Phóng viên (PV): Xin chúc mừng nhạc sĩ vừa có hai buổi công diễn ấn tượng vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ông từng nói rất mong sẽ nhận được nhiều ý kiến nhận xét, góp ý của khán giả về tác phẩm. Đến giờ, ông đã nhận được phản hồi ra sao?
Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Thật mừng vì hai đêm công diễn đã thành công và tôi cũng nhận được nhiều phản hồi của khán giả, trong đó có nhiều người không thân thiết nhưng nhất định gặp trực tiếp tôi và dành cho tôi và vở nhạc kịch những lời khen ngợi, động viên chân tình. “Bài ca tình yêu” có thể coi là tác phẩm lớn cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của tôi. Tác phẩm được lấy từ nguyên mẫu những cuộc đời có thật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với ý nghĩa ca ngợi sự hy sinh cao cả, ý chí, truyền thống anh hùng của quân dân ta. Ở tuổi 90, tuổi quân cũng nhiều, đã trải qua các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ, tất cả được tôi gom lại trong tác phẩm này và hy vọng sẽ truyền cảm được đến khán giả.
PV: Tại sao lại là “Bài ca tình yêu”, thưa ông?
Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Bởi sự thực trong đó toàn là tình yêu. Tình yêu nam nữ, tình quân dân, tình đồng đội, tình yêu quê hương, đất nước... và cái khó, thử thách với tác giả là làm sao thể hiện thành lời, thành giai điệu truyền cảm tới khán giả. Nói đến đây, tôi xin bày tỏ sự cảm lòng biết ơn tới Quân đội rất nhiều. Chính Quân đội đã rèn luyện, cho tôi được học tập, trưởng thành cả về bản lĩnh, ý chí và chuyên môn nghệ thuật, kiến thức để tạo ra những tác phẩm âm nhạc và giờ đây có thể viết nên “Bài ca tình yêu”. Rồi cũng chính Quân đội đã hỗ trợ, chắp cánh cho tác phẩm được hoàn thành. Vở nhạc kịch được tôi viết từ năm 2011 đến 2013; năm 2014, khi Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đang tập luyện thì phải dừng lại. Tôi thực sự vui và xúc động khi năm 2022, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giao Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội phối hợp với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam xây dựng kế hoạch, tổ chức dàn dựng, tập luyện và công diễn thành công vở nhạc kịch này.
PV: Vậy, “Bài ca tình yêu” cuộc đời của ông đã bắt đầu như thế nào?
Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Nhà tôi ở làng Cót, ngoại thành Hà Nội (nay thuộc quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Giai đoạn chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gia đình tôi từng là cơ sở cách mạng, nơi sinh hoạt bí mật của đảng bộ do đồng chí Vũ Oanh chủ trì. Sau này trong một bài viết, ông Vũ Oanh có nhắc đến việc tổ chức cuộc họp ở nhà bố tôi (ông Hai Chú). Khi đó, tôi 11 tuổi, được phân công làm liên lạc, bảo vệ cơ sở cách mạng. Tôi nhớ có lần về nhà, thấy khẩu súng trường của Nga cao ngang đầu mình đang dựng ở góc nhà, tôi vội vàng lấy chiếu che kín lại, phòng khi quân Nhật tới sục sạo lấy thóc gạo nhìn thấy... Những suy nghĩ, ý thức cách mạng đã nhen nhóm, hình thành dần trong tôi từ khi còn là cậu thiếu niên ngày ấy. Tham gia tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu, vì biết chút ít về âm nhạc nên tôi còn được giao nhiệm vụ hướng dẫn các đội viên học hát, tuyên truyền, phổ biến những bài hát cách mạng. Rồi khi chính thức nhập ngũ, vào Trường Lục quân Việt Nam, tôi được phân công về đội văn nghệ, chơi đàn violin và bắt đầu tập tành sáng tác những ca khúc đầu tiên.
Thật khó để nói hết câu chuyện, chỉ biết rằng cuộc đời tôi gắn bó với âm nhạc và Quân đội. Trước khi là một nhạc sĩ, tôi là một người lính và tôi luôn là một người lính. Trong những năm tháng chiến tranh, tôi cùng các nghệ sĩ có mặt ở khắp các chiến trường, đối mặt với khó khăn, gian khổ và sẵn sàng hy sinh. Thậm chí khi hành quân qua trận địa phục kích của địch, tôi sẵn sàng là người đi đầu, hai tay cầm hộp đàn violin trong tư thế cầm súng hướng về phía trước và tiếp tục đi...
