Chúng tôi trở lại đại ngàn Tây Bắc vào một buổi chiều cuối đông có sương mù bảng lảng phủ khắp những nương ngô, đồi chè xanh mướt. Được báo trước có chúng tôi tới nên Đại úy QNCN Phan Tiến, Trạm trưởng Trạm Vi ba SK9 xuống tận chân núi Tà Xùa đón vào thăm cụ Đinh Tôn. Sau khi thiết đãi chúng tôi, cụ Tôn nhắc lại câu ông Mùa Chống Lầu nói năm xưa: “Thổi khèn Mông hay đón Tết mà phải ăn bát xôi nhạt thì khổ lắm. Nhưng nếu mình nghe bố mình là Thống lý Mùa Chờ La dùng muối của thằng Pháp cung cấp thì khổ hết cả đời mình, đời con cháu mình cũng khổ theo. Cái bụng đồng bào các dân tộc Bắc Yên mình nghĩ như thế nên sẽ vững tin theo cách mạng để chống giặc và bè lũ tay sai đến tận cùng”. 

leftcenterrightdel
Vào vụ xuân trên rẻo cao Tà Xùa. Ảnh: TRỌNG HẢI

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Tôn vui lắm. Tuy đã đón gần 90 mùa xuân mới, nhưng tình yêu núi rừng quê hương của cụ bây giờ vẫn vẹn nguyên như cái thời trai trẻ trong đội du kích địa phương chuyên đánh úp lính Pháp bằng vũ khí tự tạo. Cụ Tôn hiện là đảng viên cao tuổi nhất trên mảnh đất núi rừng xa xôi này. Từ lâu cụ đã coi anh Tiến và những người lính thông tin Lữ đoàn 604 như cháu con của mình. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về các nhân vật nguyên mẫu trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, cụ Tôn kể:

“Đầu năm 1952, khi nhà văn Tô Hoài tới Tà Xùa thì gặp vợ chồng người Mông đang chạy trốn khỏi nhà Thống lý Mùa Chờ La tàn ác làm tay sai cho Pháp. Cái điều cơ cực mà vợ chồng ấy kể cộng với vốn hiểu biết của ông về đời sống đồng bào Mông bị cường hào và thực dân Pháp bóc lột, áp bức nên cái cốt truyện Vợ chồng A Phủ đã sớm được hình thành. Nhân vật cán bộ A Châu trong tác phẩm chính là tôi-người đã giác ngộ cách mạng cho A Phủ. Từ Thống lý Pá Tra, A Phủ, Mỵ, A Sử đến A Châu tôi đều là những nhân vật có thật ngoài đời nhưng được đổi cái tên, bỏ cái họ khi nhà văn đưa vào tác phẩm. Tất nhiên, truyện Vợ chồng A Phủ cũng được nhà văn thêm, bớt nhiều chi tiết, kể cả nhân vật để tôn nội dung lên, cũng như tôn vinh niềm tự hào của đồng bào ta làm cách mạng lúc bấy giờ. Tôi biết rõ nhân vật Thống lý Pá Tra trong truyện là nguyên mẫu ông Mùa Chờ La, làm tay say cho Pháp nên người dân rất căm thù. Tuy nhiên, đến đời con ông La là Thống lý Mùa Chống Lầu lại đi theo cách mạng và giúp đỡ bộ đội ta rất nhiều. Ông Mùa Chống Lầu sau đó đã xây dựng cơ sở, vận động nhân dân ở Khu 99 theo Việt Minh, theo Bộ đội Cụ Hồ".

Khi chúng tôi hỏi về vợ chồng nhân vật nguyên mẫu là Mỵ và A Phủ trong truyện còn hay đã mất thì cụ Tôn bảo: “Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Lầu A Phủ (trong truyện là A Phủ) đưa vợ mình là bà Mùa Thị A (trong truyện là Mỵ) về bên xã Hồng Ngài làm cán bộ địa phương và sinh sống. Cả hai người đã mất khá lâu rồi. Bây giờ mình rất mừng vì các cháu gái của vợ chồng ông ấy lớn lên đều ngoan ngoãn và không còn cảnh bị bắt đi làm vợ như xưa nữa. Thời nay bọn trẻ đều biết yêu, đứa nào thích nhau thì cứ tự do hẹn hò. Đến ngày lành tháng tốt là chúng đón nhau về nhà để cúng Giàng rồi làm vợ, làm chồng. Chứ thuở bà A, có thích ai thì cũng không được yêu, được lấy. May là cả bà A và ông Phủ lúc đó dám bỏ trốn khỏi nhà Thống lý Mùa Chờ La thì gặp được cách mạng nên cuộc đời mới tươi sáng đấy”.

