    |
 |
Được lơ lửng trong không trung là cảm giác cực kỳ thú vị |
“Đường lên trời”
Để tận hưởng 3 giây rơi tự do khi vút khỏi cửa máy bay trực thăng và hơn 2 phút rơi dưới vòm dù từ độ cao 800m, chúng tôi phải vượt qua được vòng kiểm tra sức khỏe tại Viện Y học Phòng không-Không quân với quy trình chặt chẽ gần như kiểm tra sức khỏe cho phi công. Đây là thử thách đầu tiên và nhiều bạn, mặc dù rất đam mê nhưng cũng bị loại do không đạt yêu cầu về thể lực. Bước vào lớp học, các học viên phải trải qua một khóa huấn luyện khoảng 4 tháng vào chủ nhật mỗi tuần tại Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân. Học viên ban đầu học lý thuyết về tính năng, tác dụng của dù, học cách gấp dù và chương trình huấn luyện thực tế giúp học viên học thành thục động tác rời cửa máy bay, mở dù, tiếp đất để tạo thành phản xạ. Động tác học rời cửa máy bay thường được học viên hào hứng nhất vì được tập thực tế trên một chiếc máy bay cũ. Đây cũng là nơi được mọi người ưa thích chụp ảnh ghi lại kỷ niệm mỗi lần đi học. Khi đã thành thục các động tác tập nguội ở mặt đất, chúng tôi tiếp tục học xử lý những tình huống bất trắc trên không như: Xử lý khi hai dù va vào nhau, khi tiếp đất vào rừng cây, mái nhà, ao hồ hay khi dù chính không mở được phải mở dù phụ... Những kỹ năng này học viên phải học đi học lại cho thành một phản xạ thật tốt và phải vượt qua một bài kiểm tra kỹ càng cuối khóa huấn luyện.
    |
 |
Đón bình minh dưới vòm dù |
Suốt quá trình học dưới mặt đất, chúng tôi cũng phải làm quen với việc có mặt đúng 6 giờ tại trung tâm huấn luyện. Dù nhà xa nhưng có những học viên từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương vẫn đều đặn có mặt đúng giờ để theo đuổi đam mê.
Phút giây rơi tự do và sự thách thức bản thân
Cảm giác mặc trên mình bộ quân phục rằn ri, toàn thân bó chặt vào đai dù và chiếc dù nằm trên lưng, khom người bước những bước chậm chậm dưới sức bạt của gió từ cánh máy bay trực thăng thật thú vị. Điều mà trước đây chỉ thấy trên phim ảnh nay đã thành hiện thực. Khi chiếc trực thăng Mi-17 của Trung đoàn Trực thăng 916 cất cánh tại sân bay Hòa Lạc để lấy độ cao, cũng là lúc tim tôi đập nhanh hơn, cảm giác hồi hộp và thích thú. Ai cũng háo hức chờ khoảnh khắc được nhảy. Máy bay đạt độ cao 800m cũng là lúc huấn luyện viên mở cửa để xác định tọa độ thả học viên (lúc này theo thiết bị GPS đo tốc độ của tôi đeo trên người, máy bay bay với vận tốc 100km/giờ).
    |
 |
Phút giây thách thử bản thân |
Mỗi tốp nhảy là 5 người, mỗi người nhảy cách nhau hai giây. Khi từ cửa máy bay có thể nhìn rõ tâm bãi nhảy dù, các học viên ở tư thế sẵn sàng và chờ hiệu lệnh. Tôi được nhảy đầu tốp một nên cảm nhận rất rõ cảm xúc đan xen nhau, một chút hồi hộp, một chút ngợp độ cao, một thoáng lo lắng khi gió từ cánh quạt trực thăng lẫn gió bên ngoài thốc thẳng vào mặt... Khi máy bay từ từ giảm tốc, huấn luyện viên ra hiệu nhảy cũng là lúc chúng tôi được thỏa mãn với cảm xúc vỡ òa, lao vút ra không trung và rơi tự do 3 giây với vận tốc khoảng 50m/giây. Đó là cảm giác mạnh nhất đối với những người theo đuổi môn nhảy dù. Sau 3 giây, tôi làm động tác giật mở dù chính. Nhưng thực tế ở những lần đầu nhảy, tôi cũng như đa số người mới nhảy thường mở dù sớm hơn thế! Khi dù mở hoàn toàn, chúng tôi được tận hưởng phút giây lơ lửng trong không trung và từ từ xuyên qua những lớp mây mỏng, thỏa mắt ngắm cảnh vật xung quanh. Đó cũng là lúc thư thái nhất để có thể tự chụp những bức ảnh lưu niệm cho chính mình bằng camera chuyên dụng (gopro) gắn trên tay, trên giày. Thời gian từ khi rời cửa máy bay đến khi tiếp đất chỉ khoảng hơn 2 phút.
    |
 |
Trang bị đầy đủ của các học viên bao gồm dù chính D6, dù phụ đeo bụng và mũ, giày; được huấn luyện viên kiểm tra an toàn kỹ trước khi nhảy |
Mỗi khóa huấn luyện, một học viên sẽ được nhảy 2 lần, sau đó sẽ nhảy thêm để tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng để lên các loại dù cấp độ cao hơn với thời gian rơi tự do cũng nhiều hơn. Loại dù chúng tôi được nhảy là dù D6, có diện tích 80m2 và là loại dù chuyên dụng huấn luyện các lực lượng đặc công, đặc nhiệm cho nhiệm vụ đổ bộ đường không.
Nhảy dù là môn thể thao thú vị nhất với tôi. Không chỉ mang lại cảm giác mạnh, nó còn đem lại nhiều cảm xúc thú vị cho mỗi lần nhảy. Chính điều đó đã cuốn tôi lên trời nhiều hơn và ở mỗi sân bay khác nhau sẽ lại là cảm giác mới lạ. Tôi thích nhảy ở sân bay Chu Lai nhất bởi được ngắm cảnh biển trong nắng sớm rất lạ. Trước khi tham gia môn nhảy dù, tôi cũng là một người sợ độ cao, có thể là do cảm giác bị ám ảnh thời niên thiếu trèo cây bị ngã khá đau. Sau khi tham gia nhảy dù, tâm sự chung của các học viên là thấy mình mạnh mẽ hơn. Chúng tôi thường tự tán dương cho sở thích của mình với cụm từ khá mỹ miều: “Những kẻ trót đam mê bầu trời” để trả lời cho những câu hỏi của bạn bè, người thân khi nói về việc theo đuổi môn thể thao mạo hiểm nhảy dù.
Và nếu bạn cũng đam mê thì hãy tham gia và trải nghiệm...
Bài và ảnh: ĐINH TRỌNG HẢI
(Phóng viên Báo Quân đội nhân dân)