Phóng viên (PV): BVQY 109 có vị trí, vai trò như thế nào trên địa bàn Quân khu 2, thưa đồng chí?

Đại tá Bùi Quang Lưu: Là bệnh viện hạng I, tuyến cuối của Quân khu 2, hằng năm, BVQY 109 đảm nhiệm thu dung, cấp cứu, điều trị hàng chục nghìn lượt bệnh nhân, gồm cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2, các cơ quan, đơn vị quân đội, nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và địa bàn lân cận với đa dạng các thành phần, đối tượng. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện chủ động xây dựng mọi nguồn lực, tập trung đầu tư mua sắm trang thiết bị tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của bộ đội và nhân dân. Bệnh viện cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng việc đào tạo tại chỗ, gửi đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn sâu tại Học viện Quân y và bệnh viện tuyến trên; thường xuyên cập nhật, ứng dụng kịp thời thành tựu kỹ thuật mới vào công tác khám, điều trị.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ một số thế mạnh đã làm nên thương hiệu BVQY 109?

Đại tá Bùi Quang Lưu: Nguyên là bệnh viện chấn thương chỉnh hình của quân đội, nhiều năm trở lại đây, BVQY 109 vẫn phát huy được thế mạnh này. Hiện bệnh viện đã phát triển thêm một số kỹ thuật mới rất hiệu quả, như: Thay khớp háng, khớp gối, phẫu thuật sọ não, cột sống... Bệnh viện cũng thực hiện thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo, phức tạp, góp phần giảm tải đáng kể cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời giảm phần nào chi phí điều trị, công sức đi lại cho nhân dân. Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, bệnh viện có hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng hiệu quả vào công tác khám, điều trị, được nhiều bệnh viện đa khoa trên địa bàn tham khảo, ứng dụng.

leftcenterrightdel
Đại tá, bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc Ưu tú Bùi Quang Lưu trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân nặng.  Ảnh: MAI PHƯƠNG

PV: Được biết, BVQY 109 có nhiều hoạt động thiện nguyện cũng như hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đồng chí có thể chia sẻ đôi điều về việc này?

Đại tá Bùi Quang Lưu: Những năm qua, BVQY 109 thực hiện việc tự chủ 85% tài chính theo quy định của Bộ Quốc phòng, lại bị ảnh hưởng rất lớn bởi các đợt bùng phát dịch Covid-19, nên nguồn thu hết sức hạn hẹp. Nhưng chúng tôi xác định, ngoài vai trò, chức năng là các y, bác sĩ làm nhiệm vụ cứu người, mình còn mang trọng trách là Bộ đội Cụ Hồ nên việc hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khi khó khăn, hoạn nạn vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm. Năm nào cũng vậy, bệnh viện cưu mang, điều trị miễn phí cho rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có cả người vô gia cư. Ví như trường hợp bệnh nhân Hà Thị Yên, quê ở Thái Nguyên, bị trụy tim mạch do xuất huyết tiêu hóa, được một taxi chở vào bệnh viện cấp cứu. Suốt thời gian điều trị, bà không có người thân thăm nom, chăm sóc, cũng không có tài sản gì mang theo. Kết thúc điều trị, không những miễn viện phí cho bà, chúng tôi còn phát động quyên góp trong các y, bác sĩ, ủng hộ kinh phí mua thuốc, đồng thời liên hệ với địa phương, rồi cho xe đưa bệnh nhân về tận quê. Hay như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Lưu Giang, 16 tuổi, quê ở xã Sơn Nam (Sơn Dương, Tuyên Quang) bị tai nạn giao thông, không còn bố mẹ, không ai chăm sóc, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bệnh nhân Giang chỉ có cô em gái 11 tuổi ở lại chăm anh trong những ngày Tết. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện quyết định miễn toàn bộ chi phí điều trị và hỗ trợ 5 ngày ăn Tết cho hai anh em. Nhiều bệnh nhân người dân tộc thiểu số, quê ở xa, gia cảnh éo le, không có điều kiện về quê ăn Tết cũng được lãnh đạo bệnh viện trực tiếp thăm hỏi, động viên, tặng quà và chỉ đạo đơn vị phục vụ ăn Tết bằng tiêu chuẩn của cán bộ, công nhân viên bệnh viện.

PV: Đi đến nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Tây Bắc, chúng tôi được nghe người dân kể về BVQY 109 với tình cảm và sự trìu mến đặc biệt trong Chương trình "Quân dân y kết hợp". Đề nghị đồng chí cho biết những việc thiết thực mà bệnh viện đã làm được cho bà con cũng như tính hiệu quả của chương trình này?

