Kết tinh của nghĩa, của tình

Tôi tò mò hỏi Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương về tấm hình, ông cho biết: Tấm hình này được chụp năm 1975, sau ngày cách mạng Lào giành toàn thắng. Hôm đó, Đảng, Chính phủ, quân đội Lào tổ chức tiễn đoàn chuyên gia Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ trở về nước. Buổi lễ tổ chức rất trọng thể, nước bạn tặng QTN và chuyên gia Việt Nam lá cờ ghi dòng chữ “Bạn chiến đấu cùng chiến hào”. Đồng chí Khamtai Siphandon thay mặt quân đội Lào tặng Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương thanh bảo kiếm. Đó là món quà quý giá mà Đảng, Nhà nước và quân đội Lào dành tặng các chuyên gia và QTN Việt Nam tại Lào, tô thắm thêm mối tình hữu nghị đặc biệt Lào-Việt. Như đồng chí Kaysone Phomvihane, nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã khẳng định là “mãi mãi vững bền, mãi mãi trong sáng như viên ngọc quý, vì nó là kết tinh của nghĩa, của tình, của bao công sức, tâm trí và xương máu của hai dân tộc”…

Thanh bảo kiếm là vật báu quốc gia của Lào. “Tôi để ý, hình như đó là lần duy nhất bạn Lào tặng bảo kiếm cho bạn bè. Bảo kiếm tượng trưng cho tinh thần thượng võ của nhân dân các bộ tộc Lào. Khi nhận thanh bảo kiếm của bạn, nghĩ lại những năm tháng sát cánh, kề vai với bạn chiến đấu chống kẻ thù chung, tôi và đồng đội vô cùng tự hào đã thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Phải biết yêu thương sông núi, cỏ cây, nhân dân Lào như yêu thương chính cỏ cây, sông núi, nhân dân, Tổ quốc Việt Nam”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương chia sẻ. Ngoài lời dạy của Bác Hồ, ông cũng nhớ mãi lời Chủ tịch Souphanouvong viết về tình anh em Lào-Việt, trong đó có câu: “Cao hơn đỉnh núi, dài hơn dòng sông/ Rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm/ Thơm hơn hương của đóa hoa thơm ngát…”.

Thanh bảo kiếm mà quân đội Lào tặng QTN và chuyên gia Việt Nam tại Lào là vật chứng về quan hệ đặc biệt giữa hai quân đội. Vật chứng cho lòng tin, sự biết ơn của quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào dành cho người bạn Việt Nam đặc biệt tin cậy, thủy chung của mình, luôn tận tụy hy sinh hết lòng vì nhau.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (thứ nhất, bên trái) tặng đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon (thứ 2, từ trái sang) tấm ảnh chụp hai người trong buổi chia tay năm 1975.

“Bộ đội nhà Phật”

Trong thời kỳ QTN Việt Nam hoạt động tại Lào, nhân dân Lào gọi bộ đội Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”. Tôi hỏi danh xưng này xuất hiện từ bao giờ thì được Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cho biết: “Ngay từ năm 1949, khi QTN Việt Nam sang Lào cùng chiến đấu chống kẻ thù chung thì danh xưng “Bộ đội nhà Phật” đã xuất hiện. Đến khoảng những năm 1954 trở đi thì danh xưng này trở nên phổ biến trên nước bạn. Lào là đất nước thấm nhuần giáo lý đạo Phật. Nhân dân Lào thấy bộ đội Việt Nam rất hiền lành, luôn dũng cảm hy sinh, che chở cho bạn, rất tốt với bạn nên đã gọi như vậy. Khi tôi sang làm Tư lệnh kiêm Chính ủy QTN, còn thấy người dân bạn gọi bộ đội ta là “ái noọng Việt”, nghĩa là “bộ đội Việt là người con ưu tú của Lào”. Tiếp xúc với anh em trí thức của Lào, bạn nói đây là những người cùng một dòng máu-dòng máu chính trị, như ruột thịt trong nhà”.

Để được nhân dân Lào yêu quý như thế, bên cạnh bản chất truyền thống, lý tưởng chiến đấu cao đẹp, trong sáng, QTN Việt Nam đã coi trọng “3 cùng” khi làm nhiệm vụ. Hễ rời tay súng chiến đấu là bộ đội Việt cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân nước bạn. Bộ đội Việt Nam đến làm công tác vận động người dân từ bỏ hủ tục, phải kiên nhẫn, khéo léo. Thậm chí lúc đầu để người dân Lào tin tưởng, bộ đội tình nguyện cũng chấp nhận các hủ tục đó, cũng làm như họ để bà con công nhận bộ đội là người bản mình. Người dân có tin thì công tác vận động mới hiệu quả.

Ở Lào, mỗi gia đình thường có một phòng riêng cho phụ nữ, đó là khu vực người ngoài bất khả xâm phạm. Vậy mà khi địch đến lùng sục, người dân Lào đã đưa bộ đội Việt Nam vào đó che giấu. Đó là sự tin cậy, quý mến đến mức đặc biệt, vượt qua mọi tập tục của văn hóa nước bạn.

