bếp tự trồng rồi đem lại, nếu thiếu thì mua thêm bên ngoài. Riêng thức ăn thì ngoài sự tài trợ chính từ Công ty Xổ số, chúng tôi cũng phụ góp tiền rồi kêu gọi thêm nhiều nhà hảo tâm khác góp sức. Mỗi suất ăn bình quân khoảng 12.000 đồng. Không chỉ có các món mặn, bếp ăn còn phục vụ cả món chay cho những người muốn ăn chay, họ chỉ cần đăng ký trước một ngày để nhà bếp chuẩn bị các phần ăn cho phù hợp”.
Sau cơn mưa nhỏ, bầu trời trong xanh trở lại, một vài tia nắng len lỏi qua khung cửa sổ như tăng thêm sự ấm áp trong gian bếp nhỏ. 10 giờ, mọi giai đoạn chế biến đến phân bổ thức ăn đã hoàn tất. Bên ngoài, một vài người bán vé số đã đến. Bà con lần lượt mang hộp nhựa, túi ni lông và phiếu đến nhận cơm. Người phát thức ăn vui vẻ, ân cần; người đến nhận với nét mặt đầy phấn khởi. Chị Đỗ Thị Hương, ngụ phường An Hòa, TP Sa Đéc bộc bạch: “Làm nghề bán vé số hầu hết là người nghèo nên có được suất cơm miễn phí như thế này chúng tôi rất vui. Nếu ăn thường xuyên tại bếp ăn thì mỗi tháng tôi có thể tiết kiệm được khoảng 500 ngàn tiền ăn trưa, số tiền đó đủ để tôi trang trải những khó khăn trong cuộc sống”.
Chị Nguyễn Thị Thảo, ngụ TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp tiếp lời: “Làm nghề bán vé số như chúng tôi đi bộ cả ngày mới kiếm được vài chục ngàn tiền lời. Hàng ngày tranh thủ mua cơm ăn cho đỡ đói rồi đi bán tiếp. Thông thường một phần có giá giao động từ 18 ngàn đến 20 ngàn đồng, biết là cao nhưng vẫn phải ăn. Từ ngày có bếp ăn từ thiện dành cho những người bán vé số ra đời chúng tôi vui lắm. Ở đó chúng tôi được ăn những suất cơm không thua gì bên ngoài mà lại không tốn tiền nữa”.
Hòa cùng với những người bán vé số đến đây nhận cơm, bà Trần Thị Lệ, 80 tuổi, đôi chân run rẩy chống nạng bước từng bước chậm tiến vào khu bếp nhưng không dám đến gần vì bà không phải là người bán vé số, cũng không hề có thẻ thế nhưng mọi người vẫn vui vẻ lấy một phần cơm cho bà. Cô Nguyễn Thị Cẩm Em, thư ký của bếp ăn từ thiện cho biết: “Bà Lệ sống một mình, con cháu đi làm ăn xa, gia đình cũng khó khăn nên hàng ngày chúng tôi đều dành cho bà một phần. Về sau chúng tôi còn dự định sẽ mang cơm hàng ngày đến tận nhà vì bà đã già yếu, đi lại rất khó khăn”.
Người đến ăn mỗi lúc một đông, công việc của những người trong tổ từ thiện cũng bận rộn hơn. Ai cũng nhanh tay để mọi người không phải chờ lâu. Bên cạnh nhà bếp là phòng ăn dành cho những người không có dụng cụ đựng thức ăn mang về cũng rộn rã tiếng cười nói vui vẻ. Bởi vậy, nơi đây nghiễm nhiên đã trở thành một gia đình, và những người hành nghề bán vé số là thành viên trong đại gia đình đó, để mỗi buổi trưa sau giờ buôn bán mệt nhọc họ lại về dưới mái nhà chung này cùng ăn, cùng chia sẻ.
Những suất cơm tuy có giá trị không lớn, nhưng nó mang giá trị nhân đạo sâu sắc thể hiện tình cảm giữa con người với con người, thể hiện đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, góp phần sẻ chia những thiếu thốn, giảm bớt gánh nặng chi phí cho những mảnh đời nghèo khó trong xã hội.
Nhìn nét mặt tần tảo của những người bán vé số nghèo vui cười bên mỗi phần cơm miễn phí mà Ban tổ chức bếp ăn cùng nhóm thiện nguyện cảm thấy ấm lòng. Ông Lý Khôi Văn-Chủ tịch Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp, nhà tài trợ chính cho bếp ăn cho biết: “Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp là một trong những công ty luôn tiên phong trong việc hỗ trợ các hoạt động vì an sinh xã hội, luôn đồng hành và tài trợ cho các chương trình ý nghĩa của địa phương như “Gương sáng hiếu học”, “Thắp sáng ước mơ”… Bếp ăn miễn phí dành tặng người bán vé số nghèo là một mô hình mới, nhằm chia sẽ những khó khăn trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày của bà con bán vé số sinh sống tại khu vực TP Sa Đéc và các địa bàn lân cận như huyện Châu Thành, huyện Lai Vung... Nếu mô hình đi vào hoạt động tốt đẹp, công ty dự kiến sẽ hỗ trợ mở thêm một bếp ăn nữa tại TP Cao Lãnh để phục vụ bà con”.
Giữa bộn bề ở chốn thị thành, hơi ấm tình thương của “Bếp ăn hỗ trợ người nghèo bán vé số” vẫn lan tỏa để đem đến cho các mảnh đời bất hạnh những suất cơm đầy ắp nghĩa tình, như tiếp thêm niềm tin và nghị lực để họ vươn lên trong cuộc sống mưu sinh đầy khốn khó.
Bài và ảnh: THÚY AN