LTS: Kể từ năm 2016, Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nghỉ hưu. Ông bước vào một cuộc “chiến đấu” mới với bệnh hiểm nghèo, từ chối hầu hết những đề nghị phỏng vấn của báo chí nhưng không lúc nào không suy nghĩ, trăn trở về những vấn đề quân cơ, quốc sự. Đó cũng là lý do để chúng tôi kiên trì thuyết phục ông dành cho Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần một cuộc phỏng vấn nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông cho biết, về hưu, ông vẫn tham gia đóng góp xây dựng tổ dân phố, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt Mặt trận Tổ quốc của phường nơi cư trú... Với quan niệm “nghỉ hưu chứ không nghỉ việc, còn sức thì còn góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” nên ông đã quyết định nhận lời với Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần...

leftcenterrightdel
Đại tướng Phùng Quang Thanh.

Quân đội đã làm tốt nhiệm vụ trung tâm

Phóng viên (PV): Thưa Đại tướng, ở Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Đại tướng là người chủ trì của đoàn chủ tịch đại hội. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X, Đại tướng thấy tâm đắc với những điều gì nhất?

Đại tướng Phùng Quang Thanh: Tôi được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu để chữa bệnh hiểm nghèo và bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ huy quân đội và dân quân tự vệ cho đồng chí Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều hành. Theo tôi nghĩ, nghỉ hưu rồi thì không nên phát biểu gì nữa, nhưng nhà báo kiên trì quá, cho nên tôi nhận lời, xin nêu lên một vài cảm nhận mộc mạc của cá nhân.

Trải qua gần 5 năm của nhiệm kỳ X, điều mà tôi thấy tâm đắc nhất là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng vẫn tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội ta trong suốt 75 năm qua. Đảng bộ Quân đội là một tập thể đoàn kết, trách nhiệm cao, đã luôn chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, ổn định xã hội để phát triển toàn diện đất nước.

Quân đội đã làm tốt nhiệm vụ trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện được tổ chức chặt chẽ, tiết kiệm, thiết thực. Cấp ủy và chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương rất trách nhiệm, vào cuộc rất tốt. Đặc biệt là huấn luyện hiệp đồng quân binh chủng, cả về trên bộ, trên không, trên biển và trên không gian mạng đã làm rất tốt. Việc huấn luyện để sử dụng các loại vũ khí trang bị hiện đại của hải quân, phòng không-không quân, của tác chiến điện tử, thông tin liên lạc, tăng thiết giáp... rất tốt. Bộ đội sử dụng thành thạo, hiệu quả, an toàn. Như việc Đoàn Quân đội ta tham gia Army Games 2020 tại Nga đoạt được Huy chương Vàng bảng 2 môn “xe tăng hành tiến”, cho thấy anh em rất thông minh, sáng tạo, đã nhanh chóng nắm bắt và làm chủ được vũ khí trang bị mới mặc dù có những phương tiện, trang bị mà chúng ta chưa có trong biên chế.

Quân đội cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, bảo đảm hoạt động có hiệu quả trong bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đây là mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, đã thành truyền thống, trong những năm vừa qua, từ cấp Trung ương cho đến cơ sở, đã tiếp tục làm có nền nếp, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Bộ Quốc phòng đã tiếp tục hoàn chỉnh Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự trình Bộ Chính trị phê duyệt để triển khai trong thực tiễn. Hoàn chỉnh một số bộ luật về quốc phòng và công bố Sách trắng Quốc phòng.

Công tác kết hợp quốc phòng với kinh tế cũng là một điểm sáng của Quân đội ta trong nhiệm kỳ vừa qua. Chúng ta rất chủ động đề xuất với Chính phủ, di chuyển một số đơn vị không quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu ở các sân bay quốc tế như sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất ra các sân bay khác để tạo điều kiện quỹ đất cũng như tạo điều kiện thời gian, không gian cho các hoạt động bay thương mại, bay dân dụng thông thoáng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Các doanh nghiệp quân đội không chỉ sản xuất hàng quốc phòng phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, cho SSCĐ mà còn tham gia sản xuất, kinh doanh hàng dân dụng và xuất khẩu, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho xã hội, đóng góp vào ngân sách của Nhà nước. Tiêu biểu là Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) mỗi năm đóng góp hơn 40 nghìn tỷ đồng nộp ngân sách, rồi các doanh nghiệp của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội cũng sản xuất, kinh doanh có lãi, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.

