Thêm gần biên giới
Đã nhiều lần đặt chân lên đường TTBG, nhưng lần nào tôi cũng có cảm giác bồi hồi. Biên giới Tây Ninh giáp ranh nước bạn Campuchia không hề xa xôi mà thật gần gũi khi tôi chạm tay vào từng viên đá, nắm đất, ngọn cỏ, nhành cây… Nơi đây, Tổ quốc trở nên cụ thể, thân thương khi cung đường TTBG hiện hữu ngay trước mắt. Cung đường phẳng, rộng, kiên cố, trước kia chỉ là lối mòn nhỏ, heo hút, nắng bụi, mưa ngập trắng băng, cây rừng che kín mít.
Gắn bó với vùng biên giới Tây Ninh đã lâu nên Đại tá Bùi Đức Dân rất thạo địa hình, lịch sử và tập quán của địa phương. Anh Dân kể: Tuyến đường biên giới Tây Ninh đi qua Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, Lò Gò-Xa Mát là nơi hứng chịu các đợt đánh bom ác liệt, rải thảm chất độc da cam của quân đội Hoa Kỳ, bởi nơi đây là cơ sở của Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng thời là căn cứ cách mạng của Quân Giải phóng. Năm 2018, khu rừng văn hóa-lịch sử Chàng Riệc, nơi từng là căn cứ địa của Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được sáp nhập vào Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát. Bởi vậy, khu vực này mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Ngoài ra, rừng trong vườn quốc gia có vai trò phòng hộ sông Vàm Cỏ. Tuyến đường TTBG này như một con đê chắn nước từ Campuchia tràn về nước ta.
    |
 |
Đại diện Xí nghiệp Xây dựng và thi công cơ giới Thái Sơn báo cáo khái quát cung đường trên bản vẽ thiết kế |
Sải bước trên tuyến đường đang chuẩn bị trải nhựa, chúng tôi cảm nhận được những vất vả, gian nan mà những người lính thợ phải vượt qua. Theo hồ sơ công trình, hơn hai năm trước, Xí nghiệp Xây dựng và thi công cơ giới Thái Sơn tham gia xây dựng đường TTBG trên đất liền khu vực huyện Tân Biên. Thời gian khởi công xây dựng là cuối năm 2017, với quyết tâm hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm tốt nhất chất lượng công trình. Và thực tế, dự kiến ngày 31-7 năm nay, xí nghiệp sẽ hoàn thành, bàn giao công trình cho chủ đầu tư, vượt trước tiến độ được giao.
Đây là dự án quan trọng góp phần giữ vững an ninh địa bàn giáp ranh biên giới nước bạn Campuchia; đồng thời thuận tiện cho giao thông đi lại của người dân khu vực biên giới. Tuy nhiên, tuyến đường TTBG này có địa hình phức tạp, nhiều đoạn trũng sâu gần 3m so với mặt bằng thi công. Để hoàn thành công việc, những người lính thợ phải lấy đất, đá san nền vận chuyển từ nơi khác về. Đá rải mặt bằng phải lấy từ Bình Phước, xa tới cả trăm cây số… Đến thời điểm này, đơn vị đã vận chuyển 123.000 khối đất và 101.000 khối đá để hoàn thành cơ bản tuyến đường TTBG dài 20km, rộng 5,5m, xây dựng 43 cống và đang thi công cây cầu Đa Ha-Xa Mát dài 36m bắc qua con suối không tên. Vất vả nhất là việc đổ đất đắp nền hai bên đầu cầu có độ sâu hơn 3m trước khi xử lý kỹ thuật xây dựng cầu.
Sau những tháng ngày vất vả
Nhớ lại những ngày đầu thi công, kỹ sư Bùi Văn Sơn, Chỉ huy trưởng công trình bộc bạch: “Ngày ấy, đội khảo sát phải luồn lách trong rừng Lò Gò, đo đạc xác định vị trí mốc giới. Cung đường thi công quanh co, càng vào sâu phải vạch lối cây rừng mà đi. Khi thi công phải đẩy cây rừng nghiêng ra ngoài, tránh khỏi mặt đường để thuận tiện làm việc, không tùy tiện chặt phá ảnh hưởng đến rừng quốc gia. Với trách nhiệm và uy tín của đơn vị, Ban giám đốc xí nghiệp cùng toàn thể công trường quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa” hoàn thành tuyến đường với chất lượng tốt nhất”.
