Phóng viên (PV): Thưa ông, trong bài thơ “Màu tím hoa sim”, nhà thơ Hữu Loan viết thương vợ có câu: “Nàng có ba người anh đi bộ đội”. Ông có phải là một trong ba người anh đó?
Trung tướng Phạm Hồng Cư: “Màu tím hoa sim” là bài thơ nhà thơ Hữu Loan viết thương vợ cũng chính là người em gái Lê Đỗ Thị Ninh của tôi. Trong đoạn đầu bài thơ có viết “Nàng có ba người anh đi bộ đội”. Tôi chính là một trong ba người anh được nhắc đến trong bài thơ đó. Người anh thứ nhất là anh cả Lê Đỗ Khôi, hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ mấy tiếng đồng hồ trước giờ toàn thắng. Lúc đó, anh đang là Chính trị viên tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312, có nhiệm vụ đánh từ phía Bắc xuống và bị thương khi đang đánh quân Pháp ở vị trí 506 bên bờ sông Nậm Rốm. Trên đường cáng thương đưa anh về Him Lam-nơi có trạm xá quân y thì đội hình tải thương bị đánh bom tan tác. Việc tìm lại hài cốt của anh tôi cũng vì thế mà gặp khó khăn, mãi sau này Sư đoàn 312 mới tìm được thi thể anh đưa về an nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sĩ A1.
Người anh thứ hai chính là tôi, tên khai sinh là Lê Đỗ Nguyên. Khi đi bộ đội năm 1946, tôi được biên chế vào Tiểu đội Phạm Hồng Thái nên tất cả anh em trong tiểu đội đổi họ tên, tôi đổi thành Phạm Hồng Cư. Người anh thứ ba là Lê Đỗ An, sau làm Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên, đổi tên thành Nguyễn Tiên Phong, khi mất là Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Đảng. Ba người anh đi bộ đội của “nàng” trong bài thơ chính là ba anh em chúng tôi.
PV: Ông có thể chia sẻ đôi điều về hoàn cảnh gia đình ông khi đó?
Trung tướng Phạm Hồng Cư: Ngoài đoạn đầu nhắc đến ba anh em tôi, trong bài thơ có đoạn: Một chiều rừng mưa/ Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc/ Được tin em gái mất/ Trước tin em lấy chồng. Thực tế đây là đoạn thơ miêu tả rất chân thực hoàn cảnh lúc đó vì từ khi bắt đầu kháng chiến chống Pháp, ba anh em chúng tôi đi bộ đội và không có tin tức gì của gia đình. Vậy nên mới có chuyện biết tin em gái mất trước tin em lấy chồng.
Tôi đi bộ đội năm 1946, rồi tham gia Chiến dịch Việt Bắc 1947, đánh thắng trận Bình Ca. Khi ấy tôi là Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca. Năm 1948, Tiểu đoàn Bình Ca cùng một số tiểu đoàn độc lập ở chiến trường Đông Bắc tổ chức đánh địch ở Đường số 4. Năm 1949, Tổng cục Chính trị triệu tập hội nghị chính trị viên ở Việt Bắc, tôi được triệu tập về dự hội nghị và may mắn gặp lại người bạn cùng quê Thanh Hóa học cùng thời nhỏ là anh Võ Trí Sơn, lúc đó là cán bộ Phòng Chính trị Quân khu 4. Gặp nhau anh em rất mừng, nhưng sau phút ngắn ngủi, anh Sơn nắm tay tôi, nước mắt lưng tròng báo tin em Ninh (em gái tôi) mất rồi. Bàng hoàng, sững người hồi lâu tôi mới hỏi han rõ sự tình về gia đình... Em gái tôi mất lúc đi sơ tán tại Thị Long, trong lúc ra sông giặt quần áo không may trượt chân ngã bị nước cuốn trôi... Sau khi biết tin em mất, tôi lại được anh Sơn kể em tôi đã lấy chồng năm 1948, khi vừa tròn 18 tuổi và chồng em không ai xa lạ chính là anh Hữu Loan, người gia sư dạy học mấy anh em tôi thời tiểu học.
PV: Ký ức của ông về người em gái, em rể như thế nào?
Trung tướng Phạm Hồng Cư: Anh Hữu Loan là gia sư được bố tôi mời về dạy ba anh em chúng tôi thời tiểu học. Lúc đó, anh Hữu Loan đã tốt nghiệp trung học và qua việc đó cũng quen biết em chúng tôi. Trong ấn tượng của tôi, anh Loan là con nhà nghèo nhưng học giỏi, có chí, là người cương trực, bản lĩnh, rất yêu văn chương. Bố mẹ tôi cũng rất quý mến con người, tài năng của anh, vì vậy mới yên tâm để anh về dạy chúng tôi học. Tôi là con thứ hai trong gia đình có 8 anh em, em Ninh là con thứ tư. Tôi đi học xa nhà từ sớm, rồi đi bộ đội. Lúc tôi đi, em Ninh vẫn là cô bé mươi tuổi nhanh nhẹn, thông minh, đôi lúc nói chuyện như “bà cụ non”. Lúc nhỏ, em gái tôi thường đòi đi với thầy lên đồi để hái sim. Em tôi thích màu tím hoa sim. Áo em tôi hay mặc cũng màu tím hoa sim… Có lẽ vì thế nên khi em mất, nhà thơ Hữu Loan đã đau khổ viết nên bài thơ này.
