Dấu son giữa đại ngàn
Nước thượng nguồn đổ về len lỏi qua các khe đá tạo âm thanh, nhịp điệu như bản giao hưởng của thiên nhiên hùng vĩ. Đối với bà con nơi đây, sông Giăng không chỉ cung cấp nguồn thủy sản dồi dào mà còn là dòng chảy mang đậm hồn cốt văn hóa đồng bào vùng cao.
Cái nắng tháng 8 cùng với gió nóng làm chiếc lá khô quắt bay lạo xạo. Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Môn Sơn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) vừa từ địa bàn về. Lau vội những giọt mồ hôi, siết chặt cái bắt tay, anh vui vẻ nói: “Anh em xuống bản giúp dân triển khai mô hình sinh kế mới, bà con vui và phấn khởi lắm. Chiều nay đơn vị sẽ thu hoạch hoa màu tăng gia để sớm mai chuyển ra “gian hàng 0 đồng” trong buổi chợ phiên”.
Nắng tinh nghịch nhảy nhót qua kẽ lá, in những hình kỷ hà ngộ nghĩnh trên nền đất. Vuốt nhẹ nếp vải thổ cẩm vừa dệt xong, ông Lô Văn Nghiệm, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, người có uy tín của địa phương nói mà như tự sự: “Bao đời nay, hoa văn truyền thống vẫn giữ được vẻ đẹp dân tộc. Nét màu tươi sáng như tấm lòng thảo thơm của người con quê hương đi theo Đảng”.
Mạch cảm hứng ùa về, ký ức như thước phim quay chậm. Đầu năm 1931, do yêu cầu nhiệm vụ, Xứ ủy Trung kỳ chủ trương mở rộng phạm vi hoạt động lên các huyện miền núi. Các đồng chí Lê Xuân Đào (Xứ ủy Trung kỳ), Lê Mạnh Duyệt và Nguyễn Hữu Bình (đặc phái viên của Tỉnh ủy Nghệ An) được cử lên Môn Sơn gây dựng phong trào cách mạng.
Tại đây, đồng chí Vi Văn Khang, một thanh niên dân tộc Thái có tư tưởng tiến bộ tham gia. Khi được giác ngộ về lý tưởng cách mạng, đồng chí Khang tiếp tục vận động, lan tỏa tinh thần yêu nước cho nhiều thanh niên khác. Để tránh tai mắt kẻ địch, đồng chí Khang biến ngôi nhà của mình (bản Thái Hòa, bên dòng sông Giăng) thành nơi giao thương hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược, bí mật nuôi giấu cán bộ, tổ chức việc học tập chính trị, họp hành, in ấn tài liệu phục vụ cách mạng được thuận lợi.
Kể tới đây, ông Nghiệm dừng lại, giọng bồi hồi: “Nói thì đơn giản thế chứ thời đó các cụ nhà mình phải rất bản lĩnh, khôn khéo mới qua được sự nhòm ngó của quân thù đấy!”. Ngừng trong giây lát, ông kể tiếp: Tháng 4-1931, chi bộ Đảng ở Môn Sơn chính thức thành lập với 5 đảng viên, đồng chí Vi Văn Khang được phân công làm Bí thư.
|
|
Khu vực sông Giăng - đập Pha Lài là điểm đến thu hút du khách ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ảnh: THÀNH CƯỜNG
|
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhiều tổ chức quần chúng ra đời như: Nông hội đỏ, tự vệ đỏ, thanh niên, hội cứu tế..., đưa phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ngày càng lớn mạnh, sẵn sàng cho cuộc cách mạng.
Rạng sáng 14-9-1931, lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên ngọn cây đa cổ thụ Cồn Chùa. Chi bộ đảng ở Môn Sơn đã lãnh đạo nhân dân trong vùng nhất tề đứng lên biểu tình, hô vang khẩu hiệu chống sưu cao, thuế nặng, chống ức hiếp người lao động, làm cho bọn thổ ti, hào trưởng các thôn, bản run sợ bỏ chạy.
