Gian khó giữa rừng già…

Khi chúng tôi đến trung tâm xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, đồng chí cán bộ tuyên huấn BĐBP tỉnh Bình Phước không quên “thủ tục” quen thuộc là gọi điện thoại cho Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bù Gia Mập để nắm tình hình đường sá. Ngắt câu chuyện qua điện thoại, anh quay qua vui vẻ thông báo đường vào đồn thông suốt. Anh lý giải, mưa to, gió lớn thường làm cây gãy, ngã chắn ngang đường nên không phải lúc nào xe cũng có thể vào đến tận nơi. Có những đợt mưa bão, cây rừng ngã rạp hàng loạt ngang đường, phải mất mấy ngày mới giải tỏa được.

Chiếc xe ô tô Mitsubishi khá cũ chở chúng tôi vốn quen đường đô thị bằng phẳng, nay vào những cung đường đồi núi quanh co, nhiều khúc dốc ngoặt trong Vườn Quốc gia Bù Gia Mập nên có những lúc “hụt hơi”, lái xe phải nhấn mạnh chân ga để vượt qua. Bỏ lại sau lưng hơn 30km đường rừng, trụ sở Đồn Biên phòng Bù Gia Mập hiện ra trước mắt chúng tôi giữa những cây rừng cao vút xanh thẳm.

Cùng với cán bộ, chiến sĩ ra đón chúng tôi, Thượng tá Lê Văn Bình, Chính trị viên Đồn, vui mừng kể: “Đồn ở giữa rừng nguyên sinh, dân cư ở xa, mỗi lần có đoàn vào công tác, chúng tôi có cảm giác vui như hội, không gian tĩnh lặng của rừng nguyên sinh như được khuấy động”.

Doanh trại được xây dựng mới khá khang trang bên sườn núi, cạnh những căn nhà cũ kỹ vốn là doanh trại cũ được sử dụng hàng chục năm trước. Đoạn biên giới do đồn quản lý có chiều dài 12,7km lại nằm ở khu vực rừng rậm, hoang sơ, địa bàn không có dân cư sinh sống. Những chuyến tuần tra, cán bộ, chiến sĩ phải leo qua dốc đá, suối sâu. Ngày nắng thì còn đi được, ngày mưa, những con đường mòn đất đỏ bazan bết dính, trơn trượt, đi lại rất vất vả. Vào mùa mưa, thường xuyên có những đợt lốc mạnh giật tre nứa, cây rừng gãy, ngã rạp chắn ngang đường. Mỗi lần ra trung tâm xã và huyện Bù Gia Mập dự họp, cán bộ đồn phải mang theo dao quắm sắc bén phòng để chặt cây, thông đường.

Đáng ngại nhất là quãng đường từ Đồn Biên phòng Bù Gia Mập đến Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh ở huyện Lộc Ninh, nơi cách xa đồn tới hơn 150km. Trung tá Nguyễn Thành Niên, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bù Gia Mập kể:

- Có những lần nhận được thông báo họp gấp, giữa đêm, chúng tôi phải đi cho kịp giờ. Ban đêm, nhiệt độ ở rừng xuống thấp, có khi trời đổ mưa, chúng tôi vẫn luồn rừng mà đi trong rét lạnh căm căm.

Lẽ thường, sống ở trong rừng, chim muông, thú rừng, cá suối nhiều, con người thường có thói quen ỷ lại, coi việc dựa vào rừng là lẽ tự nhiên... Nhưng ở Đồn Biên phòng Bù Gia Mập, chúng tôi cảm nhận điều hoàn toàn khác. “Những gì của rừng là của rừng, những gì của đồn là của đồn. Với lại, ngoài nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, khu vực biên giới, đồn có nhiệm vụ khá đặc biệt là bảo vệ và phòng, chống cháy rừng anh ạ! Bộ đội phải gương mẫu, lo cho rừng, bảo vệ rừng thì dân mới làm theo”, Trung tá Nguyễn Thành Niên nói với tôi, giọng chắc nịch.

Nhờ công tác bảo vệ rừng luôn được đề cao nên việc tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng luôn được duy trì thường xuyên. Hằng tháng, đồn có kế hoạch tuần tra độc lập và tuần tra phối hợp với Hạt Kiểm lâm của huyện và Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập để bảo vệ nghiêm ngặt. Trong nhiều năm qua, ở khu vực đồn quản lý không xảy ra vụ săn bắt thú rừng nào. Công tác kiểm soát ở các chốt khu vực cửa rừng được triển khai chặt chẽ. 