Một thời gian sau khi em gái tôi mất, bài thơ được phổ biến rộng rãi. Đó là tiếng lòng đau khổ của người chồng khi người vợ trẻ thương yêu mới cưới qua đời mà không được gặp mặt. Có giai đoạn bài thơ bị cấm vì gợi lên tình cảm quá bi lụy, nhưng đây vẫn là bài thơ rất xúc động về tình cảm vợ chồng, về một câu chuyện chân thực đau buồn trong chiến tranh.
PV: Bài thơ cũng cho thấy một thực tế tàn nhẫn, khốc liệt trong chiến tranh khi không chỉ người ở nhà lo lắng cho người ra trận, mà nơi hậu phương cũng là nỗi lòng của những người lính?
Trung tướng Phạm Hồng Cư: Trong chiến tranh, thường thì những người ở nhà lo lắng cho người ra trận bởi ở tiền tuyến dễ cận kề cái chết hơn, nhưng đây lại là tình huống ngược lại: Không chết người ở tiền tuyến mà chết người em gái nhỏ ở hậu phương. Nó không phải sự đau khổ thốt lên từ trái tim của riêng người chồng với vợ, mà còn là nỗi đau xót của ba người anh như chúng tôi với em gái, của những người cầm súng nơi chiến trường với hậu phương quê nhà.
Khi tôi đi bộ đội vẫn chưa có vợ nên tôi không hiểu hết cảm xúc của những người lính có vợ con nơi hậu phương. Lúc ấy, ba anh em chúng tôi chỉ biết tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu, thư từ không có, ngay cả việc về thăm quê cũng không có điều kiện. Tất cả chuyện hậu phương đều không biết, vậy mới có chuyện biết em gái mất trước khi biết tin em lấy chồng. Ngày ấy, thông tin liên lạc rất khó khăn, những người ở tiền tuyến như chúng tôi nhớ về gia đình ngoài sự nhớ thương, lo lắng cho cha mẹ, các em thì không còn cách nào khác để biết tin tức. Nếu may mắn gặp được người quen cùng quê thì hỏi thăm tin tức. Bởi vậy, khi biết tin em mất rất đột ngột, vì tôi không hình dung được ở hậu phương đã có những chuyện gì xảy ra, cũng không hề biết tin tức về gia đình mình thế nào.
Nhập ngũ từ năm 1946 cho mãi tới năm 1953 tôi tham gia Chiến dịch Thượng Lào giải phóng tỉnh Sầm Nưa, sau khi giải phóng Cánh đồng Chum, tôi xin phép cấp trên được nghỉ phép về thăm nhà. Sau đó, tôi lại đi Chiến dịch Điện Biên Phủ.
PV: Thưa ông, có phải cuộc sống gia đình của những người lính trong chiến tranh luôn thiệt thòi, khó khăn nhưng chính điều đó làm cho những người vợ, người chồng càng mạnh mẽ hơn?
Trung tướng Phạm Hồng Cư: Thế hệ chúng tôi khi vào chiến trường hầu hết đều chưa có vợ, tới khi hòa bình lặp lại, còn sống trở về mới có điều kiện lập gia đình. Như tôi, từ sau Cách mạng Tháng Tám đến kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ liên tục chiến đấu ở các chiến trường, về mới lập gia đình. Vì thế, thú thực trước đó tôi không có thực tế để hiểu tâm trạng những người vợ ở hậu phương.
Năm 1958, tôi được điều động về công tác ở Tổng cục Chính trị, được phân nhà ở tập thể số 16 Lý Nam Đế. Lúc này, vợ chồng tôi mới về ở cùng nhau, mới có cuộc sống gia đình, còn trước đó tôi ở đơn vị, vợ tôi làm giáo viên, mỗi người một nơi, chỉ thỉnh thoảng thăm nhau. Thế hệ chúng tôi, hầu hết các gia đình bộ đội đều sống trong hoàn cảnh hậu phương-tiền tuyến, vợ một nơi, chồng một nẻo suốt kháng chiến chống Pháp, và sau này là trong kháng chiến chống Mỹ, chỉ gặp nhau những dịp về phép chứ không có điều kiện hưởng cuộc sống gia đình thực sự.
Bộ đội được như tôi có nhà ở gần cơ quan là rất hiếm, không nhiều người có được điều đó nhưng kể cả khi được phân nhà gần cơ quan, ở gần vợ con thì tôi vẫn thường xuyên đi vắng vì tôi là phái viên của Tổng cục Chính trị đi các chiến trường, chiến dịch lớn từ Khu 5 đến Xuân Mậu Thân 1968, Quảng Trị, Đường 9-Nam Lào, Thành cổ Quảng Trị đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, nên gần như không ở nhà mấy khi. Vậy là tuy hậu phương ngay cơ quan nhưng thực tế vợ chồng vẫn thường xuyên xa nhau. Cho tới khi kết thúc hai cuộc kháng chiến, tôi về làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thì mới thật sự có cuộc sống gia đình cho đến giờ.
Tất nhiên, không chỉ thời chiến mà ngay cả thời bình, gia đình bộ đội, nhất là những người lính ở đơn vị xa nhà đều chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn. Thế nên tôi thấy rằng, càng xa cách tình cảm càng nồng hậu, càng nhớ thương chứ không vì xa nhau mà nguội lạnh. Ngược lại, càng trong khó khăn, thử thách thì vợ chồng càng biết trân trọng nhau hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
DƯƠNG THU (thực hiện)