Lần đầu tiên tôi đến với cán bộ, học viên tàu ngầm là vào năm 2012, khi tháp tùng Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm, kiểm tra công tác huấn luyện và học tiếng Nga của lực lượng tuyển chọn, tiếp nhận tàu ngầm ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đó, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh, tàu ngầm là loại phương tiện, vũ khí hiện đại, tân tiến của Quân đội ta, cũng là loại vũ khí mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có, do đó, phải cần những con người hiện đại thì mới quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích và lâu bền. Đại tướng Phùng Quang Thanh yêu cầu đội ngũ cán bộ, học viên hết sức cố gắng trong học và rèn, nhất là học tiếng Nga cho giỏi, cho thông thạo để hiểu và nắm vững kỹ, chiến thuật của loại phương tiện, vũ khí hiện đại này; ứng dụng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Khoảng tháng 8-2024, khi về Vùng 1 Hải quân công tác, có dịp trò chuyện với Chuẩn đô đốc Vũ Văn Nam, Tư lệnh Vùng 1 Hải quân, tôi bất ngờ khi biết anh từng là Phó trưởng đoàn quản lý học viên tiếp nhận tàu ngầm Kilo 636 lớp thứ nhất. Anh kể cho tôi nghe khá chi tiết về quá trình học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ tàu ngầm. 

Khi đang giữ chức Phó lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn 170 thì anh được điều động làm Phó trưởng đoàn quản lý học viên tiếp nhận tàu ngầm Kilo 636 lớp thứ nhất. Sau thời gian dài tuyển chọn ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, Quân chủng Hải quân đã chọn được hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều thành phần, trong đó có cả binh nhất, binh nhì và đưa về Học viện Kỹ thuật Quân sự để huấn luyện, học tiếng Nga.

Nhằm giúp các “tân binh” nhanh chóng trưởng thành, từ bỏ thói quen cũ, xây dựng ý thức, nền nếp công tác mới, phù hợp với yêu cầu cao trong tác nghiệp ở môi trường đặc biệt là tàu ngầm, anh Nam và các đồng chí chỉ huy đã đồng thuận lấy xây dựng chính quy làm cơ sở. Các anh soạn ra quy trình công việc học tập, rèn luyện với nguyên tắc cơ bản là “giờ nào việc ấy” cho hết quỹ thời gian, không để thời gian thừa, rồi phổ biến và lấy ý kiến đồng thuận trong toàn đơn vị. Anh Nam gọi đó là Bản quy định 20 vì có tới 20 điều mà cán bộ, học viên phải thực hiện trong ngày.

Những ngày sau đó, từ chỉ huy đến thủy thủ cứ răm rắp hành động theo quy trình. Người nào lơ là, chủ quan, thiếu tập trung trong rèn luyện sẽ bị nhắc nhở, kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc. Vài ngày đầu, cả cán lẫn binh còn lạ nước lạ cái, nhưng rồi những ngày sau đó, anh Nam và các đồng chí chỉ huy cũng thu được kết quả tốt. Bộ đội hành động tỉ mỉ, cẩn thận, chuẩn chỉ, thống nhất, tập trung. Không dừng lại ở đó, các anh đã trao đổi và thống nhất với giáo viên dạy tiếng Nga, đưa nội dung ngôn ngữ các chuyên ngành tàu ngầm vào bài giảng để học viên có cơ hội làm quen, không bỡ ngỡ khi học thực hành.

leftcenterrightdel

 Cán bộ, thủy thủ tàu Lữ đoàn 189  Hải quân huấn luyện thoát hiểm trên biển.  Ảnh: BÌNH HẢI

Tháng 10-2011, anh Nam cùng bộ đội sang Liên bang Nga học ngôn ngữ chuyên ngành và huấn luyện tàu ngầm. Lúc này, có một bất lợi là khó tổ chức sinh hoạt chính trị tập trung, hơn nữa, một số đồng chí được tuyển làm thủy thủ là chiến sĩ bộ binh. Trong điều kiện đó, anh Nam và các đồng chí lãnh đạo thống nhất xây dựng quy chế hội họp, ra nghị quyết lãnh đạo phù hợp. Các buổi họp không tập trung đông người. Đến phần việc nào thì mời cấp ủy của đơn vị ấy đến để nắm tình hình, rồi phổ biến, phân công.

Từ những buổi họp như thế, Đảng ủy đã ra chủ trương bổ túc kiến thức hải quân cho các đối tượng. Đảng ủy chọn những người có năng lực và tổ chức xây dựng chương trình huấn luyện. Tận dụng thời gian nghỉ trong tuần, trong ngày, các “thầy” tổ chức bổ túc kiến thức về hải quân cho các học viên. Với cách làm ấy, sau khi kết thúc thời gian học tiếng Nga chuyên ngành thì việc bổ túc kiến thức hải quân cũng hoàn thành. Kết quả đó giúp học viên bước vào huấn luyện chuyên ngành dễ dàng hơn.

