Phóng viên (PV): Vì sao chị lại chọn con đường xã hội hóa cho múa, trong khi như nhiều người vẫn nói, chị hoàn toàn có nhiều thuận lợi hơn để làm nghề ở một đơn vị nghệ thuật?
Biên đạo múa Tuyết Minh: Tôi đến với múa đúng vào giai đoạn Việt Nam mở cửa hội nhập, múa đương đại bắt đầu phát triển. May mắn hơn khi tôi được học tập bài bản từ các thầy cô giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước. Điều đó không chỉ cho tôi những kỹ năng, kiến thức về múa mà còn giúp tôi được tiếp cận con đường đi, sự giao thoa của múa đương đại, cách tư duy, phương pháp làm nghề, nhất là tiến hành xã hội hóa nghệ thuật múa ở Việt Nam.
Sau khi học 4 năm ở Pháp về, vở đầu tiên tôi tham gia là “Carmen”, do anh Hồng Phong (sau này là Nghệ sĩ Nhân dân) làm biên đạo, diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội 5 buổi đều cháy vé. Sau thành công đó, chúng tôi thử nghiệm với đề tài dân tộc bằng vở kịch múa “Quan âm Thị Kính”, nhưng gặp phải nhiều phản ứng, rằng nghệ thuật múa đương đại không phù hợp để thể hiện một tác phẩm kinh điển của sân khấu dân tộc. Thậm chí nhiều người còn nói không thể làm, có làm cũng không ai mua vé. Chúng tôi khi đó vẫn còn quá trẻ để khẳng định được tiếng nói, cách làm của mình. Tôi và anh Hồng Phong đã quyết tâm đội mưa đi huy động anh em nghệ sĩ cùng tham gia. Chúng tôi muốn được thể hiện tình yêu, thể nghiệm sáng tạo với múa theo cách riêng. Và thật vui khi “Quan âm Thị Kính” sau các đêm diễn kín khán giả đã tạo được tiếng vang lớn. Sau đó là hàng loạt tác phẩm, rồi những tour diễn được chúng tôi tổ chức khắp đất nước để giới thiệu, đưa nghệ thuật múa và các tài năng trẻ đến với khán giả.
Sau này, chúng tôi bận rộn với những công việc riêng nên khó cộng tác cùng nhau, nhưng tôi vẫn tiếp tục con đường xã hội hóa với những dự án khác nhau. Nhiều người bảo tôi sao không về nhà hát nào làm nghề, đỡ phải lo đi xin kinh phí đầu tư, tài trợ. Tôi cũng tự thấy mình lao vào con đường xã hội hóa quả là đã phải vất vả, hy sinh nhiều. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ khác: Tôi muốn được làm việc, học hỏi, giúp đỡ được nhiều người hơn.
PV: Đa số tác phẩm của chị khai thác múa đương đại với đề tài văn hóa, lịch sử dân tộc. Tại sao lại là sự kết hợp này, thưa chị?
Biên đạo múa Tuyết Minh: Bố mẹ tôi đều là nghệ sĩ tuồng. Nhà tôi ở trong khu văn công Mai Dịch. Tôi giống nhiều đứa trẻ trong khu ngày ấy, thường xuyên trong cảnh bố mẹ vắng nhà. Ngày ngày, chúng tôi chơi với nhau, bắt chước người lớn múa các động tác trong tuồng, chèo như một trò chơi trẻ nhỏ. Môn nào tôi cũng được làm quen, thậm chí còn thuộc cả những vở tuồng cổ thời nhà Trần, tuồng Sơn Hậu... Nghệ thuật dân tộc ngấm dần vào tôi tự nhiên như vậy, thêm việc tôi cũng rất thích văn học, có lẽ đó là nền tảng cho những sáng tạo, định hướng trong nghệ thuật sau này của tôi.
Năm 1997, khi đang học năm cuối Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam), tôi mạnh dạn tham gia cuộc thi Tài năng biểu diễn múa Việt Nam với hai tác phẩm tự biên đạo: “Trần Quốc Toản ra quân” lấy cảm hứng từ vở tuồng cổ và “Thân phận” phỏng theo bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương mà tôi rất thích. Tôi cho rằng cái gì mình yêu thích thì sẽ làm tốt, cũng không nghĩ nhiều đến giải thưởng mà chỉ muốn được thể nghiệm những ý tưởng. Tác phẩm của tôi còn non nớt về biên đạo nhưng việc kết hợp những yếu tố của sân khấu truyền thống với múa đương đại đã được các thầy cô đánh giá cao, mang được sức sống mới, hơi thở hiện đại vào nghệ thuật.
