Hiệu quả kinh tế-xã hội đối với hàng nghìn hộ dân thuộc các xã Đakrông, Ba Nang, Tà Long, Húc Nghì... của huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) nằm trong “mịt mù tăm tưởng”. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây hàng ngày phải đối diện với hệ quả của biến đổi môi trường do thủy điện mang lại. Đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt, kể cả mùa mưa.

Cổ tích về một dòng sông

Hàng trăm năm nay, đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô suốt dọc gần 60km đường sông từ địa phận xã Đakrông đến A Bung sống nhờ vào con sông này. Ông Hồ Ta Rập (xã Tà Long) tâm sự với chúng tôi như thế. Ông còn ngậm ngùi chia sẻ thêm, dòng sông Đakrông với bao câu chuyện cổ tích đẹp, tình yêu trai gái, tình yêu gia đình, cộng đồng nữa, họ rất yêu thiên nhiên, nhất là thiên nhiên đẹp và hùng vĩ như dòng sông Đakrông dưới chân dãy Trường Sơn. Giờ thì sông cạn, chỉ còn ít nước chảy, nước tù đọng thì nhiều.

leftcenterrightdel
Dòng sông cổ tích Đakrông nay đã trơ lòng bởi rất nhiều nhà máy thủy điện.

Sự suy kiệt của nước sông kéo theo trí tưởng tượng của con người về thiên nhiên tươi đẹp ở nơi đây mất đi một cách chóng vánh. Chị Pỉ Hương (xã Húc Nghì) kể với chúng tôi: “Trước đây nước xanh và cá trắng bụng bơi giữa trưa, ai đi qua đi về cũng khen đẹp, người sống ở đây mê mẩn rồi. Những khi có trăng, sông đẹp, núi cũng đẹp. Chừ thì thủy điện ăn hết nước, chị và nhiều người muốn bỏ đi, làm nhà chỗ khác nhưng không có tiền, không có đất. Sống đây nước còn khó khăn, nói chi những thứ khác”.

Hơn 30km sông “cổ tích” từ xã Húc Nghì xuôi về xã Đakrông giờ đã cạn trơ lòng, “hiện thực” toàn là đá sỏi. Hỏi người dân xã Tà Long, ai cũng nói đến sự thiếu hụt về đời sống tinh thần chứ chưa nói đến vật chất.

Dọc sông Đakrông giữa cái nắng hăng hắc. Sự thiếu hụt nguồn nước ở khu vực hạ lưu do thủy điện tầng này đến lớp khác che chắn làm cho cây cối hai bên đường héo úa. Và lúa màu của đồng bào dọc hai bên sông cũng lâm cảnh mất mùa triền miên. Dòng sông cổ tích Đakrông ngày xưa thực sự đã đi vào ký ức của bà con Vân Kiều, Pa Cô dọc dãy Trường Sơn này. Những nhà máy thủy điện dọc con sông Đakrông đã làm thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân với những khó khăn hơn trước đây, càng ngày càng khó. Nhiều người gắn bó với sông Đakrông không khỏi ngậm ngùi thương tiếc, từ một dòng sông nước trong vắt với nhiều cảnh quan đẹp đã trở thành một dòng sông chơ vơ đá, cỏ cây mọc um tùm ngay ở chính lòng sông, nơi con nước đã từng chảy qua, nơi đàn cá tung tăng bơi lội.

Nhà máy thủy điện 1, 2, 3...

Rất dễ để nhận ra các nhà máy thủy điện trên dòng Đakrông. Nó nằm gần trục đường. Từ xã Đakrông đến Km 40 Đường Hồ Chí Minh (đoạn cầu treo Đakrông đi xã A Bung) đã có hơn 4 thủy điện lớn nhỏ, đặt tên thứ tự từ 1 đến 4.

Chúng tôi quan sát Nhà máy Thủy điện Đakrông 1, nằm trên địa bàn xã Húc Nghì, huyện Đakrông. Nhà máy có công suất 12MW, vốn đầu tư 377,9 tỷ đồng, đã được nghiệm thu hòa lưới điện quốc gia ngày 31-12-2017. Không phủ nhận vai trò của Nhà máy Thủy điện Đakrông 1 (và các nhà máy thủy điện trên dòng sông Đakrông) đã góp phần giải quyết sự thiếu hụt điện năng. Tuy nhiên, hệ quả mang lại là sự tác động mạnh mẽ đến môi trường sống của hàng nghìn người dân, đặc biệt là nguồn nước tưới tiêu, nước sinh hoạt, tác động không tốt đến hoa màu, nương rẫy hai bên và hạ nguồn sông Đakrông.