Chuông điện thoại reo, ông Nghiệm cáo lỗi ra nghe máy. Đầu dây bên kia là đồng đội cũ hỏi về cách làm mô hình sinh kế. Khuôn mặt giãn ra, giọng ông vang lên: “Tưởng có chuyện gì to tát, chứ kinh nghiệm nuôi cá lăng thì hỏi đúng người rồi. Cuối tuần này tớ sẽ về tận nơi hướng dẫn kỹ thuật. Đồng đội yên tâm nhé!”.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê cách mạng, chứng kiến nỗi đau bị giặc giày xéo, lòng căm hận kẻ thù dâng cao. Chàng thanh niên Lô Văn Nghiệm viết đơn tình nguyện nhập ngũ, nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Đó là những năm tháng sát cánh cùng đồng đội băng qua mưa bom bão đạn, vượt qua lằn ranh sinh tử, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tất cả vỡ òa hạnh phúc khi góp mặt trong đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nước nhà độc lập, ông Nghiệm trở về, tham gia công tác tại địa phương. Nhớ lại thời kỳ khó khăn sau chiến tranh, nét trầm tư chợt hiện trong ánh mắt. Ngày đó đời sống bà con thiếu thốn đủ thứ, nhiều gia đình không đủ lương thực phải cắt bữa, thương nhất là người già, trẻ nhỏ. Đã thế hủ tục cứ bám riết người dân làm cái nghèo càng thêm túng bấn.
Đúng lúc ấy, Bộ đội Biên phòng bám bản “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với đồng bào đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương những giải pháp căn cơ: Ưu tiên diện tích trồng lúa nước; áp dụng kỹ thuật xen canh các loại cây ngắn ngày; phát động tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách...
Miệng nói, tay làm, cựu chiến binh Lô Văn Nghiệm lại khoác chiếc ba lô một thời trận mạc cùng với Bộ đội Biên phòng ngược sông Giăng lên rừng tìm dân, bày cho đồng bào cách diệt “giặc đói”. Mặc đường xa, đèo cao, suối sâu, mệnh lệnh nơi trái tim luôn thôi thúc bước chân tiến nhanh về phía trước.
Mạch nguồn chảy mãi
- Bố Thắm ơi, bài văn mẫu của con được đọc trước lớp.
- Bố ơi, cô giáo khen con có tiến bộ ạ!
- Bố ơi...!!!
Tiếng trống hết giờ vang lên, các em học sinh người Đan Lai sống trong khu nội trú không ra chơi với đám bạn mà ùa đến vây quanh Thiếu tá QNCN Phan Văn Thắm, nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Môn Sơn để chia sẻ niềm vui.
Tộc người Đan Lai với thói quen ngủ ngồi sống ở thượng nguồn sông Giăng, chỉ cách trung tâm xã Môn Sơn chưa đến 20km, nhưng lại tách biệt với cuộc sống hiện đại. Có lẽ do địa hình đi lại khó khăn, ít tiếp xúc với người lạ nên tính tình của họ nhút nhát, sống co cụm. Vì thế, vấn nạn mù chữ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng tồn tại theo thời gian.
Để tiếp cận, thay đổi thói quen của tộc người ngủ ngồi này là cả câu chuyện dài. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 555 (nay là Đồn Biên phòng Môn Sơn) bám bản, bám dân đều tự hứa sẽ mang đến những điều tốt đẹp nhất cho bản làng. Từ việc chung tay cải thiện vật chất đến chăm lo đời sống tinh thần, sức khỏe cộng đồng, thăm khám, phát thuốc chữa bệnh đều thực hiện tốt. Cùng với đó là xóa bỏ hủ tục, quyết tâm gieo những con chữ đầu tiên nơi “sơn cùng, thủy tận”.
