QĐND - Sau một ngày trải nghiệm với những hoạt động quân sự trong điều kiện bắn đạn thật cùng các học viên Trường Sĩ quan Lục quân I tại thao trường, chúng tôi đã hiểu hơn về câu “Khổ luyện thành tài, tay chai bắn giỏi”.
"Tay chai bắn giỏi"
Trời gần về trưa, nắng chói chang, không có một ngọn gió ở khu vực Trường Bắn 2. Thượng tá Phạm Quang Hải, Phó chủ nhiệm bộ môn Bộ binh 3, Khoa Bắn súng, Trường Sĩ quan Lục quân I, hô vang khẩu lệnh “Vào vị trí”. Từ 4 tuyến bắn, các học viên nhanh chóng cơ động về phía các mục tiêu. “Có độc”, khẩu lệnh của Thượng tá Hải tiếp tục vang lên. Các học viên dừng lại, đeo mặt nạ phòng độc, mọi thao tác chỉ diễn ra trong vài giây. Mục tiêu bia di động xuất hiện, “pằng pằng”, bia đổ gục. Các học viên lại lao lên phía trước, tiếng điểm xạ đều đặn tiếp tục nổ inh tai. Sau mỗi lượt, các học viên trở về bàn báo cáo kết quả, trên những gương mặt còn trẻ măng, mồ hôi nhỏ giọt. Thượng tá Hải nhận xét: “4 mục tiêu bị hạ, điểm xạ tốt, 10 điểm”. Quay về phía chúng tôi, anh Hải nói: "Phải lỳ, nhanh, mạnh, dứt khoát mới ăn tiền"...
|
Học viên Trường Sĩ quan Lục quân I bắn đạn thật bài 2 súng tiểu liên AK.
|
Hôm nay, dẫn chúng tôi xuống trường bắn có Đại tá Nguyễn Văn Hiến, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm Khoa Bắn súng. Trước đông đảo học viên và cán bộ khoa, anh Hiến tươi cười giới thiệu: “Ở nhà trường và có lẽ trong toàn quân, đồng chí Hải được mệnh danh là xạ thủ trung liên số 1”. Năm 2004, phái đoàn quân sự cấp cao của 3 nước: Thái Lan, Nga, In-đô-nê-xi-a sang thăm và làm việc tại Trường Sĩ quan Lục quân I, thầy Hải được giao trọng trách bắn biểu diễn súng trung liên RPD. Phải nói thêm rằng, tốc độ bắn lý thuyết RPD được 650 phát/phút nhưng bắn thực tế chiến đấu quy định là 150 phát/phút. Tuy nhiên, trong lần biểu diễn ấy, thầy Hải đã bắn được 200 phát/phút với tỷ lệ trúng cao nhất là 192/200 viên. Việc đó làm cho phái đoàn quân sự các nước bạn kinh ngạc và khâm phục. Chia sẻ về những kinh nghiệm, thầy Hải tươi cười cho biết: “Trước khi về công tác tại nhà trường, từ năm 1997 đến 2002, tôi đã công tác tại quần đảo Trường Sa. 5 năm, tôi lần lượt làm đảo trưởng của 4 đảo: Đá Lớn, Núi Le, Đá Đông và Trường Sa. Ngoài đảo xa, nơi phên giậu của Tổ quốc, hằng ngày, người lính phải đối mặt với nguy cơ xâm nhập của các tàu nước ngoài, vậy nên chúng tôi phải thường xuyên tổ chức huấn luyện, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, trình độ tổ chức, hiệp đồng tác chiến. Chính trong điều kiện sóng gió khắc nghiệt của biển đã tạo cho người lính, trong đó có tôi bản lĩnh làm chủ vũ khí trang bị, kinh nghiệm xử lý các tình huống”.
|
Đại úy Dương Ngọc Tuấn chi sẻ kinh nghiệm bắn súng tiểu liên AK.
|
Cùng chia sẻ về kinh nghiệm bắn súng, Đại úy Dương Ngọc Tuấn, giáo viên Khoa Bắn súng, dẫn chứng từ câu chuyện trải nghiệm của bản thân. Xuất phát ban đầu của anh không phải từ một vận động viên bắn súng mà sở trường là tham gia các môn thể thao quân sự như: Chiến sĩ khỏe, vượt vật cản K91, thi 5 môn quân sự phối hợp. Năm 2009, thi đấu nội dung bắn súng K54 của 5 môn quân sự phối hợp, Tuấn đạt Huy chương Vàng toàn quân. Nhờ thành tích đó, năm 2011, anh được gọi vào đội tuyển K54 thi đấu khối các nước ASEAN. Anh kể: “Năm đó, kết quả thi đấu của tôi không đạt được như ý muốn. Tuy nhiên, tôi đã học được 2 điều rất bổ ích, đó là nâng cao rõ rệt khả năng cảm nhận tay cò và lấy đường ngắm cơ bản trong thời gian rất ngắn”. Tiếp tục khổ luyện, năm tiếp theo, Tuấn đầu quân cho đội tuyển súng trường thi bắn súng quân dụng các nước ASEAN và đã giành được kết quả tốt.
