Gian nan đường đến trường
Tháng 12, mùa khô Tây Nguyên, những cơn gió hanh hao thổi về. Nắng chói chang trên vùng đất đỏ bazan. Chúng tôi cùng Thiếu tá Phạm Văn Hưng, Đội trưởng Đội 12, Công ty 72 (Binh đoàn 15) đến rẫy của gia đình anh Rơ Mah Duet, trú tại xã Ia Nan, huyện Đức Cơ (Gia Lai). Cuối mùa khô, đất rẫy cằn cỗi. Càng bám rẫy, cuộc sống lại càng bấp bênh. Đứa con út của vợ chồng anh Duet đang tuổi bú mớm cũng phải theo bố mẹ dãi dầu mưa nắng.
Vừa tới đầu ngõ, thấy chủ nhà đi ra, giọng Thiếu tá Phạm Văn Hưng đã oang oang: “Sao Duet không cho các con đi học? Lại để các cháu lang thang trên nương rẫy vất vả như thế này sao?”. Nghe anh Hưng nói vậy, Duet ngậm ngùi phân bua: “Nhà mình còn khó khăn quá, cán bộ à!”. Câu hỏi của Thiếu tá Phạm Văn Hưng cũng chính là trăn trở của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15 trong quá trình đi vận động các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên tuyến vành đai biên giới đưa con đến trường, theo học cái chữ. Và câu trả lời của anh Rơ Mah Duet cũng phần nào nói lên nỗi gian truân của đồng bào cũng như quá trình tìm cái chữ của con trẻ nơi đầu nguồn biên giới này. Chắc có lẽ cái khó mà Duet nhắc đến không đơn thuần về điều kiện kinh tế, mà còn là rào cản về nhận thức.
Trao đổi với một số đồng chí cán bộ các công ty thường xuyên “cắm bản”, chúng tôi nhận thấy, cùng với quá trình xây dựng và phát triển của các công ty thuộc Binh đoàn 15, cuộc sống của bà con nơi vùng biên giới đã có nhiều đổi thay. Thế nhưng, trẻ em nơi đây vẫn còn thiệt thòi bởi nhiều lý do. Do điểm xuất phát thấp với những vùng dân cư có tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp nên phần lớn bà con vùng biên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập đối với con trẻ. Vì thế, những đứa trẻ thơ ngây, đầu trần, chân đất vẫn ngày ngày theo cha mẹ lên nương rẫy. Khi tiếp xúc với người lạ, các em tỏ ra rụt rè, nhút nhát, thậm chí nhiều em ở làng xa còn chưa nói được tiếng phổ thông.
Trường Mầm non Hoa Hướng Dương (thuộc Công ty Bình Dương, Binh đoàn 15) trên địa bàn huyện Chư Prông (Gia Lai) cũng là một trong những điển hình về chăm sóc trẻ của Binh đoàn. Trao đổi với cô giáo Nguyễn Thị Kim Duyên, Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi được biết, Trường Mầm non Hoa Hướng Dương có 1 điểm trường chính, 8 điểm nhà trẻ với 10 nhóm trẻ; hiện có gần 400 cháu theo học.
Có những điểm trường thuộc địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Chư Prông với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm tới 90% dân số. Để duy trì ổn định sĩ số học sinh, hằng ngày, sau mỗi giờ điểm danh, nếu thấy cháu nào nghỉ học không lý do, các cô giáo phải lặn lội tìm đến tận nhà thăm hỏi, động viên và thuyết phục phụ huynh cho trẻ đến lớp. Vào mùa mưa gió, hành trình “gieo chữ” lại càng gian nan, bởi có những điểm trường ở xa, phụ huynh ngại đưa con đến lớp. Thế là nhà trường phải cử các cô giáo đến tận nhà đón các con đến trường.
Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15 tích cực vận động bà con ra làm công nhân chăm sóc và khai thác vườn cây cao su cho đơn vị để có thu nhập ổn định; đồng thời kiên trì vận động họ cho con em đi học, để các cháu có môi trường học tập và vui chơi lành mạnh, bổ ích. Đội ngũ cán bộ của các công ty ban ngày vất vả với công việc chuyên môn, ban đêm lại xuống từng hộ gia đình để trò chuyện, tâm tình theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Sự kiên trì, nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ Binh đoàn 15 đã tháo gỡ những rào cản, vướng mắc của bà con để họ đồng ý cho con em đến trường.
|
|
Giờ học của cô và trò tại Điểm trường Mầm non 20-2 nơi biên giới của Binh đoàn 15.
|
Cô giáo như mẹ hiền
Trao đổi với chúng tôi về hành trình giúp trẻ đến trường, Đại tá Khuất Bá Cao, Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 15 cho rằng: “Vấn đề cơ bản giúp đồng bào DTTS yên tâm lao động sản xuất trong các công ty là con em của họ được chăm sóc, nuôi dạy tận tình, chu đáo tại các điểm trường do Binh đoàn 15 thành lập.