Khu vực thi công địa hình hiểm trở, độ trũng chênh lệch lớn so với mặt bằng thiết kế, khu vực lấy vật liệu quá xa, không thuận tiện vận chuyển. Vào mùa mưa, đường trơn lầy, sụt lún; mùa khô lại thiếu nước phục vụ thi công. Công trường cách xa khu dân cư. Chỗ gần nhất có thể mua đồ dùng sinh hoạt và lương thực hằng ngày cũng phải đi cắt rừng hơn 5km. Khó khăn, vất vả trăm bề! Trước những thử thách ấy, đơn vị càng nỗ lực cao độ, làm việc chủ yếu trong mùa khô.
    |
 |
Đoàn công tác Tổng công ty Thái Sơn kiểm tra thi công cây cầu trên tuyến đường |
Công việc đầu tiên là đơn vị nhanh chóng dựng lán ở tạm làm địa điểm chỉ huy công trình và nơi ở cho cán bộ, lái xe, công nhân lao động; liên hệ với các đồn biên phòng, chốt dân quân biên giới và bộ phận bảo vệ rừng Tà Nốt nhờ hỗ trợ khi cần thiết; sử dụng xe đặc chủng để ủi đất, san nền, huy động lực lượng, phương tiện làm cả ban đêm theo phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”.
Những ngày ấy, dù vất vả, cực nhọc nhưng công trường luôn nhộn nhịp với khí thế khẩn trương, “chạy đua” với thời tiết. Các khâu khảo sát, phát quang, đổ đất đá, lu nền… hầu hết đều làm thông tầm. Những ngày trời nắng ráo, cả công trường sôi sùng sục, anh em hối hả làm tăng ca, tăng kíp cho kịp tiến độ kế hoạch đề ra… Mỗi mét đường TTBG thấm đẫm bao mồ hôi, công sức của các cán bộ, kỹ sư, công nhân.
Tuyến đường TTBG Tây Ninh hôm nay đã thành hình nhờ sự nỗ lực, vượt khó và ý chí quyết tâm của tập thể những con người xuất thân từ chiến sĩ. Anh Nguyễn Đức Hiếu, lái xe tải phục vụ công trình chia sẻ: “Tôi chạy xe công trình khá nhiều, nhưng thi công đường TTBG luôn là thử thách lớn nhất. Khi mới bắt đầu thi công, có xe đã bị lật do đường trơn trượt, hiểm trở. Rồi những lúc xe tải chở vật liệu đi đường rừng bỗng nhiên bị nổ lốp, chết máy…, anh em phải chạy bộ ra đường lớn để tìm thợ sửa xe. Lần sau, cánh tài xế tự giác học sửa xe, mang theo dụng cụ sửa chữa để xử lý sự cố khi cần thiết. Đến khi hoàn thành công trình, ai cũng có thêm những kỷ niệm và bài học quý trong công tác chuyên môn”.
Mùa mưa đã bắt đầu, công trình cũng bước vào giai đoạn nước rút. Thế nhưng thời tiết phương Nam thất thường. Có khi đang nắng chang chang nhưng chỉ chốc lát đã đổ mưa xối xả. Những cơn mưa rừng bất chợt tuôn dữ dội luôn rình rập cuốn trôi đất đá, công sức, tiền của con người. Còn nhớ mùa mưa mấy năm trước, tôi có dịp đi lên vùng biên giới tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An, khi ấy, con đường TTBG chỉ là đường mòn. Cơn mưa rả rích làm đất nhão nhoẹt, sình lầy. Đi trên con đường nhỏ bé, chênh vênh, chiếc xe máy cà tàng của anh xe ôm cứ chòng chành, lắc đảo làm tôi té lên té xuống. Giờ đây, cảnh tượng ấy đã không còn. Tuyến đường TTBG đã làm khởi sắc vùng biên. Những người lính mở đường đã tiên phong đưa cung đường biên giới vươn xa, không chỉ thuận lợi trong công tác tuần tra bảo vệ an ninh khu vực giáp ranh mà còn thiết thực hỗ trợ dân sinh, giữ vững “thế trận lòng dân” nơi biên giới…
Chuyến công tác mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm và được hòa cùng niềm vui của những người lính thợ Thái Sơn. Đi hết cung đường vừa để kiểm tra thực tế chất lượng thi công, vừa để chiêm ngưỡng thành quả, sức lao động của bao bàn tay, khối óc, Trung tá Cung Đình Minh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn-Bộ Quốc phòng không giấu nổi niềm vui: “Bao nhiêu phần việc nặng nề đã hoàn tất, giờ chỉ còn “trang điểm” nữa là xong. Dù khó khăn, vất vả đến mấy, toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động vẫn đoàn kết, đồng lòng, vững bước vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững niềm tin, khẳng định bản lĩnh “Tiên phong là người lính”.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH