Nhân kỷ niệm 45 năm Việt Nam chính thức gia nhập LHQ (20-9-1977 / 20-9-2022), phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương về những dấu ấn, vị thế của Việt Nam từ khi gia nhập LHQ.
Phóng viên (PV): Đồng chí có thể đánh giá hành trình 45 năm khi gia nhập LHQ, vị trí và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế đã thay đổi như thế nào?
Đồng chí Lê Hoài Trung: Đầu tiên tôi nghĩ, nhìn về vị thế của Việt Nam trong hệ thống các tổ chức quốc tế và LHQ theo đánh giá tổng quát của Đại hội XIII: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thực tế, trong nhiều năm trước đổi mới, quốc tế thường biết đến Việt Nam là một nước có nền văn hóa lâu đời và đa dạng, truyền thống anh hùng, bất khuất qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và giành thắng lợi. Ngày hôm nay, người ta biết đến Việt Nam nhiều hơn về một đất nước đổi mới, phát triển kinh tế, có vị thế ở khu vực và quốc tế ngày càng tăng. Nói về sự tham gia của Việt Nam với LHQ, chúng ta phải nói lại là ngay từ năm 1945, trong Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, Việt Nam đứng về phía các nước đồng minh trong việc chống phát xít. Và chúng ta cũng biết, chính các nước đồng minh là nòng cốt xây dựng tổ chức LHQ.
Trong Bản Tuyên ngôn độc lập, Bác có nhắc đến Hiệp định Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn. Hội nghị Cựu Kim Sơn ở San Francisco, Mỹ họp từ ngày 25-4 đến 26-6-1945, gồm đại biểu 50 nước, đã thông qua bản Hiến chương LHQ. Tức là Bác đã nhắc tới nguyên tắc Hiến chương LHQ. Chúng ta càng đọc càng thấm thía ý nghĩa sâu sắc của Bản Tuyên ngôn độc lập, tầm nhìn quốc tế của Bác, sự ủng hộ của Việt Nam đối với các nguyên tắc Hiến chương LHQ. Năm 1946, Bác viết thư gửi lãnh đạo các nước LHQ đề nghị công nhận nền độc lập của Việt Nam và nêu rõ, sẵn sàng hợp tác với LHQ.
Năm 1977, Việt Nam mới chính thức trở thành thành viên của LHQ nhưng giai đoạn từ năm 1945 đến 1977, Việt Nam đã có đóng góp to lớn, thể hiện qua hai cuộc đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ, là thể hiện nguyên tắc cơ bản nhất của Hiến chương LHQ về độc lập, chủ quyền của các quốc gia.
Ngày 20-9-1977, chính thức gia nhập LHQ, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ. Đến nay, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ và ghi được nhiều dấu ấn, bản sắc của riêng mình tại các cơ quan như: Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC), Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC), Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC). Việt Nam cũng đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan LHQ như: Thành viên Hội đồng Khai thác liên minh Bưu chính thế giới (UPU), nhiệm kỳ 2022-2025; Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nhiệm kỳ 2021-2023; các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO); Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC), nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027; hiện đang đẩy mạnh vận động ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2023-2025; một số cơ chế của LHQ như: Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS), nhiệm kỳ 2023-2028; Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật của Cơ quan quyền lực đáy đại ương (LTC), nhiệm kỳ 2023-2027.
PV: Việt Nam rất tích cực tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình (GGHB) của LHQ. Đồng chí cho biết đánh giá của LHQ về những đóng góp của Việt Nam trong nỗ lực chung nhằm góp phần giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế?
Đồng chí Lê Hoài Trung: LHQ rất mong các nước thành viên tham gia vào hoạt động GGHB của LHQ. Năm 2000, khi ta chuẩn bị tham gia vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, nhiều nước thành viên, lãnh đạo LHQ rất mong muốn Việt Nam tham gia hoạt động GGHB của LHQ. Với vai trò không chỉ là sự đóng góp nguồn lực, bằng thiết bị, bằng con người mà điều quan trọng không kém là thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam đối với các hoạt động GGHB của LHQ. Bởi hoạt động này có không ít khó khăn và trong lịch sử, hoạt động GGHB của LHQ từng bị lợi dụng. Việt Nam được biết đến là nước rất coi trọng các nguyên tắc về độc lập, tự chủ, chủ quyền, ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình các vấn đề tranh chấp, nên sự tham gia của Việt Nam có đặc thù, ý nghĩa rất riêng. Các nước thành viên và lãnh đạo LHQ đánh giá rất cao sự tham gia của Việt Nam.