Độc đáo công trình thủy điện 

Giữa trưa nắng, chúng tôi theo con dốc dẫn xuống khu tăng gia sản xuất (TGSX) của đồn. Trước mắt chúng tôi là một hồ nước rộng. Đại úy Nguyễn Hữu Sỹ, Phó đồn trưởng phụ trách hậu cần đi cùng với tôi, chỉ tay về hồ nước cho biết:

- Trước đây khu vực hồ này hình thành tự nhiên từ khu đất trũng thấp cạnh triền núi. Một đoàn công tác tới thăm đồn chứng kiến cảnh khó khăn, vất vả thiếu thốn đã tài trợ xây dựng một trạm thủy điện quy mô nhỏ phục vụ điện sinh hoạt cho đồn. Khi có dự án tài trợ, cán bộ, chiến sĩ đồn đã dồn sức đào mở rộng hồ, xây đập khoanh giữ đạt lượng nước theo yêu cầu để đáp ứng áp lực nước xả giúp vận hành trạm thủy điện. Dù vậy, lượng điện của công trình thủy điện cũng chỉ đủ cung cấp điện thắp sáng cho sở chỉ huy và phục vụ hoạt động sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ từ 18 giờ đến 21 giờ 30 phút mỗi ngày. Nhưng vào mùa khô, lượng nước trong hồ hạ thấp vẫn không đủ để vận hành trạm phát điện.

leftcenterrightdel
 

 

leftcenterrightdel
Vườn tăng gia của Đồn Biên phòng Bù Gia Mập giữa rừng già. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Dù công suất điện phát ra cung cấp cho đồn không cao, nhưng công trình thủy điện này thực sự là món quà rất có ý nghĩa với đồn. Vào mùa mưa, cán bộ, chiến sĩ tìm mọi cách dẫn lượng nước mưa từ rừng về hồ và duy trì mức nước ở độ cao đạt chuẩn giúp cho hoạt động sản xuất điện năng của công trình thủy điện. Cùng với giá trị cung cấp nguồn nước cho công trình thủy điện, hồ nước còn mang lại nhiều giá trị khi được đồn kết hợp chăn nuôi cá. Chúng tôi đứng bên hồ nhìn các chiến sĩ ném thức ăn xuống nước, hàng trăm con cá đua nhau quẫy đạp, đớp mồi xôn xao mặt nước, trông rất thích mắt. Hồ nuôi cá nhưng không bao giờ được phép tát cạn để bắt hết cá. Khi có nhu cầu, cán bộ, chiến sĩ chỉ cần thả lưới hoặc buông câu là đủ cá để ăn. Cá trong hồ đánh bắt được chủ yếu đưa vào cải thiện bữa ăn cho bộ đội, tặng người dân địa phương hoặc đãi khách.

Cạnh hồ là một khu TGSX tập trung khá rộng với những vườn rau xanh mướt, giàn mướp trĩu quả, vườn cây ăn quả, vườn thuốc nam… Quả thực chúng tôi rất ngạc nhiên khi ở giữa rừng già lại có một khu TGSX tập trung được đầu tư khá bài bản như ở các đơn vị bộ đội chủ lực. Khu TGSX được chia thành nhiều phân khu và kết nối bằng đường nội bộ tráng bê tông. Đặc biệt, vườn cây ăn quả được trồng đủ loại như: Chôm chôm, xoài, vú sữa, khế, đu đủ, chuối cùng với hệ thống tưới tiêu tự động… vốn chỉ được trồng nhiều ở Đồng Nai và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đồng chí cán bộ hậu cần của đồn chia sẻ, để làm được khu vườn này, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bù Gia Mập đã mất nhiều năm liền dành toàn bộ ngày nghỉ, giờ nghỉ để đào đất, xây dựng... Khó khăn nhất là vào mùa khô, nguồn nước tưới tiêu cực kỳ khó khăn. Mực nước trong hồ hạ thấp. Nước sinh hoạt của đồn sau khi sử dụng đều được dẫn thải ra khu TGSX để tưới. Cán bộ, chiến sĩ lại nảy ra sáng kiến dẫn nước ngầm hoặc từ những khe suối ngoài rừng về bằng hệ thống ống dẫn vào khu TGSX.