Công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, rồi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, khắc phục hậu quả chiến tranh,... chúng ta làm tốt. Công tác dân vận chúng ta tiếp tục làm rất tốt, góp phần làm tô thắm thêm hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong nhân dân, được nhân dân quý mến, tin tưởng. Quân đội ta cũng đã bắt đầu sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, bảo đảm tính cơ động, linh hoạt, ứng biến với các tình huống khó khăn, đột xuất nhưng cũng bảo đảm ổn định về tư tưởng, ổn định về hậu phương của quân đội.

Trên mặt trận tư tưởng thì Quân đội ta luôn luôn đi đầu trong đấu tranh, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”. Nhất là trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Trong nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, tôi thấy Quân đội ta chấp hành rất nghiêm những chỉ thị, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Một số việc rất hiệu quả như chúng ta đã tổ chức các chốt ở trên biên giới để ngăn chặn những người vượt biên trái phép trong điều kiện ăn ở, sinh hoạt rất khó khăn. Nhiều đồng chí phải hy sinh tình cảm riêng để phục vụ cho những nhiệm vụ chung. Bộ đội hóa học tham gia khử khuẩn, sát trùng ở các ổ dịch rất nhanh và hiệu quả. Các nhà khoa học, nhất là ở Học viện Quân y đã nhanh chóng nghiên cứu ra bộ kít xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2. Các đơn vị trong toàn quân được giao nhiệm vụ cách ly hàng chục vạn người nhưng anh em làm rất tốt, chu đáo, được nhân dân đánh giá rất cao.

Công tác đối ngoại quốc phòng có rất nhiều thành tựu. Như năm nay, nước ta làm Chủ tịch ASEAN, trong đó có Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và ADMM + 8 nước đối tác, chúng ta đã thể hiện tinh thần tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm nên chúng ta chủ động trong đề xuất các hình thức để điều hành những hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ của nước chủ tịch và hoạt động có hiệu quả. Trong đó có đề xuất quân đội các nước phải chung tay góp sức để ngăn chặn dịch Covid-19 trong khu vực ASEAN.

Về lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, chúng ta cũng tham gia mấy năm nay rồi. Lúc tôi làm việc thì cũng đã giao nhiệm vụ cho anh em nhưng thời kỳ đó chủ yếu chúng ta sử dụng lực lượng sĩ quan đi làm nhiệm vụ quan sát viên. Mấy năm vừa qua, chúng ta tiến tới cử lực lượng quân y, bệnh viện dã chiến cấp 2 và đã có một số lực lượng khác đến làm nhiệm vụ ở Trung Phi, Nam Sudan để lại những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về văn hóa truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, được bạn bè quốc tế, Liên hợp quốc đánh giá rất cao.

Giữ cho “trong ấm ngoài êm”

PV: Thưa Đại tướng, 5 năm qua, tình hình quốc tế rất phức tạp, tình hình trong nước bên cạnh những thành tựu to lớn cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức; một số người dân, trong đó có không ít bạn trẻ bày tỏ sự lo lắng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Đại tướng có thể chia sẻ đôi điều để người dân, đặc biệt là các bạn trẻ yên tâm và vững tin hơn vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà quân đội chúng ta làm nòng cốt?

Đại tướng Phùng Quang Thanh: Về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu đặt ra là phải bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, nhưng phải gắn liền với bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa rồi bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định chính trị, ổn định xã hội; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc để phát triển toàn diện đất nước. Đúng là tình hình quốc tế hiện nay rất phức tạp, sự cạnh tranh rất quyết liệt của các nước lớn trong khu vực cũng như trên thế giới; tình hình trong nước thì cũng có những khó khăn, thách thức. Nhưng phải thấy đó là những khó khăn trong quá trình phát triển. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, vị thế và tiềm lực như hiện nay. Đây là một lợi thế, một điều kiện hết sức thuận lợi trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta có niềm tin vững chắc bởi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng.

Trong bối cảnh quốc tế có nhiều phức tạp, tôi rất tin vào đường lối đối ngoại của Đảng. Đó là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Chúng ta là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam hiện là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và chúng ta đã có những đóng góp rất xứng đáng trong thời gian vừa qua. Với phương châm “thêm bạn, bớt thù”, giữ “trong ấm ngoài êm” và không đi với nước lớn này để chống lại nước lớn khác, không tham gia các liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam hoặc lợi dụng lãnh thổ Việt Nam để làm phương hại đến an ninh lợi ích quốc gia của các nước khác. Đó là những chủ trương, đường lối rất đúng đắn, đã được thực tiễn kiểm nghiệm.