Có điểm trường, bộ đội tiếp tục đến từng nhà thuyết phục đồng bào cho con em họ đến lớp. Kết thúc bậc tiểu học lại phải tính việc chuyển các em ra trung tâm xã để theo học chương trình THCS. Vậy khi học sinh rời nhà đến sống trong khu nội trú thì ai quản lý? Thế là mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên” ra đời. Cái duyên gắn kết giữa anh Phan Văn Thắm với học sinh người Đan Lai là thế.
|
|
Thiếu tá QNCN Phan Văn Thắm như người cha lo cho các em học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ. Ảnh do Đồn Biên phòng Môn Sơn cung cấp
|
Không quản đêm hôm, mưa nắng, anh Thắm luôn gần gũi, quan tâm các em từ miếng ăn đến giấc ngủ, chăm sóc lúc ốm đau, chia sẻ những vui buồn cá nhân, “gỡ rối” cảm xúc tuổi dậy thì... Đón nhận tình cảm ấy, các em luôn kính trọng bộ đội như người cha trong gia đình. Cái tên “bố Thắm biên phòng” đã nói lên tất cả.
Trăng treo trên đỉnh núi, tiếng cá quẫy bắt mồi làm nước bắn tung tóe, lấp lóa như ngàn ánh sao. Tiếng nhạc trầm bổng cất lên trong bản, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nhận ra ngón đàn của nghệ nhân Lương Văn Nghiệp, người giữ hồn dân ca Thái ở bản Cằng. Cùng sở thích đam mê âm nhạc, anh Hùng bật mí: “Phong trào văn nghệ quần chúng của xã được đánh giá là ngọn cờ đầu toàn huyện. Sáng mai mời anh qua chợ xem mọi người biểu diễn”.
Theo chân đồng bào xuống buổi chợ phiên Mường Quạ (tháng họp một lần). Ngoài các gian hàng thương mại phục vụ nhu cầu thiết yếu còn có ẩm thực, dệt thổ cẩm, khăn piêu, áo cóm... Ngó sang “Gian hàng 0 đồng” của Bộ đội Biên phòng thấy sạch bách hàng hóa từ lúc nào. Nói là mang xuống chợ, nhưng thực tế các anh đem đến tặng bà con.
“Nào chúng ta bên nhau/ Mời hỡi ai say sưa/ Mời hãy vui trong hội/ Ra đây quây quần múa vui liên hoan...”. Lời hát vừa cất lên, người phụ nữ mặc áo cóm đứng cạnh kéo tôi tham gia màn dân vũ. Không kể tuổi tác, nam hay nữ, lạ hay quen, mọi người cùng nắm tay nhau đi theo tiếng nhạc. Chẳng biết do giai điệu bài hát hay do hương rượu cần nồng nàn mà nhìn ai cũng ngập tràn niềm vui.
Trên đường về, ghé vào thăm di tích “Cây đa Cồn Chùa” thì được nghe bà con kể về tấm gương hiếu học Nguyễn La Vi Na, nữ sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An giành huy chương bạc Cuộc thi Olympic Toán học quốc tế TIMO. Hạnh phúc lan tỏa, bởi nữ sinh Nguyễn La Vi Na là người Đan Lai đầu tiên đạt giải cao trong cuộc thi quốc tế.
Hoàng hôn vẽ đường chân trời, sợi nắng cuối ngày rung rinh theo chiếc gùi về bản. Mùi thức ăn hấp dẫn làm cái bụng háu đói của đám trẻ con mải chơi hớn hở tìm về. Chưa kịp tìm hiểu nguồn gốc “cơm Mường Quạ, cá sông Giăng” thì được một bác cao niên người địa phương giảng giải giúp: Mạch nước ngọt thượng nguồn sông Giăng luồn qua khe đá sản sinh loài cá mát ngon nức tiếng. Nguồn nước ấy chảy vào đồng ruộng, cây lúa hấp thụ cho hạt gạo chắc mẩy, bát cơm giữ hương vị dẻo thơm.
Tạm biệt mảnh đất biên cương, gió từ dòng sông thổi lên làm muôn vàn chiếc lá như những bàn tay bé nhỏ vẫy chào. Không rượu cần mà sao lòng chếnh choáng men say. Bởi, say vì tình đất, tình người, say nét duyên tiếng khèn, điệu múa, lời ca “...Hỡi nào anh múa cùng em/ Hỡi nào em múa cùng anh/ Trong tiếng khèn ngân vang/ Trong tiếng ca rộn ràng...”.
Ghi chép của PHÙNG MINH