Trước khi đến Trạm Ra đa 590, chúng tôi được nghe người dân địa phương nói rằng, lên tới đỉnh núi Thánh Giá như lên được đỉnh trời. Đứng ở đó có thể nhìn thấy toàn bộ rừng núi, mây trời và biển cả. Đẹp và hấp dẫn là thế nhưng rất ít người đặt chân được lên đó, bởi những con dốc dựng đứng như bức tường và trơn như đổ mỡ, quanh năm sương giăng mờ mờ, ảo ảo. Ngọn núi cao vút này mỗi năm có tới 9 tháng ủ mình trong sương mù. Vì thế, người dân nơi đây gần như đã quên cái tên núi Thánh Giá ban đầu.

Người cao tuổi ở địa phương cũng không còn nhớ núi Thánh Giá có tự bao giờ, chỉ biết rằng từ rất lâu, lâu lắm rồi ngọn núi xa xa, cao ngất kia có hình thù trông giống cây thánh giá. Nhưng do thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, nên hình thù ấy không còn như xưa nữa. Bởi vậy, cái tên núi Thánh Giá cũng dần bị mai một và chỉ còn... trên bản đồ...

Vượt qua nhiều khúc cua tay áo, một bên là vực sâu, chúng tôi đã lên tới lưng chừng núi. Càng lên cao, áp suất chênh lệch càng lớn khiến chúng tôi có cảm giác ù tai. Ngồi trên xe, Đại úy Mai Viết Công, Chính trị viên Trạm Ra đa 590 kể: “Mấy năm nay có xe bán tải nên việc đi lại, tiếp phẩm cũng đỡ vất vả hơn nhiều. Trước đây, mỗi lần thay ca trực, cán bộ, chiến sĩ của Trạm phải đi bộ nhiều giờ, vai phải mang vác lương thực, nước sạch phục vụ sinh hoạt nên vất vả vô cùng. Vậy mà cả Trạm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Thế mới biết bộ đội ta thật bản lĩnh, kiên cường! Có lẽ bởi họ được rèn luyện thường xuyên trong môi trường khắc nghiệt và bởi tinh thần sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc...

Chiếc xe từ từ dừng lại, trước mắt chúng tôi là trạm ra đa nằm ngay trên đỉnh núi. Bước xuống xe, một khung cảnh mênh mang, chót vót khiến tôi có cảm giác như có thể giơ tay đón gió, đu mây và vùng vẫy trên biển trời bình yên Côn Đảo.

Ở Trạm Ra đa 590, công việc hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ là quan sát, quản lý chặt chẽ các loại tàu bè, phương tiện bay trong phạm vi được giao nhiệm vụ quản lý; phát hiện các mục tiêu, báo cáo về sở chỉ huy các cấp, không để bị động, bất ngờ. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, khả năng quan sát.

Chứng kiến một ca trực của đơn vị, quan sát các chiến sĩ thoăn thoắt thực hiện hàng loạt thao tác kiểm tra, bật, hiệu chỉnh các nút cho đến khi màn hình máy tính cho ra kết quả quét mục tiêu, chúng tôi cảm nhận được mức độ thuần thục trong từng chi tiết của những trắc thủ ra đa. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, từng chiến sĩ nhanh chóng báo cáo số liệu để tổng hợp báo về chỉ huy đơn vị một cách chính xác kiểu loại, tốc độ, hướng đi... của mục tiêu và bảo đảm thời gian phát hiện nhanh nhất.

Thiếu tá Đồng Xuân Minh, Trạm trưởng Trạm Ra đa 590 cho biết: “Với nhiệm vụ đặc thù ở địa bàn khí hậu khắc nghiệt, để hoàn thành tốt công việc chung, chúng tôi luôn chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho chiến sĩ, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, xây dựng bản lĩnh, tâm lý vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống”.

Mức độ sẵn sàng của đơn vị không chỉ thể hiện trong tâm thế canh trực thường xuyên, mà còn ở việc duy trì hoạt động đều đặn, hiệu quả các phương tiện, trang bị máy móc. Trên nóc chòi canh, chiếc chảo ra đa liên tục quay tròn, quét “mắt thần” xa hàng chục hải lý, rồi truyền những tín hiệu thu được về trung tâm để giải mã kịp thời. Với bộ đội ra đa, màn hình hiện sóng và những tín hiệu thu được là vô cùng quan trọng để bảo đảm không sót, lọt mục tiêu trong phạm vi đảm nhiệm.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 590 trực xử lý tín hiệu phát hiện mục tiêu trên biển. 

Từ đặc điểm đó, Trạm luôn quan tâm tổ chức tốt công tác huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ cho bộ đội, bảo đảm 100% cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật được huấn luyện sâu về tính năng, tác dụng của các trang bị; quy trình thao tác sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng và đặc biệt là về công tác bảo đảm an toàn trong vận hành, khai thác, sử dụng trang thiết bị kỹ thuật...