Thứ nhất, thể hiện Việt Nam là nước thành viên tích cực tham gia hoạt động GGHB của LHQ. Thứ hai, là sự thể hiện cụ thể đường lối hòa bình, vì hòa bình, hợp tác, phát triển. Việt Nam là một thành viên tích cực có trách nhiệm với hoạt động quốc tế. Thứ ba, các nước đánh giá hoạt động của Việt Nam đều đạt được kết quả rất tốt. Đặc biệt là những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia các hoạt động GGHB góp phần đổi mới tích cực cuộc sống của người dân và bảo đảm an toàn, an ninh ở chính các quốc gia có lực lượng của Việt Nam tham gia. Chính vì vậy, LHQ đề nghị Việt Nam tham gia ngày càng nhiều cả về số lượng người và về các lĩnh vực hoạt động. Ngoài ra, các nước thành viên LHQ còn muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo con người cho họ.
PV: Vai trò, đóng góp của Việt Nam tham gia vào các cơ chế hoạch định chính sách của LHQ thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Hoài Trung: Trước yêu cầu phải thể hiện tầm vóc toàn diện và sâu rộng so với các thời kỳ trước, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đây là văn bản chỉ đạo đầu tiên của Đảng ta về công tác đối ngoại đa phương của đất nước, đưa đối ngoại đa phương thành một nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Chỉ thị 25 xác định mục tiêu cho công tác đối ngoại đa phương thời gian tới là “nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước”, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể của nước ta. Việc ta vươn lên giữ vai trò quan trọng hơn tại các cơ chế đa phương then chốt sẽ góp phần nâng cao vị thế, tạo điều kiện cho Việt Nam có thể lồng ghép các ưu tiên, thúc đẩy những lợi ích của đất nước.
Nhằm thực hiện mục tiêu nêu trên, chỉ thị đề ra 6 quan điểm chỉ đạo chính và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại đa phương trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, xã hội, môi trường, giáo dục-đào tạo... Các tầng nấc ưu tiên trong triển khai đối ngoại đa phương được xác định là ASEAN, LHQ; đặc biệt, với vai trò là khu vực then chốt đối với không gian phát triển của Việt Nam và đang trở thành một trung tâm quyền lực mới của thế giới, các khuôn khổ hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có hợp tác tiểu vùng cũng được xác định là một tầng nấc ưu tiên trong triển khai công tác đối ngoại đa phương thời gian tới.
Đối ngoại đa phương trong lĩnh vực kinh tế được xác định là trọng tâm ưu tiên để gia tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Đẩy mạnh đối ngoại đa phương trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh nhằm mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định của quốc gia và khu vực. Chú trọng nâng cao chất lượng đối ngoại đa phương trong các lĩnh vực xã hội, môi trường, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa, y tế và các lĩnh vực khác. Nâng cao năng lực triển khai công tác đối ngoại đa phương thông qua việc đẩy mạnh đổi mới tư duy, cách tiếp cận, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đối ngoại đa phương; kiện toàn cơ chế phối hợp, giám sát, đôn đốc trong triển khai đối ngoại đa phương; chủ động đăng cai tổ chức các hoạt động đa phương lớn để nâng cao vị thế, thúc đẩy hợp tác và quảng bá hình ảnh đất nước.
PV: Thưa đồng chí, thế giới đang đầy biến động, Việt Nam cần làm gì để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và phát triển bền vững, tạo môi trường an ninh ổn định quốc tế?
Đồng chí Lê Hoài Trung: Trước hết, đóng góp lớn nhất của Việt Nam là thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn. Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; "là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế"; nắm vững hai mặt đối tác-đối tượng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định nguyên tắc, mục tiêu chiến lược nhưng linh hoạt, khôn khéo về sách lược... Cơ chế thực hiện đối ngoại là phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và quản lý tập trung của Nhà nước; độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa...
Việt Nam tích cực tham gia xây dựng đường lối, chính sách vào các tổ chức, cơ chế của LHQ. Trong đó có đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế; tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
PHẠM TUẤN - HẢI LÝ (thực hiện)