Nhớ kỷ niệm những năm 1966-1968, tôi và vợ (nghệ sĩ Nguyệt Ánh) cùng tham gia đội xung kích B3 của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội), vào Mặt trận Tây Nguyên biểu diễn, do đồng chí Trần Chất là Đội trưởng. Vì nhiệm vụ sáng tác nên tôi hay tách đoàn đi riêng. Một lần, tôi đi cùng đoàn dân công chiến trường, khi đến bên bờ sông Pô Cô, nhìn sang bờ bên kia là đất Campuchia, thì gặp B-52 địch rải thảm. Người trong đoàn hy sinh gần hết. Tôi may mắn thoát vì lúc đó được đồng chí phụ trách bến sông là người Hà Nội, kéo vào hầm bắt kể chuyện Hà Nội bây giờ. Trong số những người hy sinh đó có đồng chí cũng tên là Nho. Thế là tin đến đoàn công tác, ai cũng nghĩ đó là tôi. Đồng chí Trần Chất còn quán triệt cả đoàn tuyệt đối giữ kín không để vợ tôi biết, ảnh hưởng đến nhiệm vụ. Khi tôi biết chuyện tin đồn sai, liền vội vàng quay về đoàn đính chính cho anh em an tâm. Núi rừng Tây Nguyên hiểm trở, đoàn đóng bên dòng suối dốc dựng đứng. Về đến chân dốc, tôi sốt ruột quá, không kịp trèo thang lên lán mà đứng từ dưới gọi với lên: “Có phải đoàn xung kích B3 ở trên đó không?”. Anh em nghe thấy tiếng, ùa ra rồi reo lên: “Ôi, ông Nho còn sống kìa!”. Đến lúc ấy, vợ tôi mới biết chuyện và khóc ầm lên... Chính những năm tháng với thực tế sinh động ấy đã giúp tôi cho ra đời những: “Tây Nguyên mừng đón thơ Bác”, “Bài ca Kpă Klơng”, “Tây Nguyên chiến thắng”... Quả đúng vậy, nếu không đến Hà Tĩnh, gặp được La Thị Tám, đến nhà nghe cô chuyện trò; nếu không tận mắt chứng kiến cảnh bom giội xuống nát tan Ngã ba Đồng Lộc và hành động đếm bom dũng cảm của cô thì làm sao tôi có được “Người con gái sông La” (lời Phương Thúy).
|
|
Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho. Ảnh: DƯƠNG THU
|
PV: Từ những sáng tác đầu tiên như “Bà mẹ nuôi”, “Tiến lên theo gương La Văn Cầu” cho đến đánh dấu sự trưởng thành với hợp xướng “Sóng Cửa Tùng” là khoảng thời gian rất ngắn; và ngay sau đó với những ca khúc như: “Chiếc khăn rơi” (Chiếc khăn piêu), “Tiến bước dưới quân kỳ”... đã định hình phong cách âm nhạc đậm chất dân tộc của ông. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Cách đây không lâu, tôi đã phát biểu nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận rằng: Tôi tốt nghiệp sáng tác tại Nhạc viện Tchaikovsky ở Liên Xô nhưng tôi vẫn coi nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người thầy sáng tác thực thụ của tôi. Bởi ông đã truyền cảm hứng cho tôi và dạy tôi những bước đi đầu tiên cơ bản nhất của một nhạc sĩ Quân đội. Đầu thập niên 1950, tôi chỉ là quản ca của một đại đội được chính trị viên động viên viết ca khúc cổ vũ phong trào thi đua tăng gia sản xuất của đơn vị. Vậy mà theo sự gợi ý và khích lệ của ông, chỉ sau một thời gian không dài, tôi đã viết được hợp xướng “Sóng Cửa Tùng” (1955), “Chiếc khăn rơi” (1956) và đặc biệt là “Tiến bước dưới quân kỳ” (1958).
Bí quyết mà ông gợi mở cho tôi là phải ngấm dân ca với tất cả tâm hồn mình, cùng với nắm bắt tính độc đáo trong ngôn ngữ của từng vùng, miền. Cho đến giờ, tôi vẫn rất khâm phục ông đã sáng tạo ra những thủ pháp mang cá tính sáng tạo riêng nhưng hoàn toàn mới không chỉ với nền âm nhạc Việt Nam mà còn với cả âm nhạc thế giới; như lời nhận định của người thầy dạy sáng tác, cũng là giám đốc Nhạc viện Tchaikovsky (năm 1967). Chất liệu dân ca khi được nhạc sĩ Đỗ Nhuận vận dụng trong các tác phẩm đến nay vẫn có giá trị lớn.
Tôi cho rằng, dù ở giai đoạn nào, chúng ta tôn trọng sở thích, cái mới qua từng thế hệ nhưng cũng không được lãng quên những thành tựu của dân tộc. Dân ca là vốn quý của văn hóa dân tộc nên người làm nghề luôn phải nghiên cứu học tập để thấy cái sâu sắc, cái hay, cái đẹp cũng như cố gắng sáng tạo, vận dụng để đạt được tính dân tộc hiện đại.
PV: Người ta vẫn thường nhắc đến nhạc sĩ Doãn Nho là một hiện tượng hiếm hoi của âm nhạc Việt Nam khi ông vừa sáng tác thanh nhạc, khí nhạc và nghiên cứu. Vậy khi nghĩ đến nền âm nhạc nước ta, ông mong muốn điều gì?
Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Với một vở nhạc kịch, tôi mong sẽ góp thêm một phần nhỏ vào thể loại âm nhạc hàn lâm ở Việt Nam. Ngoài ra, từ thập niên 1960 khi học ở Liên Xô, tôi đã có suy nghĩ và mong muốn bước đầu xây dựng được lý thuyết âm nhạc Việt Nam. Và suốt những năm qua, tôi đã không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá để hình thành công trình “Lược thảo lý thuyết âm nhạc Việt Nam”. Tôi đang cùng một số đồng nghiệp hoàn thiện dự án này và mong sớm có cơ hội để giới thiệu tới các đơn vị chức năng, qua đó đóng góp vào quá trình đào tạo, phát triển âm nhạc nước nhà. Những việc tôi đã làm, đang làm và những mong muốn phần nào thể hiện khát vọng của người lính Cụ Hồ: Đất nước hòa bình, nhân dân hạnh phúc!
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
THU HÒA (thực hiện)