Giành "vàng" trên đấu trường quốc tế
Thượng tá Hải và Đại úy Tuấn đều là vận động viên dày dạn kinh nghiệm tại các giải đấu bắn súng quân dụng các nước ASEAN. Anh Tuấn chia sẻ: “Ở giải đấu, các xạ thủ thi đấu cùng bài bắn, súng cùng cỡ nòng, nhưng được sử dụng súng theo biên chế riêng của quân đội mỗi nước. Ví dụ, khi đội tuyển Việt Nam dùng súng AK thì các đội khác như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a dùng súng Cạc bin. Việt Nam dùng súng đại liên PKMS thì các nước bạn dùng súng M60 cải tiến... Xét về kích cỡ, đạn của các đội các nước sử dụng nhỏ hơn đạn của ta nên đạt độ chính xác cao hơn”. Tuy nhiên, thành tích thi đấu của đội tuyển Việt Nam không hề thua kém bất kỳ một nước nào. Thậm chí có những nội dung, đội tuyển bắn súng quân dụng Việt Nam còn đạt thành tích vượt trội. Khi giao lưu cùng đoàn Ma-lai-xi-a, một vận động viên nước bạn đã thán phục phát biểu: “Kỹ thuật bắn súng của các bạn thật tuyệt. Các bạn thật tự hào vì được kế thừa kinh nghiệm của những thế hệ đi trước. Dù chúng tôi có nhiều ưu thế về chỉ số kỹ thuật nhưng ở một vài nội dung kém các bạn, chúng tôi vẫn cảm thấy thuyết phục”.
|
Thượng tá Phạm Quang Hải chỉ huy bắn đạn thật.
|
Thượng tá Hải nổi tiếng là "ông thầy mát tay". Kể về cảm xúc lần đầu dẫn quân đi thi đấu, anh cho biết: “Năm 2008, tôi dẫn quân đi thi đấu Giải bắn súng quân dụng các nước ASEAN. Đội tuyển gồm 90 vận động viên, trong đó, đội AK 30 người, đội K54 30 người, đội súng Đại liên PKMS 30 người. Trao đổi với anh em, tôi thường nói: Mỗi cuộc thi đấu là một trận đánh; khi cầm súng, mục tiêu là duy nhất, ngoài ra không còn gì”. Để thực hiện được câu nói tưởng chừng như đơn giản đó, các vận động viên phải trải qua quá trình rèn luyện nghiêm ngặt và gian khổ. Có lẽ vì vậy mà thầy Hải còn được biết đến với tên gọi “ông khó tính”. Kể về chuyện này, thầy Hải tâm sự: “Nhiều đêm tôi thức trắng để tìm ra giáo trình huấn luyện riêng cho các vận động viên. Sau một thời gian tìm tòi, tham khảo ý kiến của các thầy trong khoa, tôi đã thống nhất được phương pháp”... Kể thì dài nhưng quá trình luyện tập cho các xạ thủ được thầy Hải "vắn tắt" chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 rèn cho xạ thủ ngắm bắn vào một mục tiêu bia trắng ở cự ly gấp 2, 3 lần cự ly điều kiện bài bắn. Đây là giai đoạn luyện ngắm, xác định độ chụm của đạn. Trong thời gian 15 ngày luyện tập, mỗi ngày các xạ thủ luyện tập từ 6 đến 8 tiếng. Yêu cầu độ chụm của đạn có đường kính 5-10cm. Giai đoạn 2, các xạ thủ luyện tập theo phân đoạn của bài bắn. Giai đoạn 3 xạ thủ luyện tập sát với điều kiện thi đấu. Kể từ khi tập trung đội tuyển, huấn luyện viên luôn theo xạ thủ về mọi mặt, từ tâm lý đến sức khỏe … đến sát ngày thi đấu, phải xác định chính xác điểm rơi phong độ của từng xạ thủ. Nếu xạ thủ đang ở giai đoạn phong độ tốt thì sẽ tập ở mức độ vừa phải để ghi nhớ cảm giác bắn, còn nếu xạ thủ đã qua giai đoạn điểm rơi tốt thì cần luyện tập nhiều hơn, tăng lượng đạn bắn, lượt bắn để đạt đến phong độ... Đó là một trong rất nhiều khó khăn mà thầy Hải và các vận động viên phải trải qua trong các giải thi đấu. Sau nhiều lần dẫn quân đi thi đấu ở những đấu trường quốc tế, Thượng tá Hải đã đào tạo được nhiều vận động viên giỏi, giành huy chương vàng trong các giải đấu bắn súng quân dụng các nước trong khu vực như Đại úy Bùi Như Lai, Đại úy Nguyễn Thanh Tùng...
Kết thúc buổi bắn, Đại tá Hiến dẫn chúng tôi tham quan một vòng thao trường. Vừa đi anh vừa nói: “Từ năm 2015 đến nay, yêu cầu các bài bắn của Việt Nam được nâng cao hơn hẳn so với các nước ASEAN. Mục tiêu, số đạn bắn nhiều hơn; các tư thế vận động đa dạng, phức tạp hơn, thời gian mỗi loạt bắn ngắn hơn. Do vậy, yêu cầu mỗi xạ thủ phải rèn luyện đầy đủ 3 yếu tố nhanh, mạnh, bền”. Trong tương lai, tùy thuộc vào điều kiện tác chiến của từng thời kỳ, yêu cầu bắn súng đối với mỗi chiến sĩ được nâng lên và phát triển. Tuy nhiên, về mặt kỹ năng cơ bản sẽ không có gì thay đổi, yêu cầu đòi hỏi vẫn là sự khổ luyện, ý chí quyết tâm, sự sáng tạo... Với kinh nghiệm điêu luyện của những người thầy như thầy Hải, thầy Tuấn, chúng tôi tin rằng, những học viên lục quân sau khi ra trường sẽ giành những thành tích cao hơn trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Bài và ảnh: VĂN TUẤN - XUÂN HÒA