Chúng ta giữ cho “trong ấm ngoài êm”, bên trong không xảy ra biểu tình, bạo loạn, không xảy ra khủng bố, không có điểm nóng thì bên ngoài người ta không có cớ để can thiệp vào nội bộ đất nước chúng ta. Cho nên, tôi nghĩ, với nhiệm vụ bảo vệ đất nước thì niềm tin của chúng ta có cơ sở, có điểm tựa vững chắc. Nhân dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn, yêu hòa bình, nhân ái, khao khát “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta có đường lối đối nội, đối ngoại hết sức đúng đắn, phù hợp với lòng dân và phù hợp với nguyên tắc lãnh đạo của Đảng ta là tập trung dân chủ. Theo nguyên tắc ấy, những vấn đề về quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước luôn luôn được bàn bạc một cách thấu đáo, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương.

Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với hoạt động quốc phòng, an ninh, đối với sự nghiệp bảo vệ đất nước là điều kiện tiên quyết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân ta có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm rất cao. Chúng ta bảo vệ đất nước bằng sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, sức mạnh toàn diện của các mặt trận: Chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và văn hóa... Đó là nguồn sức mạnh tổng hợp. Với đường lối đúng đắn như thế, với cách xử lý hài hòa các mối quan hệ lợi ích quốc gia, dân tộc; chúng ta hoàn toàn tin tưởng sẽ thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

leftcenterrightdel
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm gia đình Đại tướng Phùng Quang Thanh, năm 2019. Ảnh: TRỊNH PHÚ SƠN

Cập nhật kiến thức cho cán bộ chiến lược

PV: Hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất quan tâm đến vấn đề quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ chiến lược trong quân đội. Với kinh nghiệm và thực tiễn phong phú của mình, xin Đại tướng chia sẻ đôi điều về vấn đề này?

Đại tướng Phùng Quang Thanh: Đây là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ hết sức quan tâm, vì đây là vấn đề hết sức hệ trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.

Căn cứ vào chỉ đạo của Trung ương về tiêu chí cán bộ chiến lược, Quân ủy Trung ương luôn giữ vững nguyên tắc tập thể Quân ủy Trung ương lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ chứ tuyệt đối không giao cho bất kỳ một cá nhân nào quyết định về công tác cán bộ. Với cách làm hết sức dân chủ, đúng quy chế, đúng quy trình, công khai, minh bạch và theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cán bộ được quy hoạch đều là những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất và năng lực, được rèn luyện, tích lũy trong chiến đấu hoặc trong chỉ huy, trong quản lý thực tiễn ở đơn vị cơ sở, có thời gian rèn luyện, tích lũy cần thiết chứ không làm vội, làm tắt.

Trong điều kiện thời bình hiện nay, số cán bộ trực tiếp rèn luyện thử thách qua các cuộc chiến tranh sẽ không còn tại ngũ, điều đó là quy luật tự nhiên, rất bình thường. Chúng ta không mong gì đất nước có chiến tranh để có hàng loạt danh tướng. Chúng ta mong và ra sức giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Trong điều kiện đó, quân đội phải có những cán bộ chiến lược có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, có năng lực nổi trội, gương mẫu và được quần chúng tín nhiệm để cầm quân. Đấy cũng là một điều kiện để góp phần bảo vệ Tổ quốc một cách vững chắc.

Các đồng chí cán bộ chiến lược hầu hết đều được đào tạo từ các nhà trường, có trình độ đại học và sau đại học, đã trải qua rèn luyện ở cơ sở, từ chiến thuật đến cấp chiến dịch, tức là cấp quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, tổng cục... sau đó được đào tạo chỉ huy tham mưu cấp chiến lược tại Học viện Quốc phòng, đào tạo cao cấp lý luận chính trị và có quy trình theo dõi đánh giá hằng năm, căn cứ kết quả hoàn thành nhiệm vụ để đánh giá cán bộ. Lúc tôi làm việc cũng thế, bây giờ cũng vẫn như vậy, và anh em còn sáng tạo hơn.

Đánh giá cán bộ chiến lược phải căn cứ vào thực tiễn chất lượng công việc, xem cán bộ có sản phẩm gì, để xem xét, đánh giá khi bổ nhiệm, giao nhiệm vụ cao hơn. Không đánh giá theo cảm tính, hay theo các mối quan hệ mà phải theo tiêu chí thực tiễn, lấy kết quả và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ để đánh giá cán bộ.

Việc tập huấn, cập nhật kiến thức cho cán bộ chiến lược cần làm thường xuyên. Đừng nghĩ cán bộ cấp cao thì không cần, trái lại, cán bộ cấp cao càng cần được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới. Rồi tổ chức hội thi, hội thao theo chức trách, nhiệm vụ. Cái này trong quân đội là rất cần thiết. Hội thi có hai mục đích. Thứ nhất là để bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ; thứ hai là để đánh giá, để quy hoạch sắp xếp, để sử dụng cán bộ cho đúng.