Từ những tác phẩm ban đầu để thỏa mãn sự sáng tạo cá nhân, tôi đơn giản chỉ muốn được cống hiến giống như các bác, các cô chú nghệ sĩ mà mình biết. Khi đi theo con đường xã hội hóa, tôi nghĩ sứ mệnh của mình là cùng đồng đội yêu múa, giỏi nghề, tạo nên những tác phẩm hay phục vụ công chúng, để mang đi thi, hay giúp đào tạo những lứa học sinh yêu múa... Càng ngày, khi càng có nhiều trải nghiệm, nhất là khi trải qua những biến cố, tôi nhận ra với múa không chỉ là yêu nữa. Sứ mệnh của mình không chỉ là tôn vinh nghề, anh em nghệ sĩ, phục vụ khán giả nữa, mà còn phải tôn vinh cả những giá trị truyền thống của dân tộc, bằng cách kể những câu chuyện quen thuộc của hầu hết người Việt qua ngôn ngữ gần gũi của múa đương đại
PV: "Biến cố" mà chị nhắc phải chăng là việc trượt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú ở hội đồng cấp Nhà nước năm 2016?
Biên đạo múa Tuyết Minh: Đó cũng có thể được coi là một "biến cố" làm thay đổi nhiều suy nghĩ, quan niệm trong tôi. Tôi từng nghĩ giá trị xã hội phải được thể hiện bằng những thành tích, giải thưởng. Đích đến của nghệ sĩ phải là những danh hiệu để khẳng định mình. Khi trượt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, thực sự tôi thấy thất vọng và bức xúc. Nhưng rồi việc đó cũng khiến tôi suy nghĩ khác đi. Tôi nhận ra danh hiệu rất quý nhưng không quyết định đến những cống hiến và giá trị thậm chí trường tồn hơn cả các danh hiệu mà mình đang dành cả đời theo đuổi.
Trong sáng tạo nghệ thuật, rất khó để nói trước điều gì. Hôm qua, hôm nay anh có thể làm rất hay, rất tốt, có danh hiệu, nhưng ngày mai tác phẩm của anh có thể sẽ bị so sánh không hay bằng một người chẳng danh hiệu gì. Thế nên đôi khi danh hiệu cao quý lại là một chiếc vòng bó buộc sự cống hiến của nghệ sĩ, nếu họ không vượt qua được tâm lý sợ bị chê, sợ không làm tốt hơn cái cũ. Không danh hiệu, biết đâu lại cho tôi thoải mái để sáng tạo, thử nghiệm hơn (cười).
PV: Những tác phẩm múa lớn được đánh giá cao mấy năm gần đây như: “Mỵ” từ tác phẩm văn học "Vợ chồng A Phủ"; ba lê “Kiều” từ "Truyện Kiều"; hay nhạc kịch“Người cầm lái” về Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể coi là kết quả của sự thoải mái sáng tạo, thử nghiệm mà chị nói?
Biên đạo múa Tuyết Minh: Nói đúng hơn thì như tôi đã chia sẻ ở trên, đó là cách tôi chọn để cống hiến được nhiều hơn. Nghe có vẻ to tát nhưng cứ nghĩ nếu dàn dựng vở ba lê nhiều tỷ đồng, dù diễn thành công vài buổi ở nhà hát cũng chỉ phục vụ được một lượng khán giả nhỏ, rất lãng phí. Thay vì mình làm những xa xỉ phẩm như thế, tôi muốn làm những tác phẩm múa tôn vinh nghệ thuật, tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc và phục vụ được đông đảo đối tượng khán giả hơn.
