Đoàn KT-QP 356 đứng ở thôn Pờ Sa, xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh, dân số khoảng 73.000 người và là nơi tập trung sinh sống của đồng bào Kinh, Thái, Mông, Dao, Giáy, Lô Lô, Hà Nhì. Bà con nơi đây chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Huyện Phong Thổ có chiều dài biên giới khoảng 99km. Nơi điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội và tình trạng canh tác của đồng bào. Muốn chăm lo cho giáo dục thì phải xây dựng nền tảng kinh tế hạ tầng trước.
Trong cuộc trò chuyện với Trung tá Bùi Công Hoan, Trưởng ban Kỹ thuật Đoàn KT-QP 356, anh cho biết, nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục được cụ thể hóa bằng các mô hình "Nâng bước em tới trường", "Cơm nóng cho em tới trường". Đây là hai trong rất nhiều mô hình nhằm phát triển toàn diện đời sống kinh tế-xã hội, giáo dục mà đơn vị thực hiện từ nhiều năm nay.
Để hiểu rõ hơn về những mô hình đang lan tỏa và mang lại hiệu quả, chúng tôi trao đổi với Trung tá Hoàng Quốc Phong, Trưởng ban Dân vận Đoàn KT-QP 356. Anh chia sẻ với giọng đầy nhiệt huyết: "Từ năm 2019 đến nay, mô hình "Cơm nóng cho em tới trường" đã mang những bữa cơm trưa ấm áp đến với gần 3.000 lượt học sinh tại 29 điểm trường thuộc 6 xã vùng cao: Pa Vây Sử, Vàng Ma Chải, Mồ Sì San, Mù Sang, Dào San và Tung Qua Lìn".
|
|
Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 giúp người dân huyện Phong Thổ cấy lúa. Ảnh: NGUYỄN TUẤN |
Ở những bản làng biên giới xa xôi của Phong Thổ, mùa đông lạnh giá khắc nghiệt. Những trẻ mầm non bé nhỏ ôm theo cặp lồng cơm từ nhà tới lớp, nhưng đến trưa thì cơm đã nguội lạnh. Thấu hiểu điều đó, các cô giáo tự tay nấu những bát cơm nóng hổi phục vụ các em. Không chỉ giúp các em có bữa ăn đủ dinh dưỡng mà còn gửi gắm trong đó tình yêu thương, sự quan tâm chân thành. Những bát cơm nóng đã sưởi ấm trái tim non nớt, khiến các em thêm yêu mến thầy cô, bạn bè, trường lớp. Khi trẻ em thích đi học, cha mẹ yên tâm lên nương rẫy, đó chính là thành công lớn của sự nghiệp giáo dục nơi vùng cao.
Để mô hình này lan tỏa, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 356 đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các câu lạc bộ, các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ. Không dừng lại ở đó, mô hình "Con nuôi đội sản xuất và cơ quan" đã nhận nuôi 9 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho các em có môi trường học tập tốt hơn. Trong mô hình "Áo ấm đồng phục nâng bước em đến trường", đơn vị đã trao hơn 6.000 bộ quần áo ấm tặng các em nhỏ tại 13 trường thuộc 7 xã, giúp các em chống chọi với cái lạnh khắc nghiệt của miền núi. Vào dịp Tết Nguyên đán, hơn 1.000 hộ dân nhận được những chiếc bánh chưng ấm áp nghĩa tình, mang hương vị Tết đến từng ngôi nhà.
Đoàn KT-QP 356 còn tặng nhiều đồ dùng học tập, tiếp thêm động lực cho thầy và trò nơi vùng cao. Đoàn đã xây dựng và bàn giao 33 ngôi nhà cho các hộ nghèo, giúp Trường Mầm non xã Pa Vây Sử có nhà ăn mới. Đội ngũ y, bác sĩ của Đoàn tận tâm khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người dân; mở lớp xóa mù chữ cho hơn 300 người. Những đêm hội trăng rằm rộn ràng tiếng cười trẻ thơ, những chuyến tham quan trải nghiệm môi trường Quân đội mở ra chân trời mới, nuôi dưỡng ước mơ cho các em nhỏ.