Trong quy hoạch, lựa chọn cán bộ chiến lược, ngoài yêu cầu về đức và tài, cần chú ý vấn đề sức khỏe cán bộ. Sức khỏe ở cấp nào cũng quan trọng, cấp chiến lược thì càng quan trọng, vì áp lực và trách nhiệm rất lớn. Người ta nói, sức khỏe là cỗ xe chở đầy hạnh phúc, điều đó đúng; sức khỏe cũng chính là cỗ xe chở người cán bộ đến thành công, không có sức khỏe thì “tâm, tầm, tài” đến đâu cũng không làm gì được.

Con người vẫn là quyết định

PV: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động quân sự nói chung, đến nhiệm vụ của Quân đội ta nói riêng, quan điểm của Đại tướng về mối quan hệ giữa con người và vũ khí hiện nay và tương lai sẽ như thế nào?

Đại tướng Phùng Quang Thanh: Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 thì tác động trong môi trường quân đội rất mạnh vì các vũ khí trang bị sẽ đều được số hóa hết. Trước đây, chúng ta chỉ có điều kiện tác chiến ở mặt đất, rồi trên không, trên biển. Thế nhưng bây giờ phải tác chiến trên không gian mạng, sau này phải tác chiến trên vũ trụ khi ta có vệ tinh quân sự, rồi dưới mặt biển, dưới môi trường ngầm. Nếu xảy ra chiến tranh, chúng ta phải tác chiến trên tất cả những môi trường như vậy.

Tổng kết các cuộc chiến tranh mà dân tộc ta đã đi qua và giành được thắng lợi, chúng ta luôn luôn phải tác chiến với những đối tượng mà họ có vũ khí trang bị hiện đại hơn ta gấp nhiều lần và họ có tiềm lực về kinh tế quân sự lớn hơn ta rất nhiều lần và hầu hết là các nước lớn.

Nhưng chúng ta tác chiến phòng thủ, tác chiến bảo vệ đất nước, giải phóng đất nước và trong tương lai thì tác chiến của Quân đội ta vẫn là tác chiến phòng thủ, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa thì vẫn phải tác chiến bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, vẫn là thế trận “toàn dân, toàn diện” đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước. Và dù chiến tranh có hiện đại đến đâu thì con người vẫn là quyết định, con người làm ra vũ khí, con người biết được khuyết, nhược điểm của vũ khí. Vũ khí có hiện đại, tinh khôn nhưng vẫn là máy móc anh cài đặt chương trình, lập trình bắn vào tọa độ nào thì nó bắn trúng vào chỗ đó, nhưng nếu con người linh hoạt, nhanh nhẹn, tháo vát, biết xử lý tình huống, ứng biến nhanh, cơ động liên tục thì tinh khôn mấy cũng không bắn trúng ngay, vì nó là máy móc.

Ông bà ta nói: “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Kinh nghiệm mấy nghìn năm giữ nước của chúng ta đã khẳng định điều này. Vũ khí hiện đại, tinh khôn đến mấy nhưng chúng ta có ý chí, có quyết tâm, có trí tuệ và chúng ta biết hạn chế những thế mạnh của nó, đánh vào những chỗ yếu của nó thì chúng ta vẫn có thể giành chiến thắng. Điều này thực tiễn đã chứng minh rồi. Hơn nữa, Quân đội ta cũng đang từng bước hiện đại, chúng ta đã và sẽ có những vũ khí tinh khôn. Nhiều vũ khí hiện đại chúng ta đã sản xuất và làm chủ, kết hợp với cải tiến, mua sắm; chúng ta sẽ có những vũ khí hiện đại để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài vũ khí, chúng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo con người, rèn luyện con người. Con người ở đây là có bản lĩnh, có trí tuệ, biết làm chủ vũ khí trang bị phù hợp với thế trận chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tôi rất tin tưởng vào đội ngũ sĩ quan của chúng ta hiện nay, họ được đào tạo cơ bản, lại có trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Có thể nói, so với thế hệ chúng tôi, trình độ của anh em cao hơn hẳn. Vì thế, tôi rất tin tưởng Quân đội ta sẽ làm chủ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, biến thành tựu của cuộc cách mạng này thành lợi thế, thành sức mạnh tổng hợp phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại tướng!

HỒNG HẢI – LIÊN VIỆT (thực hiện)