Trong những năm qua, Binh đoàn đã đầu tư xây dựng 11 ngôi trường khang trang, sạch đẹp với tổng cộng 130 điểm trường, thu hút gần 7.000 học sinh đến lớp, trong đó hơn 70% là con em đồng bào các DTTS trên địa bàn Tây Nguyên. Tại các điểm trường lúc nào cũng tíu tít tiếng nói cười con trẻ. Các cháu đến lớp được sinh hoạt tập thể, thỏa thích vui đùa, múa hát cùng các bạn đồng trang lứa, lại được đơn vị hỗ trợ tiền ăn mỗi ngày".
Khi thấy bà con vùng biên có sự thay đổi nhất định về mặt nhận thức, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15 càng chú tâm vào công cuộc “khai sáng dân trí” cho đồng bào nơi đây. Binh đoàn 15 đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, Binh đoàn còn khuyến khích đội ngũ giáo viên dạy trẻ những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Cô giáo Trần Thị Lan, Trường Mầm non Hoa Hồng (Công ty 74, Binh đoàn 15) tâm sự: “Buổi đầu đón con em đồng bào DTTS, các cháu còn ngơ ngác. Sau một thời gian được dạy dỗ, đến nay, những cháu bé người Gia Rai, Ba Na đã tự tin trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Các cháu còn biết múa hát, kể chuyện, đọc thơ...”.
Ở huyện biên giới Đức Cơ, nói đến Trường Mầm non 18-4 (thuộc Công ty 72) là nhiều người biết đến bởi trường không chỉ đạt chuẩn quốc gia mà còn có quy mô lớn với 18 điểm trường, 61 nhóm lớp nằm trên 4 xã và 1 thị trấn của huyện. Trao đổi với Trung tá QNCN Chu Thị Thư, Hiệu trưởng Trường Mầm non 18-4, chúng tôi được biết, hiện nhà trường có hơn 1.000 cháu ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo đến lớp, trong đó gần 30% là con em đồng bào các DTTS. Tất cả các cháu đều ở bán trú. Riêng các cháu người DTTS không phải đóng bất cứ một loại phí nào, ngoài ra Công ty 72 còn hỗ trợ mỗi cháu 8.000 đồng tiền ăn mỗi ngày. Thấy được sự khó khăn, vất vả của công nhân và người lao động trong việc đưa con em đến trường, Công ty 72 đã trích mỗi tháng 11 triệu đồng để thuê xe đưa đón các cháu đi học hằng ngày. Việc làm ý nghĩa ấy đã tạo niềm vui, niềm hạnh phúc đối với các hộ gia đình công nhân, người lao động của Công ty...
Cũng ở địa bàn huyện Đức Cơ, bao năm qua, Trường Mầm non Sao Mai (thuộc Công ty 75, Binh đoàn 15) đã trở thành địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh. Với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đầy đủ, hiện đại, nhà trường đang nuôi dạy hơn 1.100 trẻ theo hình thức bán trú. Theo Trung tá Dương Kim Tuấn, Giám đốc Công ty 75, nhận thức rõ giáo dục mầm non giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi đây là giai đoạn tạo nền móng cho sự phát triển của trẻ trong tương lai, hằng năm, Công ty tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đồ chơi ngoài trời, trang thiết bị dạy học đầy đủ, phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các cháu. Công ty còn hỗ trợ thêm tiền ăn hằng ngày cho mỗi cháu 4.000 đồng để nâng chất lượng bữa ăn, giảm bớt gánh nặng chi phí cho các bậc cha mẹ học sinh.
Hành quân đến trường mầm non của Công ty 78 (Binh đoàn 15) ở xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi ở địa bàn đặc biệt khó khăn như vậy nhưng hệ thống trường lớp khang trang, cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học không thua kém so với các trường mầm non dưới đồng bằng. Để “tiếp sức” cho các hộ gia đình công nhân, người lao động có con nhỏ lên lô cạo mủ cao su, cả 11 điểm trường đều tổ chức đón các cháu từ mờ sáng. Ở mỗi điểm trường, Ban giám hiệu đều cắt cử hai cô giáo luân phiên trực để đón các cháu tới lớp.
Ngày qua ngày, những mái trường mầm non trên biên giới vẫn vang lên tiếng ê a đánh vần. Những gương mặt trẻ thơ, hồn nhiên, yêu đời đến lớp trong tình yêu thương của cô giáo. Dẫu rằng nơi ấy còn nhiều thử thách, nhưng các đơn vị của Binh đoàn 15 và chính quyền địa phương cùng các cô giáo đã “vượt lên chính mình”, khắc phục khó khăn để duy trì đều đặn những lớp học.
Bài và ảnh: VĨNH LỘC - THANH QUÝ