Cũng như Nhà máy Thủy điện Đakrông 1, các Nhà máy Thủy điện Đakrông 2, 3, 4 (trong đó, công trình thủy điện Đakrông 2 xây dựng gần cầu treo Đakrông, thủy điện Đakrông 3 và 4 xây dựng đoạn trên sông xã Tà Long) đã “mang lại” cho người dân địa phương những biến đổi về môi trường không dễ gì ứng phó nổi. Chỉ một đoạn sông ngắn mà xây dựng tới 4 công trình thủy điện đã làm ngắt đoạn các dòng chảy, nước cho hạ nguồn cũng khan hiếm và nhiều mối lo tiềm ẩn khác.

leftcenterrightdel
Nhà máy Thủy điện Đakrông 1.

Nhiều đoạn từ xã Đakrông đến xã Húc Nghì khoảng hơn 30km nước sông cạn kiệt, dòng chảy yếu ớt chừng 20-40cm có màu vàng đục lờ nhờ như màu phù sa. Thực chất đoạn sông này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước sông trở nên độc hại. Ông Hồ Văn T. ở xã Tà Long cho chúng tôi hay: “Các năm từ 2010-2013, một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác vàng trên dòng sông này, sông bị đào xới, lật tung và chất thải khai thác vàng xả ra sông gây ô nhiễm nặng, ai biết có còn di chứng đến giờ hay không, chỉ thấy nước như không phải là nước. Giờ đến lượt thủy điện thì thôi, ngăn cả dòng, không những ngăn một tấm thủy điện mà ngăn tới 4-5 tấm thủy điện, nghe đâu còn xây thêm nữa, thiệt là chết trắng”. Cũng quan điểm đó, ông Hồ Ta ở xã Đakrông cho chúng tôi biết thêm: “Trên nguồn còn đỡ, trong chuỗi khai thác vàng và thủy điện ở dòng Đakrông thì người dân xã Đakrông (xã hạ lưu sông) mới lãnh đủ, mùa nắng không có nước, mùa mưa cũng không có nước, dân xưa trồng cây không tưới được nhờ hơi nước của sông này thì hơi nước cũng bị chặn! Thủy điện chi mà thủy điện chết người. Đến con cá cũng chết”.

Dòng Đakrông đã... chết!

Sự phát triển quá nhanh và thiếu đánh giá tác động của các dự án thủy điện đối với môi trường, cảnh quan và xã hội một cách thấu đáo cùng quy trình vận hành hồ chứa chưa hợp lý đã và đang gây ra những hệ lụy cho cả tự nhiên lẫn con người. Hàng loạt sự cố liên quan đến các đập thủy điện xảy ra trong quá trình thi công và ngay cả khi vận hành phát điện tại khu vực này thời gian qua là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với việc lơ là trong an toàn hồ đập, coi thường tính mạng người dân. Đơn cử như Nhà máy Thủy điện Đakrông 3 có công suất lắp máy 8MW do Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Sơn đầu tư, xây dựng từ tháng 8-2010 tại xã Tà Long, huyện Đakrông đã có hai lần xảy ra sự cố vỡ đập vào tháng 10-2012 và tháng 9-2013, khiến người dân địa phương rất hoang mang, lo sợ.

Các công trình thủy điện đã, đang và sẽ khai tử một dòng sông gắn liền với những tên làng, tên bản cùng những cảnh quan đẹp. Dù đóng góp gia tăng năng lượng quốc gia là điều không thể phủ nhận, nhưng trong những năm gần đây, thủy điện đã gây tranh cãi khi xuất hiện ngày càng nhiều hệ lụy tiêu cực về mặt môi trường, xã hội, tác động đến người dân tại khu vực. Thiết nghĩ, những công trình thủy điện ngoài các tiêu chuẩn, biện pháp an toàn theo quy định, cần xem xét và tính toán đầy đủ các chi phí khắc phục những tổn thất gây ra cho cộng đồng dân cư ở cả vùng thượng du, hạ du về đất sản xuất, đất ở, đất canh tác rừng, về nguồn lợi thủy sản, nguồn nước sinh hoạt và nước tưới của cộng đồng.

Bài và ảnh: HOÀNG HẢI LÂM