Tháng 4-2013, kết thúc chương trình học tập, huấn luyện tại Liên bang Nga, anh Nam trở về nước và đảm nhận chức vụ Trưởng phòng Tàu ngầm (Bộ Tham mưu Hải quân). Trong suốt 5 năm trên cương vị công tác này, anh đã tham mưu cho thủ trưởng Bộ tư lệnh Hải quân nhiều nội dung, vấn đề về xây dựng lực lượng tàu ngầm, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang bị, bảo đảm cho tàu ngầm-vũ khí hiện đại nhất của Quân đội và lực lượng hải quân-trú đậu, huấn luyện và trực sẵn sàng chiến đấu.

Vận dụng kiến thức trong lĩnh vực tàu ngầm, với mong muốn đưa các cơ quan, đơn vị của Vùng 1 Hải quân tiến lên hiện đại có chiều sâu, vững chắc, sau quá trình kiểm tra thực tế, Chuẩn đô đốc Vũ Văn Nam đã nghiên cứu cho ra đời phiếu công nghệ. Sau khi thử nghiệm và đánh giá kết quả trên một số tàu ở Lữ đoàn 170, anh Nam cùng với Thường vụ, Đảng ủy Vùng 1 Hải quân thống nhất nhân rộng trong phạm vi toàn Lữ đoàn 170. Ngay cả lực lượng kỹ thuật trên bờ cũng được chỉ đạo làm phiếu công nghệ và duy trì, thực hiện theo quy định. Đến nay, cách làm này đã lan tỏa khắp các cơ quan, đơn vị của Vùng 1 Hải quân.

Chuẩn đô đốc Vũ Văn Nam tâm tình, các đơn vị tàu mặt nước hiện nay sở hữu nhiều loại tàu với các thế hệ khác nhau, có loại thuộc thế hệ cũ, nhưng cũng có tàu được đưa vào khai thác, sử dụng đã mấy chục năm. Trên những chiếc tàu ấy, thói quen làm việc theo nền nếp cũ đã ăn sâu, trong đó có cả những thói quen không thể đáp ứng chủ trương xây dựng đơn vị chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nhưng rất khó bỏ. Trong khi đó, muốn có phương pháp, tác phong công tác hiện đại, chuẩn mực thì trước tiên phải có con người hiện đại với ý thức kỷ luật cao.

Anh nói với tôi, trên tàu ngầm, từ cán bộ đến thủy thủ phải hành động chuẩn xác, dù là việc nhỏ. Nếu bất cẩn dễ gây mất an toàn, dẫn đến thiệt hại vô cùng lớn. Thế nên, thói quen tập trung cao độ, tác phong làm việc chuẩn xác tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh là mục tiêu tối thượng.

Gần đây, trong Hội thao kíp chiến đấu quý III-2024 do Lữ đoàn Tàu ngầm 189 tổ chức, tôi được chứng kiến tác phong làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm của sĩ quan, trắc thủ các kíp tàu.

Ngay sau khi có đề bài, các kíp chiến đấu chia thành nhiều nhóm. Có nhóm chụm đầu làm việc trên tấm hải đồ lớn phủ kín mặt bàn để tính toán các tham số về đường cơ động, mục tiêu giả định... Có nhóm gồm các trắc thủ lại chăm chú vào màn hình máy tính. Những đôi tay lướt nhanh trên bàn phím để tính toán tham số mục tiêu theo chuyên ngành. Lúc ấy, tôi thấy Trung tá Hàn Văn Hiếu, Thuyền trưởng Tàu ngầm 182-Hà Nội liên tục quan sát, nghe ngóng. Anh yêu cầu sĩ quan tác chiến tích hợp ngay những tham số mà các bộ phận báo về để đưa ra một kế hoạch chính xác. Cuối buổi hội thao, Trung tá Hàn Văn Hiếu chia sẻ với tôi, việc phát hiện, phân loại mục tiêu đối với trắc thủ trên tàu ngầm rất quan trọng. Tham số mục tiêu phải chính xác thì thuyền trưởng mới có cơ sở để báo cáo trên ra quyết định sử dụng hỏa lực tiêu diệt đối phương, giữ an toàn cho con tàu.

Khi lặn xuống độ sâu nhất định, tàu ngầm sẽ di chuyển trong đại dương mênh mông. Nhưng với các phương tiện quan sát hiện đại, tàu có thể phát hiện chính xác nhiều loại mục tiêu trên hoặc trong lòng đại dương ở các khoảng cách và cự ly cho phép. Do đó, để phát huy tính năng kỹ, chiến thuật của khí tài, cần những trắc thủ rất bản lĩnh, có tinh thần kỷ luật cao và thần kinh thép.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới lời của Trung tá Nguyễn Tiến Đoạt, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Tàu ngầm 189 sau hội thao kíp chiến đấu: Khi chưa có máy hơi nước, muốn đi trong đại dương, ngoài dùng buồm, các thủy thủ trên tàu chiến hoặc tàu thám hiểm lớn đều phải chèo tay. Đó là sự phối hợp hành động ăn khớp, nhịp nhàng và đòi hỏi tính kỷ luật rất cao. Trên tàu ngầm cũng vậy, muốn con tàu phát huy tốt hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, ngoài yếu tố trang bị, vũ khí hiện đại thì điều kiện tiên quyết là phải có những thủy thủ, trắc thủ giỏi, với tinh thần và kỷ luật thép. Rèn luyện và tuân thủ kỷ luật chính là bí quyết để quản lý, khai thác “hố đen đại dương” hiệu quả.

HẢI TRANG