Rớm nước mắt vì món quà đặc biệt

Sau Chiến dịch Mường Sủi, liên minh chiến đấu giữa ta và bạn giành thắng lợi lớn. Tháng 9-1969, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương được Quân ủy Trung ương điều về làm Cục trưởng Cục Cán bộ được đúng 3 ngày thì Mỹ và quân ngụy Lào cùng bọn phỉ Vàng Pao huy động tổng lực mở Chiến dịch Cù Kiệt hòng “rửa hận” cho những thất bại liên tiếp của chúng ở Thượng Lào. Thế là ông nhận lệnh trở lại Tây Bắc để phối hợp với bạn mở chiến dịch lớn, đập tan cuộc hành quân lấn chiếm Cánh Đồng Chum của địch.

Lúc đó, bộ đội ta vừa rút về nước hồi tháng 7-1969, lương thực, đạn dược dự trữ ở chiến trường đều vô cùng thiếu thốn. Lực lượng QTN bám trụ lại chiến trường đói ăn đã hơn một tuần. Bộ đội Việt Nam bị kiết lỵ, phù thũng mà vẫn dìu nhau hành quân. Địch gây khó cho ta bằng cách tàn sát, đốt phá, cướp sạch mọi thứ trong dân. Nhưng QTN vẫn dìu dắt nhân dân Lào vượt vòng vây, sẵn sàng chia sẻ từng bát gạo, củ rừng.

Một ngày trung tuần tháng 9-1969, sau khi Đảng ủy, Bộ tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm xong, Bộ tư lệnh chiến dịch của QTN Việt Nam sang gặp Bộ chỉ huy của bạn để thống nhất kế hoạch. Biết đồng chí Khamtai Siphandon đang chờ, đồng chí Huỳnh Đắc Hương muốn có một món quà gì đó tặng bạn nhưng lúc đó không có cái gì trong tay. Dọc đường, đi qua một khu rừng ổi và ớt, ông nảy ra ý hái một ít quả ổi, ớt chín đem tặng bạn. Khi đến nơi, gặp đồng chí Khamtai Siphandon, đồng chí cũng đem ra 5 quả ổi rất to và nói: “Chúng tôi chẳng có gì đãi các anh, vừa vào rừng hái được ít ổi”. Hai bên ôm nhau, rơm rớm nước mắt vì món quà trùng hợp. “Hình ảnh này in sâu đậm mãi trong lòng tôi, thực sự là hình ảnh ruột thịt trong cuộc đời chiến đấu của tôi”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương tâm sự.

Một kỳ quan về quan hệ quốc tế

Năm 2013, Trung ương Đảng bạn mời Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương và đoàn đại biểu QTN Việt Nam sang thăm lại chiến trường xưa. Đoàn sang thăm Nậm Bạc (Lào), gặp một bà lão đã 105 tuổi, trước đây từng nuôi dưỡng bộ đội tình nguyện. Cụ nói với Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương: “Các chú phải năng lui tới với Lào, chứ bây giờ tuổi trẻ nhiều đứa không biết hai dân tộc ngày xưa từng gắn bó keo sơn thế nào. Đừng để thế hệ trẻ bây giờ nghe chuyện ông cha đoàn kết chiến đấu trước đây như là truyện cổ tích, chuyện xa xưa”.

Năm 2012, Bộ Chính trị hai nước đã tổng kết và thống nhất nhận định, quan hệ hữu nghị Việt-Lào là một vấn đề có tính quy luật cho sự trường tồn, phát triển của hai nước. Một quan hệ đặc biệt, thủy chung, bền chặt, sắt son, hy sinh nhiều xương máu vì nhau, lấy thân mình che chở cho nhau. Đó là nhân sinh quan cách mạng tuyệt đẹp, một kỳ quan về quan hệ quốc tế. Ý nghĩa của tình cảm đó không chỉ trong kháng chiến vệ quốc trước đây mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn xây dựng, phát triển ngày nay. Đồng chí Xa Mản, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác Tư tưởng, Lý luận và Văn hóa của Trung ương Đảng bạn nói với Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương: “Thế hệ chung một chiến hào chúng ta lần lượt nghỉ hưu, thậm chí nhiều đồng chí đã về với tổ tiên. Vì vậy, điều tôi lo ngại là lớp trẻ sau này không hiểu hết truyền thống đoàn kết chiến đấu đặc biệt của cha ông, quan hệ hữu nghị Lào-Việt sẽ không giống trước. Vì vậy trước hết, chúng ta cần giáo dục con cháu giữ mối quan hệ thật tốt với nhau. Tôi cũng nghĩ đó là việc phải coi trọng hiện nay. Trước tiên là giáo dục cho nhân dân hai nước thấy tầm quan trọng của quan hệ hai bên, hiểu thật sâu kết luận của hai Bộ Chính trị, nhất là giới trẻ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề của cuộc sống hiện đại, phải giúp các cháu có nhận thức đầy đủ về quan hệ đặc biệt này”.

HỮU CHÍ