|
|
Cảnh trong vở "Người cầm lái" do biên đạo múa Tuyết Minh làm tổng đạo diễn và tác giả kịch bản, lời ca khúc. |
Khi quay về với những tác phẩm văn học như "Vợ chồng A Phủ" hay "Truyện Kiều", tôi cũng muốn qua nghệ thuật múa để tôn vinh những nhà văn, tác phẩm văn học với những giá trị nhân văn, tư tưởng và ước vọng của con người; để kết nối văn hóa đọc, nghệ thuật cho những người trẻ. Một phần nữa, tôi nghĩ con người phải đến một giai đoạn nhất định mới có đủ kiến thức, trải nghiệm, độ chín để hiểu và thể hiện được những triết lý sâu xa được gửi gắm trong các tác phẩm lớn. Vậy nên phải sau thành công của “Mỵ”, “Kiều”, tôi mới tự tin làm nhạc kịch lớn “Người cầm lái” về Bác Hồ.
PV: Ở Việt Nam, dàn dựng những tác phẩm múa lớn, nhất là kịch múa vẫn là mảng khó, ít người làm, thưa chị?
Biên đạo múa Tuyết Minh: Chúng ta đã có nhiều tác phẩm múa hay nhưng hầu hết là tác phẩm ngắn. Ở mức độ nào đó, để mô phỏng cuộc sống, giải trí thì nghệ thuật múa có thể dừng lại ở những tác phẩm ngắn, nhỏ, nhưng để mang những thông điệp lớn, giá trị riêng biệt của loại hình thì phải có những vở múa lớn.
Trong nghệ thuật múa thì kịch múa là thể loại khó nhất, như tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh được thể hiện bằng ngôn ngữ múa. Thông thường, tổng đạo diễn, biên đạo múa sẽ kiêm luôn tác giả, bao gồm cả kịch bản văn học và kịch bản múa, có khi cả âm nhạc... với những tình tiết kịch rất cụ thể, chi tiết. Điều đó đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về múa và sân khấu, biểu diễn, âm nhạc... Và bởi khó về nhiều yếu tố nên rất ít người làm. Khi làm “Người cầm lái”, tôi vừa là tổng đạo diễn, vừa viết kịch bản, lời nhạc kịch. Tôi vẫn nói vui là cũng may ngày xưa tôi học môn văn khá tốt nên giúp ích được ít nhiều. Tất nhiên, những yếu tố trên chỉ là điều kiện cần mà thôi. Còn nhớ những năm học ở nước ngoài, tôi có một giáo viên người Pháp rất khó tính. Bà thậm chí không cho phép học trò hôm nay múa giống ngày hôm qua. Bà luôn bắt học trò phải làm việc, đặt học trò vào thế phải bật ra năng lượng sáng tạo, thậm chí tranh luận quyết liệt để bảo vệ quan điểm của mình. Sau này tôi càng hiểu ra, bà là người thầy rất giỏi. Tôi nghĩ, với tác phẩm lớn hay nhỏ, ở thể loại nào thì điều quan trọng nhất là nếu mình không chăm chỉ, nghiêm túc, quyết tâm, nếu sợ thất bại thì sẽ không bao giờ làm được gì cả.
PV: Với cương vị Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, chị có thể chia sẻ những mong muốn, dự định của mình?
Biên đạo múa Tuyết Minh: Trên cương vị của mình, điều đầu tiên tôi muốn và làm là tôn vinh các nghệ sĩ ở thế hệ trước đã cống hiến cho nghề mà trong những giai đoạn lịch sử nhất định chưa được tôn vinh đúng mức. Tôi cũng đưa ra ý tưởng và triển khai thực hiện việc tăng cường quảng bá truyền thông các hoạt động của Hội, các nghệ sĩ qua trang web, mạng xã hội, nâng cao chất lượng tạp chí của Hội... Chúng tôi cũng tổ chức rất nhiều cuộc điền dã, thâm nhập thực tế, tập huấn phong trào ở các chi hội trên cả nước, với mong muốn từng bước cải thiện, khắc phục những vấn đề bất cập, khó khăn của nghệ thuật múa và nghệ sĩ trên cả nước hiện nay. Chắc chắn sẽ cần nỗ lực rất nhiều nữa, nhưng dù ở đâu, trên cương vị nào, tôi đều mong muốn và cố gắng để đóng góp nhiều nhất có thể cho nghệ thuật múa Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn chị về những chia sẻ trên!
DƯƠNG THU (thực hiện)