Điều may mắn lớn nhất của chúng tôi là sớm mai thức dậy được cùng cụ Tôn đem cặp chiêng lên đỉnh núi chơi chung vui với những người lính thông tin Trạm Viba SK9 và đồng bào các dân tộc ở Nhà văn hóa trung tâm xã Tà Xùa-địa danh một thời chứng kiến bao cơn ác mộng của những thân phận bị ách phong kiến, thực dân chà đạp. "Nhưng, hang A Phủ ở bên Hồng Ngài kia vẫn còn “hoang sơ như thời tiền sử”-cụ Tôn nói. Hang này là chốn nương thân của vợ chồng bà Mùa Thị A khi xưa chạy khỏi nhà Thống lý Mùa Chờ La và sau đó bộ đội ta chọn làm căn cứ để chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Thiết nghĩ, nếu mai kia nơi đây trở thành điểm du lịch theo dấu chân vợ chồng A Phủ thì du khách sẽ được cảm nhận đầy đủ về miền rẻo cao hùng vĩ và những nhân vật trong văn học có thực ngoài đời...

leftcenterrightdel
Cụ Đinh Tôn chơi chiêng cổ vũ Tết quân dân tại Nhà văn hóa xã Tà Xùa. Ảnh: TÔ VĂN

Gặp chúng tôi và cụ Tôn, già làng Vừ A Lềnh tay bắt mặt mừng, rồi chỉ tay xuống con lợn đang bị gông dưới chân bảo: “Hầy dà! Mình với các già làng, trưởng bản và bộ đội thông tin Quân khu 2 vừa mới họp bàn thống nhất việc phòng, chống cháy rừng trong 3 ngày Tết Nguyên đán xong, bây giờ đang đun nước làm thịt nó đấy. Mời cụ Tôn cùng các nhà báo uống chén rượu nhá”. Chúng tôi trầm ngâm nhìn xuống Bắc Yên mà thấy rạo rực trong lòng. Còn Thượng úy Đặng Quốc Việt, nhân viên kỹ thuật Trạm Viba SK9 thì chào đón chúng tôi bằng câu chuyện thật ấm áp: “Chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tôi thì đã rõ. Nhưng các anh biết không, năm 2017 Ban CHQS xã Tà Xùa được trên giao cho phối hợp với đơn vị chúng tôi xây dựng xã nhà thành một địa phương điểm về công tác dân vận để nhân rộng ra toàn huyện Bắc Yên. Chính vì vậy mà hôm nay mới có buổi sum họp đông vui như thế này".

Xuân đang về với Tà Xùa từ những đồi chè cổ thụ, từ tiếng chiêng, tiếng khèn và những câu chuyện về những con người đã vượt lên chính mình như anh Sùng Chí Hùng, nghiện thuốc phiện gần 10 năm, nhưng nhờ bộ đội Việt, bộ đội Tiến kiên trì vận động bây giờ đã đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”, được dân tín nhiệm bầu làm trưởng bản kiêm thôn đội trưởng. Còn ông Mùa Tùng Cở, cháu ruột Thống lý Mùa Chờ La tàn bạo thuở xưa, hồi đầu năm 2011 đã tin lời kẻ xấu bán hết trâu bò, lợn gà bắt vợ con di cư trái phép lên Mường Nhé (Điện Biên) tụ tập gây mất trật tự an ninh, bây giờ là Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã nên Tết này vui phải biết. “Cái bụng đồng bào Mông mình rất thật thà nên bọn phản động hay lấy tà đạo để dụ dỗ nhằm thực hiện những ý đồ đen tối. Ngẫm lại những ngày lên bản Huổi Khon đói khát đòi về nhà thì bị kẻ xấu đánh đập... nhiều lúc nghĩ mà ân hận cả đời. Bây giờ về bản được bộ đội thông tin 604 giảng giải pháp luật, dạy cho cách làm cây chè, cây ngô đạt năng suất cao, lại còn được hưởng phụ cấp Tiểu đội trưởng dân quân nữa thì còn gì bằng”-Mùa Tùng Cở trải lòng với chúng tôi như vậy trước khi nâng chén rượu.

Một Tà Xùa bình yên, đoàn kết và no đủ đang hiện diện từ chính những điều mà chúng tôi được chứng kiến từ những người lính thông tin Trạm Viba SK9 và đồng bào các dân tộc trên mảnh đất cực Bắc Tổ quốc... Núi rừng nơi đây ấm áp niềm tin và hạnh phúc hướng tới tương lai.

TÔ VĂN BINH