Chương trình "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường" đã hỗ trợ 14 học sinh, tiếp sức cho hành trình học tập của các em. Đoàn cũng triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như nuôi thỏ, chim cút, cá, trâu, bò, trồng rau trên đá; xây dựng nhà cho người nghèo, giới thiệu việc làm cho 65 lao động địa phương, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào.
|
|
Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 trao quà tặng các cháu trên địa bàn đóng quân, tháng 9-2024. Ảnh: NGUYỄN TUẤN |
Trao đổi với Đại tá Lê Hoàng Mai, Chính ủy Đoàn KT-QP 356, tôi thêm thấm thía cái gọi là "trăm công nghìn việc" mà cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã thực hiện. Tôi cũng cảm nhận được niềm tự hào của các anh khi từng bước nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào. Nhiều năm, Đoàn là điểm sáng về hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội quân công tác, lao động sản xuất trong thời bình. Khi tôi nói đến bất cứ thành tích nào của đơn vị hay cá nhân, anh đều khiêm tốn nhấn mạnh đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của Đoàn.
Đã là nhiệm vụ thì khó khăn nào cũng phải vượt qua để hoàn thành tốt nhất. Sát sao chỉ đạo và nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ đã được đặt ra là phương châm hoạt động thống nhất của toàn Đoàn. Sức mạnh đoàn kết là nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ của Đoàn vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó. Đại tá Lê Hoàng Mai cho rằng, cán bộ, chiến sĩ phải tự rèn giũa bản thân và rèn giũa lẫn nhau thì mới xứng đáng để làm gương cho đồng bào. Chỉ khi bộ đội là tấm gương sáng thì đồng bào mới tin tưởng học hỏi và làm theo.
Đôi lúc, tôi cứ nghĩ, nếu không tiếp xúc, tìm hiểu về Đoàn KT-QP 356 thì có lẽ tôi không thể hiểu hết được vai trò của bộ đội thời bình đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế của đồng bào miền núi. Dù chính tôi ở miền núi mấy chục năm. Đoàn KT-QP 356 và tinh thần làm việc, cống hiến của cán bộ, chiến sĩ ở đây đã khiến tôi có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về trách nhiệm của công dân đối với xã hội, với Tổ quốc.
Chính các anh đã khiến chúng tôi, những người yêu văn chương, yêu trẻ thơ trong một cộng đồng lớn, tiến lại gần nhau, sát cánh cùng nhau, gom góp từng cân gạo, cuốn vở, tấm áo để cùng các anh nhen nhóm, thắp lên những ước mơ đẹp đẽ về tương lai. Các anh luôn mong muốn mô hình “Cơm nóng cho em tới trường” được nhân rộng, được nhiều người quan tâm, chia sẻ để tất cả 1.219 cháu ở 29 điểm trường thuộc 7 xã có cơm nóng để ăn.
Ngoài ra, một số con đường liên bản cần phải được bê tông hóa để hành trình đến trường của các em nhỏ được thuận lợi hơn, an toàn hơn. Các cháu thích đến trường thì tương lai của các cháu sẽ tốt hơn. Thế hệ mầm non này tương lai chính là nguồn cán bộ cho địa phương và là "cột mốc sống" bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc mà Đoàn KT-QP 356 quan tâm, chăm chút.
Qua những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 356, tôi chợt nhận ra rằng những tấm gương bình dị mà cao quý luôn hiện diện ngay bên cạnh chúng ta một cách rất giản dị. Ở nơi nào có anh Bộ đội Cụ Hồ, nơi ấy chắc chắn có những điều chân thành, đáng để lan tỏa và học hỏi. Tôi mong rằng, qua bài viết này sẽ góp phần khơi dậy lòng nhân ái và tình yêu thương trong mỗi con người, cùng chung tay phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 356 chăm lo tốt hơn cho trẻ mầm non vùng biên giới để các cháu có cơm no, ấm áo, học hành tiến bộ.
Nhà văn TỐNG NGỌC HÂN