Theo Đại úy QNCN Trịnh Xuân Đặng, người có gần 20 năm công tác trên đảo, do yêu cầu nhiệm vụ, mọi thành viên trong ca trực luôn nỗ lực hoàn thành công việc được giao, tuyệt đối không lơ là mất cảnh giác, không bỏ sót mục tiêu. Cán bộ, chiến sĩ luôn duy trì nghiêm ngặt chế độ canh trực quan sát bằng hệ thống máy móc và quan sát bằng mắt thường để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đại úy QNCN Trịnh Xuân Đặng là một trong số quân nhân của Trạm Ra đa 590 từng công tác 6 năm ở đảo Trường Sa trước khi về nhận nhiệm vụ tại Côn Đảo. Để kỷ niệm một thời thanh xuân nơi đầu sóng ngọn gió, anh đặt tên con trai đầu lòng là Trịnh Đỗ Trường Sa. Anh Đặng lý giải: “Trường Sa là con trai của tôi, đó là điều hiển nhiên được pháp luật thừa nhận. Cũng giống như quần đảo Trường Sa là của nước Việt Nam, thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam”.

Điểm nổi bật của cán bộ, chiến sĩ ở trạm ra đa này là tinh thần vượt khó và ý thức trách nhiệm với công việc. Nhiều đồng chí có gia đình, vợ con ở tận ngoài Bắc nhưng vẫn kiên tâm bám trụ tại đảo mấy chục năm trời. Hay những sĩ quan trẻ mới ra trường, cũng xung phong “thử lửa” trên đỉnh núi mù sương. Trung úy Lại Ngọc Toàn, Phó trạm trưởng Trạm Ra đa 590, quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) là một người như thế. Năm 2021, tốt nghiệp Học viện Hải quân, anh nhận nhiệm vụ ra đảo công tác. Từ đó đến nay, Toàn liên tục tham gia các ca trực, sẵn sàng đảm nhiệm công việc thay đồng đội bất kể lúc nào anh em cần đến. Toàn tâm sự: “Tôi còn trẻ, lại đang độc thân nên xung phong trực thêm ngày lễ, tết, vừa để tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm, vừa tạo điều kiện cho đồng đội đã có gia đình được nghỉ ngơi, quây quần bên vợ con chốc lát”.

Tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trở thành nét đẹp của Bộ đội Hải quân nơi biên đảo xa xôi. Nói như Đại úy Mai Viết Công, công tác giáo dục, tuyên truyền, định hướng tư tưởng có vai trò hết sức quan trọng, nhưng mấu chốt vẫn là ý thức tự giác và sự chân thành, sẻ chia, gắn bó với nhau như anh em ruột thịt. Đơn cử như trường hợp những đồng chí gia đình, vợ con ở quê, cả năm mới được nghỉ phép ít ngày, trong khi đó phương tiện đi lại đắt đỏ, khó khăn... Nếu không vì nhiệm vụ, vì tình cảm và trách nhiệm với Tổ quốc thì khó tránh khỏi diễn biến tư tưởng, nhất là những lúc nơi quê nhà vợ ốm, con đau. Làm công tác tư tưởng với những trường hợp như vậy không dễ, mà chỉ có thể xây dựng một tập thể Trạm gắn bó, thương yêu, thực sự là ngôi nhà ấm áp, nghĩa tình để kết nối mọi thành viên, vượt lên tất cả vì nhiệm vụ chung...

Những vất vả, khó khăn của cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 590 còn do tác động của vị trí đóng quân ở độ cao hơn 600 mét so với mặt nước biển, cách doanh trại nghỉ ngơi hơn 4km đường rừng, gấp khúc. Trước đây, mỗi lần thay ca, ngoài tư trang cá nhân, bộ đội phải gùi, xách từng can nước để phục vụ sinh hoạt, nhất là trong mùa khô. Khổ nỗi, ở Côn Đảo, mùa mưa thì sấm chớp ầm ào, gió rít liên hồi, nghiêng cây, lở đất, đường lên đỉnh núi trơn trượt, xanh rêu. Còn mùa khô thì sỏi đá cũng phải cong vênh, bộ đội bảo nhau tiết kiệm từng giọt nước, bởi nếu hoang phí một chút là phải đi bộ vài ki-lô-mét mới có nước tắm giặt... Gần đây, UBND huyện Côn Đảo đã đầu tư xây dựng công trình bể chứa nước có dung tích hơn 300m3. Đại úy Mai Viết Công chia sẻ: “Đây là công trình vô cùng ý nghĩa đối với cán bộ, chiến sĩ chúng tôi, vừa để phục vụ sinh hoạt của đơn vị, vừa sẵn sàng chữa cháy rừng khi cần thiết, giúp bộ đội vơi bớt khó khăn trong đời sống thường ngày”.

Vậy là, cái thời thiếu nước đã qua rồi, thế nhưng trong ý thức của cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 590 việc tiết kiệm nước đã trở thành thói quen tự giác! Cũng giống như thói quen tự giác trong huấn luyện, canh trực sẵn sàng chiến đấu hay tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau... Những thói quen thường ngày ấy đã trở thành nét đẹp của bộ đội Trạm Ra đa 590 trên đỉnh núi mù sương. Đúng như lời khẳng định của đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Côn Đảo mới đây: “Càng trong gian khổ, khó khăn, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ càng tỏa sáng. Ở trên đỉnh núi mù sương, bộ đội ra đa vẫn kiên cường bám trụ, cho cánh sóng tỏa rộng, vươn xa, bền bỉ đêm ngày quét “mắt thần” canh giữ yên bình cho biển, trời Tổ quốc”.
Bài và ảnh: THÀNH CƯỜNG