Đại tá Bùi Quang Lưu: Mặc dù là bệnh viện tuyến cuối của Quân khu 2 nhưng phạm vi hoạt động của BVQY 109 trải rộng trên khắp địa bàn Tây Bắc thông qua Chương trình "Quân dân y kết hợp". Trong khi đó, phần lớn các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 là vùng trung du, miền núi, biên giới, nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống lạc hậu, kinh tế còn nhiều khó khăn. Đây cũng là điểm khác biệt về nhiệm vụ giữa BVQY 109 với các bệnh viện trên địa bàn và trong khu vực. Từ thực trạng đó, Đảng ủy, Ban giám đốc luôn trăn trở phải làm sao để đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới có điều kiện được tiếp cận với dịch vụ y tế kỹ thuật cao, tuyên truyền để người dân thực hiện nếp sống văn minh, khoa học, xóa bỏ dần các hủ tục đã "ăn sâu bám rễ" bao đời nay. Vì vậy, chúng tôi coi việc tham gia Chương trình "Quân dân y kết hợp" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, hằng năm, Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện chủ động liên hệ, phối hợp với các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2, nhất là khu vực miền núi, biên giới, lựa chọn những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, "vùng trũng" về dịch vụ y tế kỹ thuật cao để thực hiện hành trình khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người dân. Tôi nhiều lần trực tiếp cùng anh em lội suối, băng đèo, đến từng hộ dân khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho đồng bào. Đa số bà con có hoàn cảnh hết sức khó khăn, cả đời chẳng ra khỏi rừng núi, chẳng biết đến viên thuốc, đừng nói gì đến điều trị y tế kỹ thuật cao. Thông qua hành trình đó, nhiều trường hợp bệnh nặng được hỗ trợ đưa lên tuyến trên chữa trị, nhờ thế mà thoát khỏi cơn hiểm nghèo. Đây cũng là dịp “sát hạch” ý chí, rèn luyện y đức cho đội ngũ y, bác sĩ trẻ của bệnh viện. Để sau mỗi đợt công tác tuyến, thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện trèo đèo, lội suối, ăn ở dã ngoại, sinh hoạt thiếu thốn, các bác sĩ trẻ có sự đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân nghèo và đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... 

Đặc biệt, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi còn tranh thủ tối đa thời gian nghiên cứu đặc điểm địa bàn, cơ chế lây nhiễm, loại bệnh thường xuất hiện cũng như nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn đó để phối hợp với y tế địa phương xây dựng mạng lưới y tế phù hợp, đồng thời thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu, cho ra đời các đề tài, sáng kiến, bài thuốc điều trị thích hợp, hiệu quả, phục vụ chữa trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như cán bộ, chiến sĩ LLVT. Không ít đề tài, sáng kiến đã ra đời từ các đợt công tác tuyến, như: Cần nâng tử cung tự tạo dùng trong phẫu thuật nội soi cắt hoàn toàn tử cung; giá đựng túi dẫn lưu dùng trong điều trị bệnh nhân; máy sưởi ấm dịch truyền; xe cấp cứu bệnh nhân lưu động. Trong đó có 3 sáng kiến đoạt giải A tại Hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cấp quân khu năm 2018.

PV: Để nâng cao chất lượng điều trị, kết hợp rèn luyện y đức, y thuật cho đội ngũ thầy thuốc, Đảng ủy, Ban giám đốc BVQY 109 tập trung vào những đột phá gì, thưa đồng chí?

Đại tá Bùi Quang Lưu: Thời gian tới, chúng tôi xác định đột phá vào tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, văn hóa giao tiếp, ứng xử của đội ngũ y, bác sĩ, theo tiêu chí: “Sáng y đức, vững y lý, giỏi y thuật”; nhất là tiếp tục giữ vững các kỹ thuật truyền thống, kết hợp nâng cao chất lượng một số chuyên môn mũi nhọn, như: Can thiệp mạch, nội soi tiêu hóa, chấn thương chỉnh hình; đồng thời phát triển một số kỹ thuật mới trong cấp cứu ban đầu và hồi sức cấp cứu.

Để giảm phiền hà, vất vả cho bệnh nhân và gia đình, Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện cũng chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động khám, tiếp nhận bệnh nhân; từng bước xây dựng hệ thống quản lý bệnh viện theo đề án xây dựng bệnh viện thông minh của Bộ Y tế. Chúng tôi cũng quan tâm đầu tư mua sắm một số trang bị máy móc hiện đại; đồng thời thúc đẩy học tập, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, xứng đáng với kỳ vọng, niềm tin của quân và dân Tây Bắc.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HỒNG SÁNG - PHÙNG SANG (thực hiện)