Các khu vực đều được phân công cho các bộ phận trực thuộc đồn chăm sóc, gắn với hoạt động thi đua TGSX sôi nổi. Ở khu vực chăn nuôi, hai chiến sĩ trẻ đang lúi húi trộn thức ăn cho đàn lợn và gia cầm. Nhìn vào khu vực chăn nuôi, chúng tôi ngạc nhiên vì không hề thấy một con gia súc, gia cầm nào. Đoán được sự thắc mắc của tôi, Đại úy Nguyễn Hữu Sỹ đứng cạnh nói: “Anh chờ một lúc sẽ biết ngay!”. Khi hai chiến sĩ cầm xô thức ăn đổ vào máng và vỗ tay liên tiếp thì bất chợt tôi nghe những âm thanh vọng lại từ rừng. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng chim vỗ cánh, tiếng gà kêu “tung túc” và sau đó là hình ảnh hàng chục con lợn chen chân nhau từ rừng chạy về phía máng ăn; đàn vịt, đàn gà cũng vươn những bước chân lật bật từ trong rừng ra, xô nhau giành thức ăn. Đàn chim bồ câu từ những chuồng gỗ trên lưng chừng cây vỗ cánh sà xuống. Một khung cảnh chan hòa, gần gũi giữa những con vật nuôi và các chiến sĩ biên phòng hiện ra trước mắt chúng tôi thật đẹp và bình dị. Đại úy Nguyễn Hữu Sỹ chia sẻ: “Đồn chăn nuôi hơn 60 con lợn, hơn 200 con gà, 100 con vịt, 11 con bò và hàng trăm con bồ câu... Đó là ước lượng thôi, chứ con số chính xác có thể hơn vì khó xác định được khi tất cả đều được thả rông trong rừng. Mỗi khi tới giờ cho ăn, như đã quen nếp, chỉ cần chiến sĩ chăn nuôi vỗ tay hoặc cất tiếng gọi báo hiệu thì tất cả lại tập trung về”.

Trò chuyện với các chiến sĩ được một lát thì đám gia súc, gia cầm đã dọn sạch lượng thức ăn trong các máng. Những con lợn bụng căng tròn ì ạch bước đi và mất hút vào cánh rừng sum sê thăm thẳm. Thượng tá Lê Văn Bình cho biết, do đồn nằm biệt lập trong rừng, xa trung tâm dân cư, đi lại khó khăn nên TGSX có ý nghĩa rất lớn giúp đồn tự cung, tự cấp. Bên cạnh việc đưa sản phẩm thịt, rau vào bữa ăn cho bộ đội mỗi ngày, đồn còn chế biến thành nhiều loại thực phẩm khô để dành dự trữ phòng khi ngày mưa kéo dài, nguồn lương thực bị gián đoạn. Mỗi năm, đồn thu về khoảng 400 triệu đồng nhờ TGSX. Nguồn tiền này, đồn dành một phần để sửa chữa, đầu tư cảnh quan môi trường, biển bảng và đặc biệt dùng để hỗ trợ cho 3 em học sinh mỗi tháng 500 nghìn đồng/em thuộc Chương trình "Nâng bước em đến trường" do Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động. Mỗi dịp lễ, Tết, đồn lại mổ bò, lợn và mời bà con sống ngoài bìa rừng vào đón Tết cùng để thắt chặt tình đoàn kết quân dân, giúp cho công tác vận động quần chúng luôn tạo được hiệu quả cao. Nhờ kết quả TGSX tốt trong nhiều năm liền, Đồn Biên phòng Bù Gia Mập được cấp trên trao tặng nhiều bằng khen và được đánh giá là một trong những đồn có mô hình TGSX hiệu quả nhất ở tuyến biên giới tỉnh Bình Phước.

Chúng tôi rời Đồn Biên phòng Bù Gia Mập khi ráng chiều chậm rãi đổ bóng xuống rừng già, không gian trong lành, mát rượi. Khi chia tay chúng tôi cũng là lúc tổ tuần tra của đồn bắt đầu chuyến tuần tra địa bàn rừng dọc tuyến biên giới dự kiến vài ba ngày. Họ cũng như những thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng Bù Gia Mập qua bao thời kỳ vẫn lặng thầm, cần mẫn, nỗ lực vượt bao khó khăn để chủ động TGSX, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng tôi cứ bịn rịn mãi với hình ảnh những chiến sĩ quân hàm xanh lấp lánh tình yêu đối với rừng, quyết tâm bảo vệ rừng, khắc phục khó khăn, thiếu thốn bằng ý chí vượt khó, tự hào với những việc mình làm mỗi ngày nơi heo hút rừng già cuối dãy Trường Sơn huyền thoại.

Ghi chép của ĐẶNG TRUNG KIÊN